Mỹ công bố chiến lược hạt nhân mới:

“Súng lệnh” cho cuộc chạy đua vũ trang mới

Thứ Tư, 07/02/2018, 13:50
Với cái cớ răn đe, ngăn chặn các mối đe dọa an ninh và sự tồn vong của nước Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ trong Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR) cho rằng cần xây dựng một kho vũ khí hạt nhân đủ mạnh để ngăn cản mọi hành động gây hấn. Số tiền chi cho vũ khí hạt nhân được Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính là 1.200 tỷ USD, kéo dài trong 30 năm.

Bóng dáng một trật tự thế giới mới được tái định hình bằng sức mạnh của vũ khí hạt nhân đang dần trở lại.

Bom nhỏ... nguy hiểm lớn

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, quân đội Mỹ công bố một bản đánh giá về tình hình hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân trong tương lai. Theo NPR, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hệ thống bộ ba hạt nhân chiến lược, bao gồm các vũ khí hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không, được triển khai rộng rãi hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, cho đến khi có chương trình thay thế khác.

Chiến lược hạt nhân mới của Mỹ được xem là sẽ chấm dứt những nỗ lực dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân.

Nhấn mạnh mối quan ngại của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga, bản báo cáo dù tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe.

Sức công phá của một vụ nổ hạt nhân được Mỹ thử từ thời chiến tranh Lạnh. Ảnh: Foxtrot Alpha.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrickh M.Shanahan nói: “Đánh giá này phù hợp với các chính sách hạt nhân của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Môi trường an ninh đầy thử thách đòi hỏi chúng ta phải tăng cường chính sách ngăn chặn”.

Câu hỏi đặt ra là nước Mỹ sẽ phát triển loại vũ khí hạt nhân nào? Theo NPR, Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất phát triển các loại vũ khí hạt nhân theo hướng nhỏ gọn hơn với sức nổ dưới 20 kiloton - còn gọi là vũ khí hạt nhân hạng nhẹ, hay còn được gọi là bom “chiến thuật”, vẫn có sức công phá lớn với mức độ hủy diệt tương đương 2 quả bom từng được thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào cuối Thế chiến II.

Báo cáo lập luận rằng Mỹ hướng đến phát triển các loại vũ khí hạt nhân nhỏ gọn như một lựa chọn để đối phó với các tình huống khẩn cấp, bao gồm các cuộc tấn công phi hạt nhân.

Bộ Quốc phòng Mỹ lập luận, điều này phù hợp với chiến lược và quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đó là, mục đích của chiến lược phát triển năng lực hạt nhân của Mỹ là hướng đến việc hạn chế sử dụng các vũ khí hạt nhân, đồng thời giúp củng cố năng lực ngăn chặn các cuộc tấn công chiến lược nhằm vào Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này; giúp ngăn chặn, phát hiện và đối phó với khủng bố hạt nhân.

Một hầm ngầm chứa đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Ploughshares Fund.

Một dạng “lách luật” đưa loài người tiến gần hơn tới sự hủy diệt

Theo nhận định của các chuyên gia, NPR đánh dấu một sự thay đổi lớn từ quan điểm về tương lai chương trình nguyên tử của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama vốn kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Chiến lược vũ khí hạt nhân mới cũng là một dạng “lách luật” khi Lầu Năm Góc thừa nhận chiến lược này nhằm đáp trả những quan ngại của Nga gần đây cho rằng vũ khí hạt nhân Mỹ là “quá lớn”, có thể dẫn đến sự trả đũa quy mô lớn, đe dọa an toàn thế giới.

Ngay sau khi Mỹ công bố chiến lược hạt nhân mới, Trung Quốc, Nga, Iran và nhiều nước khác lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Đánh giá sự nguy hiểm của chiến lược này, ngày 3-2, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố trên trang mạng Twitter rằng, Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 của Mỹ phản ánh sự phụ thuộc lớn hơn vào vũ khí hạt nhân của nước này, một hành động vi phạm NPT và đưa loài người tiến gần hơn tới sự hủy diệt.

Ngoài ra, nhà ngoại giao hàng đầu Iran khẳng định sự “ngoan cố” của Tổng thống Donald Trump trong việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) cũng bắt nguồn từ sự “khinh suất nguy hiểm tương tự”.

Trong khi đó, hôm 4-2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Nhậm Quốc Cường, đưa ra tuyên bố chỉ trích Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân của Mỹ. Ông Nhậm cáo buộc Mỹ đã “phỏng đoán vô lý” về ý định của Trung Quốc, cho rằng Mỹ đang tìm cách khuếch đại về sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump muốn hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của Mỹ. Ảnh Bộ Quốc phòng Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc luôn có thái độ kiềm chế đối với việc phát triển vũ khí hạt nhân và luôn giữ sức mạnh hạt nhân của mình ở mức tối thiểu đủ để bảo vệ an ninh quốc gia.

Bắc Kinh cũng kêu gọi Mỹ từ bỏ “tư duy chiến tranh lạnh”. “Hòa bình và phát triển là những xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Mỹ với tư cách là quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới nên cần tuân theo xu hướng này thay vì chống lại nó”, thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 4-2 viết.

“Vũ khí nóng” trấn áp các siêu cường mới nổi

Kế hoạch về chính sách hạt nhân của Mỹ không chỉ khiến Trung Quốc mà cả Nga cũng phản đối quyết liệt. Bởi trước đó, Chiến lược an ninh quốc gia do Lầu Năm Góc công bố đầu tháng này đã thừa nhận việc Mỹ xem Nga và Trung Quốc là đối thủ chiến lược.

