Iceland: Đời sống chính trị rạn nứt, đảng Cướp biển “căng buồm”

Thứ Hai, 11/04/2016, 15:25
Iceland đang gặp khủng hoảng chính trị sau khi Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức và có 2 vị Bộ trưởng cũng dính líu đến hồ sơ Panama. Qua thăm dò dư luận, đảng “Pirate” (Cướp biển) đang được lòng dân chúng và có thể sẽ lên lèo lái đất nước.

Sau khi nổ ra vụ Hồ sơ Panama, dưới áp lực của các đảng phái đối lập và dư luận, Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson đã phải từ chức. Đảng mới được thành lập có khuynh hướng tự do, hô hào bảo vệ các quyền tự do về kỹ thuật số và cải cách triệt để nền dân chủ, đã lợi dụng sự rạn nứt của đời sống chính trị ở Iceland để củng cố vị thế.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy với 36%, đảng Pirate vượt qua 2 đảng trong chính phủ liên minh cầm quyền là đảng Tiến bộ (trung hữu) và đảng Độc lập (bảo thủ). Lỗ hổng do Hồ sơ Panama tạo ra lại càng củng cố uy tín của đảng Pirate: 43% số người được hỏi sẵn sàng bỏ phiếu cho đảng Pirate lên nắm quyền. Ý thức được sự đổi chiều đó nên cả 2 đảng đang nắm quyền không muốn tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Trong một thỏa thuận chiều 6-4, họ đã đưa Bộ trưởng Nông nghiệp Sigurdur Ingi Johannson lên thay thế Thủ tướng vừa từ nhiệm. Rất gần gũi với các gia đình ngư dân, ông bộ trưởng này là một người thân cận với cựu Thủ tướng và bênh vực cho ông này đến cùng. Còn cựu Thủ tướng Gunnlaugsson sẽ trở lại là nghị sĩ và Chủ tịch của đảng Tiến bộ. Toàn bộ chính phủ hiện hành vẫn ở lại cho đến kỳ bầu cử tới.

“Sẽ không có thay đổi chính trị. Chúng tôi dự trù sẽ tổ chức bầu cử vào mùa thu này” - tân Thủ tướng tuyên bố với giới truyền thông quốc tế nhưng không nói rõ ngày bầu cử.

Người dân Iceland biểu tình.

Nhưng từ đây đảng Pirate đang căng buồm. Họ chỉ trích hành động “khóa tay” của cánh hữu. “Một giải pháp kỳ cục” -  nữ dân biểu (thủ lĩnh Pirate) Birgitta Jonsdottir bất mãn và đòi hỏi phải tổ chức bầu cử sớm. Bà cho biết, ưu tiên của bà trong năm đầu tiên sẽ là cải cách Quốc hội bởi vì phải thay đổi hệ thống một cách sâu sắc. Các nghị sĩ phải lấy lại quyền viết ra luật, quyền đó vốn đã bị ngành hành pháp tước đi. Giờ đây đảng Pirate đang tận dụng làn sóng bất mãn do scandal Hồ sơ Panama tạo ra và trực tiếp kêu gọi người dân Iceland tiếp tục xuống đường biểu tình trước tòa nhà Quốc hội vì nắm được tâm lý các đảng phái đối lập chưa hài lòng.

“Thủ tướng đã từ chức. Chính phủ lùi bước nhưng vẫn không cáo buộc các công ty miễn thuế và sự trốn thuế”.  Họ muốn giải tán chính phủ lập tức và tổ chức bầu cử trong vòng 45 ngày tới.

Đối với tổ chức chính trị non trẻ này ở Iceland, sự gia tăng uy tín là một điều bất ngờ khó lý giải. Tại phần lớn các quốc gia châu Âu, đảng Pirate chỉ đạt được những thành quả rất khiêm tốn. Chương trình của họ tập trung vào sự minh bạch và tự do trong lĩnh vực kỹ thuật số, ít khi nói đến các vấn đề xã hội và kinh tế. Pirate cũng không bàn đến sự hội nhập của Iceland vào châu Âu.

Tuy nhiên “mọi người cảm nhận được người ta đang trình bày những việc cải cách hướng đến một sự thay đổi hệ thống thực sự thay vì các vấn đề vụn vặt” - tờ “Sydney Morning Herald” bình luận.

Mê Linh (tổng hợp)
.
.