Ukraine sắp mất miền Đông?
Trái ngược, hai nước Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng lại đang cho thấy, họ có thể “tự chủ” mà không cần tới vai trò của Kiev.
Kiev bất lực?
Đánh giá về tình hình Ukraine hiện nay, trang mạng của Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược Pháp (Iris) cho rằng, tình trạng lộn xộn diễn ra ngày càng nhiều. Nhiều yếu tố “cấp tiến” đã quyết định phong tỏa hoàn toàn các vùng lãnh thổ do lực lượng ly khai kiểm soát tại Donbass khi thỏa thuận Minsk đã đi vào bế tắc kể từ nhiều tháng nay. Các bên tham chiến đều đổ trách nhiệm cho nhau trong việc thường xuyên xảy ra những cuộc đụng độ.
Về mặt quân sự, không bên nào cho thấy có khả năng vượt trội về tương quan lực lượng, sức mạnh trên thực địa. Quân đội Ukraine đã tìm cách chiếm từng phần lãnh thổ nằm ở “vùng xám” và chính điều này đã dẫn đến những cuộc đụng độ gần đây tại Avdiivka vào tháng 1 vừa qua. Trong khi đó, lực lượng ly khai ở miền Đông tiếp tục nhận được sự ủng hộ cả về tài chính và an ninh từ bên ngoài tiếp tục đứng vững và từ lâu họ không còn nằm trong sự kiểm soát của Kiev.
Về tài chính, ngày 12-3, Phó Chủ tịch Ngân hàng quốc gia Ukraine Oleg Chury nói rằng, nếu không có sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Kiev sẽ mất kiểm soát tỷ giá nội tệ, và nợ nước ngoài ngày càng tăng nhanh có thể dẫn đến đồng tiền bị phá giá. Đài Sputnik dẫn lời ông Chury cho hay, IMF chỉ có thể giúp nước này trả hết với các chủ nợ quốc tế.
Quân đội Ukraine triển khai chiến đấu ở miền Đông. Ảnh: censor.net.ua. |
Ông nêu rõ, để tránh một "thảm họa tài chính" Kiev sẽ phải quay sang các tổ chức quốc tế khác. Các quan chức cho biết, trong vài năm tới Ukraine sẽ phải trả cho các chủ nợ khoảng 12,5 tỷ USD.
Điều đáng nói là hiện Ukraine đang lưu hành hai loại tiền. Đồng hryvnia và đồng ruble của Nga. Bởi, từ ngày 1-3-2017, Hội đồng Bộ trưởng của LPR và DPR tại miền Đông Ukraine đã thông qua nghị quyết công nhận đồng ruble của Nga trở thành đơn vị tiền tệ chính thức tại LPR. Điều này đồng nghĩa với việc các giao dịch tài chính được thực hiện tại miền Đông chủ yếu bằng đồng ruble.
Bên cạnh đó, kể từ đầu tháng 3, đồng nội tệ hrivnya của Ukraine sẽ không được phép lưu hành trong khu vực, mà thay vào đó đồng ruble Nga sẽ trở thành đơn vị tiền tệ chính thức. Đây được cho là các biện pháp đáp trả cứng rắn của chính quyền Donbass đối với lệnh phong tỏa giao thông mà Kiev áp dụng tại hai khu vực trên thời gian qua.
Trong khi khủng hoảng tài chính đang chuẩn bị“gõ cửa”, Ukraine dọa tung ra đòn đánh đầy rủi ro, khi ngày 12-3 Kiev lên tiếng cảnh báo sẽ xử phạt Ngân hàng Sberbank, một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga ở Đông Âu, nếu ngân hàng này cung cấp dịch vụ cho các chủ sở hữu hộ chiếu từ các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass.
Tổng thống Ukraine Poroshenko thăm một đơn vị quân đội Ukraine. Ảnh: The Japan Times. |
Một số quan chức Ukraine thậm chí còn nói rằng Sberbank, và tất cả các ngân hàng Nga, nên bị cấm hoạt động hoàn toàn ở nước này. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov thì “mạnh miệng” hơn khi nói rằng Sberbank sẽ bị trục xuất khỏi Ukraine hoàn toàn. Thủ lĩnh đảng cấp tiến Oleh Lyashko cũng yêu cầu cấm tất cả ngân hàng Nga, trong đó có Sberbank, hoạt động tại Ukraine “ngay lập tức”.
Các chuyên gia tài chính cảnh báo rằng nếu điều này xảy ra, nó sẽ dẫn tới sự sụp đổ không chỉ khu vực ngân hàng Ukraine, mà là toàn bộ nền kinh tế của nước này. Nhà phân tích thị trường Mark Goikhman cho rằng Kiev có thể làm thật chứ không chỉ là đe dọa, không chỉ vì các lý do chính trị mà vì các biện pháp trừng phạt có thể khiến ngân hàng Nga phải ngừng hoạt động và bán tài sản của mình với mức chiết khấu đáng kể.
Theo nhà phân tích tài chính Alexei Antonov, nếu Kiev xử phạt Sberbank, những cú sốc sẽ giáng vào chính Ukraine.
