25 năm cuộc đảo chính tháng 8-1991 tại Liên Xô: Như một sự an bài

Thứ Tư, 24/08/2016, 16:45
Trước nguy cơ Liên Xô tan rã nếu Hiệp định Liên bang mới được ký kết đúng vào ngày 20-8, Chủ tịch KGB Kriuchkov đã đứng ra tập hợp lực lượng để "tìm cách giải nguy".

Người được choàng chiếc áo của một anh hùng

Trong cái đêm xảy ra vụ "mưu sát", cô Tachiana, con gái B.Yeltsin đã liên tục gọi điện thoại về nhà của A. Korzakov. Người cận vệ trung thành cấp tốc phóng tới khu Uspenskoie, lúc đó B.Yeltsin đã tới được một trạm gác của cảnh sát giao thông.

Đến nơi, A. Korzakov nhìn thấy một người đàn ông mặc quần đùi trắng nằm lăn lóc trên băng ghế chờ, cả người tím tái. Cảnh sát giao thông đã mặc cho ông ấy một cái áo choàng ngắn và đặt bên cạnh một máy sưởi.

Cuộc họp báo của các thành viên Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp.

Vừa trông thấy A. Korzakov là B.Yeltsin khóc nức lên: "Nhìn đây Sasha, anh nhìn mà xem bọn họ đã làm tôi ra nông nỗi thế này đây…". A. Korzakov lập tức rót cho ông ấy uống ngay hết một cốc rượu to, B.Yeltsin nuốt đánh ực rồi lại nằm vật xuống băng ghế. Lúc đó A. Korzakov mang theo chai rượu 0,8 lít và loáng cái B.Yeltsin đã nốc cạn cả chai. Liên tục chà xát cho ấm người, chai rượu như một thứ "biệt dược" đã giúp B.Yeltsin tỉnh người ra và bắt đầu huyên thuyên trở lại.

Tháng 3-1989, B.Yeltsin được bầu vào Đại hội đại biểu nhân dân với tư cách là đại biểu quận Moskva và giành được ghế trong Xôviết tối cao. Tháng 5-1990, ông ta được bầu làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết Nga (RSFSR). B.Yeltsin được cả những nhân vật cấp tiến dân chủ lẫn phe bảo thủ, những kẻ đang tìm cách nắm thêm quyền lực trong tình hình chính trị biến động trong Xôviết tối cao ủng hộ.

Ở đây có thể thấy, một phần trong cuộc đấu tranh giành quyền lực ngấm ngầm và đầy căng thẳng này là sự đối đầu giữa các cơ cấu quyền lực Liên bang Xôviết và Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga. Trong một nỗ lực nhằm giành thêm quyền lực vào tay mình, ngày 12-6-1990, Đại hội đại biểu nhân dân RSFSR đã đồng ý đưa ra một tuyên bố về chủ quyền và tháng 7-1990, B.Yeltsin tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản.

Như trong nội dung bài trước đã đề cập, cuộc trưng cầu dân ý tổ chức trên toàn Liên bang Nga ngày 17-3-1991 (cuộc trưng cầu này bị các nước cộng hòa vùng Baltic và các nước Armenia, Gruzia, Moldova tẩy chay), đa số công dân của tất cả các nước cộng hòa khác trong Liên bang đều thể hiện mong muốn gìn giữ Liên bang Xôviết.

Sau nhiều cuộc đàm phán, tám trong số chín nước cộng hòa (ngoại trừ Ukraine) đã thông qua Hiệp ước Liên bang mới biến Liên bang Xôviết thành một liên bang của những nước cộng hòa độc lập với một vị tổng thống. Ngày 12-6-1991, B.Yeltsin đạt 57% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống dân chủ của nhà nước Nga, đánh bại ứng cử viên Nikolai Ryzhkov được M.Gorbachev hậu thuẫn.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, B.Yeltsin không ngừng chỉ trích "sự chuyên chính của trung ương", nhưng không đưa ra đề xuất nào về một nền kinh tế thị trường. Thay vào đó, ông ta nói rằng "Tôi sẽ đưa đầu vào đường ray tàu hỏa nếu giá cả cứ tiếp tục tăng lên".

