Xu hướng ấm nồng quan hệ Mỹ-EU

Thứ Năm, 10/12/2020, 18:22
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden dường như là một “món quà Giáng sinh” đối với EU, khiến phần lớn châu Âu cảm thấy “nhẹ nhõm” sau gần 4 năm sống trong sự bất định từ những chính sách của chính quyền ông Donald Trump.

Lợi ích chung, kế hoạch rõ ràng

Mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu sẽ trở nên thân thiết hơn nhiều dưới thời ông Biden và có vẻ như có nhiều “điềm lành” làm minh chứng cho nhận định này. Trước hết, ông Antony Blinken, người được ông Biden đề cử giữ chức Ngoại trưởng Mỹ từng dành một phần thời thơ ấu của mình ở Paris, nói tiếng Pháp hoàn hảo và là một người nhiệt tình ủng hộ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Trong tháng 11, khi phát biểu trước Liên minh Lãnh đạo toàn cầu Mỹ - một tổ chức ủng hộ các hoạt động ngoại giao của Mỹ, ông Blinken nói: “Dưới thời ông Joe Biden, chúng tôi sẽ trở lại vị trí của mình ở NATO, không đe dọa rời khỏi NATO hoặc coi tổ chức này như một “mạng lưới bảo kê”. Chúng tôi sẽ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) thay vì khuyến khích các nước rời bỏ liên minh hoặc coi liên minh này như một kẻ thù”.

Châu Âu đang đưa ra nhiều chính sách mong muốn có sự góp mặt của Mỹ.

Có lẽ nhận rõ được một tương lai “ấm nồng”, EU cũng đã có những bước đi đầu tiên nhằm “kéo” Mỹ vào các chiến lược mà EU mong muốn đi tiên phong. Theo Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan này và Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell đang xem xét một đề xuất về chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới, hướng tới tương lai.

Trong bối cảnh thay đổi quyền lực địa chính trị, căng thẳng song phương và xu hướng đơn phương, chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, kết hợp với một EU quyết đoán và có năng lực hơn cũng như thực tế địa chính trị và kinh tế mới, đang tạo ra cơ hội nghìn năm có một để thiết kế một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới về hợp tác toàn cầu, dựa trên các giá trị, lợi ích chung và ảnh hưởng toàn cầu của hai bên.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng tôi đang đưa ra sáng kiến để thiết kế một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới phù hợp với bối cảnh toàn cầu ngày nay. Liên minh xuyên Đại Tây Dương dựa trên các giá trị và lịch sử cũng như lợi ích chung: xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và mạnh mẽ hơn. Khi quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mạnh, cả EU và Mỹ đều mạnh hơn. Đã đến lúc kết nối lại một chương trình nghị sự mới về hợp tác xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu cho thế giới ngày nay”.

Về phần mình, ông Josep Borrell nêu rõ: “Với những đề xuất hợp tác cụ thể của chúng tôi dưới thời chính quyền ông Biden trong tương lai, chúng tôi đang gửi những thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè và đồng minh Mỹ. Hãy làm mới mối quan hệ của chúng ta. Hãy xây dựng mối quan hệ đối tác mang lại sự thịnh vượng, ổn định, hòa bình và an ninh cho công dân trên khắp các lục địa của chúng ta và trên toàn thế giới. Hiện, không còn thời gian để chờ đợi, chúng ta hãy bắt đầu hành động”.

“Cùng hội cùng thuyền”

Thời gian tới, Mỹ cũng rất cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ EU nhằm giải quyết các ưu tiên cấp bách, bao gồm cả việc kiềm chế một Trung Quốc ngày càng hành xử cứng rắn. EU và Mỹ cần hợp tác để chống lại các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Tại một cuộc họp kín thảo luận về chiến lược của châu Âu, quan chức thương mại hàng đầu EU Sabine Weyand đã phát biểu với các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu rằng Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất thành lập “Hội đồng Thương mại và Công nghệ xuyên Đại Tây Dương” nhằm thiết lập các tiêu chuẩn chung về công nghệ mới. Điều này sẽ đáp ứng một trong những mục tiêu lớn của cả châu Âu và Mỹ: ngăn chặn Trung Quốc thiết lập sự thống trị kinh tế trong một số lĩnh vực có giá trị cao bằng cách phát triển các tiêu chuẩn công nghệ và công nghiệp đang được áp dụng rộng rãi của châu Âu và Mỹ.

Báo cáo nêu rõ: “EU đang đề xuất thành lập một Hội đồng Công nghệ và Thương mại EU-Mỹ mới. Mục đích sẽ là củng cố vai trò lãnh đạo công nghệ và công nghiệp của hai bên, đồng thời mở rộng thương mại và đầu tư song phương. Mục tiêu tập trung vào việc giảm các rào cản thương mại, phát triển các tiêu chuẩn và cách tiếp cận phù hợp đối với các công nghệ mới... Điều này cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn về sàng lọc đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và kiểm soát xuất khẩu”.

Ủy viên phụ trách kinh tế và thương mại của EU là Valdis Dombrovskis, lần đầu tiên đưa ra kế hoạch trên tại cuộc họp với các bộ trưởng thương mại EU vào tháng 11-2020, cho rằng EU và Mỹ “nên hợp tác về công nghệ mới và dịch vụ kỹ thuật số, đồng thời nhất trí với nhau về các quy định và tiêu chuẩn”. Các quan chức EU cho biết kế hoạch này nhằm hồi sinh các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) vốn đã thất bại, tập trung vào hợp tác về các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và xe tự động, những lĩnh vực mà cả Washington và Brussels đều lo ngại Trung Quốc sẽ trở thành nước thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu.

Một quan chức cấp cao của EC cho rằng liên minh công nghệ là điều có thể đạt được, vì EU và Mỹ đã lên kế hoạch thành lập một ủy ban chung để điều phối các quy định về công nghệ tương lai trong khuôn khổ các cuộc đàm phán bị đóng băng về thỏa thuận lớn TTIP trước đó.

Đối mặt với Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn nếu như cả EU và Mỹ nắm bắt được cơ hội và “cùng hội cùng thuyền”. Thế nhưng, đây cũng sẽ là một hành trình không mấy dễ dàng, bởi lẽ nội tại châu Âu và Mỹ vẫn tồn tại những khác biệt căn bản, vốn không chỉ tồn tại dưới thời chính quyền ông Trump. Những khác biệt này bao gồm một loạt vấn đề như tranh chấp thương mại kéo dài về những gì Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) coi là trợ cấp bất hợp pháp của chính phủ dành cho Hãng Airbus và việc một số quốc gia thành viên NATO không đáp ứng được các mục tiêu chi tiêu quốc phòng.

Theo bản dự thảo các đề xuất chính sách của EU được Financial Times trích dẫn, liên minh này có kế hoạch kêu gọi Mỹ nắm bắt cơ hội “chỉ có một lần” để nhìn lại những căng thẳng đang diễn ra và xây dựng một liên minh toàn cầu để giải quyết “thách thức chiến lược” từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Gardner cũng thừa nhận rằng việc đưa tất cả 27 quốc gia thành viên EU đối đầu với Trung Quốc là điều không dễ dàng. Một số quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc vì đây là một thị trường quan trọng để xuất khẩu hàng hóa của họ.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.