LPR và DPR “tự” quản lý kinh tế
Không chỉ sử dụng đồng tiền khác biệt với tiền của Ukraine, Lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine ở Lugansk và Donetsk tuyên bố bắt đầu quản lý các doanh nghiệp tại miền Đông, bao gồm cả các mỏ than ở vùng than Donbass. Tuyên bố của đại diện các lực lượng ở miền Đông cho biết, các cơ quan doanh nghiệp thuộc diện trên dù không thay đổi hình thức sở hữu, nhưng các khoản tiền đóng thuế sẽ được chuyển vào ngân sách của Donetsk và Lugansk.
Để chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý, ông Alexandr Zakharchenk, người đứng đầu DPR cho biết đã thành lập bộ phận kiểm soát việc chuyển dịch các doanh nghiệp thuộc Ukraine về mặt pháp lý sang quản lý từ bên ngoài. “Tôi đã ban hành nghị định về việc thành lập trụ sở điều chỉnh quyền của người lao động”, Zakharchenko nhấn mạnh. LPR cũng tuyên bố thành lập một cơ quan tương tự để khôi phục lại hoạt động của các doanh nghiệp.
Tư tưởng tách khỏi Ukraine của 2 nước cộng hòa tự xưng được đẩy nhanh hơn sau khi Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh yêu cầu giới chức nước này tạm thời công nhận các loại giấy tờ đăng ký dân sự tại khu vực miền Đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát hôm 18-2. Theo thống kê của chính quyền LPR và DPR, số lượng người dân xin cấp giấy tờ tại những khu vực này đã tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, chính quyền đã phải điều động thêm nhân lực để giải quyết.
Trong tuần đầu tháng 3-2017, phát biểu tại họp báo, người đứng đầu DPR Aleksander Zakharchenko tuyên bố phong tỏa chính quyền trung ương Kiev, bao gồm trưng thu các doanh nghiệp nhà nước, mở rộng phát thanh và truyền hình sang lãnh thổ Ukraine.
Trước báo giới, ông Zakharchenko nói: "Chúng tôi cắt đứt mọi quan hệ với Ukraine, nước mà chúng tôi đang chiến tranh. Đúng là chúng tôi đã bán than để lấy tiền trả lương ở đây. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đã học được cách sống trong điều kiện phong tỏa, chúng tôi tuyên bố phong tỏa Ukraine".
Theo lãnh đạo vùng Donbass, hành động phong tỏa giao thông với Donbass của Ukraine đang có ảnh hưởng đến hoạt động của rất nhiều công ty, doanh nghiệp vùng Donbass. Điều này đi ngược lại với tinh thần của Hiệp định Minsk.
Sở dĩ có việc phong tỏa trở lại từ LPR và DPR là do từ cuối tháng 1-2017 chính quyền Kiev đã phong tỏa đường sắt vận tải tới các khu vực đòi độc lập. Chính quyền Ukraine tuyên bố mọi hoạt động thương mại với các cộng hòa tự xưng đều là bất hợp pháp. Ukraine đã phong tỏa mọi hoạt động đường sắt từ Nga.
Hình ảnh về phong trào biểu tình trên Quảng trường Độc lập (Maidan), tháng 12-2013. Ảnh: links.org.au. |
Cảnh sát chống lại người biểu tình ở Quảng trường Độc lập, tháng 2-2015. Ảnh: Sputnik International. |
Trong nỗ lực ngăn chặn hoạt động thương mại của Nga với Donetsk và Lugansk, các phần tử cấp tiến Ukraine đã công bố mở một trạm kiểm soát mới để phong tỏa hoạt động của các tàu hỏa tới từ Nga, và hiện đóng tại ga đường sắt Konotop, vùng Sumy cách biên giới với Nga khoảng 70 km.
Thủ tướng Vladimir Groisman cho biết, việc phong tỏa ở Donbass khiến ngành khai thác khoáng sản và công nghiệp luyện kim của nước này mất đi 3,5 tỷ USD thu ngoại tệ và làm cho 75.000 người mất việc làm.
Bình luận về thông báo phong tỏa giao thông đường sắt với Nga tại thành phố Konotop, thượng nghị sĩ Alexei Pushkov, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia nhận định rằng: "Việc những người cực đoan Ukraine ngăn chặn đường sắt để phá vỡ quan hệ thương mại với chúng ta đã làm cho Ukraine mất đi 15 tỷ USD. Có vẻ như thế vẫn còn quá ít. Họ còn muốn mất nhiều hơn thế nữa".
Đáp lại động thái trên từ Kiev, các nước cộng hòa tự xung cũng đưa ra quy chế quản lý độc lập với các doanh nghiệp của Ukraine. Người đứng đầu nhà nước Donetsk Alexander Zakharchenko đã tuyên bố cấm vận thương mại với Kiev. Do đó, Ukraine đã không thể mua được than khai thác từ miền Đông, vốn là một trong những nhiên liệu chủ yếu của nước này. Kiev đã buộc phải áp dụng biện pháp khẩn cấp về năng lượng để tiết kiệm dự trữ, một số doanh nghiệp công nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất.
