Đội ngũ “cổ cồn trắng” lâm vào bi kịch

Thứ Bảy, 05/09/2015, 10:00
"Tôi không bao giờ tin rằng, mình lại lâm vào cảnh như vậy. Hy Lạp đang trong tình cảnh khó khăn không ai cần tới kỹ năng xây dựng của tôi. Nhiều bạn bè cũng lâm vào hoàn cảnh như tôi, thậm chí nhiều người còn bi đát hơn. Họ dính vào ma túy và không có lối thoát" - Polonos nói.

Đội quân kiếm ăn ban đêm

Thùng rác được đánh số R21 nằm trên đường Sofokleous của thủ đô Athens trông không giống một kho báu chút nào, nhưng với đội quân những người bới rác đang ngày càng tăng tại Hy Lạp, các thùng rác này lại rất đáng quan tâm, khi chúng chứa vô số những thực phẩm thừa từ các cửa hiệu và hàng rau củ gần đó quẳng  ra. "Tôi tìm phế liệu để bán nhưng nếu tôi tìm thấy thứ gì đó có thể ăn được, tôi sẽ lấy nó" - Nikos Polonos (55 tuổi) cho biết, khi ông đang lục tung thùng rác R21.

Một lý do khác để R21 trở nên thu hút, là vì nó nằm không xa nhà bếp của một nhà thờ, nơi người nghèo và vô gia cư xếp hàng để nhận những bữa ăn miễn phí hàng ngày. Hiện rất nhiều trong số những người kiếm thức ăn từ thùng rác như thế này từng có việc làm tốt trước khi kinh tế Hy Lạp sa sút và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 25%, mức cao kỷ lục của mọi thời đại.

Ông Polonos, từng làm trong ngành xây dựng và hiện đang thất nghiệp khi ngành xây dựng của Hy Lạp chững lại. Cho đến giờ, ông vẫn không thể tìm nổi một công việc để nuôi sống bản thân. Nhưng khi ra ngoài, Polonos ăn mặc khá chỉn chu. Ông không muốn mình trông giống những người lang thang xin đồ bố thí.

"Tôi không bao giờ tin rằng, mình lại lâm vào cảnh như vậy. Hy Lạp đang trong tình cảnh khó khăn không ai cần tới kỹ năng xây dựng của tôi. Nhiều bạn bè cũng lâm vào hoàn cảnh như tôi, thậm chí nhiều người còn bi đát hơn. Họ dính vào ma túy và không có lối thoát".

Ông Polonos đang bới rác trên đường phố Athens.

Rất khó để đếm được số người đang sống nhờ các thùng rác ở Athens, do nhiều người chỉ hoạt động vào ban đêm để tránh gặp người quen. Tuy nhiên, theo Panos Karamanlikis, một tình nguyện viên tại bếp ăn ở một nhà thờ, con số trên đã tăng 2-3 lần kể từ năm 2011.

Stephen Graham, một nhà hoạt động chống chương trình thắt lưng buộc bụng tới từ Anh, đã đi khắp Hy Lạp nghiên cứu về các vấn đề kinh tế của quốc gia này, cho biết, không khó để bắt gặp hình ảnh những người dân ở ngoại ô Athens bới thùng rác. "Đó là những người vẫn mắc kẹt trong lối mòn của họ. Họ vẫn diện quần áo như đang đi làm và dùng điện thoại thông minh để liên lạc. Họ đi tới những khu dân cư khác, để bới thức ăn và không muốn bị người quen bắt gặp” - Stephan Graham nói.

Polonos thường dành 8 tiếng một ngày để lăn lộn trên các con phố và mỗi ngày ông có thể kiếm được 5-10 euro nhờ bán đồng nát.

Trong 2 năm qua, tỷ lệ nhiễm HIV ở Hy Lạp đã tăng vọt 1.500%. "Trong năm 2008, có 15 trường hợp mới. Năm 2012 con số là 250, năm ngoái đã là trên 650. Vậy tại sao HIV lại gia tăng? Nhà tâm lý học Eleni Marini của tổ chức xã hội Kethea đã đổ lỗi cho các nhà thổ, như là một phần của nguyên nhân.

"Mại dâm cũng như tình trạng vô gia cư đang gia tăng. Những người phụ nữ không có việc làm đành phải bán thân xác để kiếm tiền. Giá mỗi lần bán dâm ít nhất là 5 - 10 euro mà không có bao cao su" - Eleni nói. Và sau đó shisha xuất hiện. Mặc dù các loại thuốc mới này không tăng cường khả năng tình dục, nhưng nó kích thích ham muốn tình dục của người sử dụng.

