120 năm nối hai bờ ký ức

Thứ Sáu, 22/05/2020, 13:56
Khi những nhát búa đầu tiên phá dỡ cây cầu sắt Bình Lợi (nối Bình Thạnh và Thủ Đức) có lịch sử tồn tại gần 120 năm, nhiều người tỏ ra tiếc nuối. Họ cố gắng đến đây ghi lại những kỷ niệm cuối cùng trước khi cây cầu bị tháo dỡ.

Sứ mệnh đưa những đoàn tàu Bắc - Nam xuôi ngược và nối hai bờ sông Sài Gòn kéo dài hơn một thế kỷ của cầu Bình Lợi đã kết thúc. Âu đây cũng là một phần của sự phát triển kinh tế, nhưng trong lòng nhiều người dân TP Hồ Chí Minh vẫn bùi ngùi. Cây cầu sắt Bình Lợi đã gắn với họ trong nhiều ký ức tốt đẹp xen lẫn với những ký ức buồn…

Những ngày này cầu sắt Bình Lợi đã được rào chắn hai đầu. Bên trong hàng chục công nhân đang tiến hành tháo dỡ cây cầu. Trước đó ngày 14/9/2019, đoàn tàu Bắc - Nam đầu tiên đã chạy qua cây cầu Bình Lợi mới. Cây cầu sắt Bình Lợi cũ được "nghỉ ngơi". Đó là thời điểm chấm dứt sứ mệnh lịch sử của cầu sắt Bình Lợi trong 120 năm qua.

Cầu sắt Bình Lợi cũ.

Ngược dòng lịch sử, khi Pháp sang đô hộ xứ An Nam, khảo sát vùng phụ cận Sài Gòn, với ý định "Cần mang lại cho Ðông Dương một công cụ lớn về kinh tế, đường sắt, cầu, cảng phục vụ cho việc khai khẩn thuộc địa" năm 1900, người Pháp khởi công xây dựng cầu sắt Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn. Đây được coi là cây cầu lớn, hiện đại nhất thời Pháp tại Sài Gòn. Cầu sắt Bình Lợi kết hợp giao thông đường sắt và đường bộ do Levalllois Perret lãnh thầu, kết cấu vòm thép, dài 276m gồm 6 nhịp, lòng cầu lót ván gỗ dày.

Khi lưu thông bộ hoặc bằng xe ngựa, xe cơ giới, hai bên cầu có lính gác, dòng người và xe cộ được chặn lại từ mỗi đầu cầu để hướng dẫn lưu thông đúng luồng. Cầu sắt Bình Lợi lúc đó giúp nối dài con đường thông từ miền trung đến miền Tây (Mỹ Tho - Tiền Giang). 

Ngoài việc tính toán tiện lợi cho giao thông đường sắt, đường bộ thì cầu sắt Bình Lợi còn có khả năng thông thương đường thủy. Dầm cầu ở giữa sông được thiết kế bánh răng có thể nâng cao một nhịp cầu lên đến 90 độ giúp các phương tiện thủy lớn có thể lưu thông thông suốt dưới đoạn sông và cầu Bình Lợi bắc qua.

Khi cầu Sài Gòn, Bình Triệu, Thủ Thiêm… chưa được xây dựng, cầu sắt Bình Lợi là con đường duy nhất trên bộ giúp người dân từ Sài Gòn có thể di chuyển đi Thủ Đức, Biên Hòa mà không phải lụy đò. Tháp canh cao gần chục mét nằm bên phải đường ray gần chân cầu đặt phía quận Thủ Đức với dòng chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948" qua tháng năm giờ đã xuống cấp, cũ kỹ, bị chiếm dụng.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày một phát triển, đô thị hóa mạnh, việc thông thương hàng hóa giờ đã có nhiều tuyến đường thay thế, cầu sắt Bình Lợi chỉ còn làm nhiệm vụ đưa các đoàn xe lửa Bắc Nam lưu thông qua sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, cây cầu sắt Bình Lợi theo năm tháng giờ đã "già yếu", độ tĩnh không của cầu sắt Bình Lợi quá thấp khiến tàu bè qua lại khi nước lớn thường bị mắc kẹt dưới gầm cầu. Nhiều lần các đội cứu hộ phải gồng mình nhiều giờ đồng hồ để giải cứu nhiều sà lan, tàu thuyền có trọng tải lớn mắc kẹt. Các tổ công tác phải đua với thời gian để giải cứu phương tiện thủy mắc kẹt vừa giải cứu cầu sắt Bình Lợi cũ kỹ, già nua. Bởi nếu không đua với thời gian, khi con nước lên thêm, cầu sắt Bình Lợi sẽ bị đội lên cao khỏi dầm và dễ dàng hư hỏng nặng.

