Tây Ban Nha đứng trước tương lai đầy khó khăn

Thứ Hai, 28/12/2015, 11:40
Cuộc bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha hôm 20-12 vừa qua đã cho ra một kết quả có thể gọi là chấn động ở châu Âu. Hai đảng lớn đều mất ghế, trong đó nghiêm trọng nhất là đảng cầm quyền, tuy vẫn dẫn đầu nhưng đã mất đến 1/3 số phiếu bầu.

Ngược lại, các đảng nhỏ của phong trào quần chúng phản kháng lại giành những kết quả rất đáng khích lệ, vươn lên trở thành một thế lực đóng vai trò quyết định cục diện chính trị chung. Podemos là một đảng như thế.

Trong bảng kết quả bầu cử, đảng cánh tả Podemos (Chúng ta có thể) về thứ ba với 69 ghế và 21% phiếu bầu. Dẫn đầu vẫn là đảng Nhân dân (PP) với 123 ghế và 29% phiếu bầu, và đảng Xã hội (PSOE) với 90 ghế và 22% phiếu bầu. Đảng trung dung Ciudadanos (Công dân) về thứ tư với 40 ghế và 14% phiếu. Các đảng nhỏ khác cũng chiếm đến 28 ghế và 11% phiếu bầu.

Kết quả bầu cử này nói lên một điều: Sự vươn lên của các đảng phái phong trào quần chúng - vốn được xem chỉ là những đảng nhỏ lẻ, địa phương, không đáng quan tâm - đang tạo nên một chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị Tây Ban Nha và châu Âu nói chung. Sự vươn lên đó đã chấm dứt hệ thống hai đảng lãnh đạo đất nước Tây Ban Nha tồn tại từ nhiều thập niên qua. Tổng cộng tỉ lệ bầu của 2 đảng lớn PP và PSOE chỉ còn nắm giữ khoảng 50% số phiếu bầu, kém xa so với 70-80% trong kỳ bầu cử trước đây, trong khi các đảng nhỏ, như Podemos, Ciudadanos đều gia tăng đáng kể số ghế đại biểu lẫn tỉ lệ phiếu bầu.

"Tây Ban Nha sẽ không còn như cũ nữa, và chúng tôi rất hạnh phúc về điều này" - Pablo Iglesias, Tổng thư ký đảng Podemos hào hứng nói ngay trong đêm bầu cử 20-12. Còn Albert Rivera, lãnh đạo đảng Ciudadanos thì tuyên bố: "Hôm nay bắt đầu một giai đoạn mới của hy vọng và hứng khởi".

Từ đây đến giữa tháng 1-2016, Vua Felipe VI sẽ chỉ định một đảng đứng ra thành lập chính phủ mới. Với tình hình bầu cử vừa qua, chắc chắn bất kỳ đảng nào muốn lên nắm quyền đều phải thành lập liên minh. Một cuộc chạy đua đàm phán để hình thành liên minh hội đủ đa số ghế quá bán của các chính đảng Tây Ban Nha đang bắt đầu. Một số kịch bản đã được vạch ra.

Đảng Nhân dân giành chiến thắng, nhưng bản thân Thủ tướng Mariano Rajoy có nguy cơ mất quyền thành lập chính phủ.

Từ trước ngày bầu cử, giới phân tích dự báo PP sẽ liên minh với Ciudadanos hình thành chính phủ mới, nhưng tình hình thực tế hiện nay liên minh đó vẫn chưa đủ quá bán, đòi hỏi thêm một hoặc vài đối tác nhỏ, khiến cho cán cân quyền lực có thể phải chia sẻ với các đảng nhỏ ở địa phương ở xứ Catalan và Basque theo đường lối ly khai. Do đó, kịch bản này khó xảy ra, vì cả PP và Ciudadanos đều chống ly khai. Nếu PP dàn xếp được một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội mới thì đảng này có thể thành lập chính phủ thiểu số, nhưng sẽ rất "cực khổ" vì sẽ phải thương lượng những yêu cầu, đòi hỏi phức tạp, mâu thuẫn nhau từ PSOE và các đảng phong trào quần chúng là Podemos, Ciudadanos và các đảng nhỏ khác.

Một kịch bản ít ai hình dung nhưng không phải là không thể, đó là PP liên minh với PSOE, và đây sẽ là một liên minh "trong mơ", chưa có tiền lệ với đa số ghế tuyệt đối. Tuy nhiên, Chủ tịch PSOE Petro Sanchez phát biểu hôm 21-12 rằng đảng của ông sẽ bỏ phiếu chống lại việc cho phép ông Mariano Rajoy tiếp tục thành lập chính phủ mới.

Sau cùng, một kịch bản tương tự như ở nước láng giềng Bồ Đào Nha là liên minh "tay ba" giữa PSOE, Podemos và Ciudadanos. Tuy nhiên, kịch bản này cũng đang gặp một số khó khăn. Ông Rivera đã tuyên bố ông sẽ không tán thành một "liên minh của những kẻ thua cuộc".

Đảng Xã hội (PSOE) của ông Pedro Sanchez đang có cơ hội lên nắm quyền nếu liên minh được với các đảng nhỏ hơn như Pordemos hay Ciudadanos.

Bên cạnh đó, liên minh này cũng sẽ xảy ra va chạm bởi những vấn đề hóc búa như việc xứ Catalan đòi độc lập - Ciudadanos phản đối trong khi Podemos cho phép tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này - và mâu thuẫn trong việc Podemos hứa hẹn sẽ xóa sổ chế độ hai đảng thay nhau cầm quyền từ hàng chục năm nay. Nổi lên với vai trò là một đảng có thể quyết định sự hình thành của bất kỳ liên minh chính trị nào, Podemos là đảng trẻ nhất trong số 4 đảng đang nắm trong tay khả năng thành lập chính phủ, với chưa đầy 2 năm kể từ khi thành lập.

Nếu gọi sự lớn nhanh của Podemos là "cuộc cách mạng", thì đó đích thực là cuộc cách mạng của những nhà trí thức, những nhà hoạt động phong trào quần chúng, đại diện dân nghèo chống lại tầng lớp ưu tú trong xã hội Tây Ban Nha.

Kịch bản cuối cùng là PSOE cũng có thể lập liên minh với Podemos và một số đảng nhỏ địa phương để lên nắm quyền, và điều này rất có thể xảy ra. Nếu PSOE nỗ lực thu xếp đủ số ghế quá bán cần thiết để kiểm soát Hạ viện và lên nắm quyền, thì khi đó những chính sách mà chính phủ mới đề xuất sẽ vấp phải sự phủ quyết của Thượng viện hiện vẫn do PP kiểm soát với đa số tuyệt đối. Chính vì thế, tương lai chính trị của Tây Ban Nha sẽ vô cùng khó khăn.

An Châu (tổng hợp)
.
.