Nước Mỹ sẽ không bỏ châu Á – Thái Bình Dương

Thứ Tư, 08/02/2017, 18:00
Dù hình thức có sự điều chỉnh kiểu nào, nhưng nội dung cốt lõi trong việc tìm kiếm lợi ích tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ sẽ vẫn được duy trì, do khu vực này có vị trí hết sức quan trọng đối với nền chính trị, kinh tế và an ninh, quốc phòng của Mỹ. Những dấu ấn thể hiện sự quan tâm của Mỹ tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang dần hiện rõ.

Chiến lược “xoay trục về châu Á” của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục được duy trì

Hiện nay, dù đánh giá từ phương diện nào, khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD) đều có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới. Diễn biến tình hình ở khu vực này luôn thu hút nhiều nhất sự chú ý của thế giới. Ngoài việc kinh tế khu vực châu Á-TBD có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, khu vực này vừa là điểm hội tụ mâu thuẫn vừa là điểm hội tụ lợi ích giữa các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Xu hướng cạnh tranh và hợp tác tại khu vực này đã có những tác động đến toàn cầu; vấn đề biên giới lãnh thổ, an ninh hàng hải, lợi ích quốc gia và những “khúc mắc” ở khu vực Đông Bắc Á đang rất nguy hiểm, dù chưa đến mức hình thành cơ cấu đối đầu giữa các trục lớn như Mỹ-Nhật-Hàn hay Trung-Nga-Triều, nhưng việc các mối quan hệ “rời rạc” giữa các nước lớn luôn khiến nguy cơ rủi ro và mất kiểm soát trực chờ. Phòng ngừa, kiểm soát bất ổn nhưng vẫn có lợi ích luôn là mục tiêu và nỗ lực hàng đầu trong chính sách ngoại giao của các nước lớn trong khu vực. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng không là ngoại lệ.

Lính Mỹ luyện tập tại một căn cứ ở Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times.

Ngày 20-1 vừa qua, ông Donald Trump chính thức nhậm chức để trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Chính sách của tân Tổng thống Trump có nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm, trong đó có việc xóa bỏ các hiệp định hợp tác kinh tế đa phương, bảo hộ kinh tế trong nước, chính sách nhập cư, quan hệ với các đồng minh… Tuy nhiên, có một thực tế rằng dù hình thức có sự điều chỉnh nhưng nội dung cốt lõi trong việc tìm kiếm lợi ích tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ vẫn được duy trì, do khu vực này có vị trí hết sức quan trọng đối với nền chính trị và kinh tế của Mỹ.

 Mặc dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bị mắc kẹt, nhưng chiến lược “xoay trục về châu Á” của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục được duy trì. Trong tương lai gần, các chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ vẫn là một ưu tiên trong chiến lược. Việc “bỏ rơi” TPP tìm kiếm các giải pháp giao dịch thương mại song phương cho thấy hướng đi mới của Mỹ đối với các đối tác tiềm năng trong khu vực.

Về góc độ quan hệ hợp tác với các đồng minh trong khu vực, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện quân đội của mình, tuy nhiên chi phí mà các nước đồng minh phải trả cho Mỹ sẽ phải cao hơn trước đó. Cụ thể nhất chính là trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines...

Mỹ và châu Á sẽ vẫn phụ thuộc lẫn nhau. Một mặt, châu Á là một thị trường lớn đối với Mỹ, sẽ giúp cho nền kinh tế Mỹ phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động Mỹ hơn là việc theo đuổi chính sách bảo hộ, biệt lập với bên ngoài. Đặc biệt là Mỹ rất cần châu Á để tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình. Ở chiều ngược lại, sự phát triển của châu Á rất cần sự hợp tác với Mỹ.

Điều này không chỉ vì tầm quan trọng của công nghệ tiên tiến của Mỹ, tiềm lực chính trị, quốc phòng và kinh tế hùng mạnh mà điều đặc biệt quan trọng hơn chính là việc Mỹ có thể đáp ứng nguyện vọng của các quốc gia trong khu vực về việc tích cực cải cách thị trường góp phần giúp các quốc gia thúc đẩy hội nhập khu vực cũng như toàn cầu.

Lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận mới diễn ra. Ảnh: Daily Mail.

