Nga tạo ưu thế trên bầu trời Syria
- Vì sao Pháp tham gia cuộc không kích IS ở Syria?
- Phương Tây đang bóp méo sự thật về hoạt động của Nga tại Syria1
- Syria và chiến lược Trung Đông của Tổng thống Putin
- Nga phê chuẩn việc sử dụng quân đội tại Syria
- Vẫn tồn tại khác biệt giữa Nga, Mỹ trong vấn đề Syria
- Nhiều nước lên tiếng ủng hộ Tổng thống Syria2
- Tại sao phương Tây muốn lật đổ Tổng thống Syria?
- Pháp lần đầu không kích IS ở Syria
- Nga, Iran, Iraq và Syria lập Trung tâm thông tin chống IS
- Tiến trình hòa bình Syria không thể thiếu Nga1
- Tổng thống Syria cáo buộc phương Tây đứng sau IS
- Lãnh đạo các nước châu Âu thay đổi lập trường với Syria
- Sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria là ‘theo yêu cầu’
- Nga tập trận hải quân gần bờ biển Syria1
Việc Nga triển khai chiến dịch ném bom vào lúc này được xem là một bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến chống IS và cả cuộc nội chiến giữa phiến quân đối lập FSA với quân đội chính phủ Syria. Tính hiệu quả của các máy bay ném bom Nga là ưu điểm nổi bật tạo niềm tin vào một chuyển biến quyết định cho các cuộc chiến.
Trong 2 ngày trước đó, máy bay ném bom Nga đã thực hiện hàng chục cuộc không kích, trong đó riêng ngày 1/10 là 30 phi vụ, tại nhiều địa điểm khắp từ tỉnh Homs, Hama ở miền Trung cho đến tỉnh Raqqa, Idlib ở miền Bắc. Hàng chục mục tiêu IS và cả phiến quân đối lập chống Chính phủ Syria ở khu vực Homs và quanh thủ đô Damascus đã bị trúng bom, con số thương vong chưa được xác nhận.
Một động thái quan trọng giúp cho Tổng thống Nga Vladimir Putin có điều kiện triển khai kế hoạch Syria của mình là việc Quốc hội Nga thông qua Nghị quyết cho phép quân đội Nga triển khai chiến đấu ra nước ngoài để hỗ trợ đồng minh. Lần gần đây nhất mà Thượng viện Nga đã cho phép Tổng thống Putin sử dụng vũ lực là vào tháng 3/2014, trước khi Nga điều quân đội đến bán đảo Crimea. Lần này lý do chính mà Tổng thống Putin nêu ra là để phản ứng trước mối đe dọa khủng bố.
Các mục tiêu IS ở Homs trúng bom. |
Lãnh đạo các cơ quan an ninh Nga cho biết, họ rất âu lo về tình trạng gia tăng số lượng quân thánh chiến gốc Nga và các quốc gia vệ tinh như Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan. Có khoảng 2.500 công dân Nga và 7.500 công dân các nước này đang chiến đấu trong hàng ngũ IS. Chính phủ Nga lo ngại những chiến binh thánh chiến này sẽ quay về nước, trong khi có nhiều nhóm vũ trang ở vùng Kavkaz đã quy thuận IS.
Đối với Moscow, việc tăng cường quân sự của Nga tại Syria thực chất không phải là một sự thay đổi sách lược. Nga là một đồng minh lịch sử của Syria, hầu như mọi khí tài của Syria đều là của Nga. Nhưng chính sự suy yếu các vị trí của chính phủ trong những tháng gần đây mới là lý do chính của sự tăng cường quân sự Nga.
Quân đội chính phủ Al-Assad tuy được sự hỗ trợ của Hezbollah, dân quân Shiite ở Iraq và Afghanistan cũng như các cố vấn quân sự Iran nhưng đã hứng chịu nhiều thất bại. Và Moscow muốn ngăn chặn sự thu hẹp lãnh thổ do Chính phủ Syria kiểm soát, theo các chuyên gia hiện chỉ còn hơn 20%.
Động thái này ngay lập tức phát huy hiệu lực với việc Nga triển khai 34 chiếc máy bay ném bom tại Syria tham gia vào chiến dịch không kích. Chiến dịch không kích bắt đầu từ ngày 30/9, nhằm vào mục tiêu trên diện rộng từ tỉnh Homs đến tỉnh Idlib. Bước sang ngày thứ ba, máy bay Nga đã thể hiện tính hiệu quả của mình trong việc tiêu diệt các mục tiêu IS. Con số thương vong thực sự đối với lực lượng IS không được các phương tiện truyền thông phương Tây nhắc đến, thay vào đó là những con số thương vong dân thường không được xác minh một cách độc lập.
