Nỗ lực tháo “ngòi nổ hạt nhân” Iran

Thứ Hai, 21/12/2020, 14:52
Các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran đã gặp nhau hôm 16-12 để cố gắng làm dịu mọi thứ trong khi chờ đợi chính quyền mới của Mỹ với bối cảnh Tehran ngày càng rời xa các cam kết của mình. Cuộc họp chung diễn ra qua cầu truyền hình vì đại dịch COVID-19, kéo dài khoảng 2 giờ và kết thúc bằng một thông cáo báo chí ngắn gọn.

“Trước những thách thức hiện tại, các bên tham gia đã thảo luận về công việc đang diễn ra để duy trì Hiệp định JCPOA (Kế hoạch hành động toàn diện chung) và làm thế nào để đảm bảo tất cả các bên thực hiện đầy đủ, hiệu quả cam kết này”, đại diện ngoại giao Liên minh châu Âu Helga Schmid, người chủ trì cuộc họp, nhận xét.

Về phần mình, Đại sứ Nga Mikhail Ulyanov nhắc lại “cam kết vững chắc” của các quốc gia đối với hiệp ước này được ký kết vào năm 2015 tại Vienna nhưng bị suy yếu kể từ khi Mỹ rút khỏi vào tháng 5 năm 2018 theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump và bởi lệnh phục hồi các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran. Đại diện Nga và các đối tác cho biết họ “sẵn sàng thực hiện các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ”. Bắt đầu với một “cuộc họp không chính thức” vào ngày 21-12, lần này là ở cấp bộ trưởng ngoại giao.

Phái đoàn Iran họp trực tuyến với đại diện các nước Trung Quốc, Pháp, Nga, Đức và Anh ngày 16-12 để duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Hồ sơ hạt nhân Iran đã trải qua những biến động mới kể từ sau vụ ám sát vào cuối tháng 11 đối với một nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng người Iran, Mohsen Fakhrizadeh. Sau cuộc tấn công được cho là do Israel thực hiện, Tehran đã tỏ ra cứng rắn, làm suy yếu thêm JCPOA. Vào đầu tháng 12, Paris, London và Berlin đã bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc” của họ về việc Iran lắp đặt mới 3 máy ly tâm làm giàu uranium tiên tiến tại cơ sở Natanz (miền Trung Iran). 3 nước này cũng lo lắng trước việc Quốc hội Iran thông qua đạo luật gây tranh cãi về vấn đề hạt nhân, nếu được ban hành, có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho hiệp định JCPoA.

Văn bản này kêu gọi Chính phủ Tehran tăng cường đáng kể chương trình hạt nhân và chấm dứt các cuộc thanh tra của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Đối với các bên liên quan (Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Vương quốc Anh), thách thức tại cuộc họp ngày 16-12 là kêu gọi Tehran kiềm chế. Một nhà ngoại giao được AFP phỏng vấn cho biết: “Chúng tôi bảo họ tuân thủ thỏa thuận, chừa chỗ cho một lối thoát ngoại giao và trên hết là không thực thi luật vừa được quốc hội Iran thông qua”. Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi nhắc lại rằng Tehran không thể “trả giá đắt” vì đã tôn trọng thỏa thuận mà không thu được những lợi ích kinh tế như đã hứa.

Tuy nhiên, để giải quyết câu hỏi trọng tâm này, cần phải chờ đợi sự xuất hiện của ông Joe Biden tại Nhà Trắng, dự kiến vào ngày 20-1-2021. Từ giờ cho đến lúc đó, đòi hỏi phải tránh bằng mọi giá “để tình hình không xấu thêm nữa”, Naysan Rafati, nhà phân tích thuộc Nhóm khủng hoảng quốc tế, nhấn mạnh với AFP. Bởi chỉ có như vậy mới “hy vọng có một khởi đầu mới dưới chính quyền tiếp theo của Mỹ”.

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã xác nhận sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận Vienna, đồng thời cảnh báo về một cuộc chạy đua bom nguyên tử ở Trung Đông. Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 17-12 bày tỏ tin tưởng chắc chắn chính quyền ông Biden sẽ trở lại các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và dỡ bỏ những lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Tuyên bố đưa ra chỉ 2 ngày sau khi đại cử tri đoàn tại Mỹ nhóm họp và bỏ phiếu khẳng định chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử hôm 3-11.

Tổng thống Iran Rouhani tin tưởng chính quyền ông Biden sẽ trở lại thỏa thuận hạt nhân.

Theo Tổng thống Rouhani, những nỗ lực suốt 3 năm qua của người dân Iran sẽ thuyết phục được chính quyền mới tại Mỹ quay trở lại các cam kết của mình và các lệnh trừng phạt sẽ bị phá vỡ.

Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani thừa nhận, Iran cũng không quá vui mừng khi ông Joe Biden giành chiến thắng. Bởi trước đó, giới chức Iran từng nhiều lần tuyên bố, ai lãnh đạo nước Mỹ đều không quan trọng và chính sách của Mỹ vẫn luôn là chống lại Iran. Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng cho rằng, Mỹ sẽ vẫn có thái độ thù địch với Iran, thậm chí sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức.

Theo ông Khamenei, sự thù địch nhằm vào Iran không chỉ đến từ ông Trump mà cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama cũng đã làm những “điều tồi tệ” với quốc gia Hồi giáo này. Đại giáo chủ Iran một lần nữa kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.

Trước đó ngày 16-12, ông Rouhani cho biết, ông chờ đợi việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rời nhiệm sở sau vài tuần nữa. Phát biểu của ông Rouhani được đưa ra ngay sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, cáo buộc họ hỗ trợ bán dầu của Iran. Biện pháp này được đưa ra khi Mỹ đang gia tăng sức ép lên Iran trong những ngày cầm quyền cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, 4 thực thể hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu dầu của Iran đã bị đưa vào danh sách đen. Theo các chuyên gia phân tích, bước đi của Mỹ gia tăng sức ép lên Iran nhằm gây khó khăn cho con đường của Tổng thống đắc cử Joe Biden muốn đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ellie Geranmayeh, chuyên gia thuộc Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế dự đoán: “Vài tuần tới chắc chắn sẽ có nhiều sóng gió. Những người ủng hộ áp lực tối đa chống lại Iran sẽ làm việc chăm chỉ để hủy hoại cơ hội ngoại giao và sự ổn định của thỏa thuận hạt nhân Iran”. Trong bối cảnh căng thẳng này, vụ hành quyết nhà chính trị đối lập Rouhollah Zam hôm Thứ bảy tuần trước của chính quyền Tehran, gây phản ứng dữ dội trên thế giới, lại làm gia tăng bất hòa giữa Iran và phương Tây.

Tuy nhiên, trong một bài phát biểu hôm Thứ hai tuần này tại Berlin, người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu Josep Borrell đã kêu gọi các bên tiếp tục công việc “để giữ cho JCPOA tồn tại”. “Thỏa thuận này là cách duy nhất để ngăn Iran trở thành cường quốc hạt nhân”, ông Borrell khẳng định khi thông báo về cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao của các nước ký kết JCPOA vào Giáng sinh này.

Tại thời điểm hiện nay, bất chấp những căng thẳng chính trị, “hợp tác vẫn đang diễn ra bình thường”, nhất là với các cuộc kiểm tra của IAEA tại Iran, theo nhà ngoại giao châu Âu.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.