Cuộc họp báo quốc tế của Tổng thống V.Putin:

Tinh thần đoàn kết giúp nước Nga vượt qua thử thách

Thứ Hai, 21/12/2015, 10:35
Trong cuộc họp báo quốc tế ngày 17-12 và trước đó là trong Thông điệp Liên bang ngày 3-12, Tổng thống Nga Putin khi nhắc đến những khó khăn kinh tế do lệnh phong tỏa cấm vận của các nước phương Tây đều cho rằng thời kỳ khó khăn nhất đối với nước Nga đã qua. Thành quả này đạt được, như Tổng thống Nga nhấn mạnh, là nhờ vào truyền thống đoàn kết của người dân xứ sở Bạch Dương.

"Sự thống nhất và đoàn kết làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn"

Phát biểu trong cuộc họp báo thường niên trước khoảng 1.400 phóng viên được truyền hình trực tiếp từ Moscow, Tổng thống Nga Putin thông báo: "Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng đã đi qua. Điều này được thể hiện qua những dấu hiệu của sự bình ổn trở lại các hoạt động kinh doanh trong quý II năm nay".

Giá dầu lao dốc từ mùa hè năm 2014 đã buộc Nga phải cắt giảm các dự báo kinh tế và điều chỉnh chiến lược. Đầu năm 2014, Nga lên kế hoạch kinh tế dựa trên mức giá dầu 100 USD/thùng, nhưng đến nay, giá dầu đã giảm sâu dưới mức 40 USD/thùng. Ông Putin nói, dự báo giá dầu hồi phục lên mức 50 USD/thùng trong năm 2016 là một dự báo "rất lạc quan".

Tổng thống Putin lắng nghe câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo quốc tế.

Chính phủ Nga dự báo GDP nước này sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm 2016 và sẽ không vội điều chỉnh ngân sách. Tổng thống Putin cũng thể hiện sự ủng hộ dành cho Ngân hàng Trung ương Nga, khi nói rằng không thể cắt giảm lãi suất một cách gượng ép mà phải dựa trên hiện thực nền kinh tế. Ông nói, nguy cơ đối với Nga hiện nay là lạm phát, trong khi các quốc gia khác phải đối mặt với sức ép giảm phát.

Theo nhận định của giới chuyên môn, ông Putin đang đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất trong 16 năm cầm quyền của mình: giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đe dọa kéo dài suy thoái kinh tế Nga và đẩy lạm phát tăng vọt vào thời điểm mà thu nhập của người dân Nga giảm mạnh nhất kể từ khi ông trở thành người đứng đầu điện Kremlin.

Tổng thống Putin tại cuộc họp báo quốc tế.

Cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên trong 6 năm ở Nga đã đẩy hàng triệu người dân nước này vào cảnh nghèo. Theo Cục Thống kê Liên bang Nga, năm nay, 21,7 triệu người Nga, chiếm 15% dân số nước này, sống dưới ngưỡng nghèo. Kết quả một cuộc thăm dò do Levada Center, một trung tâm độc lập, công bố ngày 17-12 cho thấy 80% người Nga được khảo sát ý kiến cho rằng nước này đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế. 58% nói họ đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm.

Nhưng dù lần suy thoái này có thể là cuộc suy thoái dài nhất của kinh tế Nga trong hai thập niên, tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga dành cho Putin gần đây vẫn đạt mức cao kỷ lục. Để vượt qua được những thử thách trên theo ông Putin đó là nhờ tinh thần đoàn kết và thống nhất của mình.

"Thời gian liên tục đặt ra trước chúng ta những thử thách mới, kiểm tra sức mạnh đoàn kết, tinh thần sẵn sàng cùng nhau giữ vững và bảo vệ lợi ích quốc gia của nước Nga. Và chính trong những khoảnh khắc đó, chúng ta đặc biệt cảm nhận sâu sắc rằng lòng tin, tình đoàn kết và sự kết nối giữa các thế hệ có ý nghĩa to lớn đến thế nào, rằng việc đánh giá lịch sử đất nước và những bài học lịch sử dựa trên truyền thống của tình huynh đệ, của sự đồng thuận, vốn đã đoàn kết quốc gia đa dân tộc của chúng ta, có tầm quan trọng ra sao"- Tổng thống Putin nói. Ông nhấn mạnh rằng "chính sự thống nhất và đoàn kết làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn".

Bị phương Tây cấm vận nhưng không gia tăng tình trạng thất nghiệp

Có một câu chuyện "vượt khó" mà chỉ ở nước Nga mới có. Trong bối cảnh nước Nga bị khủng hoảng kinh tế do giá dầu giảm và lệnh cấm vận của phương Tây nhưng nước Nga vẫn thoát khỏi tình trạng thất nghiệp gia tăng. Theo báo cáo của giới chức Nga, tỉ lệ người thất nghiệp trong tháng 10-2015 là 5,5% dân số trong độ tuổi làm việc (tức 4,3 triệu người Nga), tương đương mức hồi đầu năm 2015 và phù hợp với tình trạng công ăn việc làm đầy đủ. Đối với các chuyên gia, mức thất nghiệp thấp thường do số lượng việc làm đơn giản nhiều, và nhất là do sinh suất giảm kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nga đã bị giảm mất gần 5 triệu cư dân từ năm 1991.