TPP là một phần của “trục châu Á” trong chiến lược của Mỹ, nhưng nó chỉ là phần nổi của tảng băng. Đối với Mỹ, có thể hiệp định thương mại đa phương với 11 quốc gia khác trong TPP không tạo ra nhiều lợi ích kinh tế như 11 thỏa thuận song phương với riêng rẽ từng nước. Mỹ theo đuổi giải pháp này vì ít nhất nó sẽ tiết kiệm thời gian và tạo ra lực hút lớn để hấp dẫn các quốc gia khác trong việc hợp tác làm ăn với Mỹ.

Ý tưởng “trục châu Á” được sinh ra trong xu hướng toàn cầu hóa, xác định vị trí quan trọng của kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21. Sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã kéo theo sự chuyển dịch của thế giới về các giá trị phương Đông. Cho tới khi tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Hàn Quốc Nhật Bản, chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tân Tổng thống Donald Trump đã thực sự rõ ràng. Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược của mình ở châu Á – Thái Bình Dương.

Tăng sức mạnh quân sự để duy trì an ninh châu Á - Thái Bình Dương

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của thế giới. Khu vực này đã trở thành đại bản doanh của một số quân đội lớn nhất thế giới, và chi tiêu quốc phòng ở đây đang tăng lên. Duy trì an ninh trong bối cảnh của tất cả sự thay đổi này là một ưu tiên đối với nước Mỹ và nhiều quốc gia khác, bởi vì những động lực trên đang tạo ra các cơ hội không chỉ cho tiến bộ và tăng trưởng cao hơn, mà còn cho cạnh tranh và đối đầu mạnh mẽ hơn. Và vì vậy, chiến lược tái cân bằng được lập ra để đảm bảo cho sự ổn định và tiến bộ của khu vực đặc biệt này trong một thời điểm biến động.

Để thực hiện điều đó, Washington ngoài tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực này, thông qua chiến lược tái cân bằng, nước Mỹ đã tiếp thêm sinh lực cho chính sách đối ngoại, tăng cường quan hệ quốc phòng ở khu vực. Những tuyên bố của người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis trong chuyến công du tới hai đồng minh quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc đã cho thấy rõ ý định của Mỹ. Rõ ràng Mỹ không giấu giếm ý định sẽ vẫn là nước bảo trợ chính cho an ninh khu vực trong nhiều thập kỷ tới.

Lính Mỹ luyện tập tại một căn cử ở Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times.

Theo thông báo của Lầu Năm Góc, bên cạnh đề xuất sửa đổi dự thảo ngân sách cho tài khóa 2017, Bộ trưởng James Mattis đã yêu cầu tăng ngân sách cũng như xem xét lại chiến lược quân sự trong những năm tới. Hiện tại, quân đội Mỹ là lực lượng mạnh trên thế giới và được đầu tư với chi phí đắt đỏ nhất với nhiều căn cứ mở rộng trên toàn cầu. Ngân sách quốc phòng hằng năm của Mỹ là hơn 600 tỷ USD với khoảng 1,3 triệu quân nhân tại ngũ.

Các chuyên gia nhận định, quân đội Mỹ sẽ ngày càng mạnh hơn sau khi tân Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh tái thiết quân đội, bắt đầu một quá trình “tái thiết vĩ đại” các lực lượng vũ trang, với mức tăng chi tiêu quốc phòng từ 597 tỷ USD năm 2016 lên đến 1.000 tỷ USD trong những năm tiếp theo.

Nguồn tin tại Nhật Bản và Hàn Quốc tiết lộ, quân đội Mỹ cam kết hợp tác với các nước ở châu Á – Thái Bình Dương và tiếp tục thực thi giai đoạn đầu tiên của chiến lược tái cân bằng để đảm bảo vị thế của lực lượng quân sự Mỹ là giữ vai trò trụ cột trên biển, trên không, và dưới đáy đại dương trong khu vực.

Ông James Mattis khẳng định, Mỹ đang tìm cách tái bố trí lực lượng và sức mạnh quân sự ở khu vực rộng lớn này trở nên hợp lý về mặt địa lý, có khả năng chịu đựng tốt hơn trong tác chiến và ổn định về chính trị. Bộ Quốc phòng Mỹ giữ cam kết triển khai 60% khí tài hải quân và không quân đến khu vực này.

Đồng thời tăng hiện đại hóa các trang bị quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc; duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ; sắp xếp lại các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ từ cơ cấu tập trung cao sang các khu vực bổ sung, bao gồm cả Australia, Guam, và Hawaii (trong đó Guam đóng vai trò là một điểm trung chuyển chiến lược).

