Tiết lộ thủ đoạn huy động tài chính tranh cử của ông Trump

Thứ Năm, 08/04/2021, 08:50
Các hoạt động gây quỹ quá quyết liệt của ông Trump không dừng lại kể cả sau khi ông thua cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Sau bầu cử, chiến dịch tranh cử của ông vẫn tiếp tục rút tiền hằng tuần thông qua các hộp chọn mặc định sẵn cho đến hết ngày 14-12, với số tiền huy động được lên đến hàng chục triệu USD cho ủy ban hành động chính trị mới của mình có tên là Save America...


Trong giai đoạn khó khăn nhất về tài chính khoảng 2 tháng trước ngày bỏ phiếu, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã sử dụng một phần mềm máy tính để dẫn dụ người ủng hộ quyên góp tài chính qua mạng Internet và tự động rút tiền từ tài khoản ngân hàng, tài khoản thẻ của họ, khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều người đã nộp đơn khiếu nại đến Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, các ngân hàng để đòi lại số tiền đã bị rút ngoài ý muốn.

Áp lực cạnh tranh quyên tiền

Tháng 9-2020, ông Stacy Blatt đang ở trong viện dưỡng lão. Ông nghe người bạn tên Rush Limbaugh kể về việc chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump đang rất cần tiền. Thế là ông lên mạng Internet và gom góp tất cả những gì mình có được 500 USD để ủng hộ chiến dịch. Đối với một ông lão 63 tuổi đang chống chọi bệnh ung thư và sống với mức trợ cấp 1.000 USD/tháng thì đó là số tiền rất lớn.

Ông Joe Biden và ông Donald Trump cạnh tranh quyết liệt trong hoạt động gây quỹ tranh cử qua phần mềm trực tuyến WinRed và ActBlue.

Nhưng, số tiền đó ngay lập tức được nhận lên gấp bội. Ngay ngày hôm sau, một khoản 500 USD nữa đã được rút tự động khỏi tài khoản ngân hàng của ông và một tuần sau lại thêm 500 USD nữa. Cứ thế mỗi tuần một lần, cho đến giữa tháng 10-2020, 500 USD tự động rút khỏi tài khoản của Blatt và chui vào két của chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Tổng cộng chỉ trong vòng 1 tháng, 3.000 USD đã bị rút tự động khỏi tài khoản của Blatt mà ông không hay biết gì. Đến khi phát hiện, ông không còn đủ tiền để thanh toán chi phí ăn ở, điều trị bệnh, đành gọi điện cho em trai Russel cầu cứu. Hai anh em gửi đơn khiếu nại, yêu cầu trả lại tiền.

Victor Amelino, một ông già 78 tuổi người California, đã quyên góp trực tuyến 990 USD cho ông Trump vào đầu tháng 9-2020 thông qua phần mềm WinRed. Nó lặp lại tới... 7 lần nữa, tổng cộng gần 8.000 USD. “Tôi đã nghỉ hưu. Tôi không đủ khả năng trả tất cả số tiền chết tiệt đó”, ông Amelino bực tức nói.

Anh em Blatt tin rằng tài khoản của mình bị “rút nhầm” một cách tự động. Tuy nhiên, hồ sơ cơ quan chức năng cho biết đó thực sự là một kế hoạch có chủ ý để tăng nguồn thu tài chính cho chiến dịch của ông Trump và được thực hiện bởi một công ty vì lợi nhuận có tên là WinRed. Đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tiền mặt và bị đảng Dân chủ vượt xa về chi tiêu tiền mặt, từ tháng 9-2020 chiến dịch của ông Trump đã bắt đầu thiết lập các khoản quyên góp định kỳ theo mặc định mỗi tuần một lần đối với các nhà tài trợ trực tuyến, cho đến khi bầu cử.

Tháng 6-2020, chiến dịch tranh cử của ông Biden đã vượt xa chiến dịch của ông Trump về huy động tài chính. Trước đó, ông Trump luôn yên tâm rằng kỹ thuật và chiến thuật huy động tài chính của mình là không có đối thủ, có thể vận động cả những người hưu trí, công nhân, nhân viên văn phòng đóng góp từ những khoản tiền nhỏ. Thế nhưng, giờ bỗng thấy mình bị “bỏ lại” phía sau thì không thể chấp nhận được. Đến tháng 9-2020, ông Biden càng bỏ xa ông Trump hơn, với số tiền huy động nhiều hơn đến 150 triệu USD.

