Thủ tướng Anh giải trình chuyện lách thuế

Thứ Tư, 13/04/2016, 11:30
Vụ Hồ sơ Panama đã “đập lưng ông” đối với một số đồng minh thân thiết của nước Mỹ, trong đó Thủ tướng Anh David Cameron đang phải đối mặt với sức ép chính trị từ phía các đảng phái đối lập yêu cầu ông giải thích về hoạt động đầu tư ở hải ngoại của cha ông, ông Ian Cameron, kể cả những khoản đầu tư và khai báo thuế của chính ông trong những năm trước khi ông lên làm Thủ tướng.

Ngày 11-4, Thủ tướng Anh David Cameron đã ra trước Hạ viện để giải trình về những vấn đề liên quan đến quỹ đầu tư của cha mình mang tên Blairmore Holdings sau khi báo chí tiết lộ ông Ian Cameron có tên trong Hồ sơ Panama.

Tại diễn đàn Hạ viện, ông Cameron đã đối chất trực tiếp với nghị sĩ Jeremy Corbyn thuộc Công đảng xoay quanh số cổ phần trị giá 72.000 bảng Anh mà ông Cameron đã bán đi vào năm 2010. Ông Cameron đã bênh vực cho người cha quá cố của mình, cố gắng vạch một lằn ranh không cho các nghị sĩ chất vấn động chạm vào công việc làm ăn của cha mình.

Ông cho rằng quỹ Blairmore Holdings của ông Ian Cameron lập ra tại quốc đảo Bahamas, nơi được xem là một trong những “thiên đường thuế” trong vùng biển Caribbe. Ông Cameron phê phán những người soi mói vào công việc làm ăn của cha mình, cho rằng làm như thế là “bôi nhọ” quá khứ của cha ông.

Nghị sĩ Jeremy tiếp tục chất vấn Thủ tướng Cameron về việc ông không kiểm soát tốt các lãnh thổ hải ngoại của nước Anh và việc ông vận động EU không đưa các quỹ ủy thác hải ngoại vào kế hoạch minh bạch hóa. Ông Cameron cho biết, kế hoạch lập một trung tâm đăng ký kinh doanh tập trung của ông đã được Nghị viện đồng ý, theo đó các quần đảo British Virgin và Cayman sẽ được đưa vào kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh các khoản thu nhập từ quà tặng và thừa kế của ông.

Vấn đề rắc rối bắt đầu đến với Thủ tướng Cameron ngay sau khi tờ báo The Guardian và đài BBC, cùng nhiều tờ báo quốc tế khác đồng loạt tung ra Hồ sơ Panama trong đó tiết lộ nhiều tên tuổi của giới doanh nhân giàu có, nhưng quan trọng hơn cả là danh sách 140 chính khách thế giới, trong đó bao gồm 12 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và mãn nhiệm, cùng bạn bè, người thân gia đình của họ.

Thủ tướng David Cameron và mẹ, bà Mary. Ảnh: Reuters.

Ông Ian Cameron xuất hiện trong một bài báo đăng trên tờ The Guardian ra ngày 3-4 với quỹ đầu tư Blairmore Holdings lập tại quốc đảo Bahamas. Lúc đầu, Thủ tướng Cameron chưa thừa nhận mình có liên quan đến quỹ Blairmore, bào chữa rằng quỹ đầu tư của cha mình là việc riêng tư của gia đình, không có gì phạm pháp cả. Tuy nhiên, khi báo chí đào sâu tìm hiểu hoạt động của quỹ Blairmore, ông Cameron đã thừa nhận mình và vợ có hưởng lợi khoảng tiền 19.000 bảng từ quỹ Blairmore.

Trước sức ép của công luận, ông Cameron đã thực hiện một động thái chưa từng có tiền lệ là cho công bố bản kê khai thuế thu nhập cá nhân vào ngày 8-4. Bản kê khai thuế dài 4 trang chứa đựng nhiều thông tin liên quan đến các khoản thu nhập trước đây của ông Cameron, các khoản quà tặng từ mẹ ông, thừa kế từ người cha khi qua đời.

