Quan hệ Mỹ - Đức: Công khai những bất đồng

Thứ Năm, 03/05/2018, 12:45
Vốn tương đối tốt đẹp dưới thời ông Barack Obama nhưng mối quan hệ giữa Mỹ và Đức đang trở nên xấu đi kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Trước và sau khi lên nắm quyền, vị tỉ phú này luôn chỉ trích Đức.

Đáp lại, Thủ tướng Merkel công khai tuyên bố, thời kỳ có thể hoàn toàn tin cậy lẫn nhau giữa hai quốc gia ở mức độ nhất định đã qua rồi, kêu gọi người dân châu Âu phải thực sự nắm lấy vận mệnh của mình. Điều này có nghĩa là những bất đồng giữa Mỹ và Đức đã được công khai hóa, quan hệ song phương đã bước vào giai đoạn mới.

Những bất đồng giữa hai nước đã làm “phá sản” chuyến thăm Mỹ hôm 27-4 cũng như kế hoạch thuyết khách của bà Merkel. Hai bên hiện vẫn đang có nhiều tranh cãi, chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực thương mại, chính sách dân tị nạn và nhập cư, lập trường đối với việc liên kết của châu Âu, về NATO, quản lý thế giới,...

Về vấn đề thứ nhất, mặc dù Đức là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ và ngược lại, nhưng Tổng thống Trump lại luôn tỏ ra bất bình đối với Berlin trong vấn đề chính sách thương mại và nhập siêu, nhiều lần chỉ trích Đức, gây ra tranh cãi quyết liệt giữa hai nước.

Trong khi nhà lãnh đạo này theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại thì Đức kiên quyết chủ trương thương mại tự do, cho rằng chính sách bảo hộ thương mại của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ làm cho kinh tế hai nước trả giá bằng tăng trưởng trì trệ và giảm sút việc làm, cũng làm lung lay hệ thống của thị trường thương mại tự do.

Liên quan tới tranh cãi về chính sách dân tị nạn và nhập cư, giữa Đức và Mỹ có bất đồng nghiêm trọng trong vấn đề đối xử thế nào với nhiều dân di cư ở Trung Đông. Sau khi ông Trump lên nắm quyền, ông liên tiếp ký các sắc lệnh hành chính, tạm thời cho ngừng nhập cảnh dân tị nạn, ngừng cấp visa cho đông đảo công dân 7 quốc gia Tây Á và Bắc Phi.

Trái ngược lại, từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng dân tị nạn năm 2015, bà Merkel lại quyết định mở cửa biên giới, đón nhận rất nhiều dân tị nạn đến từ khu vực Trung Đông, đồng thời cho biết không thể hạn chế trong việc tiếp nhận dân tị nạn. Tổng thống Mỹ đã chỉ trích chính sách này là quá cởi mở và ngu ngốc khiến Đức rơi vào thảm họa. Ông thậm chí còn coi những người dân tị nạn đến Đức giống như “ngựa gỗ thành Troy”.

Ông cho rằng Thủ tướng Đức đã mở cửa để đón nhận các phần tử khủng bố. Đáp lại, nhà nữ lãnh đạo Đức chỉ trích ông Trump ngăn chặn công dân của 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ là việc làm đáng tiếc, là một hành động mang tính kỳ thị. Tranh cãi giữa hai nước về chính sách đối với dân tị nạn thể hiện rõ sự khác biệt về quan niệm giá trị giữa hai nước: Mỹ coi trọng nhiều hơn lợi ích thực tế, còn Đức coi trọng trách nhiệm đạo đức do nguyên nhân lịch sử.

Về lập trường đối với việc liên kết của châu Âu, Tổng thống Mỹ đã công khai ca ngợi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), gọi đây là một phong trào thành công, là một “sự kiện vĩ đại và thông minh” của người dân muốn tìm lại sự đồng thuận của họ, đồng thời coi việc này là do quản lý biên giới lỏng lẻo của EU và làn sóng người tị nạn kéo đến quá đông.

Chưa dừng lại ở đó, người đứng đầu Nhà Trắng thậm chí còn dự báo, nếu cuộc khủng hoảng dân tị nạn không được giải quyết ổn thỏa, một trong những hâu quả sẽ là rất nhiều quốc gia sẽ đi theo Anh, lựa chọn rút khỏi EU. Hành động cũng như tuyên bố của ông Trump là hoàn toàn trái ngược với thái độ và chính sách liên kết châu Âu của Đức.

Thứ tư là những tranh cãi về NATO, chủ yếu thể hiện ở các vấn đề như tầm quan trọng và chức năng chủ yếu của liên minh quân sự này, chia sẻ đóng góp cho ngân sách của NATO, chiến lược quốc phòng tăng thêm quân ở Afghanistan, về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên...

Cuộc hội đàm Mỹ - Đức hôm 27-4 đã diễn ra không như mong đợi.

Về khía cạnh đóng góp cho ngân sách NATO, ông Trump nhấn mạnh rằng: “Nhập siêu của Mỹ từ Đức là rất lớn, nhưng đóng góp của Đức cho ngân sách quân sự của NATO lại thấp hơn nhiều mức đáng phải đóng góp. Đức đối xử quá tệ hại với Mỹ, cần phải thay đổi tình trạng này”.

Trong khi đó, bà Merkel nhắc đi nhắc lại rằng, ngân sách quốc phòng ở trong nước Đức tồn tại sự hạn chế. Về vấn đề tăng quân ở Afghanistan, trong khi Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu ở quốc gia Trung Đông này và sẽ điều động thêm quân thì Đức phản đối quyết định này.

Về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Mỹ nhiều lần viết lên Twitter rằng ông muốn giải quyết bằng biện pháp quân sự. Trong khi đó, Thủ tướng Đức thì khẳng định “tôi và Tổng thống Mỹ có bất đồng rõ rệt về vấn đề này. Nếu chiến tranh xảy ra ở Bán đảo Triều Tiên, Đức không thể đứng về phía Mỹ”.

Thứ năm là vấn đề quản lý thế giới. Tranh cãi hiện nay giữa Đức và Mỹ trong vấn đề quản lý toàn cầu chủ yếu thể hiện ở hai lĩnh vực là bảo hộ thương mại và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong vấn đề ứng xử với toàn cầu hóa và thương mại tự do, Đức ủng hộ thúc đẩy toàn cầu hóa, phản đối bảo hộ thương mại, ủng hộ thương mại tự do, vẫn giữ thái độ tích cực đối với đàm phán Doha của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Trong khi đó, Tổng thống Trump đã không khách khí khi nhiều lần chỉ trích chính sách thương mại của Đức, nhiều lần phát biểu rằng, tự do tiến vào thị trường Mỹ chỉ có thể giúp các công ty nước ngoài cướp đi việc làm của người Mỹ, sử dụng hàng hóa giá rẻ để nhấn chìm nước Mỹ, tuyên bố phải chuyển từ đám phán thương mại đa phương sang song phương, tối đa hóa lợi ích của Mỹ, xây dựng lại quy tắc và trật tự toàn cầu hóa do Mỹ nắm vai trò chủ đạo. Về vấn đề biến đổi khí hậu, ông Trump phủ nhận dự báo cho rằng, hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Tổng thống Trump còn giữ thái độ tiêu cực đối với thỏa thuận hạt nhân của EU và Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời tỏ ra hoài nghi Tehran không thực hiện được những nghĩa vụ của hiệp định này. Từ đó, ông đe dọa sẽ thay đổi. Việc làm này của Tổng thống Mỹ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Mỹ và EU về quản lý thế giới trong tương lai.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.