Nước Mỹ không sống trong sợ hãi

Thứ Hai, 06/11/2017, 11:46
16 năm sau vụ không tặc 11-9-2001, thành phố New York, Mỹ, lại bị khủng bố hôm 31-10-2017. Vụ tấn công xảy ra khi một người đàn ông lái một chiếc xe tải lao vào làn đường xe đạp đông đúc gần khu tưởng niệm Trung tâm Thương mại Thế giới làm ít nhất 6 người chết tại chỗ và 2 người khác chết tại bệnh viện, 11 người khác bị thương.

Đây là thời điểm học sinh tan trường, người dân New York và du khách bắt đầu xuống đường mừng lễ Halloween. Hung thủ bị cảnh sát bắn vào bụng khi lao ra khỏi xe với 2 khẩu súng giả và đã được đưa vào bệnh viện.

Kẻ khủng bố bị cực đoan hóa trong thời gian định cư tại Mỹ

Giới chức an ninh Mỹ xác nhận nghi can tên là Sayfullo Saipov, 29 tuổi, người gốc Uzbekistan đến Mỹ năm 2010, có địa chỉ cư ngụ ở Tampa, Florida, nhưng cư ngụ tạm thời tại thành phố Paterson, New Jersey. Theo hãng tin CNN, nghi can có để lại một miếng giấy trên xe, trong đó viết rằng, hắn hành động “thay mặt cho Nhà nước Hồi giáo IS”.

Hai cảnh sát viên kể với CNN: khi bước ra khỏi xe, nghi can la lớn “Allahu Akbar”, tiếng Arập có nghĩa là “Thượng đế vĩ đại”. Các nhân chứng mô tả cảnh tượng hoảng loạn và máu me, có người gào thét trong sợ hãi, trên đường đầy những xe đạp bị nát bấy hoặc cong queo, và một số thi thể sau đó được cảnh sát dùng vải phủ lên.

Hàng trăm nhân viên an ninh, cảnh sát vũ trang tuần tra trong suốt thời gian diễn ra lễ hội Halloween đêm 31-10.

CNN cho biết, trong số 8 người chết có 5 người Argentina và 1 người Bỉ. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo gọi đây là hành động “tấn công đơn lẻ” và cho biết không có bằng chứng nào cho thấy đây là một âm mưu lớn. Nơi xảy ra vụ tấn công chỉ cách Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) - bị máy bay tấn công khủng bố và đổ sập - vài đoạn đường.

“Đây là một hành động khủng bố, và rõ ràng là một hành động khủng bố nhắm vào người dân vô tội”, Thị trưởng New York, Bill de Blasio nói.

Các thành phố khắp thế giới lâu nay đề phòng trường hợp tấn công bằng xe. Nhóm IS từng khuyến khích các chiến binh của họ dùng xe làm phương tiện khủng bố, và các quốc gia như Anh, Pháp, Đức từng bị các vụ tấn công như vậy trong thời gian qua. Cảnh sát cho biết, nghi can dường như đã hoạch định cuộc tấn công trong nhiều tuần lễ.

Giới điều tra tìm thấy những mẩu ghi chú và dao tại hiện trường. “Hung thủ dường như theo đúng chỉ dẫn mà IS đã đưa lên các kênh truyền thông xã hội cho các ủng hộ viên”, cảnh sát nói. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham kêu gọi giới hữu trách xử lý Saipov như một chiến binh thù địch, và việc này cho phép các nhà điều tra thẩm vấn mà đương sự không cần có luật sư đại diện.

Thống đốc bang New York cho biết Saipov bị cực đoan hóa trong thời gian định cư tại Mỹ. Kể từ tháng 9-2014 tới nay, đa số trong 18 cuộc tấn công trên đất Mỹ lấy cảm hứng từ IS được thực hiện bởi những kẻ phát sinh tư tưởng cực đoan trong thời gian định cư tại Mỹ, ông Alexander Meleagrou-Hitchens, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về cực đoan tại Đại học George Washington cho biết.

Trong phản ứng đầu tiên, Tổng thống Donald Trump tuyên bố mở ngỏ khả năng áp giải Saipov tới nhà tù quân sự ở Vịnh Guantanamo, Cuba, nơi giam giữ các nghi can khủng bố trong đó có những kẻ đã hoạch định cuộc tấn công hồi 11-9-2001. “Giải hắn tới Gitmo. Tôi chắc chắn sẽ cân nhắc việc đó”, ông Trump cho báo giới biết.

Chỉ vài giờ sau vụ tấn công khủng bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ không để những phần tử IS quay trở về hoặc xâm nhập vào Mỹ sau khi chúng bị đánh bại ở nước ngoài. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ra lệnh tăng cường hơn nữa việc kiểm tra nghiêm ngặt đối với khách du lịch nước ngoài tới Mỹ.

