Di tích - đến khổ với trùng tu, tôn tạo

Thứ Hai, 29/05/2023, 17:05

Xung quanh câu chuyện “trùng tu, tôn tạo di tích” thời gian qua đã xảy ra không ít chuyện dở khóc dở cười. Với những di tích được trùng tu bằng nguồn kinh phí xã hội hoá, các nhà tài trợ đều như muốn thể hiện cái “Tôi” của mình to đùng, ngất ngưởng. Họ muốn theo kiểu: “ai bỏ tiền người đấy có quyền có tiếng nói.”

Nhiều lúc họ chi phối, áp đặt lối suy nghĩ, thẩm mỹ riêng, khiến công trình trùng tu bị méo mó, biến dạng, thậm chí là xoá sổ luôn cả di tích. Để rồi di tích văn hoá lịch sử là nơi tôn nghiêm, thấu đời hiểu đạo lại biến thành nơi khoe vật chất tầm thường. Bấy lâu nay, di tích của làng nào mạnh làng nấy sửa. Tính chuộng hình thức, phải to, hoành tráng, di tích làng mình phải bề thế hơn di tích làng kia vẫn đang diễn ra như một hồi chuông đáng báo động.

Trùng tu hay phá hoại?

Những di tích mang dấu ấn thời gian, đình, đền, chùa là một trong những chứng tích của văn hóa, lịch sử trải qua hàng trăm năm. Trong đời sống tâm linh tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt những di tích lịch sử đấy đã ăn sâu, bén rễ, nằm trọn trong ký ức của bao người. Di tích là nơi đưa con người trở về với bản thể, cội nguồn và chợt thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng khi nghe thấy tiếng chuông chùa trong ngôi chùa làng cổ kính, rêu phong. Hay trở về tuổi thơ yên bình khi nhẹ bước chân bước vào ngôi đình cổ với những trạm trổ hoa văn kèo cột, mái đình hàng trăm tuổi, bài vị, khán thờ thành hoàng, anh hùng dân tộc… Nhiều năm trở lại đây, do sự phát triển của đô thị hóa, những giá trị cũ - mới bị đảo lộn. Nhiều địa danh, mượn cớ trùng tu tôn tạo di tích bằng nguồn xã hội hóa đã nhanh chóng “xóa sổ” hoặc làm biến dạng di tích.

Di tích - đến khổ với trùng tu, tôn tạo -0
Cổng đền An liệt cổ kính khi xưa.

Vẫn theo lối tư duy: “Phép vua thua lệ làng”, “con gà tức nhau tiếng gáy”, “Thánh làng nào làng ấy thờ”… mà không ít làng, xã, thôn, xóm thi nhau kêu gọi công đức để xây to, hoành tráng cho mát mặt dân làng. Ở trong làng cũng có nhiều chi, nhiều họ, nhiều hộ gia đình. Họ nhà này nhiều người đỗ đạt, chi nhà này lắm doanh nhân…  Họ bảo nhau góp công đức sửa sang di tích và bất chấp không cần có chuyên môn hiểu biết một cách bài bản gì cả, cứ thích đâu thì sửa đấy, và nhiều chuyện oái oăm xảy ra.

Ngôi đình Lương Xá ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, Hà Nội cách đây không lâu vẫn là một ngôi đình cổ kính hơn 300 năm tuổi với những mảng chạm khắc tinh xảo trên gỗ quý. Điểm đặc biệt của ngôi đình này là hình thức chạm khắc rất lạ như hình con mèo ngoạm con cá, rất hiếm hoi trong tạo hình điêu khắc đình làng, được làm từ thời Lê Trung Hưng. Đây là một di tích lịch sử đã được xếp hạng và được coi là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp của Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của thôn cần trùng tu tôn tạo lại đình bằng nguồn tiền xã hội hóa, thế là mỗi khẩu ở trong làng phải đóng 800.000 đồng. Nhà nào đông con nhiều cháu số tiền lên tới cả chục triệu đồng. Nhà ai không có cũng phải cố gắng xoay xở để không xấu mặt với hàng xóm láng giềng, cố công đóng góp để bằng chị bằng em.

Đáng nói là từ một ngôi đình cổ kính nguyên sơ, khi trùng tu biến thành đống xi măng cốt thép. Toàn bộ cấu kết kiện gỗ chạm khắc thời Lê Trung Hưng đang đẹp đẽ lại biến thành củi đun và bán đồng nát. Sự việc này sau đó vỡ lở, các ban, bộ, sở, ngành  cùng các nhà khoa học, Viện Bảo tồn di tích, Sở Quy hoạch kiến trúc… đã phải cố công khắc phục, vớt vát được chừng nào hay chừng nấy, tuy nhiên cũng không thể trở về với dáng vẻ nguyên sơ ban đầu.