Theo đó, khi ông Ian Cameron qua đời vào năm 2010, David Cameron được thừa hưởng tài sản trị giá 300.000 bảng và được miễn thuế thu nhập cá nhân vì chưa đạt ngưỡng tính thuế 325.000 bảng. Nhưng sau đó, vào năm 2011, mẹ ông, bà Mary Cameron lại tặng tiếp cho ông hai lần quà tặng, mỗi lần trị giá 100.000 bảng, và cũng được miễn thuế. Bản kê khai thuế còn tiết lộ ông Cameron và vợ cũng hưởng lợi từ việc cho thuê một khu đất ở khu Notting Hill, Tây London, với giá khoảng 100.000 bảng.

Năm 2010, Cameron đã bán tất cả các loại cổ phần mình đang nắm, trong đó có cả cổ phần trong Blairmore, với giá tổng cộng 140.000 bảng Anh. Ngoài ra, còn một số khoản thu nhập nhỏ khác mà ông không phải nộp thuế. Tổng số thuế ông Cameron đã nộp trong năm 2014 - 2015 là 75.898 bảng.

Khi các khoản thu nhập và thuế đã nộp của Thủ tướng Cameron được công bố, dư luận lại đặt ra câu hỏi phải chăng có sự lách, né thuế trong việc thừa hưởng di sản của cha và việc tặng quà của mẹ ông? Liệu việc bán các cổ phần của ông Cameron được thực hiện ở Bahamas hay ở Anh? Có nộp thuế không?

Và thêm một câu hỏi nữa: Trước Blairmore Holdings, ông Cameron có liên quan đến tài sản nào khác ở các “thiên đường thuế” của nước Anh? Những câu hỏi này đang chờ ông Cameron tiếp tục trả lời tại các phiên họp sắp tới của Hạ viện. Còn hiện tại, sau khi ông Cameron trả lời chất vấn những câu hỏi đầu tiên và công khai bản kê khai thuế, các nghị sĩ thuộc đảng Dân tộc Scotland đánh giá ông chưa giải đáp đầy đủ.

Nghị sĩ Jeremy thì đánh giá Thủ tướng Cameron đã “đánh lừa dư luận” và “mất niềm tin trong dân chúng Anh” do cách ông phản hồi những thông tin được tiết lộ trong Hồ sơ Panama là quá chậm chạp và thiếu trung thực ngay từ đầu. Một số nghị sĩ đã lên tiếng kêu gọi ông Cameron từ chức để nhận trách nhiệm của mình trong vụ “bê bối” này.

Cùng ngày 11-4, Thủ tướng Cameron đã công bố việc thành lập một đơn vị đặc nhiệm chống trốn thuế nhằm kiểm tra tính pháp lý của các khoản thuế của các doanh nghiệp có tên trong Hồ sơ Panama. Đơn vị này bao gồm các chuyên gia, nhà phân tích, điều tra viên đến từ Cục Hải quan và thu nhập (HMRC), Cơ quan Chống tội phạm quốc gia (NCA), Văn phòng Chống gian lận nghiêm trọng (SFO) và Cơ quan kiểm soát hành vi tài chính (FCA), với khoản kinh phí hoạt động dự kiến khoảng 10 triệu bảng Anh cho năm đầu tiên.

Cũng từ vụ việc của Thủ tướng Cameron, các thành viên khác của Chính phủ Anh cũng buộc phải kê khai tình trạng nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, Bộ trưởng Tài chính George Osborne đã công bố bản kê khai tóm tắt tình trạng nộp thuế trong năm vừa qua, theo đó ông Osborne thu nhập 200.000 bảng từ các nguồn lương, tiền cho thuê căn hộ và cổ tức từ doanh nghiệp kinh doanh giấy dán tường của gia đình. Tổng cộng ông Osborne đã nộp thuế 72.210 bảng.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.