Tổng thống Putin trong một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia Nga về vấn đề Syria. |
Tổng thống Putin đã nói rõ là một sự phê chuẩn của Thượng viện hay một lời yêu cầu trợ giúp của chính phủ Al-Assad cũng đủ để mở màn sự can thiệp quân sự của Nga. "Có thể sử dụng lực lượng vũ trang trên lãnh thổ một quốc gia thứ ba nếu có một nghị quyết của LHQ hoặc lời yêu cầu từ chính quyền hợp pháp của quốc gia đó" - phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết.
Và theo lời Chánh văn phòng Tổng thống Serguei Ivanov, Tổng thống Bashar Al-Assad đã yêu cầu sự "hỗ trợ quân sự" từ phía đồng minh Nga bằng một bức thư trong khuôn khổ sáng kiến của Putin nhằm chống lại khủng bố. Điều này đã được hồi đáp tức thì vì từ chiều ngày 30/9 Không quân Nga đã mở những cuộc oanh kích đầu tiên tại Syria, gần thành phố Homs. 20 cuộc oanh kích được tiến hành và nhắm trúng 8 mục tiêu, phá hủy một sở chỉ huy của IS. "Tất cả đều trúng đích, nhất là một trung tâm chỉ huy của IS" - bản tin của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Theo tướng Yuri Yakubov, các thông tin về cuộc không kích sẽ được chuyển cho Mỹ qua trung gian trung tâm điều phối chống khủng bố được Syria, Iran, Iraq và Nga thành lập tại Baghdad. "Đây không phải là để thực hiện một mục tiêu địa chính trị hay thỏa mãn một tham vọng nào đó như các đối tác phương Tây thường chỉ trích chúng tôi, mà chính là vì lợi ích của Nga" - ông Ivanov tuyên bố.
Theo kênh truyền hình Al Mayadeen của Syria, máy bay Nga ném bom các mục tiêu theo một danh sách định sẵn các tổ chức khủng bố đã được sự đồng ý của Chính phủ Syria. Danh sách đó không chỉ có IS mà còn bao gồm nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan lẫn đối lập chống Chính phủ Syria. Liwa Suqour al-Jabal, một trong các nhóm phiến quân đối lập được CIA huấn luyện chống Tổng thống Assad, cho biết đã trúng 20 quả tên lửa trong 2 đợt không kích của Nga.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, tướng Igor Konashenkov cho biết, các máy bay Nga ném bom chủ yếu nhằm chính xác vào các mục tiêu khí tài quân sự của IS, các trung tâm truyền thông, phương tiện vận chuyển, kho vũ khí, đạn dược và nhiên liệu, dầu nhờn. Việc đánh chính xác vào các mục tiêu chọn sẵn đóng vai trò rất quan trọng quyết định hiệu quả của chiến dịch và dẫn đến đạt được mục tiêu đặt ra.
Nhìn vào sơ đồ mục tiêu ném bom của máy bay Nga - tập trung nhiều ở khu vực Homs, Hama và quanh khu vực Damascus, đồng thời thêm một vài điểm ở các tỉnh Raqqa và Idlib ở miền Bắc, người ta có thể hiểu rằng, Nga đang triển khai chiến dịch không kích theo một mô hình chiến thuật an toàn, trước hết bảo đảm an toàn cho khu vực thủ đô Damascus, bảo vệ vững chắc cho Chính phủ Syria và Tổng thống Assad, rồi sau đó đánh ra các mục tiêu xa.
Đứng trước hoạt động không kích IS của Nga, người Mỹ đã bắt đầu "sôi sục" phản ứng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã thẳng thắn chỉ trích nước Nga, cho rằng Nga đang "đổ thêm dầu vào lửa", rằng chiến dịch quân sự của Nga sẽ làm thay đổi bản chất cuộc nội chiến và làm tăng thêm tính bạo lực của cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 4 năm. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh chỉ có thể "la ó" và đứng nhìn Nga đang thực hiện nhiệm vụ của mình, hoàn toàn không thể đi xa hơn.