Cầu Bình Lợi mới được xây dựng với độ tĩnh không 7m tạo điều kiện cho các phương tiện có trọng tải lớn lên đến 2.000 tấn có thể qua lại dễ dàng. Thay thế cầu sắt Bình Lợi, cầu Bình Lợi mới tạo điều kiện thuận lợi để kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ bằng đường thủy, giảm tải việc vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường bộ. 

Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, cầu Bình Lợi mới sẽ giúp giảm 30 - 60% chi phí vận chuyển so với vận tải bằng đường bộ. Theo Ban quản lý Dự án 7 thuộc Bộ Giao thông Vận tải (đơn vị thực hiện tháo dỡ)  thì UBND TP Hồ Chí Minh đã đồng ý cho tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi cũ nhưng giữ lại 2 nhịp và tháp canh phía quận Thủ Đức để bảo tồn như một chứng tích lịch sử cũng như giúp ích cho việc nghiên cứu khoa học về ngành vận tải.

Chuyến tàu cuối cùng đi qua cầu sắt Bình Lợi.

25 năm gắn bó với công việc duy tu, bảo dưỡng và làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu thông suốt từ Bắc Vào Nam và ngược lại, anh Nguyễn Văn Hiệp không khỏi bùi ngùi khi cầu sắt Bình Lợi bị tháo dỡ: "Thành phố đang phát triển thì cây cầu Bình Lợi cũ không thể đáp ứng được với tình hình thực tế nên việc tháo dỡ, thay thế cây cầu mới là điều không bàn cãi, nhưng tôi vẫn có chút gì lưu luyến, tiếc nuối! Tuy nhiên việc giữ lại 2 nhịp cầu để bảo tồn khiến người dân TP sẽ đỡ thấy tiếc bởi vẫn còn đó một phần cây cầu sắt Bình Lợi tồn tại gần 120 năm trong ký ức người dân".

Nói đến những ký ức về cầu sắt Bình Lợi này có lẽ những người cao niên từng trải qua các cuộc kháng chiến hay những ông bà cụ bám rễ tại vùng đất Bình Thạnh, Thủ Đức này mới hiểu hết chuyện. Nhưng với họ giờ ký ức cũng chỉ chập chờn, ngắt quãng. Có những câu chuyện rất thật quanh cây sầu sắt Bình Lợi này nhưng có những câu chuyện dường như huyễn hoặc, ma mị mà chỉ có những lớp trẻ, giới bình dân thích nghe rồi đồn thổi.

Chuyện nhiều người nợ nần, thất tình tìm đến cây cầu này gieo mình xuống dòng nước xiết để rồi cây cầu sắt Bình Lợi bỗng chốc trở thành câu cửa miệng của người dân khi vướng vào những chuyện, hỷ nộ, ái ố, làm ăn thua lỗ, nợ nần, thất tình… mà không giải quyết được:  "Đi nhảy cầu Bình Lợi cho rồi!". Có nhiều những câu chuyện được thêu dệt lên như hằng đêm nhiều người thấy các bóng trắng rõ hình đàn ông, đàn bà trẻ nhỏ lang thang trên cầu Bình Lợi vào những giờ khuya khoắt.

Người gắn bó với cầu sắt Bình Lợi nhiều năm và có nhiều kỷ niệm buồn với nó phải kể đến là ông Nguyễn Văn Chúc - với câu chuyện người chuyên vớt xác trên sông Sài Gòn. Hai vợ chồng làm nghề đánh cá neo thuyền tại khúc sông Sài Gòn hàng chục năm.

Tôi quen ông cũng ngót nghét 15 năm và trong khoảng thời gian này tôi đã nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi của ông, khi thì vớt được xác, lúc thì cứu được người nhảy cầu tự tử.

