Taliban đang chuẩn bị giao chiến với quân đội Afghanistan?

Thứ Năm, 15/10/2015, 19:00
“Chúng tôi mạnh hơn bao giờ hết”, đó là câu nói của Mullah Akhtar Mansoor, trong lúc trả lời phỏng vấn của Hãng tin AP (Associated Press) qua điện thoại vệ tinh từ một địa điểm bí mật sau khi Taliban chiếm được thành phố Kunduz, là một vị trí chiến lược nằm ở phía bắc thủ đô Kabul, Afghanistan vào ngày 29/9 vừa qua.

Được chọn làm lãnh đạo Taliban vào tháng 8/2013 để thay thế cho Mullah Muhammad Omar, chết hồi tháng 4/2013, Mansoor hợm hĩnh cho rằng, việc làm chủ thành phố Kunduz là biểu tượng cho “sức mạnh không gì ngăn cản nổi của Taliban”.

“Chỉ cần chiếm giữ 1 giờ đồng hồ cũng đủ khuếch trương thanh thế”

Lợi dụng một lỗ hổng an ninh của quân đội Afghanistan tại tỉnh Takhar, tiếp giáp với thành phố Kunduz, Taliban đã nghi binh bằng cách tấn công vào 3 huyện thuộc tỉnh này. Tại huyện Khwajar Ghar, quân đội Afghanistan đã đấu súng với Taliban trong suốt 4 tiếng đồng hồ.

Những cư dân ở Takhar và các huyện xung quanh thành phố Kunduz may mắn chạy thoát khỏi vùng chiến sự cho biết, các tay súng Taliban đã bí mật xuất hiện rồi bất ngờ tấn công từ nhiều hướng. Tại tỉnh Badakhshan, phía đông Takhar, Taliban đã đột kích vào thị trấn Wardoj, buộc quân chính phủ phải rút lui sau nhiều giờ giao tranh ác liệt.

Đòn quyết định là khi các tay súng Taliban kiểm soát được tuyến đường cao tốc nối giữa thành phố Baghlan đến Kunduz rồi tiến vào, làm chủ thành phố với 300.000 cư dân đang sinh sống. Sự sụp đổ của lực lượng phòng thủ và 3 ngày chiếm đóng, cùng với việc kiểm soát con đường chiến lược kéo dài tới biên giới Tajikistan đã là một cú hích lớn với Mansoor khi vừa nắm quyền lãnh đạo Taliban chưa bao lâu, đồng thời nó còn là một thất bại hổ thẹn cho Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani.

Bên cạnh đó, nó còn đặt ra câu hỏi rằng một đội quân đã được cả Mỹ lẫn NATO đào tạo và trang bị tận răng, liệu có thể bảo vệ đất nước Afghanistan khi mà liên quân do người Mỹ dẫn đầu đã triệt thoái.

Sau 3 ngày chiếm đóng, Taliban đã phải rút lui trước những cuộc phản công của quân đội chính phủ Afghanistan, được không quân Mỹ yểm trợ bằng những trận ném bom khốc liệt mà trong đó, một trận bom đã đánh trúng một bệnh viện, được điều hành bởi những bác sĩ thuộc Tổ chức Thầy thuốc không biên giới khiến 22 người thương vong.

Chiến binh Taliban trên đường phố Kunduz.

Tái chiếm Kunduz, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã cho mở cuộc điều tra để xem bằng cách nào mà chỉ với vài trăm tay súng, Taliban có thể đẩy lui hơn 2.000 binh sĩ chính phủ làm nhiệm vụ bảo vệ Kunduz. Một thông báo từ Văn phòng Tổng thống Ghani nói rằng, tin tức ban đầu cho thấy Taliban đã cướp phá và thiêu hủy nhiều cơ sở của chính phủ, cũng như trụ sở các tổ chức phi chính phủ như Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, trụ sở của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới, các cửa hàng, tiệm buôn và các phương tiện truyền thông. Bản thông báo cũng cho biết, Taliban đã thực hiện nhiều vụ tra tấn, bắt cóc, hãm hiếp và giết người hàng loạt.

Đồng ý trả lời phỏng vấn Hãng AP, Mansoor cho rằng, sự thành công của việc "giải phóng" Kunduz là câu trả lời rõ ràng nhất trước những lời tuyên truyền của Chính phủ Afghanistan, rằng "đại đa số người dân Afghanistan đều chống lại Taliban và không hề muốn thấy bóng dáng Taliban trên đất nước mình".

Mansoor nói: "Họ (Chính phủ Afghanistan) cho rằng chúng tôi chỉ là một nhóm khủng bố yếu ớt, rời rạc với một nhà lãnh đạo không được nhân dân lựa chọn nhưng giờ đây họ đã phải mở mắt ra. Họ đã lầm về sức mạnh và tiềm năng của chúng tôi".

