Những toan tính phía sau “sự nồng ấm”?

Thứ Hai, 13/06/2016, 10:30
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ ngày 6 đến 8/6 được đánh giá là sự kiện tạo sự gắn kết vững chắc và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới. Cuộc gặp lần thứ 7 trong vòng 2 năm qua là con số ấn tượng cho thấy sự phát triển nhanh chóng trong quan hệ cá nhân Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama nói riêng và quan hệ đối tác nói chung giữa hai nước.

Tuy nhiên, đằng sau sự "nồng ấm" này, giới phân tích cho rằng vẫn có những tính toán chiến lược của cả hai bên. Với ông Obama, việc tăng cường quan hệ Mỹ - Ấn sẽ giúp củng cố vững chắc hơn di sản ngoại giao của mình khi chỉ còn 7 tháng nữa ông sẽ rời nhiệm sở, còn với ông Modi, chuyến thăm này nhằm mục đích tìm kiếm một lực đẩy mới cho sự phát triển quan hệ với Washington.

Sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2014, nhiều câu hỏi đặt ra cho chính sách ngoại giao của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đối với Mỹ, bởi mối quan hệ song phương này từ trước vẫn chưa thực sự sâu sắc và tương xứng với tiềm năng của mỗi nước.

Chuyến thăm Mỹ lần này cùng hai điểm nhấn quan trọng là hội đàm với Tổng thống Barack Obama và phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện, không chỉ cho thấy nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương của cả New Delhi và Washington, mà còn thể hiện những bước đi vững chắc cho mối quan hệ đối tác được coi là góp phần định hình thế kỷ 21 này.

Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi đạt nhiều kết quả tích cực, là một trong những thành công góp phần củng cố vững chắc quan hệ chiến lược giữa hai nước, đưa mối quan hệ này phát triển ngày càng sâu rộng và thực chất hơn.

Trong "Tuyên bố chung Mỹ - Ấn: Đối tác bền vững trong thế kỷ 21", Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Ấn Độ dựa trên các giá trị chung về tự do, dân chủ, quyền con người, bình đẳng và pháp trị. Hai bên cam kết tìm kiếm các cơ hội mới để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu, nâng cao năng lực quản lý dân chủ và tôn trọng nhân quyền.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi đánh giá cao những tiến triển quan trọng của quan hệ song phương thời gian qua, phù hợp với lộ trình quan hệ song phương mà lãnh đạo hai nước đã đề ra trong các tuyên bố chung tháng 9/2014 và tháng 1/2015.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị an ninh hạt nhân tháng 3/2016.

Tuyên bố chung cho biết lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu Mỹ - Ấn về khí hậu và năng lượng sạch, tăng cường an ninh - an toàn năng lượng, đẩy mạnh hợp tác hạt nhân dân sự. Về vấn đề biến đổi khí hậu, lãnh đạo hai nước chia sẻ quan điểm về các lợi ích của năng lượng sạch, cam kết là đối tác mật thiết của nhau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, thực thi thỏa thuận khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu mà các nước đạt được tại Paris tháng 12/2015 nhằm giải quyết những mối đe dọa tức thời bắt nguồn từ tình trạng biến đổi khí hậu. Lãnh đạo hai nước hoan nghênh việc ký bản ghi nhớ chung về tăng cường hợp tác an ninh năng lượng, năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, đề cập đến những kết quả trên, một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về điều này. Ông Ashley Tellis, một chuyên gia Ấn Độ thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế ở Washington, nhận định rằng kể từ sau khi lên cầm quyền, ông Modi đã có 4 lần tới thăm Mỹ và 7 lần hội đàm với Tổng thống Obama. Mức độ thường xuyên của các cuộc gặp mặt như vậy giữa Tổng thống Obama và một lãnh đạo quốc gia mà không phải đồng minh chính thức là điều "rất đặc biệt".

Chỉ cách đây vài năm, ông Modi vẫn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ do có dính líu đến các cuộc nổi dậy chống Hồi giáo xảy ra tại bang Gujarat ở Tây Ấn Độ vào năm 2002, khi ông còn là thống đốc bang này, mặc dù ông đã bác bỏ mọi sai phạm. Vậy mà giờ đây, ông được chào đón nhiệt liệt bởi một đội quân kéo cờ danh dự khi đặt chân tới cửa của Phòng Bầu dục để chuẩn bị các cuộc thảo luận với ông Obama.

Việc Thủ tướng Modi được mời phát biểu trước Quốc hội Mỹ cũng được xem là một nghi thức đón tiếp trọng thị hiếm có dành cho nhà lãnh đạo Ấn Độ. Vẫn biết sự thay đổi trong cách đối xử của Washington với ông Modi là kết quả của mối quan hệ đang ngày càng ấm lên giữa hai nước, vốn chứng kiến nhiều thăng trầm trong những năm qua, song đằng sau sự thay đổi ấy có thể vẫn là những tính toán chiến lược của cả Washington và New Delhi.

Theo nhận định của Jin Canrong, Phó Giám đốc Trường Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, Washington rất coi trọng giá trị chiến lược, tiềm năng kinh tế và lợi ích tư tưởng của Ấn Độ, và việc xích lại gần Ấn Độ sẽ giúp Mỹ củng cố nỗ lực "tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương".

Về phần Ấn Độ, ông Jin cho rằng nỗ lực thắt chặt quan hệ Mỹ - Ấn của quốc gia Nam Á này nằm trong tính toán về cả an ninh chiến lược lẫn phát triển kinh tế của New Delhi.

Tuy nhiên, con đường mà hai nước sẽ phải trải qua để trở thành cái mà ông Obama từng nhắc đến trong chuyến thăm Ấn Độ hồi năm 2015 - "những đối tác tốt nhất" - còn rất dài. New Delhi hẳn rất đề phòng trước sự xích lại gần của Mỹ, sau khi Ấn Độ đã phải trải qua hàng thập kỷ rơi vào tình trạng phi liên kết chính phủ do một quá trình lịch sử thuộc địa để lại.

Nitin Gokhale, người sáng lập cổng thông tin quốc phòng Ấn Độ Bharat Shakti, nói: "Đây không phải là một mối quan hệ đối tác chiến lược, cũng không phải quan hệ đồng minh. Có thể nó là một thỏa thuận dài hạn, nhưng còn quá sớm để gọi đó là một mối quan hệ chiến lược".

Khi những giá trị lợi ích của Ấn Độ và Mỹ không hoàn toàn trùng khớp nhau, và trong bối cảnh Ấn Độ đang áp dụng một chính sách ngoại giao độc lập, đồng thời nỗ lực duy trì thái độ trung lập trong quan hệ với các nước lớn, các nhà phân tích cho rằng ông Modi, một lãnh đạo theo đường lối dân tộc, chắc chắn sẽ không đi theo Mỹ một cách mù quáng.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.