Nước Nga và chiến lược Đại Á-Âu

Thứ Ba, 17/01/2017, 10:00
Năm 2016 chính sách của Nga tại hai lục địa Á-Âu, hợp tác của Nga với các đồng minh và đối tác đã bước lên tầm cao mới. Năm 2017 vẫn còn đó những thách thức, như các chuyên gia Nga dự báo, chính sách khó đoán định của Mỹ sẽ đòi hỏi những vận động ngoại giao điêu luyện hơn, buộc Nga phải đề ra được chiến lược của riêng mình.

Dù thế nào, nước Nga đã bắt đầu năm 2017 với tư cách mới - một bên tham gia được công nhận, tích cực và có tầm ảnh hưởng ở cả hai lục địa Á-Âu.

Các nhà lãnh đạo EAEU trong cuộc gặp tại Astana, Kazakhstan.

Chiến lược Đại Á-Âu

Tiến sỹ khoa học chính trị Dmitri Efremenko, Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học về các vấn đề khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga mới đây đăng bài viết trên trang mạng của tạp chí “Nga trong chính sách toàn cầu” phân tích về sự ra đời của ý tưởng về một “Đại Á-Âu”, nhấn mạnh, gần 1/4 thế kỷ trải qua đã có hai sự kiện mang tính biểu tượng mà mỗi sự kiện đều là dấu hiệu cho sự thay đổi chính sách trên thế giới.

Năm 1991 Liên Xô tan rã. Cùng trong năm 1991, lãnh đạo 12 quốc gia Tây Âu đã nhất trí “Thỏa thuận về Liên minh châu Âu”. 25 năm sau, tháng 6/2016, trong khi phần lớn người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ phương án rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tại thời điểm này, Ấn Độ và Pakistan lại ký kết Công ước của Tổ chức hợp tác Thượng Hải... Chiến lược Đại Á-Âu đang dần được hình thành.

Trải qua 25 năm, nước Nga đã có nhiều thay đổi. Việc tạo ra liên kết Đại Á-Âu là quá trình cơ bản của sự thay đổi địa chính trị và địa kinh tế với địa điểm của những thay đổi là lục địa Á-Âu, các khu vực lân cận châu Phi. Đại Á-Âu không chỉ được coi là quan hệ đối tác chiến lược của riêng nước Nga, mà phải tính đến cả sự tham gia của các quốc gia khác nữa.

Một trong những điều kiện tiên quyết của Đại Á-Âu là tăng cường các quốc gia ngoại biên và bán ngoại biên, hội nhập với quá trình toàn cầu hóa và bắt kịp sự phát triển của các cường quốc. Một ví dụ điển hình trong thời gian vừa qua là sự tăng tốc mạnh của các công trình xây dựng hành lang giao thông “Bắc-Nam” nối Nga với Iran đi qua Azerbaijan và trong tương lai là nối Nga với Ấn Độ.

Xung quanh dự án này bắt đầu hình thành nên đối tác chiến lược ba bên gồm Nga, Iran và Azerbaijan. Trong khi đó, Nhật Bản, Trung Quốc... cũng mở rộng hợp tác với Nga về phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng ở vùng Viễn Đông và nội địa Nga.

Như vậy, sự hình thành nên Đại Á-Âu bắt đầu giống như một quá trình tự tổ chức, phát triển trong một thời gian dài và hiện đã hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để hình thành nên Đại Á-Âu. Một số chuyên gia nhận định, chính nhân tố Mỹ đã “vô tình” thúc đẩy Đại Á-Âu. Nhiều quốc gia cảm thấy lợi ích quốc gia của họ sẽ được đáp ứng nhiều hơn khi tham gia quá trình hình thành Đại Á-Âu, tuy có vẫn ít nhiều phụ thuộc vào lợi ích chiến lược với Mỹ.

Một ví dụ điển hình, Hàn Quốc đã đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ của mình. Nhưng, trên thực tế, Hàn Quốc có nguyện vọng dài hạn là tận dụng tối đa các khả năng để hình thành nên Đại Á-Âu.

Chiến lược Đại Á-Âu và thành công trong kinh tế

Để có được sự thành công trong việc hình thành nên một liên kết mới - Đại Á-Âu, không thể không nói tới vai trò của nước Nga. Tầm quan trọng của việc hình thành nên một Đại Á-Âu đang dần được khẳng định với sự thành công đặc biệt của nước Nga. Năm vừa qua là một năm phức tạp trong chính sách đối ngoại của Nga. Nó được đánh dấu bằng cả những thắng lợi ngoại giao lẫn những thách thức mới còn đang cần tìm câu giải đáp.

