EU gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga:

Thái độ thiển cận không thay đổi

Thứ Hai, 28/12/2015, 11:35
Quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong suốt hơn một năm qua xung quanh vấn đề Ukraine có dấu hiệu còn kéo dài sang năm 2016 và có thể còn lâu hơn nữa bất chấp việc hai bên đã có những điểm tương đồng trên một số vấn đề quốc tế khác.

Ngày 22-12, Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev thông báo lệnh cấm vận chưa từng thấy: Kể từ ngày 1-1-2016, không một mặt hàng thực phẩm nào của Ukraine có thể lọt vào lãnh thổ Nga. Quan hệ giữa Moscow và Kiev lại xuống cấp, và lần này trầm trọng hơn trên mặt trận kinh tế.

Những ngày cuối cùng của năm 2015, Mỹ và EU lại tung ra một loạt đòn mới nhằm vào Nga bất chấp tình hình Ukraine đã có sự cải thiện rõ nét trong thời gian gần đây. Ngày 18-12, Liên minh châu Âu (EU) đã bật đèn xanh cho việc kéo dài trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng nữa, do sự can thiệp của Nga tại miền Đông Ukraine. Theo đó, lệnh trừng phạt Nga của EU sẽ kéo dài đến ngày 31-7-2016.

Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev hôm 22-12 thông báo lệnh cấm vận chưa từng thấy trong lịch sử với Ukraine.

Quyết định được 28 nước EU chính thức thông qua vào hôm 21-12, và được đăng trên Công báo châu Âu vào hôm sau. Italia đã yêu cầu lãnh đạo các nước châu Âu, trong cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày 17 và 18-12 ở Bruxelles, thảo luận về các biện pháp trừng phạt đã đánh mạnh vào nền kinh tế Nga. Nhưng rốt cuộc quyết định đã được đưa ra ở hội nghị cấp đại diện các nước thành viên, diễn ra sau kỳ họp thượng đỉnh trên.

Các biện pháp trừng phạt đầu tiên nhắm vào lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng và dầu lửa của Nga đã được đưa ra vào tháng 7-2014 sau vụ một chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị bắn rơi tại miền Đông Ukraine. Châu Âu cũng lập ra một danh sách đen các nhân vật Nga và Ukraine bị cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản. Moscow đáp trả với việc cấm vận nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm châu Âu. Việc trừng phạt kinh tế thường xuyên được EU gia hạn từ mùa hè 2014. Nhưng Thủ tướng Italia Matteo Renzi lần này đòi phải đưa ra thảo luận và tuyên bố rằng ông chưa bao giờ giấu giếm quan điểm cần có Nga trong hồ sơ Syria.

Phản ứng trước thông báo trên của EU, Moscow khẳng định các biện pháp trừng phạt của EU giờ chẳng có chút ý nghĩa nào với nước Nga. "Đây là một quyết định có thể đoán trước và không có gì mới. Điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến kinh tế Nga" - Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Alexey Ulyukayev phát biểu với Hãng tin TASS.

Ngày 21-12, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố: "Rõ ràng là thay vì hợp tác chống những thách thức hiện nay như khủng bố quốc tế, Bruxelles lại thích chơi trò thiển cận trừng phạt kinh tế". Bộ Ngoại giao Nga khẳng định cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine không phải do Nga mà là do chính quyền Ukraine hiện nay gây ra. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án thái độ đạo đức giả của EU qua việc gia hạn các trừng phạt kinh tế.

Trước đó, trong cuộc họp báo thường niên ngày 17-12, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, nước Nga đã vượt qua thời kỳ đỉnh điểm của những khó khăn kinh tế do giá dầu giảm và lệnh trừng phạt của phương Tây. Phát biểu trước khoảng 1.400 phóng viên được truyền hình trực tiếp từ Moscow, Tổng thống Nga Putin thông báo: "Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng đã đi qua. Điều này được thể hiện qua những dấu hiệu của sự bình ổn trở lại các hoạt động kinh doanh trong quý II năm nay".

Ngay sau thông báo của EU, ngày 22-12, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Nhà Trắng sẽ tiếp tục áp đặt cấm vận đối với 34 cá nhân và tổ chức ở Nga nhằm gây sức ép buộc nước này phải dừng những hoạt động liên quan đến Ukraine. "Những biện pháp này nhằm củng cố cam kết của Mỹ trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, qua việc duy trì trừng phạt đối với Nga",  thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ.

Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo rằng một số công ty con thuộc sở hữu đa số của hai ngân hàng nhà nước Nga là Sberbank và VTB, cũng như Công ty quốc phòng Rostec sẽ chịu những biện pháp trừng phạt đã áp đặt lên những công ty mẹ của họ. Tuyên bố trên cũng khẳng định Mỹ sẽ không ngừng trừng phạt đến khi Nga thực hiện đầy đủ những cam kết của nước này theo thỏa thuận hòa bình Minsk, "bao gồm trao trả quyền kiểm soát biên giới của Ukraine với Nga".

Về phần mình, Nga nêu rõ đợt trừng phạt mới của Mỹ là sự tiếp nối lập trường "thù địch" nhằm vào Nga và Moscow sẽ cân nhắc các biện pháp đáp trả thích hợp. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga nói ông lấy làm tiếc rằng "trái với lẽ thường, trái với sự cần thiết phải phối hợp với nhau, tăng cường hợp tác, Washington và EU lại lựa chọn đường lối như vậy, trái ngược hẳn với các yêu cầu của thời đại".

