NATO trước bài toán cải tổ
Để đối phó với những thách thức mới, không chỉ cải cách để củng cố sự gắn kết, mà trong nhiều lĩnh vực khác, từ an ninh, chống khủng bố, đến biến đổi khí hậu, những đại dịch trong tương lai... NATO đang phải đối mặt với bài toán cải tổ mạnh mẽ. Đây cũng là trọng tâm của báo cáo về sự phát triển của liên minh quân sự này trong vòng 10 năm tới do chính Tổng Thư ký Jens Stoltenberg đề xuất soạn thảo.
Tổng Thư ký NATO Stoltenberg thăm một đơn vị của tổ chức này đồn trú ở BaLan. |
Được đề xuất soạn thảo sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi năm 2019 từng nói NATO đang rơi vào tình trạng “chết não” do thiếu sự phối hợp chiến lược và vai trò lãnh đạo của Mỹ, đòi hỏi liên minh này cần có các biện pháp cải cách để vực dậy sức mạnh trước những thách thức mới nổi, báo cáo của người đứng đầu liên minh quân sự này chẳng khác nào một lời đáp cho những chỉ trích của ông Macron về một liên minh đã chậm thích ứng với cấu trúc và phạm vi tiếp cận của mình, trong đó, quá trình ra quyết định thường phức tạp và khó khăn, cản trở khả năng liên minh đưa ra phản ứng mau lẹ.
Báo cáo dài 67 trang này thừa nhận rằng NATO, vốn được nhìn nhận là di sản của Chiến tranh Lạnh cho đến khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014, đã tìm được mục đích mới cho công cuộc hiện đại hóa quân sự của mình, song giờ đây cần phải “đóng một vai trò lớn hơn trong trật tự quốc tế. NATO phải điều chỉnh để đáp ứng những đòi hỏi của một môi trường chiến lược, được đánh dấu bởi sự cạnh tranh mang tính hệ thống, một nước Nga không ngừng quyết đoán và một Trung Quốc đang trỗi dậy”.
Giải thích thêm cho khía cạnh này của báo cáo, các chuyên gia phân tích cho rằng với một thách thức tương tự đối với phương Tây xuất phát từ một Trung Quốc đầy tham vọng, NATO giờ đây cần thực hiện những bước tiến tương tự trên mặt trận chính trị, trong đó có tính đến việc tiếp cận nhất quán hơn đối với những đồng minh châu Á vốn lo ngại về những tham vọng của Bắc Kinh.
Theo đó, NATO cần thành lập một “cơ quan tham vấn” để phối hợp chính sách rộng lớn hơn của phương Tây đối với Trung Quốc, quốc gia NATO đã chính thức xếp vào hàng “đối thủ cạnh tranh”.
Được đề xuất soạn thảo giữa lúc đầy hoài nghi về mục đích và vai trò của liên minh sau chỉ trích của Tổng thống Pháp Macron cho rằng “NATO đang chết não”, báo cáo này cũng đề cập sự cần thiết để NATO giúp chống lại các cuộc tấn công của quân sự, phát triển một chiến lược sườn phía Nam của NATO và chuẩn bị nhiều hơn cho những thay đổi công nghệ. Giới chuyên gia nhận định: “Ngày nay, NATO đối mặt với nhiều đối thủ mang tính hệ thống (ám chỉ Nga và Trung Quốc), mối đe dọa dai dẳng của chủ nghĩa khủng bố và tình trạng bất ổn ở khu vực ngoại vi phía Nam của NATO”.
Binh lính NATO trong một cuộc tập trận. |
NATO cần phải tìm cách ngăn chặn các nước thành viên phủ quyết các quyết định chính sách như Hungary đã từng làm đối với các kế hoạch của NATO nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ của khối đối với đồng minh ngoài NATO là Ukraine hoặc như Thổ Nhĩ Kỳ đã làm đối với Israel. Về quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), báo cáo cho rằng các nhà lãnh đạo NATO cũng có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo EU, kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ hơn với EU cũng như với tham vọng và nỗ lực quân sự của EU.
Ngoài ra, báo cáo khuyến nghị về vai trò của người đứng đầu liên minh, theo đó cần trao cho Tổng Thư ký NATO nhiều quyền lực hơn đối với vấn đề nhân sự và ngân sách và có nhiều cuộc họp thường xuyên hơn, có thể liên quan đến những vấn đề tài chính và nội bộ. Những cải cách trên có thể được tiến hành một phần bằng cách cập nhật tài liệu chiến lược tổng thể của NATO mang tên “Khái niệm chiến lược”, vốn được soạn thảo từ năm 2010, trong đó tìm cách coi Nga là một đối tác.
Dự kiến sẽ được đệ trình lên giới lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh diễn ra vào năm 2021, báo cáo nói trên cũng tìm cách tháo gỡ những căng thẳng trong mối quan hệ đồng minh trong khối, những nước có vai trò trong quá trình ra quyết định như Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, mặc dù không đề cập cụ thể tên của những nước này. Giới phân tích cho rằng các đồng minh khác, như Pháp và Mỹ, cảm thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã làm suy yếu những ưu tiên của NATO ở Libya và Syria, trong khi việc Ankara mua hệ khí tài của Nga đã tạo ra vấn đề gây chia rẽ quan hệ đồng minh trong khối. Báo cáo khẳng định: “Sự chia rẽ chính trị trong nội bộ NATO rất nguy hiểm”.
Để cứu NATO thoát khỏi tình trạng này, từ Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập diễn ra tháng 12 năm ngoái, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã coi việc định ra đường hướng chiến lược “phù hợp với hoàn cảnh mới” là nhiệm vụ “cấp bách”. Theo đó, bên cạnh nhiệm vụ “chống khủng bố”, NATO sẽ chú trọng đến lĩnh vực không gian; phát triển năng lực bảo vệ các vệ tinh quân sự và dân sự; cạnh tranh chiến lược với Nga và Trung Quốc. Khối cũng chủ trương thành lập nhóm nghiên cứu về học thuyết chính trị, quân sự mới của Liên minh cho phù hợp với thực tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giảm đối đầu, giải quyết bất đồng, mâu thuẫn bằng đối thoại hòa bình, hợp tác cùng phát triển đang là xu thế chủ đạo của thời đại thì NATO cần phát huy vai trò tích cực của một liên minh chính trị, quân sự hàng đầu thế giới trong việc duy trì luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Hợp tác chặt chẽ với các nước để đối phó, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức, xây dựng thế giới hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng, tuyệt đối không được ỷ vào sức mạnh để răn đe hoặc sử dụng vũ lực nhằm đạt mục tiêu cường quyền, bá quyền khu vực và thế giới. Chỉ có như vậy, NATO mới tồn tại và phát triển.