Thỏa thuận hạt nhân Iran: Gần mà xa!

Thứ Năm, 09/07/2015, 20:35
Không chỉ vấn đề Hy Lạp, mà những ngày này thế giới đang dồn sự tập trung vào Iran khi thỏa thuận hạt nhân cuối cùng của nước này với Nhóm P5+1 (bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) là Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) vẫn chưa ngã ngũ trong bối cảnh thời hạn chót thêm một lần nữa cán đích. Tiến bộ liên tục được ghi nhận, song những khúc mắc tồn đọng vẫn là những vấn đề các bên né tránh.

Liệu sau khi hủy bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, Tehran có ngừng chương trình hạt nhân vốn là nguyên nhân gây tranh cãi trong nhiều năm qua, và nếu vi phạm, cơ chế trừng phạt nào sẽ được triển khai.

Đâu là thời hạn chót?

“Thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Tehran đang ở rất gần”. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini đã nhận định như vậy sau cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 diễn ra tại Vienna (Áo) suốt gần 9 ngày qua.

Phát biểu với báo giới ngày 5/7, bà Federica Mogherini cho biết sau gần 2 năm nỗ lực đàm phán và gần 12 năm kể từ khi khởi động, thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran đang "ở rất gần" và hiện bầu không khí đàm phán đang diễn ra "tích cực và mang tính xây dựng".

Giới phân tích đánh giá các bên đều thể hiện ý chí chính trị, vấn đề chỉ còn là liệu những ý chí này có chuyển thành những quyết định chính trị không và hiện giờ là thời điểm kiểm chứng những điều kiện chín muồi cho một thỏa thuận toàn diện.

Vừa lạc quan, song có lẽ cũng là người mang nhiều hoài nghi nhất, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người vừa tham gia các cuộc đàm phán mới nhất tại Vienna, cho rằng các bên đã đạt được những tiến bộ thực sự dù vẫn còn một số vấn đề khó khăn. Mặc dù khẳng định “hiện tại là thời điểm” để hoàn tất thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, song người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nghi ngờ cuộc đàm phán vẫn có thể đi theo hướng khác nếu bất đồng không được thu hẹp.

Cũng thừa nhận cuộc đàm phán lịch sử kéo dài 12 năm về chương trình hạt nhân của Iran đã đến lúc kết thúc, nhưng Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đánh giá: "Tất cả các quân bài vẫn nằm trên bàn. Vấn đề chính hiện nay là liệu Iran có chấp nhận đưa ra những cam kết rõ ràng về những vấn đề vốn bị coi là chưa minh bạch trong chương trình hạt nhân của họ hay không".

Không tỏ ra thất vọng, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bày tỏ lạc quan thận trọng trước thời hạn chót ngày 7/7 của tiến trình đàm phán. Ông Zarif khẳng định vẫn tồn tại một số bất đồng lớn giữa Iran và Nhóm P5+1. Ông nói: "Chưa có gì rõ ràng... vẫn còn một số khác biệt và chúng tôi đang nỗ lực".

Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araghchi cũng tuyên bố: "Việc kéo dài thời gian đàm phán là điều không ai mong muốn... Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để hoàn tất thỏa thuận. Tuy nhiên, có thành công hay không thì không dám chắc... Nếu đạt được đồng thuận về các điều kiện và đảm bảo không vượt quá những giới hạn đỏ của chúng tôi thì một thỏa thuận chắc chắn sẽ được ký kết. Bằng không, chúng tôi thà tay trắng quay về Tehran".

Trong suốt 9 ngày đàm phán nước rút tại Vienna, Iran và các cường quốc thế giới đã đạt tiến triển về kế hoạch dỡ bỏ dần những biện pháp trừng phạt, song vẫn còn bất đồng về nhiều khía cạnh như hủy bỏ lệnh trừng phạt của LHQ và việc sử dụng các máy ly tâm tân tiến. Cho dù các bên đã đạt được thỏa thuận thăm dò về cơ chế đình chỉ các lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Iran, tuy nhiên, 6 cường quốc - được biết đến với tên gọi P5+1 vẫn chưa đi đến thống nhất về một nghị quyết chung của HĐBA LHQ nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và thiết lập cơ chế tái triển khai trong trường hợp Iran vi phạm thỏa thuận tương lai.

Theo các nguồn tin thân cận, cuộc đàm phán có thể kéo dài đến hết ngày 9/7 (thời hạn chót lần thứ ba trong vòng 10 ngày – 30/6; 7/7 và 9/7), thời điểm chính quyền của Tổng thống Barack Obama đệ trình thỏa thuận hạt nhân với Iran lên Quốc hội xem xét.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể đạt được trong tuần này.

Ai sẽ trừng phạt nếu Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân?

Đầu tháng 4 vừa qua, Iran và P5+1 đã đạt một thỏa thuận khung và ấn định hạn chót ngày 30/6 đạt thỏa thuận toàn diện cuối cùng để có thể kết thúc hồ sơ hạt nhân Iran, một trong những hồ sơ được xem là gai góc nhất trong quan hệ quốc tế đương đại.

Tuy nhiên, cho tới nay giới phân tích nhận định rằng thỏa thuận khung Iran và Nhóm P5+1 vừa đạt được chỉ làm chậm tiến độ chứ không thể ngăn quốc gia Hồi giáo chế tạo vũ khí hạt nhân. Mặc dù được xem là một thỏa thuận lịch sử, song các chuyên gia tỏ ra hoài nghi về văn bản pháp lý này.

Thứ nhất,  cho rằng điện hạt nhân không phải là mục tiêu số 1 của Iran. Xét ở góc độ kinh tế, khả năng Iran sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện rất thấp. Tehran có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên – hai loại nguyên liệu rẻ hơn nhiều so với năng lượng hạt nhân trong việc sản xuất điện.

Thứ hai, nội dung thỏa thuận khung không hạn chế chương trình  làm giàu uranium của Iran mà chỉ làm thay đổi về thời gian. Nó cấm Iran tái chế uranium và plutonium, giảm kho dự trữ uranium làm giàu ở mức thấp, hạn chế phát triển các máy ly tâm tiên tiến. Như vậy, Tehran sẽ phải mất lần lượt 10 và 15 năm để làm giàu uranium và plutonium ở mức đủ lớn để sản xuất vũ khí hạt nhân. 15 năm có vẻ dài, nhưng đối với một quốc gia, mốc thời gian này là quá ngắn. Hơn thế nữa thỏa thuận mới còn tạo ra một tiền lệ xấu cho các nước đối thủ của Iran trong khu vực. Đặc biệt Arập Xêút có thể noi gương Tehran trong tham vọng hạt nhân của họ.

Về vấn đề trừng phạt, thỏa thuận khung quy định rằng nêu Iran vi phạm, các lệnh trừng phạt sẽ tự động được áp đặt trở lại, nhưng đó chỉ là lý thuyết. Một trong những yếu tố mà có lẽ P5+1 chưa tính được hết là liệu Nga và Trung Quốc có tự động áp đặt lệnh trừng phạt nếu Iran vi phạm hay không vì  cơ  chế xác định sự vi phạm của Tehran không thực sự rõ ràng. Thực tế ấy có thể dẫn đến các tranh cãi kéo dài, gây khó khăn cho các bên liên quan, đặc biệt là Moskva và Bắc Kinh.

Ngay cả các đồng minh của Mỹ ở châu Âu có thể thỏa hiệp với Tehran để tránh tái áp đặt lệnh trừng phạt vì lợi ích kinh tế. Iran có thể tận dụng khoảng thời gian mà cộng đồng quốc tế tranh cãi để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.