Nếu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nga đã giành những kết quả tích cực, thì ở Trung Đông, tuy đã giúp Syria giành được thắng lợi quan trọng, song bức tranh vào cuối năm 2016 vẫn phức tạp và mâu thuẫn. Trong khi đó, đối với châu Âu, NATO, Ukraine, Mỹ... vẫn là ẩn số khi thành công và thách thức luôn đan xen.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tháng 6/2016. Ảnh: Xinhua.

Để hoàn thiện chiến lược Đại Á-Âu, nước Nga đã và đang tập trung xây dựng quan hệ tích cực với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, như nối lại đối thoại tích cực với Nhật Bản; đa dạng hóa quan hệ chính trị và kinh tế với các nước châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Philippines... sự tích cực của Nga đã giúp nước này củng cố vị thế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chính sự ổn định và đa dạng trong các mối quan hệ ngoại giao cùng những biện pháp cải cách kinh tế đã mở đường cho những thành công trong kinh tế, bất chấp giá dầu giảm suốt cả năm 2016 và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mô hình tăng trưởng kinh tế trên cơ sở phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ tỏ ra không phải là hướng tốt hơn đối với Nga.

Như Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev nhận xét, “hiện nay, tình hình thị trường dầu lửa thế giới cho thấy cần phải xây dựng lại cấu trúc kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, và không định hướng theo thị trường nguyên liệu”.

Một số nhà phân tích phương Tây thậm chí thừa nhận rằng kinh tế Nga đã thành công các điều kiện hạn chế từ bên ngoài. Theo lời nhà phân tích Kennet Rapoza, “nền kinh tế Nga đã có đủ thời gian để học cách cân bằng trong các điều kiện bị trừng phạt”. Năm 2016, nước Nga đã có những thay đổi ngoạn mục trong lĩnh vực kinh tế.

Sự khởi sắc của kinh tế Nga đã thu hút nhiều nhà đầu tư từ cả Mỹ và châu Âu. IKEA - nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới của Thụy Điển và Leroy Merlin của Pháp cùng nhiều công ty của phương Tây đã đổ hàng tỷ USD vào các nhà máy và cửa hàng ở Nga, đặt niềm tin vào thị trường này. Giám đốc Leroy Merlin tại Nga cho biết, sẽ chi 2 tỷ USD để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng ở Nga, trong khi công ty thực phẩm Mỹ Mars thì mở rộng để sản xuất kẹo cao su và thực phẩm cho thú nuôi tại địa phương.

“Đây là thời điểm để đầu tư, tôi tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Nga trong dài hạn”, Tổng Giám đốc IKEA cho biết.

Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, giờ đây, tình hình thay đổi khi tỷ giá đồng rúp ổn định và kinh tế Nga được dự báo sẽ sớm tăng trưởng trở lại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đến 8,3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2016 so với mức 5,9 tỷ USD của cả năm 2015. Nước Nga đang trở thành nơi thu hút các nhà máy và cơ sở sản xuất mới.

Đơn cử, Hãng Samsung của Hàn Quốc bắt đầu xuất khẩu máy giặt “Made in Russia” đến 20 nước châu Âu. Công ty con Wrigley của hãng sản xuất bánh kẹo Mỹ Mars bắt đầu sản xuất kẹo cao su Juicy Fruit ở St.Petersburg. “Tôi không nghĩ sự tăng trưởng này chỉ là tạm thời”, Giám đốc của IKEA ở Nga, Magnus Benon khẳng định.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, lợi thế chính trị ở cả hai lục địa Á-Âu cho phép Nga trở thành trung tâm sản xuất khu vực trong ngắn hạn và trung hạn. Thậm chí, Nga có thể trở thành công xưởng của khu vực. “Mục tiêu của các nhà sản xuất của chúng tôi ở Nga là tạo ra các liên minh với những doanh nghiệp ngoại, trở thành một phần của chuỗi giá trị gia tăng khu vực và toàn cầu, từ đó tăng tiềm năng cạnh tranh và tăng tiềm năng xuất khẩu quốc gia”.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Á-Âu Yaroslav Lissovolik nhận định. Rõ ràng, chính sách tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác Á-Âu với mục đích đạt tăng trưởng kinh tế dài hạn và bền vững trên toàn khu vực là sách lược lớn của Nga. Nga hướng tới các quốc gia mục tiêu có nhiều tham vọng thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và một loạt nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đại Á-Âu sẽ cho Nga một không gian lớn

Tháng 12-2015, trong thông điệp liên bang hằng năm trước Hội đồng Liên bang Nga, Tổng thống V.Putin đã công bố ý tưởng về việc thiết lập một mối quan hệ đối tác Âu-Á rộng lớn hơn. Tháng 6-2016, tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế ở St.Petersburg, ông lại đề cập chi tiết về quan hệ đối tác này, mà theo ông nói sẽ được dựa trên những nguyên tắc minh bạch và tôn trọng lợi ích của nhau. Thực tế, ý tưởng tạo lập một khu vực thương mại khắp Âu-Á đã được đề cập trước đó dưới hình thức một cộng đồng kinh tế “từ Lisbon tới Vladivostock”.

