Nhật Bản đẩy mạnh tăng ngân sách quốc phòng

Thứ Tư, 23/10/2019, 15:08
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 30-8 quyết định tăng ngân sách quốc phòng năm 2020 lên 5.300 tỷ Yên, tăng 1,2% so với năm 2019, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử. Trong đó, chỉ riêng chi phí mua 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B đã lên tới 84,6 tỷ Yên.

Máy bay tàng hình F-35A mà Nhật Bản mua trước kia là loại cất, hạ cánh trên mặt đất, còn F-35B có thể lên xuống theo chiều thẳng đứng ở tàu sân bay. Trên thực tế, ngày F-35B cất cánh ở tàu khu trục chở trực thăng Izumo là thời điểm mà Nhật Bản được cho là có năng lực tác chiến tàu sân bay.

Khi lực lượng phòng vệ trên biển bắt đầu được thành lập vào thập niên 50 thế kỷ 20, Nhật Bản đã có giấc mơ theo đuổi tàu sân bay, từng thảo luận về việc mua tàu sân bay lớp Essex của Mỹ để chống tàu ngầm. Trải qua 40 năm nỗ lực, tàu khu trục chở máy bay trực thăng đã phát triển thành Izumo, là lớp tàu khu trục chở trực thăng thứ ba được Nhật Bản liên tục chế tạo trong những năm gần đây.

Lượng dãn nước 27.000 tấn của Izumo đã vượt qua tàu sân bay Garibaldi của Italy với 13.000 tấn hay tàu sân bay Prince of Asturias của Tây Ban Nha với 17.000 tấn. Izumo có thể chở được 14 máy bay trực thăng, chức năng thiết kế về tổng thể gần giống tàu sân bay.

F-35B là loại máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất, có khả năng cất, hạ cánh theo phương thẳng đứng.

Tháng 12-2018, Nhật Bản thông qua Phương châm kế hoạch phòng vệ mới, công khai đề xuất cải tạo tàu chiến hiện có thành tàu sân bay, thông qua mua rất nhiều thiết bị mới, tăng cường năng lực tác chiến tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, thay đổi một cách không giấu giếm khái niệm “Phòng vệ chuyên về phòng thủ” được xác lập trong Hiến pháp hòa bình. Bởi phương châm kế hoạch phòng vệ năm 2013 đã không thể đáp ứng yêu cầu của chính sách phòng vệ nên sau khi Luật An ninh mới được thông qua năm 2015, phạm vi hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã mở rộng, giới hạn sử dụng vũ khí đã bị phá vỡ, nổi bật nhất là mức độ sâu rộng của hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật đã vượt xa trước kia, dần xích lại thành một khối.

Hiện tại, lực lược phòng vệ trên biển của Nhật Bản đã được trang bị các loại vũ khí hiện đại và huấn luyện bài bản, đặc biệt là năng lực chông ngầm và chống thủy lôi nổi trội. Tuy nhiên, năng lực phòng không bình thường, năng lực chống tàu chiến mặt nước được cho là chưa đáp ứng, còn năng lực tấn công đổ bộ và và tấn công trên bộ chưa được tính đến. Do sự mất cân bằng mang tính cơ cấu như vậy nên theo đánh giá, hải quân Nhật Bản mới chỉ là một lực lượng hỗ trợ tác chiến trên biển. Năng lực tác chiến phòng không và chống tàu chiến là năng lực tất yếu phải đầy đủ để giành được quyền kiểm soát biển.

Trong khi năng lực tác chiến chống ngầm, chống thủy lôi, tác chiến trên bộ, đổ bộ lại là năng lực được sử dụng để giành quyền kiểm soát biển. Vì thế, lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản muốn có đầy đủ năng lực giành được quyền kiểm soát biển thì tàu sân bay chính là lựa chọn duy nhất.

Nhiều tàu khu trục của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đã được trang bị số lượng lớn hệ thống tên lửa Standard và ESSM Block 2 có khả năng chống tên lửa nhất định. Chủ lực của không quân lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản là 99 máy bay tuần tra chống ngầm P-3C, chưa có máy bay chiến đấu có ưu thế nào trên bầu trời. Do đó, việc trang bị máy bay tàng hình F-35B đã trở thành niềm hy vọng để Nhật Bản giành quyền kiểm soát vùng trời trên biển. Bề ngoài, mặc dù mua F-35B có nhân tố ứng phó với yêu cầu của Mỹ, song khó có thể che giấu sự thật rằng F-35B là nhu cầu mới của Nhật Bản.

Năm 2019 Nhật Bản đã mua 105 máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ, dự báo sẽ tiêu tốn hơn 10 tỷ USD, nâng tổng số F-35B lên tới 147 chiếc. Việc cải tạo tàu Izumo theo hướng tàu sân bay và mang theo F-35B chắc chắn sẽ nâng cao năng lực tác chiến trên biển xa của lực lượng phòng vệ, tăng cường hợp tác và liên kết với quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Việc tăng cường năng lực tác chiến của Izumo đối với Nhật Bản lúc này được cho là rất quan trọng. Thứ nhất nó sẽ thay đổi địa vị vai phụ của Nhật Bản trong tác chiến chung với Mỹ, không những có thể đảm đương tàu chủ lực chống ngầm mà còn có thể đảm nhận vai trò trung tâm chỉ huy trên biển chống ngầm ở vùng tác chiến, chỉ huy tác chiến chống ngầm hoặc chống hạm liên hợp.

Thứ hai, với tư cách là tàu chỉ huy của hạm đôi cơ động biển xa, nó có thể phát huy ưu thế về cảnh báo sớm, tình báo và thông tin, đồng thời có thể thay thế tàu khu trục chở máy bay trực thăng đang trong biên chế sử dụng, là tàu chủ lực chống hạm của các lực lượng hộ vệ. Thứ ba, tàu Izumo trở thành trung tâm không quân của biên đội, phát huy chức năng quản lý, chỉ huy điều hành bay và bảo trì, chỉ huy và phối hợp kịp thời hoạt động tác chiến chung.

Căn cứ theo Phương châm kế hoạch phòng vệ phiên bản năm 2018 và Kế hoạch điều chỉnh trang bị phòng vệ trung hạn, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong 5 năm tới sẽ tăng lên đáng kể. Ngân sách quốc phòng giai đoạn từ năm 2019-2023 là 27.470 tỷ yên, tăng gần 3.000 tỷ, tức là hơn 10%, so với ngân sách quốc phòng giai đoạn từ 2014-2018.

Ngân sách quốc phòng gia tăng sẽ giúp cho Lực lượng hàng không vũ trụ mới được thành lập thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tăng cường lực lượng tác chiến mạng, nâng cao năng lực tấn công điện tử. Chính phủ Nhật Bản cho biết việc làm này nhằm đảm bảo ưu thế của mình, xây dựng cơ chế phòng vệ kiểu mới thực hiện tác chiến tổng hợp giữa các lĩnh vực xuyên binh chủng.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.