Năm 2015 và bước ngoặt quan hệ Cuba – Mỹ:

Nói thì nhiều, làm chẳng được bao nhiêu…

Thứ Sáu, 25/12/2015, 16:55
Phải thừa nhận rằng năm 2015 là một năm khởi sắc trong mối quan hệ Cuba - Mỹ kể từ sau thời điểm Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro tuyên bố chính thức khôi phục quan hệ sau hơn nửa thế kỷ đối địch. Washington và La Habana đã cùng nhau tiến những bước dài trên con đường bình thường hóa quan hệ, song tiến trình tan băng giữa hai cựu thù địch này được dự báo còn nhiều phức tạp và không thể diễn ra trong “một sớm, một chiều”.

Hình ảnh ông Obama và Chủ tịch Cuba Raul bắt tay nhau tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama hồi tháng 4-2015 có lẽ sẽ được ghi nhớ mãi trong lịch sử quan hệ nhiều thăng trầm giữa hai nước.  Kể từ cái bắt tay đó, Washington đã thu được nhiều mối lợi từ quyết sách thông minh này, bởi nó không những không gây ra rủi ro gì cho Tổng thống Obama mà còn giúp ông ghi điểm lớn trong chính sách đối ngoại nhiệm kỳ thứ hai.

Tuy nhiên, sau một năm, Cuba hiện vẫn đang trông chờ những lợi ích từ việc được dỡ bỏ các lệnh cấm vận vốn đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua và gây thiệt hại hàng trăm tỉ USD cho quốc đảo Caribe này.

Nếu không tính tới chuyện nền kinh tế Cuba có thể được hưởng lợi nhờ việc các khách du lịch Mỹ được phép sang Cuba để "mua xì gà", thì thực tế tác động của sự "xích lại gần nhau" giữa hai nước đối với quốc đảo này có lẽ vẫn đang nằm ở con số 0. Sự cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt với Cuba, thực sự chặn đứng những giao dịch tài chính, thương mại và kinh tế giữa Cuba và các quốc gia trên toàn thế giới, đã làm tê liệt nền kinh tế và năng suất lao động của quốc đảo này trong hơn 5 thập kỷ qua.

Theo ước tính những thiệt hại từ lệnh bao vây cấm vận, từng bị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chỉ trích không dưới 20 lần, lên tới hơn 833,7 tỉ USD. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ thể hiện sự chân thành của Mỹ trong cam kết thay đổi đường lối đối với Cuba, và mang lại cho hai nước cơ hội hưởng lợi từ sự khôi phục quan hệ.    

Theo giới phân tích, động lực lớn để Washington bắt tay hòa giải với Cuba chính là hy vọng đưa ảnh hưởng của Mỹ trở lại châu Mỹ Latinh. Thất vọng với những chính sách của Mỹ về các vấn đề châu Mỹ Latinh, nhiều nước trong khu vực đã bắt đầu ít trông cậy vào Wahsington và tự dựa vào nhau nhiều hơn, theo đó đã thành lập các khối thương mại thống nhất như UNASUR (Liên minh các quốc gia Nam Mỹ), ALBA (Liên minh Boliva dành cho châu Mỹ) và CELAC (Cộng đồng các quốc gia châu Mỹ Latinh và Caribe).

Dĩ nhiên, những cơ hội tiềm năng về thương mại mà thị trường 11 triệu dân của Cuba hứa hẹn mang lại cho Mỹ cũng là một động lực quan trọng để Washington đi đến quyết định này.   

Tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Thomas Vilsack đã tới Cuba và là quan chức cấp cao thứ 3 của Mỹ đặt chân tới quốc đảo này chỉ trong vòng 3 tháng, sau các chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry hồi tháng 8 và Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker hồi tháng 10.

Quan hệ Mỹ - Cuba cần những chương trình hoạt động thực tế hơn.

Phát biểu với nhật báo Granma của Cuba, ông Vilsack nói: "Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào việc thiết lập các quan hệ làm việc tích cực với Cuba. Tiềm năng hai nước có thể cùng nhau hợp tác trong hàng loạt vấn đề là hiện hữu".

Tuy nhiên, lệnh cấm vận thương mại vẫn đang cản trở sự hợp tác này. Trong bài xã luận mang tên "Những điều Tổng thống Obama cần làm" đăng trên nhật báo Granma số ra vào trung tuần tháng 11, Chính phủ Cuba đã đưa ra 13 đề xuất, cho rằng chỉ Quốc hội Mỹ mới có thể hủy bỏ lệnh cấm vận này, nhưng ông Obama "có nhiều quyền hạn để sửa đổi lệnh cấm vận này hơn là những gì ông ấy đã làm cho đến nay".

Một số bước đi mà ông Obama có thể thực hiện cho đến nay mới chỉ gồm việc cho phép Cuba sử dụng đồng USD trong các giao dịch và để xuất khẩu các sản phẩm tinh hoa của nước này như xì gà, rượu rum và các loại thuốc chữa bệnh sản xuất theo công nghệ sinh học tới Mỹ, cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào Cuba và cho phép người Mỹ được tới Cuba để chữa bệnh.   

Mặc dù sự xích lại gần nhau này rõ ràng đã mang lại những tác động tích cực cho cả hai nước, song những rào cản lớn vẫn còn tồn tại. Bên nào cũng muốn bên kia bồi thường những thiệt hại kinh tế mà mình phải gánh chịu, và lần đầu tiên một cuộc gặp song phương đã được tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua để thảo luận về vấn đề này.    

Theo giới phân tích, trong khi Washington muốn Cuba đền bù cho các công ty Mỹ có tài sản bị Chính phủ Cuba quốc hữu hóa sau cuộc Cách mạng năm 1959, thì La Habana cũng đang đòi bồi thường thiệt hại cho những mất mát của họ do các lệnh cấm vận của Mỹ gây ra.   

Ngoài ra, Cuba cũng muốn Washington thay đổi chính sách nhập cư mà họ gọi là "chân ướt, chân khô" đang xúi giục người Cuba mạo hiểm vượt qua eo biển Florida để đặt chân tới Mỹ (nếu bị bắt trên biển thì sẽ phải trở lại Cuba). Tuy nhiên, giới chức Mỹ trong những tháng gần đây đã nhiều lần lặp lại rằng họ "không có khả năng giải quyết vấn đề này!".    

Nhiều người Mỹ cho rằng sự khôi phục các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ là chiếc phao cứu sinh đối với Cuba, nhưng trên thực tế chỉ như vậy là chưa đủ. Để tạo ra những thay đổi có ý nghĩa thực sự trong mối quan hệ giữa hai bên, ông Obama cần phải làm nhiều hơn trong cuộc cách mạng đầy tham vọng về chính sách đối với Cuba này.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.