Tổng thống Mỹ và vấn đề Israel - Palestine: Bên nào trọng, bên nào khinh?

Thứ Hai, 08/05/2017, 10:50
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc tiếp đón Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 3-5 tại Nhà Trắng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump chính thức thể hiện nỗ lực nối lại đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Giới phân tích vẫn chưa dám tin tưởng liệu ông Trump sẽ thành công hay không, vì nhiều đời Tổng thống Mỹ trong quá khứ đều đã thất bại.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đến Mỹ và diện kiến Tổng thống Trump để bàn về khả năng tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình với Israel. Mục đích của ông Abbas trong chuyến thăm Nhà Trắng là muốn Tổng thống Trump gây áp lực buộc Israel phải có một số nhượng bộ để cứu vãn giải pháp “hai nhà nước” vốn đã “chết lâm sàng” từ lâu.

Khi tiếp đón ông Abbas, Tổng thống Trump đã đưa ra những phát ngôn đầy vẻ lạc quan về triển vọng tái khởi động đàm phán hòa bình. Trump nói, ông sẽ chứng minh rằng, những ai còn nghi ngờ về khả năng thành công của ông đều sai. Bên cạnh ông Trump, Tổng thống Palestine Abbas cũng thể hiện quyết tâm không kém. Cái bắt tay và những phát ngôn của hai nhà lãnh đạo đang cho cả thế giới thấy rằng Tổng thống Mỹ Trump đang thực hiện chính sách đối ngoại như đã hứa của mình. Đó là triển khai một chính sách mới về Trung Đông không giống bất kỳ vị tiền nhiệm nào.

Trump đã tuyên bố nước Mỹ không bỏ rơi đồng minh Israel, nhưng đồng thời nước Mỹ cũng sẽ theo đuổi đến cùng việc tìm kiếm hòa bình cho khu vực Trung Đông. Trump nhận định rằng, thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine là thách thức khó khăn nhất trong gói chính sách chung của Mỹ ở khu vực Trung Đông, nhưng Trump đã thể hiện quyết tâm sẽ thành công. “Chúng tôi sẽ làm được” - ông Trump khẳng định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Nhà Trắng hôm 3-5.

Giới phân tích đặt câu hỏi: ông Trump sẽ giải quyết xung đột giữa Israel và người Palestine theo chiều hướng nào? Liệu ông có đáp ứng những mong muốn của ông Abbas hay không? Trump vốn nổi tiếng thân Israel hơn tất cả các Tổng thống Mỹ từ 30 năm trở lại đây, đã lên tiếng phản đối việc công nhận Nhà nước Palestine, đồng thời tuyên bố sẽ dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv sang Jerusalem - một động thái được đánh giá là cách xác nhận Jerusalem là thủ đô của người Israel, đẩy người Palestine vào thế khó khăn hơn trong đàm phán về Đông Jerusalem, vốn là một trong 5 chỉ tiêu đàm phán quan trọng giữa Israel và Palestine từ trước đến nay.

Xung quanh Trump tập hợp những người cũng thân Israel như ông, vì vậy giới phân tích nói chung không hy vọng ông Abbas sẽ có được thứ mình muốn khi cầu cạnh ông Trump. Nói một cách cụ thể, ngay việc Israel thúc đẩy chương trình xây nhà ở trên đất chiếm của người Palestine mà ông Trump cũng không đả động gì tới, thì ai dám chắc ông sẽ giải quyết vấn đề theo hướng có lợi cho người Palestine?

Trong một diễn biến có liên quan, trước cuộc hội kiến của ông Abbas với Tổng thống Mỹ Trump, lãnh đạo tối cao Khaled Meshal đã tổ chức một buổi họp báo tại Doha, thủ đô Qatar, để công bố bản Hiến chương mới của Hamas. Bản Hiến chương đã bị Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các nghị sĩ Mỹ thân Do Thái chỉ trích, chế giễu là “vô nghĩa”, là “sáo rỗng”, vì trên thực tế Hamas vẫn không chính thức thừa nhận sự tồn tại của Israel như một nhà nước của người Do Thái.