Cách làm “cực đoan” của Ukraine với khu vực miền Đông khiến người dân ở miền Đông không chấp nhận và rời xa Kiev ngày càng rõ. Ông Eduard Basurin, Phó chỉ huy các lực lượng vũ trang của Cộng hòa DPR tự xưng cũng lên tiếng xác nhận Ukraine đang cố gắng làm tình hình tại Donbass trở nên trầm trọng thêm.
Theo ông Basurin, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất ổn tại Donbass là do những mâu thuẫn trong nội bộ Ukraine. Đặc biệt là sự ủng hộ của các quốc gia phương Tây đối với chính quyền Tổng thống Poroshenko đang dần suy yếu. “Những thành phần cấp tiến đang tách khỏi chính quyền bởi không hài lòng với chính sách mà tổng thống Poroshenko theo đuổi”, ông Basurin nhấn mạnh.
“Tiên trách kỷ...”
Chỉ ra nguyên nhân khiến miền Đông Ukraine đang dần “tự lập” mà không cần tới chính quyền Kiev, M.Souruman, chuyên gia phân tích chính trị châu Âu nhận định, lỗi một phần thuộc về Tổng thống Ukraine khi ông và bộ máy cầm quyền không kiểm soát được nội bộ. Tổng thống Poroshenko gần đây liên tiếp dính vào các vụ bê bối, đặc biệt ông bị chỉ trích là không có khả năng kiểm soát các vấn đề trong nước và bao che cho hành vi tham nhũng của chính quyền.
Trong khi đó, các phần tử cấp tiến cực đoan Ukraine tham gia phong tỏa hoạt động thương mại tại Donbass đã tuyên bố rằng Tổng thống Poroshenko đang lên kế hoạch khiêu khích họ. Những người cấp tiến cảnh báo về việc chuẩn bị đáp trả các hành động khiêu khích từ chính quyền Kiev.
Thêm vào đó, chính những yếu kém trong quản lý và tình trạng bè phái khiến chính trường Ukraine thêm rối ren. Nhiều quan chức bị các đảng, nhóm đối lập yêu cầu sa thải do liên quan đến vụ bê bối tham nhũng, quản lý yếu kém.
Trong khi đó, cho dù đã nhận thức rõ vai trò của Nga và Tổng thống Poroshenko đã có bước lùi khi 2 lần điện đàm với Tổng thống Nga để tìm một lối thoát, song dường như đã muộn khi cả 2 cuộc điện đàm không mang lại kết quả gì. Các chuyên gia nhận định một thực tế rằng, Ukraine không dễ chia tay Nga để chuyển dịch nền kinh tế sang khu vực châu Âu, bởi các công ty của quốc gia này chưa đủ sức cạnh tranh ở thị trường EU.
Vậy có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine? 2 năm trước đây, phương Tây đã ủng hộ phong trào biểu tình trên quảng trường Độc lập (Maidan) ở Kiev. Theo ý đồ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cuộc "cách mạng nhân phẩm" không chỉ khiến Ukraine trở nên thân phương Tây, mà còn phải thay đổi hoàn toàn đất nước bằng cải cách.
Đối với châu Âu và Mỹ, cải cách và những gì tiếp sau phong trào Maidan là ý nghĩa của Maidan. Vì điều đó, phương Tây đã ủng hộ Ukraine mạnh mẽ cả về chính trị và tài chính.
2 năm đã trôi qua kể từ khi chế độ Viktor Yanukovych bị lật đổ, mặc dù quá trình "Cải cách Ukraine" đã được tiến hành, song châu Âu vẫn không thể nhìn thấy kết quả như dự định. Cải cách có, mà kết quả lại không có, cũng không có thay đổi cơ bản trong hệ thống. Maidan đã thay đổi thành phần con người của chính phủ, nhưng không thay đổi bản chất của nó. Hệ thống này vẫn được giữ nguyên.
Có vẻ như phương Tây đã mệt mỏi trong việc ủng hộ tài chính và chính trị cho chính quyền hậu Maidan của Ukraine. Và điều này rất có khả năng thay đổi kế hoạch của phương Tây đối với Ukraine.
Trong bối cảnh này, tại Kiev một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tiếp tục phát triển. 2 năm sau phong trào Maidan đã phải đối mặt với những cản trở lớn nhất đối với cải cách. Đất nước Ukraine bị rung chuyển bởi loạt vụ tham nhũng. Hậu quả làm sự gia tăng tình trạng mất an ninh do nội chiến và khủng bố; gia tăng tội phạm với các vụ giết người, bắt cóc, buôn bán vũ khí; sự sụp đổ kinh tế do nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, các công ty nước ngoài rút khỏi địa bàn và cơ sở hạ tầng bị phá hủy.
Sự mục ruỗng, những sai lầm tích tụ từ bên trong cùng không ít tác động từ bên ngoài đã làm gia tăng những mâu thuẫn vốn đã căng thẳng trong nhiều năm bùng lên... và kết quả là Ukraine đang bị xé nát bởi một cuộc nội chiến ở phía Đông.