Tàu USS Lassen và thế cờ trên Biển Đông
-
Khai mạc hội thảo về giải quyết hòa bình tranh chấp ở biển Đông
-
Trung Quốc tìm cách ngăn chặn Hải quân Mỹ hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông
-
Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông
-
Mỹ điều tàu khu trục đến gần nhóm đảo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông
-
Việt Nam quan ngại về những hành động đi ngược luật pháp ở biển Đông
Việc tuần tra bình thường trên hải phận quốc tế
Ngày 27/10/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chính thức xác nhận trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng tàu khu trục USS Lassen đã tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá Xu Bi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào lúc 6 giờ 40 phút sáng cùng ngày. Đây là hai bãi đá chìm dưới nước khi thủy triều lên chứ không phải là đảo nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đóng rồi bồi đắp để biến nó thành những hòn đảo nhân tạo nhằm khẳng định trái phép chủ quyền của mình.
Cuộc tuần tra xảy ra chỉ vài tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh châu Á Thái Bình Dương mà trong đó, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều cùng tham dự vào cuối tháng 10 vừa qua.
Việc tàu khu trục Lassen tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá Xu Bi và đá Vành Khăn dựa trên lập luận của Chính phủ Mỹ rằng, theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng đảo nhân tạo trên các rạn san hô ngập nước không có nghĩa là một quốc gia nào đó có quyền tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rồi cấm các phương tiện của các quốc gia khác đi vào vùng "lãnh thổ" của mình. Điều rất quan trọng là phải duy trì tự do hàng hải trên một vùng biển mà hoạt động thương mại thế giới trị giá 5.000 tỉ USD vẫn đi qua hàng năm.
Tàu khu trục Mỹ USS Lassen tiến vào Biển Đông. |
Tàu Lassen thuộc lớp Arleigh Burke, dài 155 mét, độ choán nước 9.200 tấn, trang bị hệ thống radar AN/SPY-1D Aegis, 96 ống phóng tên lửa, mỗi ống chứa một tên lửa đất đối không SM-MR, tên lửa hành trình tấn công Tomahawk, tên lửa chống ngầm ASROC. Bên cạnh đó, Lassen còn có 2 hệ thống vũ khí cận chiến Phalanx, pháo tự động và súng máy hạng nặng, 6 ống phóng thủy lôi MK-46. Nó cũng mang 8 tên lửa chống hạm Harpoon và 2 trực thăng MH-60R Seahawk. Để hỗ trợ cho chiếc Lassen, còn có 2 máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon và P-3 Poseidon hộ tống chiếc Lassen.
Vẫn theo ông Ashton Carter, việc tuần tra hoàn tất mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Ông Randy Forbes - Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Hạ viện Mỹ phát biểu: "Việc các tàu Mỹ tuần tra trong vùng 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông là phản ứng cần thiết trước hành vi gây mất ổn định của Bắc Kinh trong khu vực".
Có thể nói, việc tàu khu trục Lassen tiến vào vùng 12 hải lý quanh bãi đá Xu Bi và đá Vành Khăn là bước đi đầu tiên của Mỹ nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo các nhà quan sát, hành động này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng mà mới chỉ một thời gian ngắn trước đó, nó đã căng thẳng qua những tuyên bố dứt khoát của Tổng thống Obama, nhất là khi một quan chức quốc phòng Mỹ được các hãng thông tấn phương Tây trích lời nói rằng các chuyến đi trinh sát của tàu chiến Mỹ sẽ được thực hiện thường xuyên hơn, và sẽ diễn ra trong vòng vài tuần nữa.
Về phía Philippines, quốc gia lâu nay đã phản đối mạnh mẽ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông thì ngay sau khi nghe tin tàu khu trục Mỹ tiến vào vùng này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã bày tỏ ý kiến: "Việc Hải quân Mỹ đi qua các vùng biển tranh chấp nhằm chứng tỏ các nguyên tắc về tự do hàng hải là như thế nào, và họ hành động như vậy để không xảy ra việc thay đổi nguyên trạng trên thực địa”.
Trong lúc Nhật Bản, quốc gia cũng đang tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc - nhưng ở biển Hoa Đông, một lần nữa tỏ ra quan ngại về hành động của Trung Quốc. Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga khi được các hãng thông tấn hỏi về phản ứng đối với hoạt động của tàu khu trục USS Lassen, ông cho biết nước Nhật đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ để tiếp nhận các thông tin tình báo.