Vẫn theo Mansoor, các chiến binh Taliban trong khi chiến đấu để giành quyền kiểm soát thành phố Kunduz, đã cố gắng tránh xa những khu nhà ở và hạn chế tối đa việc gây thương vong cho dân thường. Mansoor nói: "Nhưng khi tái chiếm thành phố, để che giấu thất bại đáng xấu hổ, binh lính Afghanistan đã nổ súng vào tất cả mọi người, không quan tâm là Taliban hay người vô tội".

Bên cạnh đó, Mansoor cũng cho rằng việc Chính phủ Afghanistan tuyên bố đã tiêu diệt hơn 200 tay súng Taliban trong các trận đánh ở thành phố Kunduz là "một lời nói dối trắng trợn".

Vào cuối cuộc phỏng vấn, trước những cáo buộc của Tổ chức Ân xá quốc tế về việc cướp của, bắt cóc, hãm hiếp và tàn sát hàng loạt, trong đó có cả những nhà hoạt động vì quyền bình đẳng của phụ nữ Afghanistan, Mansoor nói: "Họa là điên mới tin vào những điều này. Chúng tôi đang quyết tâm giành lại lãnh thổ để trả lại đất đai cho người dân Afghanistan".

Tuy nhiên, những gì diễn ra ở thành phố Kunduz trong suốt 3 ngày đã cho thấy sự tàn bạo của Taliban. Khi chiếm được Kunduz, các chiến binh Taliban được phép cướp bóc tài sản của những người không phải là tín đồ Hồi giáo dòng Sunni. Nhiều người dân chạy thoát kể với nhân viên Hội Chữ thập đỏ quốc tế rằng Taliban đã bắt cóc hơn 100 thanh thiếu niên, cả trai lẫn gái.

Một số viên chức chính quyền bị hành quyết ngay lập tức, còn các cô gái thì bị lính Taliban thay phiên hãm hiếp. Thành phố không có điện, nước, thức ăn thiếu thốn, bệnh viện không đủ thuốc và nhân lực bởi một số y, bác sĩ bị Taliban xử bắn vì đã dám… xăm mình!

Saad Mukhar, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng Kunduz cho biết: "Chúng tôi đang cần rất nhiều vật tư y tế vì mặc dù quân chính phủ đã chiếm lại được Kunduz nhưng các cuộc giao tranh ở những vùng ngoại ô vẫn đang diễn ra, người bị thương ngày nào cũng được đưa về".

Theo bác sĩ Peter Esmith Ewoi, đại diện Hội Chữ thập đỏ quốc tế, tổ chức này đã sẵn sàng để đến Kunduz với những đồ tiếp liệu ngay sau khi sân bay hoạt động trở lại. Ông Wahidullah Mayar, phát ngôn viên của Bộ Y tế công cộng Afghanistan cho hay đã có khoảng 60 người thiệt mạng và khoảng 400 người bị thương, hơn 100 người mất tích từ khi chiến sự ở Kunduz nổ ra vào hôm 29/9.

Việc Taliban đánh chiếm và kiểm soát thành phố Kunduz trong 3 ngày đã khiến giới quan sát quốc tế lo ngại rằng đây là sự khởi đầu của việc mở rộng tầm ảnh hưởng vì ở Afghanistan, thành phố Kunduz là thủ phủ đầu tiên của một tỉnh bị Taliban đánh chiếm. Điều đó còn đồng nghĩa với việc Taliban đang chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh khốc liệt hơn với quân đội Afghanistan.

Trước mùa hè năm nay, Taliban hầu như không có một hoạt động quân sự mạnh mẽ nào ở khu vực phía bắc Afghanistan - trong đó có Kunduz, còn ở phía nam và phía đông, chẳng có ngày nào là không xảy ra những vụ chạm súng...

Vẫn theo các quan sát viên quốc tế, sở dĩ Taliban đánh chiếm thành phố Kunduz có lẽ là vì nơi này nằm trên các tuyến đường buôn lậu ma túy, khoáng chất, cổ vật và vũ khí từ các nước Trung Á, nơi mà nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan đã tìm đến, gia nhập Taliban.

Theo nhà phân tích chính trị Haroun Mir thì việc Taliban chiếm được Kunduz đã để lại những ấn tượng rất nặng nề: "Nó không quan trọng ở việc sau khi chiếm xong, Taliban sẽ giữ được thành phố trong bao lâu mà chỉ cần chiếm 1 giờ đồng hồ, cũng đủ để họ khuếch trương thanh thế".

Người dân Kunduz bỏ chạy khỏi vùng chiến sự.

Về phía Taliban, làm chủ Kunduz chưa phải là cái gì ghê gớm lắm đối với một số lãnh đạo của tổ chức khủng bố này bởi lẽ việc Mansoor trở thành người cầm đầu Taliban đã gây ra một sự rạn nứt lớn vì trước kia, gia đình Mullah Omar đã phản đối việc bổ nhiệm Mansoor, đồng thời ông ta còn bị cho là "dựa vào những nhóm Hồi giáo ở Pakistan".