Ông Chúc bảo, nước dưới chân cầu Bình Lợi nhìn êm vậy nhưng bên dưới nhiều luồng khác nhau đan xen nên chỉ cần nhảy xuống là nước cuốn, kéo dìm xuống đáy rồi thả ra ở một nơi khác cách đó vài chục mét. Vì thế hễ cứ nghe mọi người truy hô, khi nghe tiếng động là ông Chúc nổ máy ghe lao ra liền. Ông bảo: "Vậy thì mới kịp, chứ chậm vài phút thì mình không thể "cướp cơm" từ Hà Bá được!".

Chuyện về cây cầu Bình Lợi đan xen với những lần vớt xác cứu người qua ly trà nóng trên chiếc ghe chồng chềnh bởi sóng đập vào mạn. Ông Chúc kể, cách đây khoảng 16 năm, một nhóm công nhân sửa chữa cầu Bình Lợi bị sập giàn giáo, 5 công nhân rơi xuống sông và bị nước cuốn đi. Ba người bơi vào bờ, 2 người chấp chới dưới nước. Đang đánh cá, ông Chúc cho ghe lao ra cầu Bình Lợi và kịp kéo 2 người lên. Cảm phục ơn cứu mạng, công nhân Trần Đình Đức (quê Nghệ An) đã nhận vợ chồng ông Chúc là ba mẹ nuôi.

Con nước lên xuống trên sông Sài Gòn chảy qua cầu sắt Bình Lợi khiến nhiều người đứng trên bờ sông Sài Gòn như được ùa về bởi bao ký ức. Trong một cuộc đảo chính thời Ngô Đình Diệm, một phần cây cầu bị đặt chất nổ phá hỏng, phải sửa chữa lại. 

Một lần tác nghiệp với Đội cứu hộ cứu nạn thuộc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh (nay là Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an TP Hồ Chí Minh) ông Nguyễn Văn Tốt, một người cứu hộ kỳ cựu trong lực lượng Cảnh sát PCCC đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cùng những người trong tổ cứu hộ hơn 60 giờ luân phiên lặn mò khẩu súng mà đối tượng đã bắn chết nghệ sĩ cải lương Thanh Nga vứt xuống tại đây.

Tháp canh cầu sắt Bình Lợi được bảo tồn.

Giải phóng được 2 năm, tại TP Hồ Chí Minh  xảy ra vụ bắt cóc con trai của vợ chồng nghệ sĩ Kim Cương tại khu vực nhà trẻ Vườn Hồng thành phố. Sau nhiều lần uy hiếp, nhóm tội phạm đã chấp nhận trả cháu bé 5 tuổi và yêu cầu gia đình đưa cho chúng  20 lượng vàng. 

Một năm sau, thành phố lại rúng động khi xảy ra vụ trọng án khác liên quan đến giới văn nghệ sĩ. Vợ chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga bị bắn chết trên chiếc Volkswagen sơn màu xám nhạt khi vừa dừng xe trước cổng nhà. Viên đạn trúng ngực trái đã cướp đi sinh mệnh của nghệ sĩ tài hoa tuổi 36 được xác định là từ khẩu súng P38.

Trong khi cơ quan điều tra đang tổ chức làm rõ thì băng cướp này tiếp tục bắt cóc con trai của bác sĩ Lã Hỷ. Một băng cướp khét tiếng được xác định do Nguyễn Thanh Tân cầm đầu. Để có chứng cứ buộc Tân nhận tội, cần tìm được khẩu súng P38 mà Tân đã sát hại nghệ sĩ Thanh Nga. Tân khai ném tại khu vực cầu Bình Lợi. 10 cán bộ chiến sĩ gần 3 ngày mò lặn tại đây. Không may, trong lúc mò lặn dưới đáy sông, 2  hai chiến sĩ Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà mò phải lựu đạn đã anh dũng hy sinh.

Cầu sắt Bình Lợi được tháo dỡ thay thế bằng một cây cầu Bình Lợi mới to đẹp, hiện đại hơn để thuận tiện hơn cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh. Nhìn những người thợ tháo dỡ những chiếc đinh vít rỉ sét, cũ kỹ, vận chuyển những khung vòm ra khỏi cầu sắt Bình Lợi, chúng tôi thầm nghĩ, thay đổi cái cũ để cái mới tốt đẹp hơn là điều đáng mừng. Có thay đổi mới thấy được tín hiệu lạc quan về sự phát triển của TP Hồ Chí Minh.

Huyền Đức
.
.