Sự cố bê tông hóa đình Lương Xá không còn là trường hợp hiếm gặp, ví dụ đình Văn Xá, một trong ngôi đình cổ kính nhất Hà Nam sau khi được kêu gọi sơn sửa của thôn, những người trùng tu đã tự ý sơn màu đỏ chót lên những mảng chạm khắc đặc trưng kiến trúc của thế kỉ XVII-XVIII với những hoạt cảnh nghê, rồng, phượng… vô cùng sinh động với kỹ thuật chạm trổ khắc tay vô cùng tinh xảo của những nghệ nhân thời xưa. Thế mà, người ta đã dùng màu sơn đỏ lòm sơn quết lên làm cho nhiều trang trí không còn được nhận diện. Ông Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt cho biết: “Nhiều người đã không khỏi đau xót khi một di tích cổ kính bỗng chốc trở nên lòe loẹt. Sự việc ở đình Văn Xá sau khi bị phát hiện đã được cố gắng  khắc phục, tuy nhiên chúng ta đã mất đi vĩnh viễn những màu sắc thâm trầm của thời gian, sự cổ kính của di sản thật là điều đáng tiếc. Nhưng có những di sản không khắc phục được đó là hai ngôi đình Trùng Thượng và Trùng Hạ ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là hai di tích quốc gia, không khắc phục được vì sơn toàn bộ bằng sơn công nghiệp”.

Bảo tồn di sản hay đầu tư xây dựng?

Nhiều năm nay có một thực trạng diễn ra ở khắp các di tích văn hóa lịch sử trên cả nước là nhiều di tích không muốn gắn mác là di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh… Thậm chí họ sẵn sàng không nhận, hoặc trả lại bởi vì nếu nhận cái xếp bảng di tích lịch sử đấy thì không khác gì mua dây buộc mình.

Di tích - đến khổ với trùng tu, tôn tạo -0
Đình Đồng Kị cổ kính trước khi trùng tu.

Lý do là vì danh vị gắn mác ấy đã làm cho di tích dù có xuống cấp thì cũng phải để qua 4-5 khâu kiểm duyệt chờ đợi trông ngóng mỏi mòn mới được trùng tu tôn tạo theo quy định. Di tích đã được xếp hạng, nếu được trùng tu tôn tạo từ nguồn ngân sách nhà nước thì đương nhiên phải đúng quy trình quản lý, đầu tư, xây dựng thông thường. Nhưng với những di tích chưa được xếp hạng do địa phương quản lý thì thoải mái tu sửa chẳng ai cấm đoán gì miễn là thôn và xã đồng lòng. Điều đáng buồn là nguồn tiền được huy động cho việc tu sửa bằng nguồn xã hội hóa không thuộc ngân sách nhà nước lại gặm nhấm, làm hỏng, biến dạng di tích bởi những can thiệp thô thiển của người “có tiếng nói”.

Nằm soi mình bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, cụm quần thể di tích đình, chùa phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh từ lâu được biết đến là di tích mang nét văn hóa chung của vùng châu thổ sông Hồng, vừa mang dáng dấp của xứ Kinh Bắc. Đình Đồng Kỵ được khởi công xây dựng vào thời Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 6 (năm 1745) trải qua bao mưa nắng thời gian vẫn uy nghiêm, trầm tĩnh, hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên con người nơi đây. Đồng Kỵ cũng được biết đến là một làng nghề gỗ có tiếng bậc nhất cả nước. Không biết có phải chính sự sung túc, giàu có này đã khiến cho người ta muốn đình Đồng Kỵ cũng phải bề thế, tương xứng với cái tên gọi? Việc trùng tu tôn tạo lại đình bằng nguồn vốn xã hội hóa chẳng khó khăn gì với một làng ăn nên làm ra, lại dồi dào về nguồn nhân lực, vật lực. Và thế là, cuộc tu bổ di tích đình Đồng Kỵ đã diễn ra…

Ông Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt chia sẻ: “Những mảng chạm tinh xảo của đình Đồng Kỵ đã không còn khi di tích quốc gia này được nhiệt tình tu bổ, khiến người yêu mỹ thuật phải xót xa, nuối tiếc. Hiện nay sau khi được trùng tu, ngồi đình đã bị làm mới gần như toàn bộ cấu kiện gỗ. Nhiều mảng chạm cổ tinh xảo phong phú, thanh nhã khi xưa còn tốt đã bị thay mới gần hết để nhường chỗ cho hoa văn có phần thô cứng do tay nghề thấp nên không thể mang được hồn dáng xưa”.

