Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Syria?

Thứ Hai, 03/04/2017, 15:25
Ngày 29-3-2017, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo chấm dứt chiến dịch Lá chắn sông Euphrates, được quân đội Thổ tiến hành từ tháng 8-2016 trên phần đất của Syria. Người đứng đầu chính quyền Ankara đã ca ngợi thành công của chiến dịch và thông báo sẽ còn mở thêm các chiến dịch khác trong thời gian tới.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia NTV ngày 29-3, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỹ Binali Yildirim, thông báo kết quả cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia với sự tham dự của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan: “Mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia, đẩy lùi lực lượng IS và cho phép người tị nạn Syria trở về nhà của chiến dịch Lá chắn sông Euphrates đã hoàn thành”.

Xin nhắc lại rằng, từ 4 giờ sáng ngày 23-8-2016, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã mở màn chiến dịch mang tên “Lá chắn sông Euphrates” nhằm “tăng cường an ninh biên giới và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho Syria”. Chỉ ít giờ sau, Ankara tiếp tục đưa vũ khí hạng nặng, xe tăng, pháo và cả 1.500 lính đặc nhiệm tràn sang Syria. Đương nhiên, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ được Nga và chính quyền Damascus bật đèn xanh. Hai mục tiêu tấn công chính của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria là Nhà nước Hồi giáo (IS) và phiến quân người Kurd (YPG).

Theo giới quan sát, thực tế IS chỉ là bình phong để Ankara đánh YPG bởi lẽ, theo nhiều chuyên gia quân sự, nếu thực sự chỉ cần đánh IS thì Thổ Nhĩ Kỳ không cần phải huy động nhiều quân lực như thế. Ankara chỉ đóng cửa biên giới là IS sẽ như cá trong rọ.

Thực sự Thổ Nhĩ Kỳ muốn diệt “mầm họa” YPG vì đây là lực lượng người Kurd ở Syria nhưng lại có quan hệ với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà nhóm người này lại thường chống chính quyền trung ương, đòi tự trị... Chưa kể YPG khi ấy đang áp sát biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Cho nên tên gọi của chiến dịch này là “Lá chắn sông Euphrates”, tức là Thổ Nhĩ Kỳ muốn “hất cẳng” lực lượng YPG trở lại bờ đông sông Euphrates, tạo hành lang an toàn ở biên giới.

Tính đến thời điểm này, tạm thời Thổ Nhĩ Kỳ đã tự mình thiết lập một hành lang an toàn dài 90 km kéo dài từ Azaz tới Jarablus ở Syria. Ankara đã tạm ngăn chặn người Kurd đánh chiếm toàn bộ biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khi thông báo kết thúc chiến dịch, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng để ngỏ khả năng sẽ đưa quân trở lại Syria nếu YPG xâm phạm hành lang an toàn mà Ankara vừa thiết lập xong.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tại Ankara ngày 30-3.

Tờ Le Monde của Pháp dẫn lời các chuyên gia quân sự cho rằng, lý do Thổ Nhĩ Kỳ dừng chiến dịch quân sự ở Syria là do đã thỏa thuận được với Mỹ. Thực tế khi đưa quân sang Syria đánh YPG chẳng khác nào Thổ Nhĩ Kỳ muốn “vỗ” vào mặt Mỹ vì đây là lực lượng được Mỹ hỗ trợ cả về vũ khí lẫn chuyên gia tư vấn quân sự để chống lại chính quyền Damascus. Sở dĩ Ankara phải sử dụng tới biện pháp mạnh này vì họ đã nhiều lần cảnh cáo đồng minh Mỹ nhưng Washington phớt lờ hết. Kể từ khi lực lượng YPG đánh chiếm thị trấn Manbij từ tay IS thì đối với Thổ Nhĩ Kỳ là giới hạn “vượt quá sức chịu đựng”.

Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 8-2016, Phó Tổng thống Mỹ khi ấy là Joe Biden đã phải xuống nước với Ankara với tuyên bố: “Nếu người Kurd (YPG) không rút khỏi bờ đông sông Euphrates thì họ sẽ mất sự ủng hộ của Mỹ”. Đây là sự xuống nước “cay đắng” của Mỹ khi buộc phải đứng về Thổ Nhĩ Kỳ và “phản bội” lại YPG.

Sau khi hoàn tất việc lập một vùng đệm tại đông bắc Aleppo, Thổ Nhĩ Kỳ không tiếp tục lấn tới để hất cẳng phiến quân “ôn hòa” (SDF) cũng do Mỹ bảo trợ khỏi bờ tây sông Euphrates hoặc phá đám YPG thành lập khu tự trị ở Syria. Theo giới quan sát, để thực hiện 2 mục tiêu trên thì Thổ Nhĩ Kỳ bắt buộc phải có một trong các điều kiện sau. Thứ nhất, Mỹ phải bán đứng YPG/SDF. Thứ 2, Thổ chống lại Mỹ và đương nhiên là cùng với đó là sự hậu thuẫn của Nga.

Trong một diễn biến mới, dường như Thổ Nhĩ Kỳ đã có được hậu thuẫn của Nga. Ngày 30-3, phát biểu với đài Sputnik, ông Konstantin Kosachev, chủ nhiệm Ủy ban Quốc tế tại Hội đồng Liên bang nói, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác chống khủng bố ở Syria, sự hợp tác này cần được mở rộng cho đến khi đập tan các phiến quân.

Trước đó vào ngày 10-3, Tổng thống Erdogan đã tới Moskva để gặp Tổng thống Nga Putin. Hai bên cũng đã đạt được một số thỏa thuận về Syria. Chi tiết những thỏa thuận đó ra sao thì không được tiết lộ.

Về phía Mỹ, theo nhận định của giới quan sát, dường như Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại trong việc thuyết phục Mỹ. Sau khi có được một thỏa thuận với IS và giành được Al-Bab mà không tốn một viên đạn, Ankara đã tiến thẳng theo hướng đông nhằm vào Manbij - nơi mà SDF được Mỹ hậu thuẫn đang chiếm đóng. Kế hoạch tại Manbij của Thổ Nhĩ Kỳ bị phá sản ngay sau đó khi mà lực lượng người Kurd nhường phần đất phía tây Manbij cho quân đội Syria, đồng thời Mỹ cũng điều 500 quân cùng nhiều khí tài quân sự đến Manbij chống lưng cho SDF trước mối đe dọa từ Ankara.

Chính vì vậy, “Lá chắn sông Euphrates” không thể tiếp tục tiến công vào Manbij theo hướng này. Ngày 7-3, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Tổng tham mưu trưởng quân đội 3 nước Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã họp tại Istanbul để thảo luận về tình hình Syria. Đây là một cuộc họp không hề được báo trước. Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc họp đã diễn ra sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định không thể mở chiến dịch tấn công đánh chiếm Minbej ở phía bắc Syria mà “không có sự phối hợp với Nga và Mỹ”.

Nói cách khác, Ankara tuyên bố với giới truyền thông rằng “Chiến dịch Lá chắn sông Euphrates” đã kết thúc thành công sau 7 tháng ở phía Bắc Syria chỉ là che lấp đi kế hoạch bị phá sản của mình. Từ bỏ Manbij, Thổ Nhĩ Kỳ chẳng thể làm khác nếu không muốn bị sa lầy tại chiến trường này.

Ngày 30-3, trong buổi tiếp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang ở thăm thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các lực lượng “hợp pháp” tại Syria trong cuộc chiến chống khủng bố. Nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Erdogan cho biết tại cuộc gặp trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Ngoại trưởng Mỹ đã thảo luận về những biện pháp phối hợp chung trong nỗ lực đối phó với các tổ chức khủng bố ở Iraq và Syria, đặc biệt là tổ chức IS.

Rút quân khi biết không chắc chắn sẽ thắng là cách làm khôn ngoan của Tổng thống Erdongan khi mà chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp theo hướng củng cố quyền lực cho tổng thống.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.