Theo Tổng thống Putin, quan hệ đối tác ban đầu sẽ tập trung vào việc bảo hộ đầu tư, hoàn thiện các thủ tục liên quan tới việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới, cùng phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các công nghệ thế hệ mới và mở cửa các thị trường dịch vụ và vốn. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Vyacheslav Kholodkov thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Nga cho rằng, số lượng lớn các nước như vậy, nếu không phối hợp tốt cũng sẽ là một trong những trở ngại chính cho việc thực hiện dự án.

Theo các chuyên gia, để phối hợp tiến hành một loạt vấn đề như vậy sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, và đây sẽ là một tiến trình rất lâu dài, phức tạp, khó khăn với đầy những bất trắc.

Năm 2017, các dự báo đều khẳng định rằng vai trò nước Nga trên trường quốc tế sẽ tăng lên. "Người châu Âu cần phải có mối quan hệ tốt đẹp với Nga", nhà địa chính trị học nổi tiếng người Pháp Alexander Del Valle nói. Trong khi đó, tạp chí kinh doanh Forbes cũng dự đoán những chuyển động tích cực trong nền kinh tế Nga.

"Trong những tuần cuối cùng của năm 2016, Nhật Bản, Qatar (ngụ ý nói đến thương vụ mua gói cổ phần của Rosneft) và nước Mỹ đã mang lại cho nước Nga "món quà vĩ đại". Chính các chuyên gia Forbes khẳng định rằng Nga sẽ giành chiến thắng trong các trò chơi năng lượng và ngoại giao trong năm 2017.

Quân đội Nga tham gia diễn tập trong khuôn khổ SCO. Ảnh: Sputnik.

Chuyến thăm Nhật Bản được mong đợi từ lâu của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể cũng là cú hích đối với tất cả những ai muốn tiến hành kinh doanh với Nga trong năm 2017. Hàng tỷ USD từ Nhật Bản sẽ được chi cho khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nga, xây dựng thêm một nhà máy sản xuất khí hóa lỏng ở Sakhalin, cũng như xây dựng đường ống dẫn khí đốt kéo dài tới đảo Hokkaido.

Liên quan đến các dự định của Mỹ, theo Forbes, không có gì để nói về tính nghiêm túc trong các kế hoạch của ông Trump mong muốn cải thiện quan hệ với Nga là lựa chọn Rex Tillerson (bạn thân của Tổng thống Putin), Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Exxon Mobil, làm Ngoại trưởng Mỹ. Chiến thắng của ông Trump đã phát đi tín hiệu về những thay đổi quan trọng, trong đó có liên quan đến những triển vọng kinh tế và chính trị của Nga.

Nhà báo Peter Ford từ tờ The Christian Science Monitor viết: Năm 2017 "thế giới sẽ thấy nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế".

Các chuyên gia hãng phân tích thông tin tình báo Stratfor của Mỹ cho rằng phương Tây ngày càng không thể trở thành một khối thống nhất chống Nga phần lớn do Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và chiến thắng của ông Trump trong bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, những cuộc bầu cử được ấn định trong năm 2017 ở Đức, Pháp, Hà Lan và rất có thể tại Italy "có thể làm trầm trọng thêm chia rẽ bên trong châu Âu".

Trong khi đó, Nga ngày càng vững mạnh hơn khi quan hệ giữa Nga với Gruzia và Moldova được cải thiện, quan hệ với Azerbaijan và Uzbekistan được củng cố. Ngoài ra, Nga có thể đóng vai trò tích cực hơn trong quan hệ với các quốc gia Trung Á trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB).

Sự thành công trong chính sách đối ngoại và kinh tế của Nga khiến các đối thủ “giật mình”. Liên minh châu Âu (EU), khu vực trong hai năm qua gây cho Nga nhiều bất lợi, đang dần chìm vào khủng hoảng. Nước Mỹ dưới thời ông Trump đang quay lại “bắt tay” với Nga. Sự thành công ấy được các chuyên gia đánh giá là do chiến lược “xoay trục” hợp lý, hợp thời của Nga sang châu Á.

Chiến lược Đại Á-Âu đã có bước thành công đầu tiên và giờ đây cần thêm sự hợp lực và hiện thực hóa bằng kết quả cụ thể mà nước Nga đã dày công vun đắp trong hợp tác giữa Nga với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU); Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)...

Không gian rộng lớn trong lĩnh vực kinh tế là tiền đề để Nga mở rộng ảnh hưởng chính trị, tăng cường hợp tác an ninh, trở thành một cực quan trọng, tham gia giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu.

Hoa Huyền
.
.