Thách thức mới trong chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản

Thứ Hai, 21/09/2020, 10:05
Tháng 12-2013, Nhật Bản lần đầu tiên đưa ra Chiến lược An ninh quốc gia (NSS). Chiến lược này xác định các lợi ích và mục tiêu an ninh quốc gia của Nhật Bản, cũng như cách thức để Chính phủ Nhật Bản đạt được các mục tiêu này.

Cùng với Chiến lược An ninh quốc gia là Bản hướng dẫn Chương trình quốc phòng (NDPG), xác định ra vai trò và nhiệm vụ của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cũng như xác lập các mục tiêu trong trung hạn và hằng năm.

Đối với Nhật Bản, nhu cầu cần có một Chiến lược An ninh quốc gia mới ngày càng cấp thiết. Tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều thay đổi, trong đó có các vấn đề an ninh ở khu vực. Theo bản cập nhật của NDPG năm 2018, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đã thay đổi với tốc độ rất nhanh. Trong đó sự thay đổi về cán cân quyền lực... đang ngày càng được đẩy mạnh và trở nên ngày càng phức tạp, tính bất trắc trong trật tự hiện nay ngày càng tăng”.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Sự gia tăng mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, cũng như mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khác rất nhiều so với năm 2013. Bên cạnh đó là các vấn đề mới như dịch bệnh COVID-19. Năm 2013, các bệnh truyền nhiễm chỉ được mô tả là một trong những thách thức nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới an ninh con người.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn ra đã cho thấy đây còn là vấn đề tác động sâu rộng tới thế giới cũng như môi trường chiến lược toàn cầu. Do đó, Nhật Bản cần có những phương cách mới để bảo vệ an ninh trong một môi trường phức tạp và bất trắc hơn trước.

Trong bối cảnh mới này, việc xây dựng Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nhật Bản đặt ra một số vấn đề mới. Thứ nhất là lựa chọn tư duy phòng thủ của Nhật Bản giữa năng lực phòng vệ như hệ thống đánh chặn tên lửa hoặc xây dựng năng lực tấn công đối phương để bảo vệ an ninh của Nhật Bản. Nếu lựa chọn phương án xây dựng năng lực tấn công, Chính phủ Nhật Bản sẽ đứng trước các thách thức to lớn. Một mặt, Chính phủ Nhật Bản sẽ phải tìm kiếm sự hiểu biết và ủng hộ của người dân về khả năng tấn công trong bối cảnh lập trường lâu nay của Nhật Bản là phòng thủ cũng như các giới hạn của Nhật Bản theo Điều 9 Hiến pháp hòa bình.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng phải đối mặt với những lo ngại trong khu vực về một nước Nhật “bình thường hóa” về quân sự. Tháng 6-2020, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ từ bỏ không áp dụng hệ thống phòng thủ Aegis Ashore trị giá 4,1 tỷ USD của Mỹ. Động thái này của Nhật Bản làm dấy lên các đồn đoán về khả năng Nhật Bản sẽ coi trọng năng lực tấn công hơn trước. Việc Nhật Bản xử lý vấn đề này như thế nào không chỉ có tính nhạy cảm đối với người dân Nhật Bản mà còn tác động tới thế ổn định chiến lược ở Đông Á.

Các cuộc tranh luận hiện nay xoay quanh cách đặt vấn đề của Nhật Bản sao cho tránh tạo ấn tượng Nhật Bản chủ động tấn công. Các chuyên gia đưa ra các cụm từ như “năng lực phản công vào căn cứ đối phương”, “tấn công phủ đầu” hoặc “năng lực phản công phòng vệ”... nhằm có được sự ủng hộ từ người dân.

Thứ hai là xác định các phương cách mới phù hợp để bảo đảm và ứng phó với các thách thức an ninh của Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay. Trước hết, để tăng cường an ninh trước đại dịch, Nhật Bản cần củng cố các chuỗi cung ứng sản phẩm, thiết bị y tế cũng như các biện pháp phản ứng với đại địch trong tương lai, bao gồm an ninh xuất nhập cảnh. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược công nghệ Mỹ - Trung gia tăng, việc củng cố năng lực phòng chống việc lộ lọt các công nghệ cao của Nhật Bản ngày càng trở nên cấp thiết.

Với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nhu cầu của Nhật Bản là bảo vệ hiệu quả hơn các lợi ích trên biển của nước này. Cuối cùng, Nhật Bản cần xử lý hiệu quả các cuộc tấn công trong không gian mạng.

Thứ ba là tái định vị vai trò của quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản. Việc Nhật Bản không lựa chọn hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore sẽ tác động tới quan hệ Mỹ - Nhật Bản cũng như chiến lược của Mỹ ở khu vực. Đối với quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, sức mạnh quân sự của hai quốc gia này được ví như cái khiên (năng lực phòng thủ của Nhật Bản) và ngọn giáo (năng lực tấn công của Mỹ). Sự thay đổi chiến lược an ninh của Nhật Bản sẽ dẫn tới thay đổi vai trò của Nhật Bản và của cả Mỹ trong mối quan hệ đồng minh. Đối với Washington, hệ thống Aegis Ashore không chỉ nhằm bảo vệ đồng minh là Nhật Bản mà còn có nhiệm vụ lớn hơn thế. Khi hệ thống này được đặt ở Nhật Bản sẽ giúp Mỹ nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia.

Đồng thời, hệ thống này cũng giúp “giải phóng” các tàu khu trục Aegis ở khu vực biển Hoa Đông để điều động sang các khu vực khác như Biển Đông, Ấn Độ Dương... Do đó, việc Nhật Bản không triển khai hệ thống này sẽ ảnh hướng tới chiến lược triển khai quân sự của Mỹ ở khu vực. Nhìn rộng hơn, sự điều chỉnh tư duy an ninh của Nhật Bản cũng là sự thay đổi tư duy trong quan hệ đồng minh với Mỹ.

Tân Thủ tướng Nhật Bản, ông Yoshihide Suga đã tham gia sâu vào công việc của Ủy ban An ninh quốc gia Nhật Bản và đóng vai trò điều phối tiến trình hoạch định chính sách trong các vấn đề an ninh quan trọng như các căn các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản hay vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Nhiều đánh giá quốc tế cho rằng chính sách của ông Suga nhiều khả năng sẽ tiếp nối các chính sách của ông Abe.

Phó giáo sư Daniel M. Smith của Đại học Havard nhận định ông Suga cho tới nay “hầu như tránh đưa ra các hành động và tuyên bố gây tranh cãi”. Do đó, trước sự biến động của môi trường chính trị bên trong lẫn sự xoay vần của thời cuộc bên ngoài, Nhật Bản sẽ lựa chọn hướng đi nào cho chính sách an ninh thời gian tới sẽ tác động tới cục diện ở khu vực và trên toàn cầu.

Lâm Kiệt (Tổng hợp)
.
.