Tòa án Công lý phán quyết Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận Iran
- Lệnh cấm vận Iran của Mỹ có khiến các quốc gia sợ?
- Cuộc chiến cấm vận Iran của phương Tây sẽ đi tới đâu?
Thêm vào đó, Tòa án Công lý Quốc tế cũng đứng về phía Iran bằng cách ra phán quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận.
Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) được đưa ra sáng ngày 3-10, trong đó khiển trách Mỹ do áp đặt lại lệnh cấm vận đối với Iran, đồng thời ra lệnh cho Washington phải dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt.
Phán quyết của ICJ căn cứ trên cơ sở đơn khiếu nại của Iran vào tháng 7-2018. Trong đó, Tehran khiếu nại rằng việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp đặt lại lệnh cấm vận sau khi rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015 là vi phạm các cam kết trong Hiệp định Thân thiện ký giữa Mỹ và chính quyền cũ của Iran vào năm 1955. Cho đến nay, Hiệp định này còn hiệu lực.
Theo phán quyết của ICJ, Mỹ có trách nhiệm phải tuân thủ Hiệp định 1955 và phải dỡ bỏ các hạn chế đối với một số hàng hóa, thực phẩm, thuốc men và hàng không dân dụng mang tính chất nhân đạo. Bởi lệnh cấm vận đối với những loại hàng hóa, dịch vụ này đang ảnh hưởng nghiêm trọng lên đời sống dân thường vô tội ở Iran.
Trong đơn khiếu nại, Iran cũng lập luận rằng việc Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015 là vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phê chuẩn bằng nghị quyết. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã 12 lần xác nhận Iran tuân thủ đầy đủ các điều khoản cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân.
Phán quyết của ICJ được xem là thêm một thắng lợi của Iran trong cuộc đấu tranh chống lại chính sách thù địch của Mỹ. 10 ngày trước phán quyết của ICJ, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cùng với Nga, Trung Quốc cũng đã có động thái nhằm giúp Iran thoát khỏi lệnh cấm vận của Mỹ.
Tối 24-9, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran đã ra thông báo chung bảo trợ việc xây dựng một bản kế hoạch có tên gọi là Phương tiện đặc dụng (Special Purpose Vehicle - SPV). Mục tiêu của bản kế hoạch này là giúp Iran “lách” cấm vận do Mỹ áp đặt. Các nhà ngoại giao châu Âu hy vọng rằng nó sẽ giúp “cứu hộ” nền kinh tế Iran, từ đó có thể thuyết phục Iran kiên nhẫn tiếp tục ở lại với Thỏa thuận hạt nhân.
Ủy viên đối ngoại EU Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. |
Bà Federica Mogherini, Ủy viên đối ngoại EU, giải thích rằng SPV được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho việc thanh toán liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của Iran, trong đó có dầu mỏ - một trong những đối tượng bị cấm vận - nếu các doanh nghiệp làm ăn với Iran thực hiện các giao dịch không vi phạm pháp luật của EU. Bà Mogherini cho biết, SPV không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp EU mà còn có thể sử dụng cho tất cả doanh nghiệp các nước khác có quan hệ làm ăn với Iran.
Bản kế hoạch do các quan chức EU soạn thảo và được lưu truyền trong các tổ chức tư vấn kinh tế quốc tế, trong đó chứa đựng một hệ thống giao dịch phức tạp được thiết kế để né tránh cấm vận của Mỹ. Chẳng hạn, Iran có thể vận chuyển dầu mỏ bằng tàu thủy đến giao cho một công ty Pháp, việc thanh toán được tích lũy vào một quỹ dùng để chi trả cho một nhà sản xuất hàng tiêu dùng ở Italia, sau đó hàng hóa này sẽ được vận chuyển đến giao cho Iran. Không có việc chi trả tiền mặt hay thông qua hệ thống ngân hàng nào cả, do đó Mỹ sẽ không thể trừng phạt ai vi phạm lệnh cấm vận của mình.
Theo bản dự thảo kế hoạch, một tổ chức trung gian giao dịch tài chính sẽ được thành lập với sự tham gia hậu thuẫn của nhiều quốc gia trong EU. Tổ chức này sẽ thay mặt EU xử lý các giao dịch với các đối tác ở Iran và các công ty quan tâm giao dịch làm ăn với Iran. Mọi giao dịch làm ăn đều không để cho Mỹ biết được và sẽ sử dụng các đồng tiền Euro của EU và Sterling của Anh thay cho đồng USD.
EU được xem là rất quyết tâm bảo vệ Thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran, xem đó như một văn kiện quan trọng đối với an ninh quốc gia. Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hồi tháng 5-2018, các lãnh đạo EU đã cố gắng tìm cách để cứu vãn nó với hy vọng rằng Iran sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định nhằm hạn chế hoạt động chương trình hạt nhân của nước này. Để Iran chấp nhận điều đó, EU xác định cách duy nhất là cho Iran một số lợi ích kinh tế, có nghĩa là phải đi ngược lại chính sách cấm vận của Mỹ.
Đây cũng được xem là một nỗ lực của EU trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đang bị mắc kẹt giữa cuộc đối đầu căng thẳng Mỹ và Iran. Tháng 8-2018, khối này đã thông qua một luật nhằm giúp các doanh nghiệp được “miễn nhiễm” đối với chính sách đối đầu căng thẳng của Mỹ với Iran. Theo đó, EU “cấm các doanh nghiệp tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ”.
Về lý thuyết, đạo luật có thể giúp các doanh nghiệp EU kiện Bộ Tài chính Mỹ đòi bồi thường vì áp đặt các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ, vi phạm các quy định của luật EU. Cho đến nay, đạo luật mới này của EU chưa được mang ra áp dụng tại tòa án lần nào.
Tin tức về bản kế hoạch giúp Iran né tránh trừng phạt khiến nước Mỹ không vui. Phát biểu trước cử tọa gồm nhóm quốc gia theo Mỹ chống Iran bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 73, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng ông “buồn bực và thất vọng sâu sắc” bởi kế hoạch do EU đưa ra.
Ngày 25-9, phát biểu tại một diễn đàn do các tổ chức chống Iran tài trợ, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã đưa ra lời cảnh báo sẽ có “hậu quả khủng khiếp” cho những ai làm ăn với Iran, ám chỉ các đồng minh Mỹ ở châu Âu.