Ông Bolsonaro bị phản đối vì cách ứng phó đại dịch

Thứ Tư, 25/03/2020, 19:20
Đến ngày 23/3 là gần một tuần người dân Brazil bày tỏ thái độ bất bình với Tổng thống của mình theo cách chưa từng có trong mùa đại dịch COVID-19. Nguyên nhân được cho là do Tổng thống Jair Bolsonaro không xem trọng việc ứng phó với dịch bệnh.

Nếu người Italy ra đứng trên ban công nhà mình vỗ tay reo hò, hát những bài hát yêu nước để cổ vũ, động viên nhau cùng vượt qua đại dịch trong hoàn cảnh tự cách ly, thì người Brazil cũng đứng trên ban công nhà, tự cách ly, nhưng lại đập, gõ xoong, nồi, chảo và la hét ầm ĩ. Cuộc biểu tình đập xoong, nồi diễn ra hàng đêm tại hầu hết các thành phố của Brazil như một cách phản đối Tổng thống Jair Bolsonaro vì thái độ xem thường dịch bệnh của ông.

Tổng thống Bolsonaro đã gây phẫn nộ trong dân chúng Brazil từ hôm 15-3 khi ông tham gia vào đám đông biểu tình trước toà nhà Quốc hội để ủng hộ chính phủ, phản đối Quốc hội và Tòa án tối cao trong cuộc tranh luận về ngân sách chưa có hồi kết. 

Điều này trái ngược với những lời khuyên của chính ông mấy ngày trước rằng người dân Brazil tránh tụ tập đông người để phòng lây lan COVID-19. Bất chấp khuyến cáo của ngành y tế, ông Bolsonaro không chỉ hòa vào đám đông mà còn bắt tay, chụp ảnh "tự sướng" cùng với hàng trăm người biểu tình.

Tuần trước, Tổng thống Bolsonaro đã thực hiện chuyến thăm Mỹ ngay trong lúc dịch bệnh đã bắt đầu bùng phát ở Mỹ. Sau chuyến đi, đoàn quan chức cùng đi với ông đã xét nghiệm dương tính với COVID-19, còn bản thân ông cũng đang trong thời gian cách ly vì bị nghi nhiễm.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trả lời báo chí hôm 21/3.

Chính phủ Brazil đã bị dư luận chỉ trích gay gắt vì ứng phó quá chậm chạp và không đủ mức độ cần thiết trong khi cả khu vực Nam Mỹ và thế giới đang hết sức khẩn trương triển khai nhiều biện pháp, như phong tỏa, cách ly nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch. 

Tính đến sáng ngày 24/3, Brazil đã ghi nhận 1.924 ca nhiễm và 34 người chết vì COVID-19. Bộ Y tế Brazil đã cảnh báo hệ thống y tế công cộng nước này có khả năng quá tải vào cuối tháng 4 nếu dịch bệnh không được ngăn chặn ngay từ bây giờ.

Dư luận càng bất bình hơn khi Tổng thống Bolsonaro trả lời phỏng vấn trên truyền hình hôm 21/3 cho rằng dịch COVID-19 chỉ là "bệnh cúm nhỏ" không đáng quan tâm. Ông đã chỉ trích các nỗ lực ngăn dịch lây lan bằng biện pháp cách ly, phong tỏa quy mô lớn mà cả thế giới đang triển khai, phê phán các Thống đốc bang là "vô trách nhiệm" vì đã áp dụng các biện pháp nêu trên gây hoang mang, lo sợ trong dân chúng(!) Chưa hết, trong khi lãnh đạo nhiều nước trong khu vực khẩn trương hội đàm để bàn biện pháp chung sức chống đại dịch, thì ông Bolsonaro lại lảng tránh, không tham gia.

Đồng thời, ông cáo buộc đại dịch COVID-19 thực ra là câu chuyện thêu dệt của truyền thông, là một âm mưu chính trị nhằm lật đổ ông!? Những tuyên bố như thế đã gây phẫn nộ không chỉ trong dư luận báo chí, trong công chúng Brazil mà cả trong giới chính trị, trong đó có những người trước đây từng ủng hộ ông.

Ông Bolsonaro lên nắm quyền vào năm 2018, được xem là "hiện tượng Trump" ở Brazil. Ông đã mang chủ trương cực hữu đến để thay đổi cục diện chính trị Brazil giữa lúc nền kinh tế đang gặp vô vàn khó khăn khiến dân chúng Brazil chán nản, từ bỏ chính quyền cũ để bầu ông lên.

Thế nhưng, chỉ trong 3 tháng đầu cầm quyền, chính sách cực đoan và những hành động khó hiểu đã khiến ông trở thành mục tiêu công kích của dư luận và các đảng phái chính trị đối lập. Thế là cả năm 2019, năm đầu cầm quyền của ông Bolsonaro, uy tín ông liên tục đi xuống.

Bước sang năm 2020, xuất hiện đại dịch COVID-19. Những vấn đề phát sinh trong việc ứng phó đại dịch được xem như cú đấm thứ hai, là dấu hiệu tiếp nối đà sụt giảm uy tín của Tổng thống Bolsonaro trong dân chúng Brazil.

Trước khi có đại dịch COVID-19, tình hình cũng đã rất khó khăn cho Tổng thống Bolsonaro khi cuộc chiến chống tham nhũng với chiến dịch Lava Jato (Rửa Xe) đụng chạm đến một loạt quan chức trong nội các và các nghị sĩ trong Quốc hội thuộc phe cánh của ông.

Ông bị dư luận chỉ trích vì đã không giữ đúng lời hứa chống tham nhũng triệt để. Trong khi đó, con trai ông là Eduardo, nghị sĩ Hạ viện thuộc đảng Tự do Xã hội (PSL) cũng bị dư luận cáo buộc có liên quan đến băng nhóm xã hội đen buôn ma túy và buôn người.

Tổng thống Bolsonaro đang thương lượng với Quốc hội nhằm giành quyền kiểm soát khoản ngân sách 3,4 tỉ USD. Quốc hội Brazil không muốn giao cho chính phủ của ông Bolsonaro quyền kiểm soát khoản tiền này mà muốn dành cho những chương trình an sinh xã hội cấp bách hơn, nhất là trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay.

Chính vì vậy Tổng thống Bolsonaro đã kích động người ủng hộ mình tổ chức biểu tình để gây áp lực với Quốc hội. Cuộc biểu tình đã gây bất bình trong giới chính trị. Nhiều nghị sĩ đã lên tiếng phê phán ông Bolsonaro có hành động tấn công vào thiết chế dân chủ, đồng thời đẩy nhiều người dân Brsazil vào nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Những người đối lập với Tổng thống Bolsonaro cho rằng biểu tình phản đối Quốc hội chẳng qua cũng chỉ là màn "vải thưa che mắt thánh" nhằm đánh lạc hướng chú ý của dư luận đối với tình hình kinh tế ảm đạm của đất nước.

Chưa tính đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đồng tiền mất giá kỷ lục, với 5 real ăn 1 USD; nền kinh tế Brazil trên đà giảm tốc rất nhanh, với tốc độ tăng trưởng tụt giảm còn tương đương 2%/năm, thậm chí có người còn dự báo sẽ tăng trưởng âm vào cuối năm nay.

Những vấn đề này, tiếp nối những vấn đề tồn đọng từ năm 2019, trong đó có cả vấn đề của con trai ông, càng khiến cho Tổng thống Bolsonaro như bị bủa vây bởi những khó khăn chồng chất.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.