Nước Mỹ trải thảm đỏ đón ông Modi

Thứ Tư, 25/09/2019, 17:03
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với một nghi thức long trọng chưa từng có đã được người khách đến từ New Delhi đáp lễ bằng một phần quà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: kêu gọi cử tri Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump.

Ngoài ra, còn vô số lý do khác khiến nước Mỹ trải thảm đỏ tiếp đón Thủ tướng Modi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 22-9 đã có chuyến thăm Mỹ, trước khi ông tham dự khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra trong tuần này. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Modi kể từ khi tái đắc cử Thủ tướng Ấn Độ. Thay vì tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ theo nghi thức truyền thống tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã mời ông Modi tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 tại bang Texas.

Để thể hiện sự tôn trọng và tình cảm dành cho Ấn Độ, ông Trump đặt luôn tên sự kiện là “Howdy Modi” (Xin chào Modi). “Howdy Modi” diễn ra tại một sân vận động với hơn 50.000 người ở thành phố Houston với những màn múa hát chào mừng diễn kéo dài hơn một tiếng rưỡi của khoảng 400 vũ công trong các trang phục sặc sỡ.

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ được sự hưởng ứng nhiệt tình của 50.000 người Mỹ gốc Ấn.

Cả Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump đều có bài phát biểu tại đây - một sự kiện mang tính ủng hộ lớn nhất dành cho một lãnh đạo nước ngoài trên đất Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Modi nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người Mỹ gốc Ấn khi đến Mỹ, song là sự kiện lớn nhất từng được tổ chức. Năm 2014, 19.000 người đã xuất hiện trong một sự kiện tương tự tại New York.

Tổng thống Mỹ Donald Trump còn dành những ngôn từ nồng ấm cho Thủ tướng Modi khi phát biểu tại sự kiện. Ông Trump còn gọi Thủ tướng Modi là một “người bạn thực sự” ở Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ cũng cho biết, Mỹ và Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc tập trận chung có tên Tiger Triumph vào tháng 11-2019.

Hai nước đã từng tổ chức các cuộc tập trận chung, tuy nhiên đây là lần đầu tiên cả Hải quân, Lục quân và Không quân Ấn Độ cùng tham gia cuộc diễn tập. Trước đó, Ấn Độ từng tổ chức tập trận chung ở quy mô tương tự với Nga, lần đầu tiên vào năm 2017 tại Vladivostok.

Đáp lại, ông Modi ca ngợi ông Trump về những nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế Mỹ và đưa mối quan hệ Mỹ-Ấn lên một tầm cao mới. Trong bài nói chuyện, Thủ tướng Ấn Độ hưởng ứng khẩu hiệu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ trước đây, nói rằng ông Trump “đã làm cho nền kinh tế Mỹ mạnh trở lại”.

Người Mỹ gốc Ấn chiếm khoảng 1/5 trong tổng số 20 triệu người Mỹ gốc Á và là nhóm có trình độ học vấn và thu nhập cao hơn so với các nhóm nhập cư khác ở Mỹ. Khoảng 65% người Mỹ gốc Ấn là người theo hoặc ngả về đảng Dân chủ. Có khoảng 300.000 người Mỹ gốc Ấn đang sinh sống tại Houston. Ông Trump nói ông có mặt tại sự kiện này là để bày tỏ “niềm biết ơn sâu sắc” với gần hàng triệu người Mỹ gốc Ấn.

Theo giới phân tích, việc mời Thủ tướng Ấn Độ tham gia sự kiện trên mang lại lợi ích cho cả Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ. Đối với ông Trump, đây là cơ hội để ông xoa dịu căng thẳng thương mại Mỹ-Ấn Độ, đồng thời cũng là một nỗ lực của ông nhằm lôi kéo sự ủng hộ của người Mỹ gốc Ấn trong cuộc chạy đua vị trí Tổng thống Mỹ năm 2020 bởi bang Texas được xem là bang có số phiếu quan trọng để giành chiến thắng.

Còn đối với ông Modi, sự song hành với Tổng thống Mỹ và những gì ông nhận được từ ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ khiến ông giảm tránh được những lời chỉ trích quốc tế sau chính sách mạnh tay liên quan đến khu vực biên giới nhạy cảm Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan mới đây.

Nhưng Le Monde cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của ông Modi đến Mỹ lần này là đạt một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Mỹ và thuyết phục giới đầu tư Mỹ rằng chính phủ của ông có đủ khả năng vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc của Ấn Độ.

Hai ông Modi và Trump dắt tay nhau “như đôi bạn thân” tại Houston ngày 23-9.

Gần đây, quan hệ Mỹ-Ấn có phần căng thẳng sau khi ông Trump chấm dứt chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) đối với Ấn Độ vào tháng 6-2019. GSP là chương trình ưu đãi thương mại lớn nhất và lâu đời nhất của Mỹ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển, cho phép xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm từ các quốc gia này sang Mỹ mà không phải chịu thuế.

Chương trình GSP của Washington cho phép xuất khẩu hằng năm của Ấn Độ trị giá 5,6 tỷ USD được tiếp cận thị trường Mỹ miễn thuế. Năm 2018, Ấn Độ thu hút 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ. Doanh nghiệp Mỹ là nhóm nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư tại Ấn Độ, nền kinh tế có quy mô 2,6 nghìn tỷ USD.

Sau khi Mỹ chấm dứt GPS với Ấn Độ, các quan chức thương mại Mỹ cáo buộc New Delhi đã triển khai “một loạt các rào cản thương mại tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến thương mại Mỹ”. Tiêu biểu, New Delhi đã tung đòn đáp trả khi áp dụng mức thuế quan bổ sung đối với 28 mặt hàng của Mỹ.

Dự kiến, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và các vấn đề tại phiên họp Đại Hội đồng là những chương trình nghị sự chính của Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm Mỹ kéo dài 1 tuần này. Ngày 19-9, 44 thành viên Quốc hội Mỹ thúc giục Đại diện Thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục nhượng bộ thương mại với Ấn Độ, cho biết việc chấm dứt nhượng bộ này đã khiến New Delhi đưa ra các biện pháp đáp trả thuế quan và điều này làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp Mỹ.

Theo giới quan sát, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi lần này có thể kết thúc bằng một thỏa thuận thương mại hạn chế giữa Washington và New Delhi. Việc có thể đạt được một thỏa thuận với Ấn Độ sẽ là một chiến thắng giành cho ông Trump khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vẫn chưa có tiến triển khả quan.

Ngoài cái được về chính trị, kinh tế, Mỹ còn rất cần Ấn Độ trong vấn đề địa chính trị, cụ thể là để kìm chế Trung Quốc. Đây là điều mà Mỹ chấp thuận để nhượng bộ Ấn Độ trên nhiều vấn đề, từ việc mua dầu của Iran tới mua vũ khí của Nga. Theo giới phân tích, Washington “nợ” Thủ tướng Modi nhiều thứ.

Thứ nhất là yếu tố Trung Quốc. Washington cần New Delhi để kềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh cả về mặt kinh tế lẫn quân sự trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai, Ấn Độ hiện đang là một trong những quốc gia mua vũ khí hàng đầu thế giới, đang có nhu cầu hiện đại hóa khả năng phòng thủ rất lớn. Đây là một thị trường mà các nhà sản xuất vũ khí Mỹ không muốn bỏ qua.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.