Trong khi đó, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Australia nói rằng Canberra mạnh mẽ ủng hộ quyền của mọi nước "về tự do hàng hải, tự do bay trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế", nhưng "Australia không liên quan tới hoạt động hiện thời của Mỹ ở Biển Đông".
Tàu Trung Quốc sẽ duy trì đeo bám “một kèm một”
Về phía Trung Quốc, sau cuộc họp với ông Obama tại Washington tháng trước, ông Tập Cận Bình khiến các quan chức Mỹ tạm yên lòng khi nói rằng Trung Quốc "không có ý định quân sự hóa" các hòn đảo. Tuy nhiên ngay sau đó, các hình ảnh chụp từ vệ tinh đã cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các đường băng mang tính quân sự trên quần đảo Trường Sa, bao gồm một đường băng ở đá Vành Khăn và một ở đá Xu Bi.
Khi tàu khu trục Lassen tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá Xu Bi và đá Vành Khăn, Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Bắc Kinh đã theo dõi và cảnh cáo tàu Lassen khi nó tiến vào vùng lãnh hải gần các hòn đảo và bãi đá ở Trường Sa một cách "trái phép", không được sự đồng ý của Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao nói: "Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động khiêu khích có chủ ý của bất kỳ nước nào. Nếu Mỹ tiếp tục gây căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc có thể sẽ đi tới kết luận rằng nước này cần phải tăng cường khả năng phù hợp".
Mặc dù ông Lục Khảng không nói rõ việc tăng cường đó là gì, nhưng ông cho biết, ông hy vọng là Bắc Kinh sẽ không phải làm điều đó. Tuy nhiên, bình luận của ông cũng ám chỉ rằng, Trung Quốc có thể gia tăng hơn nữa sự hiện diện quân sự trên Biển Đông. Lục Khảng nói tiếp: "Trung Quốc hy vọng sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình để giải quyết mọi tranh chấp, nhưng nếu Trung Quốc phải đáp trả thì thời điểm, biện pháp và nhịp độ của sự đáp trả này sẽ được quyết định dựa trên mong muốn và nhu cầu của Trung Quốc".
Đá Vành Khăn đang được Trung Quốc bồi đắp trái phép. |
Còn trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lời lẽ về vụ tàu Lassen mạnh mẽ hơn: "Hoạt động của tàu chiến Mỹ đe dọa chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi ích an ninh của Trung Quốc, đe dọa sự an toàn của nhân sự và cơ sở trên các bãi, gây tổn hại cho nền hòa bình và sự ổn định khu vực".
Từ lâu nay, Trung Quốc vẫn đơn phương tuyên bố chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông và gần đây nhất là vào ngày 9/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: "Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép bất cứ nước nào xâm phạm lãnh hải và không phận thuộc quần đảo Trường Sa với danh nghĩa bảo vệ tự do hàng không và hàng hải".
Hồi tháng 5, Hải quân Trung Quốc đã đưa ra 8 lời cảnh báo đối với phi hành đoàn của máy bay tuần tra biển P8-A Poseidon của Mỹ trong lúc chiếc máy bay này tiến đến gần các hòn đảo nhân tạo nhưng không vào bên trong giới hạn 12 hải lý. Cũng trong tháng đó, chiến hạm USS Fort Worth đã bị các tàu chiến Trung Quốc bám đuôi trong một cuộc tuần tra ở quần đảo Trường Sa nhưng không xảy ra đụng độ. Một số viên chức Mỹ cho biết kế hoạch tiến hành cuộc tuần tra, nhằm mục đích thách thức tuyên bố của ông Tập Cận Bình về chuyện "không quân sự hóa".
Có lẽ để "cảnh cáo" Mỹ, ngay sau khi tàu khu trục Laseen tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá Xu Bi và đá Vành Khăn, Thời báo Hoàn cầu đã cho đăng tải bài xã luận bày tỏ sự phản ứng, trong đó đề cập đến câu chuyện chiến hạm Mỹ đụng độ Hải quân Liên Xô xảy ra vào ngày 12/2/1988, khi tàu khu trục USS Caron và tàu tuần dương USS Yorktown của Mỹ cố tình tiếp cận căn cứ Sevastopol của Hạm đội Hắc Hải thuộc Hải quân Liên Xô.