Tổng thống Trump sau đó kêu gọi xử tử hình nghi phạm Saipov. “Tên khủng bố ở thành phố New York tỏ ra vui vẻ khi hắn ta yêu cầu treo cờ IS trong phòng bệnh viện. Hắn đã giết 8 người, làm 12 người bị thương nặng. Nên tử hình hắn ta”.

Cảnh sát giám định chiếc xe tải nhẹ do nghi phạm thuê để tấn công khủng bố tại New York ngày 31-10.

Xuất hiện trước tòa trên xe lăn hôm 2-11, Saipov bị buộc tội hỗ trợ cho một tổ chức khủng bố nước ngoài, cụ thể là Nhà nước Hồi giáo, và tội gây bạo lực và hủy hoại các phương tiện giao thông làm 8 người thiệt mạng. Quyền Công tố viên quận Manhattan, Joon Kim, nói rằng với tội danh thứ nhất, Saipov có thể đối mặt với án tù chung thân, với tội danh thứ hai, nếu bị kết tội, hắn có thể bị tử hình nếu nhà chức trách chọn giải pháp này.

Không phải cứ khép cửa biên giới là có thể hạn chế được nguy cơ tấn công

Tổng thống Trump đổ lỗi cho chương trình “xổ số thẻ xanh” đã giúp đưa Sayfullo Saipov vào Mỹ và gây ra cuộc tấn công. Theo giới chức an ninh Mỹ, nghi can Saipov được vào Mỹ theo một chương trình của Bộ Ngoại giao, có tên “Diversity Lottery Program”, có từ năm 1990, theo đó cho người dân trên khắp thế giới ghi danh để được chọn lựa ngẫu nhiên và cấp thẻ xanh cho di cư sang Mỹ.

Chương trình này mỗi năm tạo cơ hội cho 50.000 người dân khắp nơi trên thế giới vào Mỹ để tạo sự đa dạng cho quốc gia này. Dù rằng đạo luật này được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, đồng thời được Tổng thống George H.W. Bush, thuộc đảng Cộng hòa, ký ban hành.

Tổng thống Trump muốn chấm dứt chương trình này và cấp visa di cư dựa theo khả năng cần thiết cho nước Mỹ. Ông Trump hôm 1-11 đã ra lệnh cho Bộ An ninh nội địa “tăng cường Chương trình rà soát vốn đã cực kỳ gắt gao của chúng ta” về việc nhập cảnh Mỹ.

Hãng tin CNN cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Bộ An ninh nội địa Mỹ thắt chặt chương trình sàng lọc sau vụ tấn công này. “Tôi vừa yêu cầu Bộ An ninh nội địa đẩy mạnh chương trình sàng lọc của chúng ta. Tránh động chạm chính trị là tốt, nhưng không phải trong trường hợp này!”, ông Trump viết trên Twitter. Chương trình sàng lọc này có thể bao gồm một loạt các kiểm tra liên quan đến lý lịch, công việc và các thông tin khác của một cá nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, sắc lệnh được ban hành nhằm bảo vệ người Mỹ bằng cách giải quyết những nhược điểm của chương trình thị thực và hệ thống kiểm tra người tị nạn. Cùng với đó, công dân đến từ 11 nước được cho là có nguy cơ cao với an ninh nước Mỹ sẽ bị kiểm tra gắt gao hơn.

Tuyên bố của ông Trump, theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, thêm một lần nữa lại gây tranh cãi về vấn đề nhập cư vì đây không phải là lần đầu tiên ông chỉ trích chương trình cấp thẻ xanh bằng cách rút thăm. Tháng 8-2017, chủ nhân Nhà Trắng đã ủng hộ dự luật của 2 thượng nghị sĩ Cộng hòa muốn thắt chặt quy định đoàn tụ gia đình và lập một hệ thống dựa trên thành tích để đạt mục đích cuối cùng là hạn chế một nửa số người nước ngoài vào Mỹ.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, cũng như từ khi chính thức nhậm chức hồi tháng 1, ông Trump luôn thúc giục Quốc hội Mỹ chấm dứt chương trình nhập cư đa dạng, cũng như một số chương trình nhập cư khác cho phép người dân khắp thế giới có thể “nhập cư dắt dây” vào nước Mỹ, đơn giản bằng việc đoàn tụ với những người thân đã cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Nghi phạm Sayfullo Saipov.

Tưởng như vụ khủng bố có thể sẽ khiến cho buổi diễu hành và lễ hội Halloween thường niên phải hủy bỏ. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hàng ngàn người vẫn đổ ra đường tham gia lễ hội trong không khí vui vẻ. Chỉ có điều, dọc các tuyến phố đoàn diễu hành đi qua, các xe tải chở cát đã được bố trí chặn các ngả đường để bảo vệ. Tối hôm 31-10, những cuộc tuần hành mừng Halloween vẫn diễn ra ở các tuyến phố chính ở trung tâm New York.