Lính Mỹ và Hàn Quốc cùng luyện tập tại một căn cứ ở Hàn Quốc. Ảnh: discovermilitary.com.

Trong giai đoạn thứ hai của chiến lược tái cân bằng, Lầu Năm Góc tiếp tục bố trí lực lượng nhân sự tốt nhất tại khu vực và đang triển khai một số năng lực quân sự hiện đại nhất ở đó. Những năng lực quân sự trên bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-22, F-35, máy bay tuần tra trên biển Poseidon P-8A, V-22 Ospreys, máy bay ném bom B-2, và những tàu chiến trên mặt nước mới nhất của nước này. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang đầu tư thêm các nguồn lực mới quan trọng cho chiến lược tái cân bằng.

Nước này đang tăng số lượng của tàu chiến trên mặt nước và biến chúng trở nên nguy hiểm hơn, và cũng đang đầu tư vào tàu ngầm lớp Virginia, tàu ngầm không người lái, các thiết bị hiện đại cho chiến tranh điện tử, mạng và không gian. Bộ Quốc phòng Mỹ còn phát triển những chiến lược đổi mới, các khái niệm tác chiến và ứng dụng những sáng kiến mới này trong các cuộc diễn tập huấn luyện của riêng Mỹ và với các đối tác.

Trong chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh Mỹ đang hiện đại hóa những liên minh và quan hệ đối tác này để đảm bảo rằng những mối quan hệ đó sẽ tiếp tục đóng vai trò là nền tảng cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bộ trưởng James Mattis cũng khẳng định, các mối quan hệ với đồng minh truyền thống sẽ không thay đổi.

Cụ thể, Liên minh Mỹ - Hàn, Mỹ - Nhật, sẽ được duy trì ổn định, tiếp tục phát triển ở mức cao hơn; hệ thống vũ khí tiên tiến sẽ tiếp tục được triển khai cả ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Tiếp tục giữ vững quan hệ liên minh chiến lược Mỹ - Australia, đưa liên minh này ngày càng vươn lên trở thành một liên minh mang tính toàn cầu; tiếp tục hợp tác quân sự ngày càng chặt chẽ, không chỉ thông qua sáng kiến bố trí lực lượng song phương, mà còn ở bên ngoài khu vực.

Ngoài các nước trên, Mỹ còn đưa ra cam kết đối với Philippines là bất di bất dịch và theo chiến lược tái cân bằng, liên minh này đã có những bước tiến lớn. Quân đội Mỹ sẽ cùng Philippines duy trì hợp tác quốc phòng theo các hiệp định đã ký, tăng cường hỗ trợ các lực lượng vũ trang Philippines để lực lượng này ngày càng hiện đại. Ngoài Philippines, Mỹ cũng cam kết hỗ trợ Thái Lan cải thiện năng lực phòng thủ. Ngoài các liên minh mà ông James Mattis đề cập, Mỹ cũng đang phát triển sâu quan hệ với “đối tác quốc phòng lớn” như Ấn Độ.

Rõ ràng, những bước đi ấn tượng ban đầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã cho thấy nước Mỹ không từ bỏ lợi ích an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương. Chuyên gia phân tích A.M.Giesen cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc chiến lược tái cân bằng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này không chỉ giúp Mỹ giữ một vai trò quan trọng trong phát triển mạng lưới an ninh của khu vực. Ngược lại, nó cũng tác động trở lại khi nó mang tới một sự thay đổi cho một khu vực năng động nhất thế giới.

Có thể thấy rõ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thể hiện rõ chính sách an ninh lấy khu vực châu Á – Thái Bình Dương làm trọng tâm dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc còn là cách trấn an các đồng minh chủ chốt của Mỹ về các cam kết an ninh của Mỹ trong khu vực.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng việc sớm tới thăm các đồng minh này là “một quyết định sáng suốt”. Theo ông, các quan chức ở Tokyo và Seoul đang tự hỏi: “Liệu chúng ta có thể dựa vào Mỹ? Tương lai sẽ ra sao?”.

Tờ Financial Times (Anh) đã nhận định, chuyến thăm hai nước Đông Bắc Á cùng những thông điệp mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra đã khẳng định với các đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương rằng, chính quyền mới của Mỹ cam kết sẽ thực hiện trách nhiệm là đối tác an ninh của họ; chính sách của tân Tổng thống Trump là luôn “ưu tiên cao cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Nguyễn Hòa (tổng hợp)
.
.