Theo Thời báo Hoàn cầu, 2 tàu Mỹ đã xâm nhập vùng biển ngoài khơi bán đảo Crimea mà thời điểm đó, Liên Xô tuyên bố có chủ quyền nhằm mục đích "kiểm tra năng lực phản ứng của Liên Xô". Ngay lập tức, Liên Xô phản ứng bằng cách điều 2 tàu hộ vệ là Bezzavetny và SKR-6 ra ngăn chặn, đồng thời cảnh báo rằng các tàu Mỹ đã xâm nhập hải phận Liên Xô trái phép, yêu cầu phải rút lui nhưng hai tàu Mỹ làm như không biết, vẫn cứ tiến về bán đảo Crimea.
Đường băng sân bay quân sự đã hình thành trái phép trên đá Chữ Thập. |
Tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết trước thái độ khiêu khích ấy, tàu Liên Xô áp sát tàu Mỹ và phát đi một thông báo: "Tàu chúng tôi được lệnh đâm vào tàu của quý vị". Vài phút sau, mũi tàu Bezzavetnyy lao thẳng về phía tàu USS Yorktown, thậm chí còn trườn lên bong chiếc USS Yorktown trong vài giây khiến chiếc USS Yorktown hư hỏng nặng. Riêng chiếc SKR-6 cũng gây thiệt hại cho tàu Caron nhưng ít hơn khiến 2 chiếc tàu Mỹ đã phải tháo lui, ra khỏi hải phận Liên Xô rồi ra khỏi biển Đen.
Dẫn lại sự kiện này, Thời báo Hoàn cầu cho biết nếu các tàu chiến Mỹ cứ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông trong tương lai, Trung Quốc sẽ duy trì phương pháp đeo bám "một kèm một" nhằm hạn chế tàu Mỹ di chuyển ở khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng trái phép. Bên cạnh đó, Thời báo Hoàn Cầu còn lớn tiếng tuyên bố rằng trong trường hợp xấu nhất, tàu Trung Quốc sẽ học tập tiền lệ của Liên Xô, sẵn sàng đâm vào chiến hạm Mỹ để ép tàu Mỹ ra khỏi khu vực 12 hải lý.
Theo các chuyên gia phân tích quốc tế về vấn đề Biển Đông, ngoài việc bành trướng lãnh thổ, một trong những mục tiêu của Trung Quốc là nhằm xây dựng cái gọi là "sức mạnh thứ hai" qua việc bố trí các đầu đạn hạt nhân trên các tàu ngầm - nếu họ tạo ra được "sân nhà" trên Biển Đông - để bảo đảm số vũ khí này không bị tấn công bất ngờ. Nếu không ngăn được tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo thì có nghĩa Trung Quốc phải chấp nhận để tàu chiến nước ngoài đi vào vùng này. Họ cũng phải chấp nhận là tuyên bố về chủ quyền của họ ở Biển Đông là vô lý và vô hiệu lực.
Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương kêu gọi Chính phủ Mỹ phải có hành động quân sự mạnh mẽ hơn ở Biển Đông: "Nếu một quốc gia nào đó phớt lờ các quy tắc về Luật Biển để mưu lợi riêng thì các nước khác sẽ bắt chước, làm xói mòn hệ thống pháp luật quốc tế, gây bất ổn cho an ninh khu vực và sự thịnh vượng của tất cả các nước ở Thái Bình Dương. Để bảo đảm các quốc gia khác không bắt chước hành động của Trung Quốc, Mỹ nên thể hiện quyền tự do hàng hải ở nơi mọi người cần".
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn sử dụng "đường 9 đoạn" làm cơ sở để tuyên bố rằng đây là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Mặc cho thế giới phản đối, họ tiếp tục xây dựng trái phép ít nhất 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thực hiện tham vọng bành trướng trên biển, và luôn phủ nhận việc quân sự hóa Biển Đông, cho rằng các công trình xây dựng chỉ phục vụ mục đích dân sự trong lúc rất nhiều chứng cứ đã chứng minh các cơ sở quân sự của Trung Quốc đã, đang và vẫn sẽ hình thành…
Về phía Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD) cho biết việc Mỹ đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá Xu Bi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để thách thức hành động bồi đắp xây dựng trái phép và các tuyên bố chủ quyền không hợp pháp của Trung Quốc tại khu vực này, đồng thời khẳng định quyền của Hải quân Mỹ trong việc qua lại các con đường biển quốc tế theo thời gian mà Mỹ lựa chọn. Điều ấy buộc Bắc Kinh phải thể hiện lập trường và sẽ phơi bày sự phi lý của Bắc Kinh…