Ứng xử với một di tích đặc biệt thì phải đặt giá trị tinh thần cao hơn giá trị kinh tế!

Chủ Nhật, 12/11/2023, 10:19

Được ví như trái tim của Thủ đô, Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm là nơi tập trung nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống với không gian mặt nước, cây xanh. Và đặc biệt nhắc đến Hồ Gươm là nhắc đến truyền thuyết gắn liền với lịch sử giữ nước, dựng nước của dân tộc. Nhưng thời gian qua, không gian văn hóa tại Hồ Gươm đang bị xáo trộn bởi các hoạt động thương mại, giải trí xô bồ, như một hồi chuông cảnh báo việc chúng ta phải trân trọng, bảo vệ giữ gìn Hồ Gươm như báu vật của đất nước… Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ông là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020 và là người có nhiều đề tài nghiên cứu về Hà Nội, xuất bản 10 đầu sách và hàng chục bài báo khoa học về Hà Nội, xây dựng thành công ngành Hà Nội học…  

PV: Vừa rồi, dư luận đã phản ứng khi xung quanh Hồ Gươm thường xuyên diễn ra các giải chạy cũng như hội chợ. Việc làm các lán bán hàng san sát, cùng với âm thanh loa đài ồn ào khiến không gian thanh bình của Hồ Gươm bị ảnh hưởng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Tôi cũng không đồng tình khi không gian thanh bình của khu vực đi bộ và Hồ Gươm bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng đây là vấn đề ô nhiễm đô thị. Mà ô nhiễm tiếng ồn là một trong những ô nhiễm nặng nề. Ngay cả trong Luật Giao thông cũng quy định, đi ở khu vực nào, vị trí nào anh mới được bấm còi, chứ không phải cứ thoải mái bấm inh ỏi. Vì sao lại phải có những quy định đó? Vì ô nhiễm tiếng ồn rất kinh khủng. Nó sẽ làm hỏng đi tổ chức không gian đô thị. Tôi thấy việc cho các gian bán hàng quây kín Hồ Gươm cũng rất phản cảm. Nếu giới thiệu văn hoá ẩm thực thì nó phải được bố trí, tổ chức trong một không gian văn hóa phù hợp, chứ không phải cứ mang ra bày bán ê hề, làm hỏng môi trường, làm mất cảnh quan. Hiện nay, nhiều hoạt động đưa ra khu vực Hồ Gươm không phù hợp.

Chúng ta nên nhớ rằng Hồ Gươm là trái tim của Hà Nội, Hà Nội là trái tim của cả nước. Như vậy, Hồ Gươm là trái tim của trái tim. Người ta vẫn gọi Hồ Gươm là lẵng hoa đẹp giữa lòng Thủ đô, trong đó kết tinh các giá trị đặc biệt, các giá trị tinh thần. Đây là nơi “lắng hồn núi sông nghìn năm”. Vì thế, không thể xô bồ, đưa ra đó những thứ ồn ào tại nơi này. Tôi cho rằng đó là cách ứng xử thiếu văn hóa với di sản vô giá tổ tiên để lại. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Ứng xử với một di tích đặc biệt thì phải có chiều sâu, đặt giá trị tinh thần cao hơn giá trị kinh tế.

Ứng xử với một di tích đặc biệt thì phải đặt giá trị tinh thần cao hơn giá trị kinh tế! -0
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

PV: Hồ Gươm được ví như “viên ngọc quý” của Thủ đô, ẩn chứa trong mình các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với sự hình thành Thăng Long-Hà Nội. Ông có thể chia sẻ sâu thêm về giá trị văn hóa, tinh thần mà Hồ Gươm đem lại cho người dân Thủ đô hiện nay?

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Hồ Gươm là một địa chỉ thiêng liêng, là tầm cao của văn hoá, là tầm cao của văn minh, là kết tinh các giá trị sống của người Việt Nam. Nói về cảnh quan, chúng ta có bao giờ lắng lại, hỏi vì sao những cây hoa lộc vừng lại nở hoa nghiêng sát mặt nước? Chỉ những bông hoa li ti ấy thôi đã níu chân biết bao người, nhiều người đến đây chỉ để đứng ngắm, nâng niu, trân trọng từng cánh hoa. Ngay cả với các di tích lịch sử tại đây, nếu chúng ta chỉ đi lướt qua thôi thì sẽ thấy các di tích ấy rất bình thường. Nhưng nếu hiểu sâu về lịch sử văn hóa thì chúng ta thấy đây là nơi hội tụ của huyền thoại và biểu tượng, vừa linh thiêng, vừa gần gũi, vừa đẹp lãng mạn đến từng gốc cây, bụi cỏ. Dạo quanh hồ, đến chỗ Tháp Bút là chúng ta sẽ nghĩ đến câu thơ của Trần Đăng Khoa: “Hà Nội có Hồ Gươm/Nước xanh như pha mực/Bên hồ ngọn Tháp Bút/Viết thơ lên trời cao”.