Viết trong lời giới thiệu tài liệu dày 75 trang, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhận định: “Đây là phản ứng trước hoạt động tăng cường năng lực (quân sự) cũng như bản chất của những chiến lược và học thuyết của họ (Nga)”.

Kế hoạch này nhằm đối phó với Nga, vốn bị Mỹ cáo buộc phát triển các tên lửa hành trình vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987. Song Moscow đã bác bỏ cáo buộc này, gọi đây là “thông tin giả”. Chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm vào Nga, nước nằm ở biên giới phía Đông NATO, là đưa ra những cáo buộc như trên cùng với giả thiết nếu xảy ra chiến tranh Nga-Mỹ, thì Nga có thể nhanh chóng triển khai các vũ khí hạt nhân chiến lược và hạ gục Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng cần xây dựng một kho vũ khí hạt nhân đủ mạnh để ngăn cản mọi hành động gây hấn. Ảnh: World Atlas.

Tuy nhiên, chính giới chuyên gia của Mỹ cũng gọi giả thiết này của Bộ Quốc phòng là “vô lý”. Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân, tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, Hans Kristensen đã phải lên tiếng phản đối và chỉ trích chiến lược này của Mỹ: “Tôi không nghĩ rằng Nga là kẻ thù”.

Có vẻ như một thế giới theo trật tự “nhất siêu đa cường” ám chỉ thế giới hành động theo trục siêu cường Mỹ và các nước lớn xung quanh đang dần bị phá bỏ và thay vào đó là trật tự mới mà Mỹ không muốn có “đa cường, đa cực”. Chính vì vậy, nước Mỹ muốn quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước kia, dùng vũ khí hạt nhân để áp đảo sức mạnh, tạo ra một khoảng cách quyền lực trong vai trò lãnh đạo thế giới, ngăn chặn sự lớn mạnh của các cường quốc mới nổi như Trung Quốc hay sức mạnh quân sự của Nga. Những dấu hiệu cuộc đua giữa các siêu cường đang quay trở lại rõ ràng hơn bao giờ hết.

Ngày 3-2, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky tuyên bố NPR rất nguy hiểm và có thể dẫn tới một giai đoạn chạy đua vũ trang mới trên thế giới. Phát biểu với báo giới, ông Slutsky nhấn mạnh về cơ bản, NPR mà Bộ Quốc phòng Mỹ mới công bố đã vi phạm các quy tắc về răn đe hạt nhân.

Theo các chuyên gia, việc các quy định được công bố cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân như một công cụ để tấn công chống lại kẻ thù có thể kích động một giai đoạn chạy đua vũ trang mới trên thế giới, khi mà các quốc gia khác có khả năng bắt đầu điều chỉnh các nguyên tắc của mình. Ông Slutsky cũng cho rằng, chiến lược của Mỹ phát triển đầu đạn hạt nhân nhỏ gọn làm gia tăng nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân trong bối cảnh đe dọa từ Triều Tiên tăng cao.

Vũ khí hạt nhân của Mỹ ngày càng hướng tới mục tiêu thu nhỏ kích thước. Ảnh: Voice Of People Today.

Nghị sĩ Nga cũng nhấn mạnh Mỹ và Nga cần duy trì các cuộc đối thoại mang tính xây dựng nhằm cải thiện mối quan hệ song phương hiện đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia của mình. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Nga “thất vọng sâu sắc” với các nội dung trong Báo cáo được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Frants Klintsevich trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, cho biết, nếu Washington triển khai những máy bay mang theo vũ khí hạt nhân tới các căn cứ Mỹ ở Đông Âu, căn cứ của NATO tại khu vực Baltic hay các sân bay quân sự của những nước thuộc Liên Xô cũ và khối Vácsava trước đây, Nga có thể chuyển hướng tới các mục tiêu này một cách nhanh chóng. Ông nhấn mạnh, Nga khi đó sẽ buộc phải tự bảo vệ mình trước mọi mối đe dọa.

Trước việc Mỹ ngày càng tỏ ra nguy hiểm hơn, hiếu chiến hơn sau khi Chính phủ Mỹ đề xuất nâng cấp và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này, ngày 4/2, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel khẳng định châu Âu cần phải đi đầu trong việc thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Gabriel cho rằng cũng giống như thời Chiến tranh Lạnh, châu Âu hiện đang phải đối mặt với những mối nguy hiểm từ cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới.

Đây cũng chính là lý do vì sao khu vực châu Âu cần phải bắt đầu đưa ra những sáng kiến mới về kiểm soát và giải trừ vũ khí. Ngoại trưởng Gabriel khẳng định, Berlin sẽ phối hợp với các đồng mình và đối tác để xúc tiến và tiến hành giải trừ vũ khí trên toàn thế giới.

Chính sách hạt nhân của Mỹ đang dẫn tới chạy đua vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên chưa được giải quyết hay những tranh cãi về bản chất chương trình hạt nhân Iran vẫn chưa ngã ngũ, giới phân tích lo ngại, những công bố mới của Mỹ có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, gây ảnh hưởng tới nỗ lực toàn cầu cấm phổ biến loại vũ khí nguy hiểm này.

Hoa Huyền
.
.