Máy bay Nga đã phá hủy một xưởng chế tạo bom xe ở Syria. |
Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Diễn đàn Đại hội đồng LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khẳng định, việc Nga tăng cường quân sự và triển khai chiến dịch ném bom IS là hợp pháp vì Moscow đã nhận được lời thỉnh cầu trợ giúp từ phía Tổng thống Syria, và vì thế không ai có thể ngăn cản nước Nga thực hiện trách nhiệm của mình đối với một đồng minh.
Khách quan mà nói, cho đến nay Nga đang làm tốt cái việc mà Mỹ và đồng minh đã không làm được; vì thế việc Mỹ lớn tiếng chỉ trích Nga và đưa ra những thông tin sai lệch về vấn đề thương vong dân thường dựa trên các nguồn không được kiểm chứng chỉ càng cho thấy sự bất lực của người Mỹ trong vấn đề khủng hoảng Syria.
Việc Không quân Nga đánh cấp tập vào các mục tiêu này còn khiến phương Tây nghi ngờ, đặc biệt là Paris. "Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã không nhắm vào IS" - Ngoại trưởng Laurent Fabius cho biết và nói thêm rằng "cần phải kiểm chứng xem các mục tiêu đó là gì".
Một quan chức Mỹ cũng lên tiếng: "Chúng tôi đã không thấy những cuộc ném bom nhắm vào IS mà vào các mục tiêu của phe nổi dậy". Tuy nhiên Nhà Trắng đã xoa dịu khi cho rằng "vào giai đoạn này vẫn còn quá sớm để biết các mục tiêu của Không quân Nga và những nơi nào bị đánh trúng".
Việc định vị các mục tiêu bị không quân Nga tấn công cho thấy "nếu được xác định là không phải của IS mà có lẽ là của các nhóm đối lập, điều này khẳng định rằng Nga hướng đến mục đích bảo vệ chính quyền Al-Assad hơn là tấn công IS" - một nguồn tin ngoại giao Pháp nhận định. Ý kiến này cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chia sẻ, và ông cho biết rằng các cuộc không kích diễn ra tại những nơi hình như chẳng có lực lượng IS.
Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ khóa 70, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi thành lập một liên quân quốc tế mới chống IS, thay cho liên minh cũ lỏng lẻo và hoạt động kém hiệu quả. Vấn đề cốt lõi là làm sao đảm bảo hiệu quả chiến dịch không kích IS để dẫn đến đánh bại tổ chức này trong trước mắt, và giải quyết luôn cuộc nội chiến Syria.
Đây không phải lần đầu Tổng thống Nga kêu gọi Mỹ và phương Tây hợp tác chống IS, mà ngay từ khi triển khai tăng cường hỗ trợ quân sự cho Syria ông đã lên tiếng mời gọi sự hợp tác để tăng tính hiệu quả của chiến dịch chống IS, đồng thời tạo ra khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng Syria nói chung bằng con đường chính trị, ngoại giao.
Gút mắc lớn nhất giữa Nga và Mỹ vẫn là vấn đề tương lai ông của Assad tại Syria. Các quan chức Mỹ cho đến nay vẫn chỉ một luận điệu "Assad phải ra đi" mà không đưa ra được giải pháp nào khả quan hơn vì một tương lai tốt đẹp cho Syria, nếu Assad buộc phải ra đi.
Trong khi đó, nước Nga đã làm rõ quan điểm, trước mắt Assad vẫn phải tiếp tục tại vị để bảo đảm ổn định cho Syria, còn chuyện tương lai ai lên nắm quyền tại Syria là chuyện nội bộ do nhân dân Syria tự quyết. Một Syria hòa bình, ổn định theo giải pháp mà Tổng thống Nga Putin đưa ra chắc chắn cũng sẽ có lợi rất nhiều cho Mỹ và phương Tây, vì ít nhất nó cũng sẽ giúp giải quyết được vấn đề người di cư đang hoành hành ở châu Âu và Mỹ.
Còn phải chờ xem Nga có thể tiến đến đâu trong nỗ lực hỗ trợ Syria. Sự tăng viện về trang thiết bị và 2.000 cố vấn quân sự Nga có thể giúp quân đội chính phủ Syria kháng cự trên vài mặt trận và chiếm lại một số vị trí. Nhưng để tiến xa hơn, vẫn phải cần đến lực lượng trên mặt đất. Thế nhưng điều này không được Tổng thống Putin nhắm đến và dư luận trong nước cũng không đồng tình vì có đến 69% số người được hỏi đã phản bác chuyện Nga đưa bộ binh vào chiến trường Syria.