Venezuela - nóng trên nhiều mặt trận
- Tổng thống Venezuela Maduro muốn đối thoại với phe đối lập
- Venezuela: Quân đội tuyên bố ủng hộ Tổng thống Maduro
Xã hội Venezuela đang bị chia rẽ. Trong nhiều ngày qua, cả hai phe thân Tổng thống Nicolas Maduro lẫn tổng thống tự phong Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội, đứng đầu phe đối lập, đều xuống đường biểu tình. Về mặt chính trị, ngày 10-1, ông Maduro nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 2. Phe đối lập tố cáo cuộc bầu cử trước đó có gian lận và không thừa nhận ông Maduro trên cương vị tổng thống. Phe đối lập sau đó, được sự hỗ trợ của một số nước Mỹ Latinh, đã xuống đường biểu tình phản đối.
Ngày 23-1, ông Juan Guaido, người đứng đầu phe đối lập, đã tự tuyên bố mình là tổng thống đương nhiệm của Venezuela. Như vậy, thời điểm này, Venezuela đang có tới 2 quốc hội và 2 tổng thống. Một quốc hội do phe đối lập kiểm soát và một quốc hội lập hiến theo phe của Tổng thống Maduro.
Ngày 26-1, Nga lên tiếng đề nghị làm trung gian điều giải cho chính phủ và phe đối lập Venezuela, hãng thông tấn RIA đưa tin. Giám đốc Vụ châu Mỹ Latinh của Bộ Ngoại giao Nga Alexander Shchetinin đã đưa ra đề nghị làm trung gian điều giải này.
Ngày 28-1, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela, ông Jorge Arreas nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình RT rằng: “Nếu phe đối lập Venezuela muốn ngồi xuống bàn đàm phán với chúng tôi sau nửa giờ nữa, chúng tôi sẽ làm điều đó. Thực tế là chúng tôi chưa bao giờ đứng dậy khỏi bàn đàm phán. Còn nếu có ai đó lúc thì ngồi xuống đàm phán, lúc làm ngược lại thì đó là những người thuộc phe đối lập. Tôi muốn rằng nguyện vọng xuất hiện từ phía họ. Tôi muốn họ xin phép cấp trên ở Mỹ, để chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán và bắt đầu tìm kiếm một giải pháp trong khuôn khổ Hiến pháp Venezuela. Đây là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta gặp nhau và... cùng là những người Venezuela với nhau, có thể đặt nền móng của con đường chính trị cho tương lai”.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (phải) và ông Juan Guaido. |
Tình hình chính trị trên bình diện quốc tế liên quan tới vấn đề Venezuela còn nóng hơn những diễn biến bên trong quốc gia này. Sau 5 tiếng đồng hồ tranh luận, ngày 26-1, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) vẫn không tìm được tiếng nói chung cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các nước tại LHQ “chọn một phe” ở Venezuela, thúc giục họ ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido và kêu gọi bầu cử sớm nhất có thể.
Ông Pompeo phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên, nhóm họp theo yêu cầu của ông sau khi Washington và một loạt nước trong khu vực công nhận ông Guaido là nguyên thủ quốc gia và hối thúc Tổng thống Maduro từ chức. “Bây giờ là lúc để các quốc gia khác chọn một phe. Không chậm trễ, không lập lờ. Hoặc là quý vị đứng cùng các lực lượng tự do, hoặc là quý vị liên minh với ông Maduro và tình trạng hỗn loạn của ông ta”, ông Pompeo nói với hội đồng.
Các nước châu Âu (Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan) tuyên bố sẽ công nhận ông Guaido nếu ông Maduro không tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 8 ngày. Tổng thống Nicolas Maduro ngày 27-1 đã bác bỏ tối hậu thư của châu Âu về việc phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 8 ngày, tuy nhiên ông nói rằng luôn sẵn sàng đối thoại với Washington.
Nga phản đối những nỗ lực của Mỹ và cáo buộc Washington ủng hộ một nỗ lực đảo chính, đặt Venezuela vào trung tâm của một cuộc đấu tranh địa chính trị đang lớn dần. “Venezuela không phải là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh. Nếu có bất cứ điều gì là mối đe dọa đối với hòa bình thì đó là hành động vô liêm sỉ, hung hăng của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ nhằm lật đổ tổng thống được bầu cử chính đáng của Venezuela”, Đại sứ Nga tại LHQ Vebily Nebenzia nói với Hội đồng Bảo an.
Nga, Trung Quốc, Nam Phi và Guinea Xích đạo đã ngăn chặn một nỗ lực của Mỹ thúc đẩy Hội đồng Bảo an thể hiện sự ủng hộ trọn vẹn đối với Quốc hội Venezuela như là định chế được bầu cử dân chủ duy nhất của nước này. 4 nước trên cũng biểu quyết chống lại việc tổ chức cuộc họp của Hội đồng Bảo an. 9 nước biểu quyết ủng hộ cuộc họp, trong khi Bờ Biển Ngà và Indonesia không biểu quyết. Cuối cùng Hoa Kỳ không thể đạt được việc đưa ra một bản tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an để ủng hộ tổng thống tự phong Juan Guaido.
Đang ở thăm Morocco, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tuyên bố Nga phản đối chính sách phá hoại của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Venezuela. Lãnh đạo ngoại giao Nga lên án Washington đã kêu gọi đảo chính ngay sau khi ông Maduro đắc cử Tổng thống Venezuela từ hồi tháng 5-2018. Lúc này, nhiều nhân viên an ninh tư nhân Nga từng tham gia các chiến dịch quân sự ở nước ngoài đã tới Caracas để tăng cường bảo vệ an ninh cho Tổng thống Maduro.
Các cuộc biểu tình ở Mỹ và Nga ủng hộ chính quyền Tổng thống Maduro đã diễn ra trong những ngày qua. Những cuộc biểu tình diễn ra tại New York, Washington, San Jose, Miami, Dallas, Pittsburgh và Minneapolis. Họ ủng hộ ông Maduro và bày tỏ sự bất đồng với việc Washington can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác.
Ngày 28-1, một cuộc mít-tinh ủng hộ Venezuela và ông Maduro đã được tổ chức tại đại Sứ quán Venezuela ở Moscow, theo nghị sĩ Duma Quốc gia thuộc đảng Dân chủ Tự do Boris Chernyshov.
Chuyên gia Mỹ Latinh Fernando Capablanca, Giám đốc công ty tư vấn Whitecap Consulting Group LLC nhận định rằng hiện tượng song quyền ở Venezuela sẽ không tồn tại lâu. “Hiện giờ tình hình rất bất ổn và không chắc chắn, có thể xảy ra leo thang sự kiện rất nhanh và kịch tính”, ông Capablanca nhận xét.
Theo ông Capablanca, diễn biến tiếp theo phụ thuộc vào một số yếu tố: điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà ngoại giao Mỹ từ chối rời khỏi đất nước, liệu quân đội có ngừng hỗ trợ ông Maduro hay không và liệu Hoa Kỳ có áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ chống Venezuela hay không.