Ukraine: Trận chiến ngoại giao vẫn khốc liệt

Thứ Tư, 16/09/2015, 17:05
Bất chấp những tiến bộ đạt được trong việc thực thi Thỏa thuận Minsk 2, Ukraine và Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng sức ép với Nga, trong khi châu Âu lại gia hạn thêm các lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Tổng thống Poroshenko kêu gọi các đồng minh phương Tây của Ukraine siết chặt lệnh trừng phạt thương mại và các biện pháp trừng phạt khác đối với Kremlin cũng như những công ty lớn nhất của Nga nếu Moscow không thực thi các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 17 tháng qua.

Ngày 12/9, sau cuộc họp bốn bên cấp Ngoại trưởng tại Berlin, Ngoại trưởng Đức cho rằng tình hình tại Ukraine vẫn rất mong manh nhưng đã có tiến bộ trong một số lĩnh vực như rút vũ khí hạng nặng và bầu cử. Ông Frank-Walter Steinmeier ghi nhận tình hình Ukraine đã ít xảy ra xung khắc so với những lần trước.

Tổng Thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Lamberto Zannier ngày 13/9 xác nhận: Lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine đã được tôn trọng trong khoảng hai tuần lễ. Nhân dịp này, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói đến khả năng ký được một hòa ước thượng đỉnh của bộ tứ Normandie vào ngày 2/10 tại Paris.

Tổng thống Ukraine Porochenko tuyên bố sẽ lấy lại Crimea từ tay Nga.

Truyền thông Nga trích lời Ngoại trưởng Nga cho biết kết quả đàm phán tại Berlin là một bước tiến quan trọng cho thượng đỉnh 2/10 và tuy còn nhiều bất đồng nhưng ba nước Đức, Nga và Pháp đều cảm nhận có thể vượt qua.

Dù vậy, Mỹ và Ukraine vẫn tiếp tục “to mồm”. Hôm 13/9, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Victoria Nuland vẫn nói rằng, Mỹ chỉ xóa bỏ lệnh trừng phạt Nga khi Crimea được trả về cho Ukraine.

Phát biểu tại thủ đô Kiev trước các cử tọa gồm các đại biểu chính trị và doanh nghiệp Ukraine và nước ngoài, bà Nuland nói: "Nếu và khi Hiệp ước Minsk được tuân thủ đầy đủ, trong đó có việc trả lại chủ quyền biên giới của Ukraine, thì lúc đó chúng tôi có thể rút lại một số lệnh chế tài".

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo: Moscow sẽ phải "trả giá đắt hơn" cho những vi phạm Hiệp ước Minsk trong thời gian tới. Hiện Nga chưa có phản ứng trước tuyên bố trên của phía Mỹ.

Về phần mình, Liên minh châu Âu cũng không đứng ngoài cuộc. Ngày 14/9, EU đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức của Nga và Ukraine liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và sự kiện Nga tái sáp nhập bán đảo Crimea. Lệnh trừng phạt được gia hạn tới ngày 15/3/2016 với lý do những đối tượng trên hậu thuẫn lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine. Quyết định trên được thông qua một ngày trước khi các biện pháp trừng phạt hiện nay hết hiệu lực.

Trong khi đó, giới chức Ukraine gần đây đã liên tục có những phát biểu “mạnh miệng”. Ngày 12/9, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã hối thúc phương Tây không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga do vai trò của Moscow trong cuộc xung đột ở Ukraine, trừ phi thỏa thuận hòa bình Minsk được thực thi đầy đủ.

Phát biểu tại hội nghị thường niên "Chiến lược châu Âu Yalta", ông Yatsenyuk nói: “Nếu bạn gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin những tín hiệu lẫn lộn, ví dụ như chúng tôi cân nhắc ý tưởng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt... thì đó chính là sự yếu đuối. Đây thực ra lại là cách ủng hộ và tiếp tay ông Putin gây hấn chống Ukraine”.

Cũng trong ngày này, Tổng thống Poroshenko đã cáo buộc Nga thách thức "toàn bộ thế giới dân chủ" bằng việc thâu tóm Crimea và vũ trang cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây của Ukraine siết chặt lệnh trừng phạt thương mại và các biện pháp trừng phạt khác đối với Kremlin cũng như những công ty lớn nhất của Nga nếu Moscow không thực thi các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 17 tháng qua.

Mới nhất là ngày 14/9, khi trả lời phỏng vấn nhật báo Die Welt của Đức, ông Poroshenko tuyên bố: Ukraine cần sự ủng hộ "không chỉ bằng lời nói" mà cần có các vũ khí phòng thủ. Theo đó, ông Poroshenko “xin” những vũ khí phòng thủ từ các đồng minh phương Tây để hỗ trợ cuộc xung đột với lực lượng ly khai. "Chúng tôi không chỉ đang bảo vệ đất nước, chúng tôi đang bảo vệ tự do và dân chủ. Chúng tôi đang chiến đấu bằng các vũ khí của thế kỷ XX chống lại vũ khí từ thế kỷ XI” - Tổng thống Ukraine nói.