Tuy tình trạng dân số giảm nhìn chung đang được khắc phục, nhà kinh tế Oleg Kouzmine của cơ quan Renaissance Capital cho rằng số người trong độ tuổi làm việc đã bị sụt mất một triệu mỗi năm kể từ 2009, và sẽ không tăng lên trong vòng 8 năm nữa. Ông giải thích: "Thất nghiệp ít không phải do sức mạnh của kinh tế Nga, mà do các vấn đề dài hạn. Nếu việc thiếu lao động hạn chế tăng trưởng trong trung hạn, đây lại là phương cách tốt để giảm sốc cho khủng hoảng: thất nghiệp ở mức thấp, người ta có thể lại tìm được việc làm sau khi bị sa thải và duy trì mức tiêu thụ cơ bản". Điều này không có nghĩa là thị trường lao động không chịu ảnh hưởng của khủng hoảng, nhưng việc điều chỉnh chủ yếu được thông qua việc hạ mức lương.

Thu nhập thực tế của người Nga đã sụt giảm trên 10% trong một năm qua, theo thống kê chính thức. Giới chủ rất ít khi tăng lương mặc cho lạm phát phi mã. Một số còn gia tăng những thời kỳ tạm nghỉ chờ việc hoặc liên tục chậm phát lương. Số người Nga sống dưới ngưỡng nghèo khổ đã vượt quá 15% dân số, tương đương 21 triệu người.

Người dân Nga trước màn hình chiếu Tổng thống Putin trả lời báo chí ngày 17-12.

Giáo sư Evguéni Gontmakher thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cựu Bộ trưởng Xã hội cho rằng, tỉ lệ thất nghiệp thấp ở Nga trong năm qua là nhờ sự sẻ chia khó khăn giữa giới chủ và người lao động. Ông nói các chủ sử dụng lao động ở Nga muốn giữ lại các nhân viên nhưng trả lương ít hơn để chờ thời. Theo ông việc này tiện lợi cho tất cả mọi người, cả chính quyền, nhân viên lẫn giới chủ.

Ông chủ của Tập đoàn hùng mạnh Rostec là Serguei Tchemezov gần đây còn thẳng thừng chỉ trích Tổng giám đốc Hãng xe hơi Lada, ông Bo Andersson - một người Thụy Điển đến từ Hãng General Motors - đã sa thải hàng loạt công nhân.

Ông Tchemezov nói: "Có lẽ đây là phương cách bình thường tại châu Âu nhằm giảm giá thành, nhưng chúng tôi nghĩ rằng không nên hành động kiểu như thế". Rostec vốn là cổ đông của Lada. Từ đó đến nay, Tập đoàn Lada thông báo để giảm giá thành, sẽ dành ưu tiên cho việc tự nguyện về hưu và tuần làm việc 4 ngày.

Ngoài vấn đề kinh tế, trong cuộc họp báo hôm 17-12, Tổng thống Putin cũng đề cập tới nhiều vấn đề khác. Ông muốn phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ, bất kể ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm tới. Ông cũng cho biết rằng các cuộc thảo luận giữa ông và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đầu tuần này cho thấy Mỹ sẵn sàng tiến tới việc "giải quyết các vấn đề mà chỉ có thể xử lý thông qua nỗ lực chung".

Liên quan tới Syria, ông Putin nói rằng chiến dịch quân sự của Nga sẽ tiếp tục cho tới khi nào một tiến trình chính trị bắt đầu. Ông nói rằng người dân Syria phải tự xác định ai sẽ nắm quyền, đồng thời cho hay ông không biết là liệu Nga có cần một căn cứ quân sự thường trực ở Syria hay không.

Về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia mới đây đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga, ông Putin nói rằng ông không thấy có triển vọng vượt qua mối quan hệ căng thẳng với giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hiện thời. Ông nói rằng ông rất sốc khi thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ không tìm cách giải thích hành động của mình mà lại tìm kiếm sự giúp đỡ của NATO.

Về Ukraine, Tổng thống Nga một lần nữa bác bỏ tin về việc binh sĩ Nga đang hoạt động ở miền Đông Ukraine, nơi các lực lượng ly khai thân Nga đang chiến đấu chống lại binh sĩ chính phủ. Nhưng ông nói Moscow chưa bao giờ phủ nhận rằng "có những người nào đó" đang thực hiện các nhiệm vụ "trong lĩnh vực quân sự" ở đó. Ông Putin nói Nga không có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ukraine, nhưng tuyên bố sẽ không áp dụng các ưu đãi về thương mại cho Kiev từ tháng 1-2016.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.