Nhiều nhà nghiên cứu di tích cũng cho rằng tình trạng ngôi đình chưa đến mức phải dỡ bỏ, nếu cứ để cả trăm năm nữa vẫn không hề gì. Nhìn mái đình đỏ au, bóng loáng ngày nay thay thế cho mái ngói cổ rêu phong khoác màu thời gian, chạm vào những hoa văn giờ nhuốm mùi công nghệ, đục trên máy khác xa với hoa văn xưa được làm từ bàn tay của những người thợ chạm khắc lành nghề mới thấy sầu thương, tiếc nuối cho ngôi đình cổ kính.

Quan điểm trùng tu ưa mới đã trở nên báo động ở khắp các di tích nếu không được quản lý, quan tâm, nhìn nhận kịp thời.

Đền An Liệt, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1995. Ngôi đền này bắt đầu từ cái miếu được xây dựng từ thời Hậu Lê, sau này qua nhiều lần trùng tu thành ngôi đền mang kiến trúc thời Nguyễn. Tuy là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng ngôi đình trùng tu tôn tạo hoàn toàn bằng nguồn tiền xã hội hóa. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo rồi lại hết vốn, mới đây nhất đầu năm nay, bằng tiền xã hội hóa, công trình có tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng, trong đó tập đoàn TNG Holdings Việt Nam tài trợ 1 tỷ đồng, còn lại xã Thanh Hải huy động từ nhân dân và các nhà hảo tâm. Sau khi trùng tu tôn tạo, cổng đền (nghi môn) đã trở nên vô cùng rực rỡ, bóng bẩy đúng theo kiểu hiện đại bây giờ. Nhưng với nhiều nhà mỹ thuật hay những người yêu di tích vẫn thường hoài niệm, nhớ thương về cổng đình cổ kính quen thuộc khi xưa nay chỉ còn trong kỉ niệm.

Tìm về giá trị cốt lõi

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) cảm thán: “Chúng ta đang phải chứng kiến sự thay đổi lớn của đời sống của người Việt đương đại, kéo theo đấy là những giá trị cũ đang bị uy hiếp. Những gì mà chúng ta được đánh thức từ di sản, đấy là những giá trị không bàn chuyện mới, cũ gì cả. Nó có giá trị cốt lõi của văn hoá Việt, của tộc người Việt và chính điều đó nó làm cho dân tộc này trường tồn ở hình ảnh văn hóa chứ không phải hình ảnh vật chất. Kinh phí để trùng tu tôn tạo các di tích văn hóa tâm linh lại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa (do người dân đóng góp). Ai góp nhiều thì người đấy có tiếng nói. Ở đây tôi cũng không bàn sự hình thành của doanh nhân Việt Nam có từ một nền cốt văn hóa không...”.

Di tích - đến khổ với trùng tu, tôn tạo -0
Hội làng gắn với ngôi đình Đồng Kị cổ kính.

Theo nhà nghiên cứu Di sản văn hóa - Tiến sĩ Nguyễn Đức Bá (Giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội - chuyên viên Trung tâm Bảo tồn di sản văn hoá, tôn giáo): Nguồn vốn xã hội hóa là một phần quan trọng trong tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay chính sách xã hội hóa đối với các lĩnh vực di tích chưa có quy định cụ thể, dẫn đến nhiều bất cập trong công tác bảo vệ phát huy giá trị di tích. Nhiều di tích xuống cấp nặng có nguy cơ sụp đổ. Nhiều di tích sử dụng nguồn xã hội hóa tự ý thi công không phép, sai phép. Nhiều nơi chỉ muốn di tích không được xếp hạng để tự do muốn làm gì thì làm. Họ chỉ muốn di tích cấp thôn do ban quản lý thôn quản lý. Họ được quyền tự quyết mọi thứ, nay hỏng cái cột kèo này là họ có thể thay ngay được, mai họ có thể đổi tượng nhỏ lấy tượng to, đổi tượng đồng sang gỗ hay từ tượng gỗ sang đồng, thêm cái cái này, bớt cái kia. Thậm chí thay đổi hoàn toàn không gian tâm linh mà không bị các cấp chính quyền nào sờ đến.

“Nguồn kinh phí của nhà nước thì không bao giờ đủ để trùng tu tôn tạo nên bao giờ cũng phải dựa vào nguồn xã hội hóa. Người dân, ban quản lý ở đấy đều muốn di tích phải hoành tráng, khang trang, đáp ứng lại nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng phục vụ nhân dân. Hoặc di tích phải rực rỡ, lộng lẫy. Đây là một cách nghĩ nguy hiểm đối với các di tích...”, tiến sĩ Nguyễn Đức Bá cho hay.

Trần Mỹ Hiền
.
.