Vì thế, trong đại bản doanh chiến dịch tranh cử ở Bắc Virginia, không khí căng thẳng luôn bao trùm, áp lực ngày càng tăng, bằng mọi giá phải huy động nhiều tiền hơn nữa. Chiến dịch của ông Trump vốn đã quá quyết liệt trong vận động tài chính, nay càng quyết liệt hơn nữa. Có lẽ không nơi nào áp lực đó gay gắt hơn đối với hoạt động kỹ thuật số của ông Trump. Đó là lĩnh vực sở trường chỉ dành riêng cho Gary Coby, chiến lược gia 30 tuổi có chức danh Giám đốc kỹ thuật số, người có ảnh hưởng to lớn đối với ban vận động của ông Trump.

Ông Russel Blatt và di ảnh của ông Stacy Blatt (đã qua đời vì ung thư vào tháng 2-2021)

Là một thành viên kỳ cựu từ chiến dịch tranh cử 2016, Coby có tài năng về lĩnh vực kỹ thuật số và chiếm được sự tin cậy của cả Tổng thống Trump lẫn các cố vấn cao cấp của ông. Từ đó, Coby có được đặc quyền huy động tiền kiểu gì cũng được miễn là thấy thích hợp. Điều này có nghĩa là rất nhiều “sáng kiến” huy động tiền trực tuyến được mang ra thử nghiệm một cách điên cuồng trong một thời gian ngắn để móc hầu bao của người ủng hộ ông Trump càng nhiều càng tốt.

Coby phối hợp cùng Gerrit Lansing - Chủ tịch Công ty cung cấp phần mềm quyên góp tài chính trực tuyến WinRed - tạo thành một cặp đôi “ăn ý” giúp chiến dịch của ông Trump và đảng Cộng hòa huy động tài chính tranh cử một cách quyết liệt nhằm cạnh tranh với chiến dịch của ông Biden.

“Hộp màu vàng” và thủ đoạn tinh vi

Vấn đề đáng nói ở đây là, chủ tài khoản không hề được báo trước về việc rút tiền tự động từ tài khoản của mình. Trên trang web quyên tiền trực tuyến WinRed có thiết kế một hộp chọn màu vàng, trong đó đã đánh dấu chọn sẵn để mặc định việc đóng góp tiền của người dùng khi vào trang web.

WinRed là một công ty ứng dụng web mới được thành lập vào năm 2019, do Gerrit Lansing làm chủ tịch, chuyên cung cấp dịch vụ huy động, quyên góp tài chính trực tuyến cạnh tranh với một số công ty dịch vụ khác, như ActBlue. Trên trang web WinRed có một chức năng cho phép người quyên góp dừng việc quyên góp tiền một cách thủ công, với điều kiện người dùng phải biết và sử dụng nó. Tuy nhiên, càng gần đến ngày bầu cử, khi nhu cầu chi tiêu tài chính càng tăng thì chiến dịch của ông Trump cũng tinh vi tạo ra thêm “bẫy” để trói buộc người quyên góp và gia tăng số tiền rút tự động.

Theo điều tra của báo New York Times, trang web quyên góp WinRed được thiết kế thêm một hộp chọn thứ hai đã được chọn mặc định sẵn và hộp chọn này sẽ cho phép nhân đôi số tiền rút tự động.

Những dòng chữ quảng bá chiến dịch được in to, đậm hơn, còn những dòng chữ về quyền rút khỏi cuộc chơi thì in nhỏ hơn, không gây chú ý. Thủ thuật này đã khiến cho những người trung thành với Trump mà không nghi ngờ gì bị sập bẫy. Họ là những người đã nghỉ hưu, cựu quân nhân, y tá và thậm chí là những người hoạt động chính trị có kinh nghiệm.

Trong thời gian ngắn, các ngân hàng và công ty phát hành thẻ tín dụng đã tràn ngập đơn khiếu nại về gian lận từ những người ủng hộ ông Trump về những khoản quyên góp mà họ không có ý định thực hiện, lên tới hàng nghìn USD mỗi người.

Theo điều tra của tờ New York Times, có một kiểu chung trong việc vận động quyên góp gây tranh chấp, đó là ban đầu người ủng hộ ông Trump có ý định quyên góp ủng hộ ông 1 lần, 2 lần hoặc 3 lần, mỗi lần một số tiền nhất định. Nhưng, khi cài chế độ rút tiền tự động trên phần mềm WinRed, tiền đã tự động bị rút nhiều hơn.

Những người ủng hộ ông Trump.

Có người khiếu nại đến ngân hàng và công ty phát hành thẻ tín dụng, người khác thì trực tiếp khiếu nại WinRed đòi hoàn tiền lại. Jason Miller, người phát ngôn của ông Trump, cho rằng các khiếu nại gian lận hay tổng số tiền hoàn lại 122,7 triệu USD do chiến dịch của ông Trump phát hành đều không đáng kể. Miller nhấn mạnh hồ sơ nội bộ cho thấy chỉ có 0,87% các giao dịch WinRed là có tranh chấp thẻ tín dụng, tương đương khoảng 200.000 giao dịch tranh chấp.