"Khi sử dụng shisha, bạn chỉ muốn một thứ: tình dục, tình dục và tình dục" mà thôi - Eleni Marini cho hay.

Theo sau khủng hoảng kinh tế là sự gia tăng tệ nạn xã hội ở Hy Lạp.

Đâu là giới hạn cuối cùng?

Nỗi lo lắng, bất ổn, tinh thần mệt mỏi... là những cảm giác mà người dân Hy Lạp phải gánh chịu vì cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài gần chục năm nay. Điều này làm gia tăng số ca trầm cảm và tự tử. Valia Gkeka là một trong số ít những người may mắn thời gian gần đây. Không giống những người khác, nữ luật sư 36 tuổi này vẫn còn giữ được công việc của mình.

Nhưng cô vẫn cảm nhận một cách sâu sắc về sự hỗn loạn của cuộc khủng hoảng: "Tôi không thấy mình có quyền tự chủ. Tôi không thấy mình thực sự kiểm soát được toàn bộ cuộc sống của mình. Những ngày này chúng tôi luôn có chung một câu hỏi: "Đâu là giới hạn cuối cùng? Bởi vì dường như chúng ta đang rơi xuống và không thể dừng lại được".

Một nghiên cứu mới đây dựa trên các số liệu thống kê chính thức cho thấy, tỷ lệ người tự sát trong 2 năm đầu của chương trình thắt lưng buộc bụng là 35%. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy mối liên hệ giữa gia tăng thất nghiệp với tỉ lệ tự tử của những người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm cũng tăng từ 3,3 lên 8,2% từ năm 2008 - 2011.

Vòng quay nợ nần khiến nhiều người Hy Lạp bị trầm uất, mất niềm tin vào cuộc sống.

Khủng hoảng cũng khiến ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe giảm từ 9,3% GDP năm 2012 (mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) xuống còn 5% ở thời điểm hiện tại, và ước tính có khoảng 800.000 người không có trợ cấp thất nghiệp và điều kiện chăm sóc y tế.

Kể từ năm 2011, Bettina Davou, giáo sư tâm lý học, và Nicolas Demertzis, chuyên gia về truyền thông chính trị đã tập trung tìm hiểu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lên cảm xúc của con người. Bà Davou và các cộng sự đã thực hiện những cuộc phỏng vấn với nhiều người dân Hy Lạp ở  độ tuổi từ 25-44 có mức thu nhập và ngành nghề khác nhau.

Tuy hiện tại vẫn đang trong giai đoạn phân tích kết quả nhưng Davou cho biết, cảm giác chung của mọi người là bất lực: "Mọi người ngày càng tin rằng, các đảng chính trị ở Hy Lạp không thể làm gì để thay đổi tình hình. Họ không còn tin vào các tổ chức nhà nước, chính trị và cho rằng, mình đang sống trong một đất nước hoàn toàn sụp đổ". Trong số những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng (những người mất việc), Davou chỉ ra những dấu hiệu tổn thương tinh thần, được hiểu như là bị tê liệt cơ quan cảm xúc hay những cơ chế phòng vệ như "phủ nhận, nhầm lẫn về suy nghĩ, nhận diện..".

Không lối thoát, nhiều người tìm đến cái chết.

Bà Davou cũng cho biết, mọi người tức giận vì "cảm giác chúng ta đang bị trêu đùa, bị thử nghiệm". Thanassis Dimitriou, kỹ sư cơ khí 34 tuổi có bằng quản trị kinh doanh, nhưng đã thất nghiệp hơn 2 năm nay, đã chia sẻ những cảm giác tương tự. Công việc của anh bị cắt giảm, hiện chỉ còn làm việc bán thời gian (nhận một nửa lương) tại một công ty sản xuất cơ khí.

Trong thời gian thất nghiệp, anh hay nổi cáu: "Tôi vẫn luôn tin rằng, nếu làm việc chăm chỉ và trung thực... bạn sẽ được đền bù xứng đáng. Nhưng giờ đó không phải là sự thật".

Với gói hỗ trợ của EU vừa được thông qua, người dân Hy Lạp lại tiếp tục chương trình thắt lưng buộc bụng. Điều này cũng đồng nghĩa những bất ổn tâm lý trong cuộc sống tại một đất nước mà nền kinh tế đang đi xuống sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Văn Nguyễn - S.H. (tổng hợp)
.
.