Để đảm bảo an toàn, Sở cảnh sát New York đã phải tăng cường thêm hàng trăm nhân viên an ninh tuần tra trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Nhiều người tham gia lễ diễu hành chia sẻ họ cảm thấy an toàn khi biết rằng an ninh được tăng cường. Được biết, đoàn người bắt đầu diễu hành ở vùng West Village, cách nơi chiếc xe tải đâm vào xe buýt trường học không xa.

“Lễ hội Halloween và những cuộc diễu hành vẫn diễn ra. Chúng ta vẫn ở đây để chứng minh một điều rằng chủ nghĩa khủng bố không bao giờ chiến thắng”, Thống đốc New York Andrew Cuomo phát biểu với CNN. “Chúng tôi không sống trong sợ hãi mà vẫn mạnh mẽ. Chủ nghĩa khủng bố sẽ không bao giờ chiến thắng”, Weiss, 28 tuổi, một người tham gia lễ diễu hành, chia sẻ.

Trong năm nay, đây là vụ thứ 2 tấn công bằng ôtô gây thương vong ở New York. Tuy nhiên khác với vụ tấn công hồi tháng 5 ở quảng trường Thời đại, ngay từ đầu, vụ tấn công này được xác định là khủng bố. Tuy nhiên, phía cảnh sát cho biết, đây là dạng tấn công đơn độc, nên họ cũng không có ý định điều tra theo hướng tìm thêm đồng phạm.

Hình thức tấn công sử dụng các phương tiện, đặc biệt là xe tải đang trở thành mối lo lớn tại Mỹ, bởi việc thuê xe ở đây khá dễ dàng và rẻ. Chiếc xe mà hung thủ sử dụng để tấn công hôm 31-10 của Hãng Home Depot chỉ có giá thuê 19 USD cho 1 tiếng rưỡi. Hiện nay, để tránh xảy ra hậu quả lớn khi kẻ tấn công dùng cách lao xe vào đám đông, cảnh sát New York thường bố trí các xe tải chặn các ngả đường khi có sự kiện đông người.

Cảnh sát chống khủng bố được tăng cường. Tuy nhiên, mục tiêu hướng đến của những kẻ khủng bố dạng này lại không cần quá đông người, có thể ở bất cứ tuyến phố nào. Vì thế đây là vấn đề đau đầu cho cơ quan an ninh Mỹ trong việc phòng ngừa nguy cơ.

Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 1-11.

Phương thức và chiến thuật khủng bố đã có nhiều thay đổi nhanh chóng cùng với sự phát triển công nghệ và nếp sống hiện đại tại đô thị. Khoảng 150 năm trước, phương thức chủ yếu là thuốc nổ, đến những năm 1950 là khủng bố bắn tỉa từ xa, những năm 1970 - không tặc máy bay là hình thức phổ biến. Vào năm 2010, tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã vạch ra phương thức khủng bố bằng ôtô lần đầu tiên trong lịch sử, kêu gọi các tay súng dùng xe lao vào đám đông đi bộ để gây sát thương lớn nhất.

Trong 2 năm trở lại đây, tấn công khủng bố bằng ôtô lây lan như một loại virus. Rẻ tiền, dễ tiến hành, người dân lại không nhận thức được nguy cơ từ những phương tiện mà mình sở hữu và sử dụng hằng ngày. Nếu như nước Mỹ vẫn còn xa lạ với hình thức tấn công bằng xe đâm vào đám đông, thì tại châu Âu, danh sách các thành phố chứng kiến loại hình tấn công khủng bố mới này đang dài thêm. Chỉ tính từ tháng 7-2016 tới nay, châu Âu đã chứng kiến ít nhất 7 vụ tấn công khủng bố bằng cách lao xe vào đám đông.

Theo bài xã luận của Libération ra ngày 1-11, vụ tấn công tại New York cho thấy điểm yếu của các biện pháp hạn chế tự do trong cuộc chiến chống khủng bố. Tờ báo viết: “Không phải cứ khép cửa biên giới là có thể hạn chế được nguy cơ tấn công. Hiệu quả phòng ngừa phụ thuộc vào hoạt động của các cơ quan tình báo và cảnh sát theo khuôn khổ luật pháp và đặc biệt là cần phương tiện và quân số”.

Báo La Croix (Pháp) nhận định vụ tấn công ngày 31-10 một lần nữa cho thấy Mỹ không được trang bị kỹ trước nguy cơ khủng bố. Tổng thống Trump yêu cầu gia tăng kiểm soát người nước ngoài muốn vào Mỹ, thế nhưng, thủ phạm vụ tấn công lại sống ở Mỹ từ 2010, hơn nữa cách hành động dường như không cần quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng.

Mộc Thạch - Quang Học (tổng hợp)
.
.