Việc cả EU và Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga vì liên quan tới vấn đề Ukraine sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng tại Ukraine thêm trầm trọng. Đó là nhận định của tờ báo Đức Wirtschafts Nachrichten ra ngày 23-12. Thay vì thúc đẩy quá trình khắc phục khủng hoảng ở Ukraine, phương Tây lại quay sang làm khó Nga thông qua việc gia hạn biện pháp trừng phạt.

Tổng thống Ukraine Poroshenko cùng các lãnh đạo EU. Quyết định gia hạn lệnh trừng phạt Nga của EU được cho là sẽ càng làm cho Ukraine thêm hiếu chiến với Nga.

Theo tờ Wirtschafts Nachrichten, điều này một mặt kích động chính sách hiếu chiến của Kiev, mặt khác càng làm cho Nga trở nên cứng rắn hơn, từ đó mong muốn hòa bình cho Ukraine càng xa vời. Tờ báo Đức ghi nhận rằng, Moscow đã có không ít nỗ lực để khắc phục xung đột và cho thấy Nga luôn luôn thể hiện thái độ cởi mở dành cho các cuộc đối thoại. Tuy nhiên, Chính phủ Ukraine tiếp tục gán tội "xâm lược" cho Nga và cho đến nay vẫn tiếp tục mở rộng ngân sách quân sự nhờ vào những khoản trợ giúp từ Mỹ và EU.

Tờ Wirtschafts Nachrichten cho rằng, chính Kiev mới là tác nhân cần bị lên án. Chính quyền Kiev đã ký vào Hiệp định Minsk chỉ vì tình trạng suy sụp tinh thần trong quân đội và áp lực từ phía Đức, nhưng bây giờ Ukraine cũng không chú ý tuân thủ những thỏa thuận mà Moscow, Kiev, Berlin và Paris đã đạt được. Cụ thể, khi xảy ra mất điện với toàn vùng Crimea, chính quyền Kiev không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để kịp thời chặn đứng hành động phá hoại và vi phạm.

Tuy nhiên, EU đã thông qua quyết định gia hạn trừng phạt, bất chấp sự phản đối của hàng loạt nước, công khai tuyên bố rằng biện pháp chống Nga gây tác động tiêu cực kể cả với nền kinh tế châu Âu. Việc châu Âu không có quan điểm riêng được chính Tổng thống Nga Putin mới đây lên tiếng báo động.

Tuyên bố trong phim tài liệu "Trật tự thế giới" phát sóng hôm 20-12 trên kênh truyền hình Nga Rossiya 1, ông Putin cho rằng vấn đề của châu Âu hiện nay nằm ở chỗ không thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, và về thực chất họ đã từ bỏ chính sách này và chuyển giao một phần chủ quyền của mình cho NATO cũng như Mỹ. Còn theo Enrico Letta, cựu Thủ tướng Italia, xây dựng một châu Âu đoàn kết là hướng đi duy nhất cho phép các quốc gia châu Âu đứng vững được trong 10, hay 15 năm nữa, đối mặt với các cường quốc.

Liên quan tới Ukraine, ngày 22-12, Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev thông báo lệnh cấm vận chưa từng thấy trong lịch sử hai nước. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2016, không một mặt hàng thực phẩm nào của Ukraine có thể lọt vào lãnh thổ Nga. Quan hệ giữa Moscow và Kiev lại xuống cấp, nhưng lần này trên mặt trận kinh tế.

Giới quan sát cho rằng, kinh tế Ukraine vốn đã lao đao do chiến tranh, biện pháp này sẽ có tác động ngay lập tức. Trên thực tế, EU là đối tác thương mại chính của Kiev, chiếm 1/4 các trao đổi. Tuy vậy buôn bán với nước Nga láng giềng vẫn đạt 20%, và hai nền kinh tế rất lệ thuộc lẫn nhau.

Phản ứng lại, ngoài việc thông báo đáp trả bằng các biện pháp thương mại tương tự, Ukraine còn "trả thù" Nga trong cả lĩnh vực văn hóa giáo dục. Ngày 22-12, theo Korrespondent.net, tại một số trường trung học ở Kiev đã cho lưu hành một bản ghi nhớ với lời khuyên về việc làm thế nào để quên tiếng Nga. Bản ghi nhớ khuyến cáo trước hết phải "tiêu diệt" bàn phím chữ Nga "để thoát khỏi sự cám dỗ" chuyển sang ngôn ngữ Nga. Bản ghi nhớ cũng kêu gọi nói tiếng Ukraine khi giao tiếp với những người nói tiếng Nga. "Hãy quên lịch sử đi" - bản ghi nhớ nêu rõ.

Đây là "cố gắng" mới nhất của chính quyền Kiev trong việc chối bỏ yếu tố Nga trong xã hội Ukraine sau khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng do vấn đề Crimea và miền Đông Ukraine.

Dự báo tình hình Crimea trong năm tới, ngày 24-12, phát biểu trên kênh truyền hình NTV, lãnh đạo Crimea Sergey Aksenov khuyên Tổng thống Ukraine Poroshenko hãy thôi ước vọng giành lại bán đảo và đừng xây dựng bất kỳ chiến lược nào trong vấn đề này, bởi người dân Crimea đã thực hiện sự lựa chọn thống nhất với nước Nga.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.