Trung Đông - thế cờ ghi điểm của Tổng thống Putin

Thứ Hai, 18/12/2017, 11:59
Anh hưởng về mặt ngoại giao của Nga càng được khẳng định sau chuyến công du chớp nhoáng tới Trung Đông của Tổng thống Vladimir Putin. Với tuyên bố đã áp đảo tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và rút một phần quân đội về nước, một lần nữa Nga đã chứng tỏ vị trí đối tác tin cậy của mình trong việc giải quyết các vấn đề nóng tại khu vực vốn được xem là “chảo lửa” này.

Dù diễn ra bất ngờ, nhưng kết quả chuyến công du này còn được xem là cơ hội ghi điểm của người đứng đầu Điện Kremli sau thông báo ông sẽ tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tháng 3-2018 tại xứ Bạch dương.

Một điểm nhấn trong chuyến công du Trung Đông lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể không kể đến đó là tuyên bố rút quân khỏi Syria, chủ trì lễ ký thỏa thuận quy mô nhằm xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Ai Cập, chỉ trích quyết định (của Tổng thống Mỹ Donald Trump) công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là hành động “phản tác dụng” và “gây bất ổn”.

Giới phân tích cho rằng ông Putin, người vừa khẳng định sẽ ra tranh cử chức tổng thống nhiệm kỳ thứ tư, đã thể hiện rõ mục tiêu của mình là khôi phục vị thế cho nước Nga, vị thế của một cường quốc quân sự có ảnh hưởng lớn và là một đối trọng với phương Tây tại Trung Đông. Không chỉ nhằm củng cố các quan hệ song phương trong bối cảnh chính sách của Mỹ tại Trung Đông đang chẳng khác nào một mớ bòng bong, chuyến công du của ông Putin còn thể hiện sự ủng hộ với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và đặt dấu hỏi ngày càng lớn cho vai trò và nhiệm vụ của quân đội Mỹ tại Syria.

Việc Tổng thống Putin bất ngờ ra lệnh rút “một phần quan trọng” lực lượng quân sự Nga đang hoạt động tại quốc gia Trung Đông này có thể coi là tuyên bố của người đứng đầu Điện Kremli với nhân dân Nga và các nước trong khu vực rằng “sứ mệnh” của quân đội Nga tại Syria đã hoàn thành. Lực lượng khủng bố đã bị đánh bại, nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria được bảo đảm, chính quyền hợp pháp của Damascus trụ vững và đã đến lúc cần một giải pháp chính trị.

Bên cạnh đó, tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga còn chứng minh rằng Moscow không “sa lầy” tại Syria, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ tới liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu rằng họ không có lý do gì nữa để ở lại Syria. Điều quan trọng hơn là chiến thắng của quân đội Nga ở Syria đã chặn đứng làn sóng “Mùa xuân Arab” tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trên chuyên cơ trước khi hạ cánh xuống căn cứ Hmeimim, Syria.

Và một điều không thể phủ nhận, những hành động của Tổng thống Putin ở Syria sẽ giúp ông “ghi điểm” với cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3-2018.

Tuyên bố rút quân của Tổng thống Nga còn cho thấy Nga là bên chủ động, làm chủ “cuộc chơi” và giữ vai trò dẫn dắt tiến trình hòa bình tại Syria. Nga hiện là cường quốc trung gian duy nhất có liên hệ với mọi bên trong cuộc xung đột Syria, bởi ngoài hợp tác với Iran để phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, Nga cũng kết nối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từng chống đối chính quyền Damascus, thành nhóm bộ ba Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến vòng đàm phán Astana về Syria. Từ thắng lợi quân sự, Moscow trở thành một bên đối thoại bắt buộc mà các nước bảo trợ cho phe đối lập ở Syria phải thích nghi.

Cuộc gặp của ông Putin với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi với kết quả là hai bên nhất trí khôi phục các đường bay dân sự mà Moscow đình chỉ từ cách đây 2 năm sau khi phiến quân đánh bom một máy bay du lịch của Nga tại bán đảo Sinai hồi năm 2015, đã phản ánh mối quan hệ đang ngày càng trở nên sâu sắc giữa Nga và Ai Cập, nước nhận viện trợ quân sự lớn thứ hai (sau Israel) và cũng là một đối tác chiến lược của Mỹ tại Trung Đông nhờ quyền kiểm soát Kênh đào Suez.

Ngoài việc ký thỏa thuận trị giá 21 tỷ USD nhằm khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Dabaa tại Ai Cập, lãnh đạo hai nước còn thảo luận về các dự án công nghiệp, thương mại, và đầu tư Nga tại Ai Cập, bao gồm cả Khu kinh tế Kênh đào Suez. Không chỉ vậy, hai bên cùng bày tỏ lập trường phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Cùng với Ai Cập, chuyến thăm của ông Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ, cũng từng là đồng minh chủ chốt và đối tác chiến lược của Mỹ ở Trung Đông - Bắc Phi, một lần nữa cho thấy sức mạnh và vị thế của Nga tại khu vực này ngày càng gia tăng. Chỉ trong cuộc hội đàm ngắn ngủi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cũng là cuộc gặp lần thứ 8 giữa hai bên trong năm nay, hai nhà lãnh đạo đã dễ dàng tìm được tiếng nói chung về nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực.

Cũng giống như với Ai Cập, lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhất trí nỗ lực hỗ trợ tiến trình hòa bình tại Syria, đồng thời lên án quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, khẳng định hành động của Washington “không thể giúp tiến trình hòa bình ở Trung Đông mà còn gây bất ổn tình hình vốn rất gay go ở khu vực này, thậm chí có thể “chấm dứt triển vọng cho tiến trình hòa bình Palestine-Israel”.

Moscow tin rằng tình trạng của Jerusalem chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán giữa Palestine và Israel phù hợp với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Với lập trường và cách hành xử được xem là khéo léo, rõ ràng Nga đang ngày càng chứng tỏ vai trò tích cực hơn trong các vấn đề Trung Đông, đồng thời từng bước thể hiện sức mạnh của một cường quốc thế giới.

 Chắc chắn chuyến công du 3 nước Trung Đông - Bắc Phi của Tổng thống Vladimir Putin lần này là màn ghi điểm cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống 2018 mà ông vừa tuyên bố sẽ tranh cử với vị trí ứng cử viên độc lập.

Giới phân tích cũng đánh giá, tuyên bố rút quân khỏi Syria và nối lại giao thông hàng không với Ai Cập chính là những yếu tố ghi điểm cao nhất với cử tri Nga trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt nguy cơ bị hàng loạt đồng minh Arab quay mặt sau tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.