Trung Đông loạn càng thêm loạn
Ngày 24-7, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn cấp theo yêu cầu của Pháp, Thụy Điển và Ai Cập, để tìm một giải pháp ngăn chặn bạo lực lan rộng giữa Israel và Palestine cùng Jordani.
Trong vòng 2 ngày 21 và 22-7-2017, vòng xoáy bạo lực tại thành phố Jerusalem và khu phụ cận đã làm 8 người chết, trong đó có 5 người Palestine và 3 người Israel. Xung đột bùng lên từ khi chính quyền Israel, vì lý do an ninh, ban hành các biện pháp mới, kiểm soát lối vào quảng trường các đền thờ Hồi giáo bằng máy dò kim loại và cấm nam giới dưới 50 tuổi đi vào khu phố cổ.
Người Palestine nghi ngờ Israel muốn độc quyền kiểm soát khu thánh địa này, hiện do Jordani quản lý. Theo Tel Aviv, các biện pháp an ninh trên được đưa ra sau khi 2 nhân viên cảnh sát Israel bị phần tử vũ trang người Arập giết tại đó.
Khu vực mà cảnh sát Israel thắt chặt các biện pháp an ninh là đền thờ Al-Aqsa nằm trên một ngọn đồi tại thành cổ Jerusalem và là một trong những địa điểm tôn giáo quan trọng nhất thế giới, được cả người Do Thái, người Cơ Đốc giáo và người Hồi giáo tôn kính. Tại đây có một sân rộng hình thang dài gần 500 m và rộng khoảng 300 m, chiếm 1 phần 6 diện tích của thành cổ Jerusalem.
Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas thông báo đóng băng mọi quan hệ với Israel ngày 21-7. |
Sau khi bạo động bùng phát vào các ngày 21 và 22-7, theo hãng tin AP, Israel đã gửi thêm quân tới khu vực trên và đặt các đơn vị nơi này trong tình trạng báo động cao. Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Avigdor Lieberman, đã viếng thăm nơi xảy ra các cuộc đụng độ, đồng thời kêu gọi Chủ tịch nhà nước Palestine, ông Mahmoud Abbas lên án hành động giết người.
Chủ tịch Palestine cùng ngày thông báo ngưng mọi liên lạc chính thức với Israel cho đến khi nào các biện pháp an ninh của Nhà nước Do Thái tại khu thánh địa Hồi giáo ở Đông Jerusalem được dỡ bỏ.
Liên đoàn Arập ngày 23-7 đã cáo buộc Israel đang “đùa với lửa” khi áp đặt các biện pháp an ninh mới tại thành cổ linh thiêng Jerusalem. Tổng Thư ký Liên đoàn Arập Ahmed Abul Gheit ra tuyên bố nêu rõ “Jerusalem là giới hạn đỏ” và “không quốc gia Arập và Hồi giáo nào chấp nhận sự vi phạm tại thánh địa linh thiêng Jerusalem”.
Tuyên bố được đưa ra sau khi ông Ahmed Abul Gheit có cuộc tiếp xúc với các nước Arập để chuẩn bị cho cuộc họp khẩn về xung đột ngày càng leo thang giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel tại Palestine và xung quanh đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Căng thẳng tại khu vực đền thờ ở Jerusalem cũng là chủ đề của các cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng nhiều nước trong khu vực. Ngày 23-7, AFP cho biết Mỹ cũng đã cử ông Jason Greenblatt, đại diện đặc biệt phụ trách đàm phán quốc tế của Tổng thống Donald Trump, tới Israel với hy vọng có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên, Chính phủ của Tổng thống Trump lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực gần đây tại Jerusalem, đồng thời đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến trong khu vực.
Trước sức ép từ cộng đồng quốc tế, sáng 23-7, nội các an ninh Israel đã nhóm họp để xem xét lại quyết định lắp đặt các máy dò kim loại tại đền Al-Aqsa. Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh công cộng Israel Gilad Erdan cho biết nước này có thể loại bỏ các máy dò kim loại tại cổng vào đền Al-Aqsa, nếu cảnh sát có biện pháp khác nhằm đảm bảo an ninh tại khu vực này.