Tuyên bố này khá mâu thuẫn với chính tuyên bố trước đó của ông. Ngày 13/9, ông Poroshenko tuyên bố Kiev có nguồn dự trữ tài chính để củng cố quân đội và cải thiện các tiêu chuẩn xã hội. Trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình của Ukraine, ông Poroshenko nêu rõ chính phủ nước này đã lập một quỹ dự trữ tài chính để tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội và cải thiện các tiêu chuẩn xã hội. Nếu nói như vậy thì Ukraine có đủ tiền mua vũ khí hiện đại chứ cần gì phải đi xin phương Tây!

Các Ngoại trưởng Nga, Đức, Ukraine và Pháp họp tại Berlin ngày 12/9 đánh giá hiệp ước Minsk có tiến triển.

Chưa kể ông Poroshenko không cho biết là ông lấy tiền ở đâu ra để nhét vào quỹ đó. Các đồng minh của Ukraine cho đến nay chỉ viện trợ tiền có giới hạn cho nước này. Gần như toàn bộ tiền nhận được từ IMF, Mỹ và EU đều được Kiev cho vào quân đội, trong khi tình hình kinh tế trong nước đang ngắc ngoải. GDP của Ukraine hiện thấp hơn cả thời kỳ những năm 90 thế kỷ trước.

Tuyên bố “ác chiến” nhất của Tổng thống Poroshenko là việc Ukraine sẽ lấy lại Crimea từ tay Nga. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với một kênh truyền hình của Ukraine được phát sóng vào tối ngày 6/9, Tổng thống Poroshenko đã đưa ra 3 kịch bản để thực hiện mục tiêu lấy lại bán đảo Crimea từ tay Nga. Thứ nhất là dùng sức mạnh quân sự tấn công, giải phóng lãnh thổ, trục xuất lực lượng của Nga và thân Nga ra khỏi khu vực này. Thứ hai là xây dựng một bức tường cô lập Donbass, gây sức ép về kinh tế và chính trị buộc khu vực này phải đầu hàng... Cuối cùng là giải quyết tình hình ở Donbass trên cơ sở một hiệp định Minsk mới ưu tiên thỏa mãn các điều kiện của Kiev.

Tổng thống Poroshenko cũng bày tỏ quyết tâm sẽ không bỏ cuộc, chiến đấu đến cùng để đạt được mục tiêu đưa Crimea, Donbass và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng quay trở lại quyền kiểm soát của Chính phủ Kiev. Ông Poroshenko cũng nhấn mạnh tới cách để đảm bảo việc thu hồi chủ quyền Ukraine đối với những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng một cách hòa bình là thỏa thuận Minsk. Để đạt được điều đó theo nhà lãnh đạo Ukraine, cần phải có sự tuân thủ lệnh ngừng bắn, rút các thiết bị vũ khí hạng nặng, trả tự do cho các con tin, sự tham gia giám sát tích cực của OSCE, sự phục hồi quyền kiểm soát Ukraine trên biên giới với Nga.

Trong cuộc trả lời phóng vấn báo chí Pháp hồi đầu tháng 8/2015, Tổng thống Ukraine nói rằng ông quyết không bỏ một tấc đất chủ quyền đất nước. Để làm được điều đó, theo ông Poroshenko, trong năm nay, Ukraine sẽ xây dựng được một quân đội thuộc hàng tinh nhuệ và mạnh nhất châu Âu. Ông giải thích rằng phần lớn những đội quân tình nguyện đã gia nhập vào quân đội Vệ binh quốc gia và họ đã góp phần tăng cường an ninh cho đất nước.

Khi được hỏi ông mong muốn sự trợ giúp nào từ phương Tây, Tổng thống Poroshenko nói: “Thứ nhất chúng tôi cần sự ủng hộ của các nước châu Âu với Ukraine. Điều này chúng tôi đã có. Thứ hai là chúng tôi cần có sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương. Thứ ba, chúng tôi cần sự hỗ trợ tài chính để cải cách. Vấn đề chính của người Ukraine là họ rất không muốn nghĩ rằng họ sống trong không gian của đế chế Xôviết. Tự họ cảm thấy Ukraine là một quốc gia châu Âu. Người Ukraine muốn bằng mọi giá cải cách đất nước. Thứ tư là cần phải có một cơ chế để hối thúc kẻ xâm lược thực thi nghĩa vụ, tức là rút ngay quân đội của họ ra khỏi Ukraine. Điểm thứ năm là phối hợp có hiệu quả để thực thi kế hoạch hòa bình Minsk”. Tại sao không nhường vùng đó đi cho những ai muốn? Ông Porochenko trả lời: “Đó là lãnh thổ của Ukraine. Bốn triệu người Ukraine đang sống ở đó. Vì thế không thể từ bỏ một mảnh đất nhỏ nào thuộc lãnh thổ đất nước tôi”.

Ông Porochenko lên lãnh đạo Ukraine từ tháng 5/2014 đến nay, tình hình Ukraine vẫn rối như canh hẹ, miền Đông, miền Tây đều bất ổn, thủ đô Kiev cũng vừa bị xáo trộn bởi các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình chống đối. Trong khi đó, kinh tế của Ukraine, theo đánh giá của Fitch hôm 27/8, là không thể tránh khỏi phá sản. Những tuyên bố mạnh mẽ của lãnh đạo Kiev theo giới chuyên gia chẳng qua là để che đậy những thất bại của chính quyền.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.