Hơn nữa, khi tiến đánh Kunduz, Mansoor đã cử Mullah Abdul Salam làm tổng chỉ huy với mục đích làm dịu đi sự cực đoan và tàn bạo của Taliban dưới thời Mullah Omar, mà không thông qua những nhân vật chóp bu khác.

Taliban đang tận dụng thế yếu của quân đội Afghanistan

Hồi tháng 8/2013, khi diễn ra cuộc bầu cử chọn người cầm đầu mới cho Taliban, Mullah Yacoob, con trai lớn của Mullah Omar cho Hãng tin AP biết, ông ta và 3 lãnh đạo cao cấp khác đã bỏ ra khỏi phòng họp để yêu cầu phải có nhiều ứng cử viên hơn, và tất cả các chỉ huy của Taliban đều có quyền bỏ phiếu thay vì chỉ một nhóm người trong hội đồng. Yacoob nói: "Tôi chống lại quyết định chọn Mullah Akhtar Mansoor làm lãnh đạo".

Vẫn theo Yacoob, chú và anh trai của Mullah Omar là Abdul Manan cùng Mullah Qaum Zakir - một chỉ huy quân sự hàng đầu - cộng với một lãnh đạo cao cấp của Taliban là Mullah Habibullah đã yêu cầu phải triệu tập một cuộc họp mở rộng, có sự hiện diện của tất cả các chỉ huy Taliban - kể cả những người đang chiến đấu ở Afghanistan, Yemen, Pakistan trong cuộc bầu cử thay thế Mullah Omar.

Tuy nhiên, do nhóm Yacoob chỉ là thiểu số nên chỉ vài giờ sau đó, Mansoor đã được ca ngợi như một nhân vật đủ khả năng mang lại sự đoàn kết và tin cậy. Trong một email gửi đến Hãng tin AP, Taliban cho biết Mansoor cũng đã được trao danh hiệu "Chỉ huy của các chiến hữu" và điều ấy lại càng khoét sâu thêm những vết nứt trong nội bộ Taliban.

Cho đến nay, phía Taliban vẫn chưa đưa ra bất cứ một tuyên bố nào về nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhà lãnh đạo một mắt Mullah Omar. Được coi như nhân vật đứng trong bóng tối, chỉ sau Osama bin Laden, Mullah Omar là thành viên trong nhóm tổ chức vụ tấn công Trung tâm thương mại thế giới New York ngày 11/9/2001. Sau khi Mỹ tấn công Afghanistan, Mullah Omar biến mất. Tin ông ta chết chỉ được Taliban xác nhận vào tháng 4/2013.

Trở lại với tình hình chiến sự ở Kunduz, sau khi giành lại quyền kiểm soát thành phố này, quân chính phủ Afghanistan cũng đã tái chiếm huyện Naw Zad thuộc tỉnh Helmand sau 3 ngày giao tranh ác liệt với Taliban.

Theo Abdul Wadood Wahidi, phát ngôn viên của Thống đốc tỉnh Kunduz, Taliban đã cho đặt thuốc nổ bên dưới cây cầu nối giữa Qala-i-Zal và huyện Chahar Dara nhưng đã bị quân chính phủ ngăn chặn, và đã tiêu diệt được hơn 20 phần tử khủng bố. Nhiều nhân chứng cho biết vẫn còn nghe tiếng bom và đạn trọng pháo nổ dữ dội ở các vùng ngoại ô.

Một nguồn tin tình báo Mỹ cho biết các cuộc không kích đã tiêu diệt được 2 thủ lĩnh gồm một chỉ huy trưởng và một phó thuộc đơn vị Taliban vừa đánh vào Kunduz. Tuy nhiên, Taliban đã lên tiếng bác bỏ thông tin này, đồng thời công bố một đoạn video cho thấy những chiến binh của họ ngang nhiên đi lại trong thành phố, khoe khoang các chiến lợi phẩm tịch thu được như xe tăng, xe bọc thép, xe cảnh sát và cả xe của Hội Chữ thập đỏ.

Theo nhận định của phóng viên thường trú Đài Truyền hình BBC, Anh tại Afghanistan là Paul Adams, sở dĩ Taliban chiếm được Kunduz là do lính Mỹ đã không còn hiện diện tại Afghanistan kể từ tháng 12 năm ngoái. Điều này khiến Taliban có cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, Taliban đã bầu được thủ lĩnh mới, giúp họ tập hợp lực lượng sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, chưa kể sự xuất hiện của một đối thủ là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã khiến Taliban phải hoạt động nhằm bảo vệ thanh thế.

Một yếu tố nữa là tình trạng tham nhũng lan tràn tại Afghanistan đã gây bất mãn trong dư luận, làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội chính phủ mặc dù chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Afghanistan đã nhận được hơn 6,2 tỉ USD từ Mỹ để xây dựng lực lượng an ninh, khiến thế giới không khỏi quan ngại về khả năng kiểm soát tình hình của nhà nước Afghanistan sau trận Kunduz mặc dù họ đã chiếm lại được.

Cao Trí (tổng hợp)
.
.