Đi tìm giải pháp hòa bình cho Syria

Thứ Năm, 10/09/2015, 11:25
Tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Syria hiện nay được xem là cách tốt nhất để dập tắt phần nào làn sóng di cư từ Trung Đông đang khiến cho châu Âu đang bị rối tung lên. Nhưng giải pháp hòa bình đó là gì vẫn đang là câu hỏi khó đối với các cường quốc phương Tây, trong khi nước Nga đang âm thầm thể hiện vai trò trung gian đáng tin cậy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố tại một hội nghị ở thành phố Vladivostok miền Viễn Đông Nga hôm 4/9 rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẵn sàng chia sẻ quyền lực với “một bên đối lập lành mạnh” để chấm dứt cuộc nội chiến. Việc chia sẻ quyền lực sẽ được tiến hành thông qua một cuộc bầu cử sớm với sự tham gia của phe đối lập. Đây rõ ràng là một tín hiệu tích cực từ phía Chính phủ Syria sau hàng loạt động thái ngoại giao của Nga, Iran và một số quốc gia nhằm chấm dứt cuộc nội chiến gây nhiều thương vong, ẩn chứa nguy cơ bất ổn cho khu vực và thế giới.

Cuộc nội chiến ở Syria 4 năm qua làm hơn 250.000 người chết và sự bành trướng lãnh thổ của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khiến cho hàng triệu người dân Syria phải bỏ xứ đi tị nạn. Những câu chuyện thương tâm về người tị nạn trên đường đến miền đất hứa đã trở thành vấn đề nhức nhối trong lương tâm nhân loại. Châu Âu đang loay hoay trong việc xử trí với vấn đề người di cư như thế nào cho hợp lẽ, nhưng đồng thời châu Âu cũng đang bị chỉ trích vì các chính sách thiếu tính nhân văn, kỳ thị, bài ngoại đối với người di cư. Khi vấn đề người di cư trở nên nhức nhối, đã có tiếng nói kêu gọi thế giới, đặc biệt là các cường quốc phương Tây phải tìm cách chấm dứt các cuộc nội chiến, đặc biệt là cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria.

Trong mấy năm qua, các nỗ lực ngoại giao tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria đã được triển khai nhiều lần nhưng đều không mang lại kết quả như mong muốn. Tháng 8/2015, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đến Damascus gặp Tổng thống Syria Assad để bàn kế hoạch chấm dứt nội chiến do Iran đề xuất. Sau đó, một thỏa thuận ngừng bắn bất thường đã được thực hiện tại 3 thành phố có chiến sự trọng điểm ở Syria. Sau đó, lệnh ngừng bắn đã bị hủy do phía Thổ Nhĩ Kỳ động binh tham gia cuộc chiến chống IS bên trong Syria.

Nga là quốc gia đi đầu trong các nỗ lực tìm kiếm hòa bình đó. Nga đã chủ động đưa ra sáng kiến đàm phán với các lãnh đạo phe đối lập ở Syria và Arập Xêút - nước ủng hộ tổ chức phiến quân có quan hệ với Al-Qaeda là Jabhat al-Nusra. Cũng trong tháng 8/2015, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Arập Xêút Adel al-Jubeir tại Qatar quanh vấn đề Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong một lần hội kiến tại Moscow.

Vấn đề "Assad phải ra đi" trước sau vẫn là gút mắc khó giải quyết giữa các cường quốc khi tham gia tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria. Nga, Iran ủng hộ Syria thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực với sự tham gia của các bên đối lập, đồng thời Tổng thống Assad được tiếp tục nắm quyền. Trong khi đó, hầu hết các bên đối lập được Mỹ, Tây Âu và Arập Xêút ủng hộ đều muốn ông Assad ra đi, trong khi Nga và Iran bác bỏ điều đó.

Cuối tuần trước, Syria trở lại là vấn đề gây chú ý khi truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin "Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Syria". Các thông tin đó nói rằng, hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Nga đang tập kết vật tư, thiết bị chuẩn bị xây dựng một đài kiểm soát không lưu và một khu nhà ở tiền chế có thể phục vụ lưu trú cho khoảng 1.000 quân nhân tại một sân bay ở thành phố Latakia.

Báo chí dẫn nguồn tin tình báo Mỹ nói rằng, Nga có vẻ đang chuẩn bị chuyển đến Syria những khí tài, vũ khí hạng nặng để giúp Chính phủ Syria mở các chiến dịch tấn công IS và các lực lượng phiến quân đối lập khác ở Syria. Nước Nga đã không giấu giếm việc hỗ trợ quân sự cho Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, và sự hỗ trợ đó đã là hoạt động thường xuyên từ trước đến nay.

Người Syria tị nạn sang châu Âu để chạy trốn cuộc nội chiến tại quê nhà.

Vả lại, Nga cũng đang có một căn cứ Hải quân tại thành phố cảng Tartus của Syria, vì vậy sẽ không khó hiểu nếu Nga gia tăng các khí tài cũng như nhân sự quân sự nhằm mục đích hỗ trợ Syria trong cuộc chiến chống IS. Điều này đã được Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ trong các tuyên bố của mình về vấn đề Syria. Trong khi đó, các nỗ lực của Mỹ trong việc tái trang bị và huấn luyện nhằm tăng cường khả năng chiến đấu cho phiến quân đối lập ở Syria đã vấp phải một số khó khăn khiến cho các nỗ lực chống IS bên trong Syria càng trở nên bấp bênh.

Cũng trong phát biểu của mình tại Vladivostok, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi các bên, nhất là phương Tây và các đồng minh trong khu vực Trung Đông, chấp nhận hợp tác với Tổng thống Syria Assad để giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria và để cùng nhau dốc sức cho cuộc chiến chống kẻ thù chung là IS.

Nếu phương Tây, đặc biệt là Mỹ đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống Putin, thì cơ hội thành công cho cuộc chiến chống IS sẽ cao hơn, đồng thời góp phần giải quyết tận gốc vấn đề người di cư từ Trung Đông chạy sang châu Âu.

An Châu (tổng hợp)
.
.