Các khoản quyên góp tự động đó đã giúp cho ngân khố của ông Trump phình to vào tháng 9 và tháng 10-2020, giúp ông vượt qua tình trạng khó khăn tài chính tranh cử. Sau đó, có thể sử dụng hàng chục triệu USD huy động được sau cuộc bầu cử. Trên thực tế, số tiền mà ông Trump cuối cùng phải hoàn lại có thể được xem là “khoản vay” không tính lãi từ những người ủng hộ không cố ý vào thời điểm quan trọng nhất của cuộc đua năm 2020.

Đây là thủ thuật, “mánh lới” từng được giới tiếp thị bán hàng sử dụng nhằm chiêu dụ khách hàng mua hàng một cách ngoài ý muốn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc sử dụng “mánh lới” của giới kinh doanh, tiếp thị vào trong hoạt động chính trị với quy mô lớn như ông Trump đã làm thì quả là có một không hai và nó gây nên những “dư chấn” không đáng có trong chính trường.

Các khoản tiền hoàn lại được xem là một phần tất yếu trong vận động chính trị hiện nay ở Mỹ, khi các chính trị gia, đảng phái sử dụng các phần mềm quyên góp trực tuyến như WinRed và ActBlue. Tuy nhiên, với quy mô của số tiền quyên góp trực tuyến trong kế hoạch nêu trên, vấn đề quyên góp trực tuyến và các khoản hoàn tiền đã trở thành đề tài “giật gân” trong chính trị ở Mỹ. Nó đã làm bùng phát hàng trăm nghìn vụ việc khiếu nại đòi hoàn trả lại số tiền quyên góp tự động ngoài ý muốn của chủ tài khoản.

Tất cả các chiến dịch tranh cử tại Mỹ đều hoàn lại tiền vì nhiều lý do khác nhau, kể cả việc người quyên góp đóng góp số tiền vượt giới hạn theo luật định. Nhưng, tổng số tiền mà chiến dịch của ông Trump phải hoàn lại quá lớn so với tổng số tiền mà chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden đảng Dân chủ đã thực hiện, với 37.000 khoản hoàn trả trực tuyến, tổng trị giá 5,6 triệu USD trong cùng thời gian.

Một trào lưu quyên tiền mới

Các hoạt động gây quỹ quá quyết liệt của ông Trump không dừng lại kể cả sau khi ông thua cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Sau bầu cử, chiến dịch tranh cử của ông vẫn tiếp tục rút tiền hằng tuần thông qua các hộp chọn mặc định sẵn cho đến hết ngày 14-12, với số tiền huy động được lên đến hàng chục triệu USD cho ủy ban hành động chính trị mới của mình có tên là Save America.

Tháng 3-2021, ông Trump kêu gọi những người ủng hộ ông gửi tiền cho ông - chứ không phải cho bộ máy truyền thống của đảng Cộng hòa. Và ông Trump chỉ là mở màn cho việc sử dụng thủ thuật rút tiền tự động liên tục từ người quyên góp. Những nạn nhân như ông Blatt, ông Amelino nêu trên tiếp tục xuất hiện và hàng nghìn vụ khiếu nại đòi lại tiền cũng cứ thế diễn ra.

Ngay sau khi cuộc bầu cử tháng 11-2020 kết thúc, hai đương kim Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa ở Georgia là David Perdue và Kelly Loeffler đã triển khai chiến thuật quyên tiền theo kiểu “rút định kỳ hằng tuần” cho đến trước cuộc bỏ phiếu vòng play-off vào tháng 1-2021.

Trong kỳ báo cáo cuối cùng năm 2020, từ ngày 24-11 đến cuối năm, ông Perdue và bà Loeffler đã hoàn lại 4,8 triệu đô la cho các nhà tài trợ thông qua website WinRed - nhiều hơn gấp 3 số tiền mà các đối thủ Dân chủ của họ hoàn lại thông qua ActBlue, mặc dù đảng Dân chủ đã huy động được nhiều tiền hơn. Việc hoàn tiền đã kéo dài sang năm 2021 và là nguyên nhân gây thất vọng cho chiến dịch Loeffler.

Một thời gian ngắn sau khi rời Nhà Trắng, ông Trump đã xuất hiện trở lại trước công chúng với bài phát biểu công khai đầu tiên vào cuối tháng 2. Ngay sau đó, ban vận động chính trị mới của ông đã gửi tin nhắn tới người ủng hộ tiếp tục kêu gọi họ ủng hộ, trong đó hướng dẫn họ đến trang quyên góp WinRed với hai ô màu vàng được đánh dấu sẵn. Ông Trump đã huy động được 3 triệu USD ngay trong ngày hôm đó. Và sau đó là các khoản quyên góp định kỳ trong những tháng tiếp theo.

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.