Tuy nhiên, sau cuộc họp trên, Chính phủ Israel tuyên bố sẽ không loại bỏ các máy dò kim loại được lắp đặt tại cổng vào đền thờ Al-Aqsa. Phát biểu trên đài phát thanh quân đội, Bộ trưởng Hợp tác khu vực của Israel Tzachi Hanegbi cho biết các máy dò kim loại sẽ được tiếp tục lắp đặt tại đền Al-Aqsa, song có thể sẽ bị giới hạn hoạt động.
Hành động của Israel có thể là nguyên nhân khiến đại sứ quán của nước này tại Jordani bị tấn công vào ngày 23-7 làm 2 người thương vong. Trước đó, làn sóng bất bình của công chúng đối với Israel cũng đã nổi lên tại thủ đô Amman của Jordani.
Cũng trong thời gian này, tình hình căng thẳng giữa hai nước Trung Đông khác là Iran và Kuwait bỗng dưng tăng nhiệt. Cụ thể ngày 20-7, Kuwait đã yêu cầu Đại sứ Iran và 14 nhà ngoại giao khác phải rời nước này trong vòng 48 ngày. Tuy nhiên, đến ngày 22-7, Đại sứ Iran vẫn tiếp tục ở lại Kuwait chỉ có phái đoàn ngoại giao của Iran là phải về nước.
Người Hồi giáo Palestine đụng độ với cảnh sát Israel trong khu phố cổ Jerusalem ngày 21-7. |
Căng thẳng ngoại giao Iran-Kuwait bùng phát sau khi Tòa án Tối cao Kuwait đã kết án tù chung thân đối tượng cầm đầu một nhóm khủng bố và kết án 20 thành viên khác của nhóm này các mức phạt tù khác nhau, với cáo buộc có quan hệ với Iran, cũng như phong trào Hezbollah ở Liban và lên kế hoạch nhiều vụ tấn công tại Kuwait. Iran ngay lập tức phản đối các bước đi này, cho rằng những cáo buộc là vô căn cứ và cảnh báo đưa ra các bước đi trả đũa tương tự.
Sự hục hặc giữa 2 quốc gia Vùng Vịnh này lại đang làm phức tạp thêm những nỗ lực hòa giải của Kuwait trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và 4 quốc gia Arập, bao gồm Ai Cập, Arập Xêút, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Theo chuyên gia phân tích Mỹ về Vùng Vịnh Kristian Ulrichsen, yêu cầu Đại sứ Iran rời khỏi Kuwait đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cách tiếp cận của quốc gia này đối với Iran. Bất đồng ngoại giao nảy sinh cũng có thể ảnh hưởng đến vai trò và uy tín của Kuwait trong nỗ lực hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất Vùng Vịnh trong nhiều năm qua.
Việc trục xuất các đại sứ là điều bất thường đối với Kuwait - quốc gia luôn tránh xung đột và giữ mối quan hệ tốt với tất cả các nước trong khu vực. Kể cả khi Iran bị nhiều quốc gia trong khu vực phản đối nhưng cùng với Qatar, Kuwait vẫn có mối quan hệ tốt với Iran trong nhiều năm qua.
Kuwait là quốc gia Vùng Vịnh chưa áp đặt trừng phạt nhằm vào Qatar, khi khủng hoảng ngoại giao khu vực nổ ra và có thái độ trung lập trong cuộc khủng hoảng này. Ngay sau khi căng thẳng giữa Iran và Kuwait nảy sinh, Arập Xêút ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh bước đi của Kuwait.
Cùng với tình hình xung đột và khủng bố tại nhiều khu vực khác như Syria, Iraq... dai dẳng trong suốt những năm qua, Trung Đông đang ngày càng trở nên hỗn loạn. Các nước lớn mới đây lên tiếng kêu gọi những quốc gia Trung Đông kiềm chế tối đa vì “điều nguy hiểm là những xung đột này có thể dẫn đến chiến tranh bất cứ lúc nào”.