Một số nhà ngoại giao có uy tín đang cố gắng thuyết phục các cố vấn của Tổng thống Trump rằng, ít nhất văn bản của Hamas đã thể hiện một số nhượng bộ nhất định, mở ra triển vọng cho một thỏa thuận hòa bình dựa trên cơ sở các nỗ lực gần đây của các nước trong khu vực do Ai Cập chủ trì. Nhượng bộ lớn nhất của Hamas trong bản Hiến chương mới thể hiện trong tuyên bố rằng Hamas “xem việc thiết lập một nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền đầy đủ, với Jerusalem là thủ đô, lấy đường biên giới năm 1967 làm ranh giới quốc gia, xem việc hồi hương những người Palestine tị nạn và mất nhà cửa vì sự chiếm đóng là công thức cho sự đồng thuận quốc gia”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cách đây hơn 2 tháng.

Đặc biệt, bản Hiến chương lần đầu tiên công nhận rằng sẽ có “một nhà nước khác” bên ngoài đường biên giới Nhà nước Palestine, ám chỉ Israel nhưng không nêu đích danh. Bản Hiến chương khẳng định “Hamas không đấu tranh chống người Do Thái vì họ là người Do Thái mà là đấu tranh với chủ nghĩa phục quốc chiếm đóng Palestine”.

Giới phân tích cho rằng việc Hamas không thừa nhận sự tồn tại của Israel, cũng như việc Israel ngang nhiên xây dựng nhà ở trong các khu định cư Do Thái trên các vùng đất lấn chiếm của người Palestine ở Bờ Tây sông Jordan và Đông Jerusalem là những trở ngại lớn nhất cho mọi nỗi lực cứu vãn tiến trình đàm phán hòa bình từ trước đến nay. Những khác biệt, bất đồng khác giữa Israel và người Palestine có những lúc tháo gỡ được, gần đạt được thỏa thuận cuối cùng, nhưng hai trở ngại lớn này thì chưa bao giờ hai bên có tiến bộ.

Chính vì vậy, việc Hamas có những nhượng bộ nhất định trong bản Hiến chương mới là một tín hiệu lạc quan cho thấy tổ chức này đang ngày càng đi theo chiều hướng chính trị hóa cuộc đấu tranh của mình, quyết rời xa tai tiếng do những hành động bạo lực khủng bố trước đây.

Nhưng để cho các nỗ lực mềm mỏng hóa hình ảnh của Hamas có đóng góp tích cực vào việc tái khởi động đàm phán hòa bình giữa người Palestine với Israel đòi hỏi tổ chức này phải nỗ lực nhiều hơn những nhượng bộ trên giấy. Trước mắt, giới phân tích đưa ra nhận định, ông Abbas đến Mỹ diện kiến Tổng thống Trump trong tư thế hoàn toàn yếu thế, phía sau lưng không có được sự hậu thuẫn đầy đủ của nội bộ người Palestine. Mâu thuẫn, xung đột nội bộ giữa hai phái Fatah và Hamas cho đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách dứt điểm, hai phái vẫn chưa đạt được sự đồng thuận hoàn toàn trong một số vấn đề để có thể tiến tới xây dựng một chính phủ đoàn kết dân tộc và cùng chung sức trong cuộc đấu tranh với người Israel.

Giới phân tích đánh giá, xung đột nội bộ trong thời gian dài đang khiến cho cả hai thực thể chính trị Palestine - Fatah ở Bờ Tây sông Jordan và Hamas ở Dải Gaza - đều lâm vào tình trạng phá sản. Mất đoàn kết nội bộ cũng là một nguyên nhân làm cho mọi nỗ lực đàm phán hòa bình với Israel đều thất bại.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.