Hồ Gươm là nơi để lắng đọng, để người ta suy tư về chiều sâu lịch sử văn hoá của đất nước mình. Đây không phải là chỗ tổ chức chạy việt dã, không phải là chỗ xô đẩy nhau, chen lấn nhau, không phải là chỗ bán hàng xả rác. Đến Hồ Gươm và ngồi tĩnh lặng ngắm phong cảnh, tư duy về chiều sâu lịch sử của cái hồ này, của thành phố này, của đất nước này, tôi cho rằng, đấy là ao ước của nhiều người. Một nhà thơ tận trong Nha Trang, nhà thơ Giang Nam còn thấy được Hồ Gươm đẹp đẽ dường này: “Nghe em vào đại học/Nửa tin nửa ngờ, tên lại trùng tên/... Hôm nay nhận được thư em/Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng/Anh ngồi đây thấy trời hửng nắng/Trên Hồ Gươm và trên mái đầu em”. Vậy tại sao, chúng ta ở ngay đây, chúng ta không gìn giữ nó, bảo tồn và phát huy những giá trị của nó. Chúng ta chỉ tính đến chuyện làm thế nào để chỗ này tụ tập được đông người đến ăn uống, tiêu tiền? Như thế là làm hỏng, làm mất hình ảnh của Hồ Gươm.

PV: Có thể nói, Hồ Gươm là một di sản vừa quý giá, vừa thân thiết với người dân Hà Nội. Với những giá trị tinh thần đặc biệt, chúng ta nên có thái độ ứng xử với di sản này thế nào, thưa ông?

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Phát huy giá trị của Hồ Gươm là phải nghĩ đến vừa bảo tồn, vừa phát huy. Bảo tồn để phát huy, phát huy để bảo tồn. Nếu chúng ta chỉ nghĩ làm sao kéo được nhiều người đến để khai thác thì đến lúc chả còn gì để phát huy nữa. Tôi nghĩ rằng, quan trọng vẫn là quy hoạch và quản lý của TP Hà Nội phải có nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản theo đúng Luật Di sản văn hóa. Làm sao để càng ngày càng có nhiều người đến hơn, quan tâm đến di sản văn hoá vô giá này của dân tộc Việt Nam. Tôi nhấn mạnh là quan tâm một cách có trách nhiệm, phát huy được giá trị của Hồ Gươm nhưng phải tính chuyện lâu dài, bảo tồn cho muôn đời sau, chứ không chỉ cho giai đoạn hiện tại. Những cái này phải nằm trong chủ trương, chính sách, cách quản lý của các cấp lãnh đạo. Việc tư duy, tổ chức sự kiện thu hút được nhiều người, càng nhiều người đến thì người ta càng biết, thu được nhiều tiền thì càng đánh giá được giá trị của nó thì đấy cũng là một hình thức phát huy. Nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Ứng xử với một di tích đặc biệt thì phải đặt giá trị tinh thần cao hơn giá trị kinh tế! -0
Hồ Gươm - điểm đến được yêu thích của du khách trong và ngoài nước khi đến Thủ đô Hà Nội.

PV: Trước đây, đã có sự phản ứng mạnh mẽ về các công trình xây dựng cao tầng xung quanh hồ Gươm. Vậy theo ông, để bảo tồn không gian Hồ Gươm, việc xây dựng kiến trúc khu vực xung quanh nên như thế nào để tạo nên một quần thể thống nhất, gắn kết nhưng không phá vỡ cảnh quan?

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Tôi cũng phải nói là có nhiều người chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc phải giữ gìn cảnh quan. Trước đây, kiến trúc quanh Hồ Gươm rất hài hoà. Nhưng bây giờ rõ ràng người ta vẫn tính lợi ích kinh tế cao hơn, nên vẫn xây nhiều nhà cao tầng, như một tảng bê tông khổng lồ đặt cạnh lẵng hoa. Theo tôi, chúng ta làm gì thì làm, nhưng trước hết, chúng ta phải hiểu rõ những giá trị về lịch sử, văn hóa mà tổ tiên để lại, để chúng ta phải có trách nhiệm, trước tiên là trách nhiệm của công dân Thủ đô đối với viên ngọc quý Hồ Gươm - trái tim của Hà Nội, của đất nước Việt Nam. Chúng ta phải giữ cho nó trong sạch, lành mạnh, bảo tồn lâu dài. Giải pháp nào cũng phải tôn trọng, giữ gìn, nâng niu các giá trị lịch sử văn hóa, các di sản vật thể và phi vật thể mà tổ tiên đã chắt chiu, để lại cho chúng ta ngày hôm nay. Tôi nghĩ là cần phải có cái nhìn minh bạch hơn vì sự phát triển của Thủ đô chúng ta: Văn hiến, văn minh, hiện đại trên nền tảng các di sản văn hóa mà Hồ Gươm là di sản văn hoá hàng đầu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Yến – Nguyễn Hoa (thực hiện)
.
.