Với đông đảo người dân, giữa thời buổi nhiều biến động, ngay cả những mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày cũng trở nên đắt đỏ và khan hiếm thì cũng thật dễ hiểu là tại sao M.Gorbachov trở thành đối tượng để họ trút giận. Và nếu như có một nhân vật nào đó dám đứng lên gạt phăng mọi lo toan bức bối thì cho dù người đó có là Donquichote cưỡi con lừa già cỗi xông vào choảng nhau với mấy chiếc cối xay gió to lừng lững thì vẫn được quần chúng vỗ tay tung hô.

B.Yeltsin trở thành Tổng thống CHLB Nga thông qua cuộc bầu cử trực tiếp với chiến thắng vang dội, còn M.Gorbachov ngược lại, được Quốc hội bầu làm Tổng thống chứ không phải do dân bầu. Vì thế, ông ta không thể nói rằng, mình là tổng thống được lòng dân.

B.Yeltsin nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga ngày 10-7. Theo thỏa thuận giữa Tổng thống Liên Xô M.Gorbachev với Tổng thống Liên bang Nga B.Yeltsin, Hiệp ước Liên bang mới phải được ký vào ngày 20-8.

Tình thế này khiến cho Nguyên soái Yazov, lúc đó đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, cũng như nhiều đảng viên cộng sản Liên Xô đang ở những vị trí cao trong bộ máy Liên bang chợt hiểu ra rằng, bằng cách đó, sự tan vỡ của Liên bang Xôviết đã có thể đếm từng ngày vì trong khi tất cả đều nói "ủng hộ Liên bang Cộng hòa XHCN Xôviết", vậy mà lại đưa ra dự thảo Hiệp ước Liên bang trong đó chỉ nói tới các quốc gia có chủ quyền. Phe thủ cựu nhận thức được rằng, đang diễn ra một quá trình có định hướng rõ ràng nhằm đạt mục đích không có một liên bang nào cả, mà chỉ có một liên minh các nước cộng hòa có các vị tổng thống riêng.

Trước nguy cơ Liên Xô tan rã nếu Hiệp định Liên bang mới được ký kết đúng vào ngày 20-8, Chủ tịch KGB Kriuchkov đã đứng ra tập hợp lực lượng để "tìm cách giải nguy".

Chiều tối thứ bảy 18-8, vào cuối buổi làm việc, ông Kriuchkov đã gọi điện cho một số người thân cận, mời tới một căn cứ quân sự tại Moskva bàn chuyện đại sự. Sau cuộc họp kín, họ quyết định cử một phái đoàn tới Crimea, nơi M. Gorbachev cùng gia đình đang đi nghỉ dưỡng. Họ đã cố gắng thuyết phục tổng thống Liên Xô đứng về phía họ và hủy bỏ việc ký Hiệp định Liên bang mới, nhưng đã không thành công.

Vào thời điểm tháng 8 ấy, B. Yeltsin đang thăm chính thức Kazhastan (nước cộng hòa đầu tiên đồng ý ký Hiệp ước Liên bang mới). Cũng theo lời kể của A. Korzakov, có lẽ ông Nazarbayev (Nursultan Abishevich Nazarbayev, lãnh đạo Kazakhstan lúc đó) đã biết trước chuyện gì đó hoặc đã ngầm đoán được nên cứ tìm cách kéo dài chuyến thăm như bộ phận khánh tiết cứ bày hết bữa tiệc này đến bữa tiệc khác…

Theo lịch trình thì đã tới lúc phải rời đi, lịch bay đã được sắp xếp, nhưng chủ nhà vẫn chèo kéo mời mọc chén thù chén tạc. Tổ cận vệ của B. Yeltsin đã phải về nhà nghỉ rất muộn. Mới 6 giờ sáng hôm sau, trực ban đã đánh thức A. Korzakov bằng giọng thảng thốt: "Aleksandr Vasilievich, nước ta xảy ra đảo chính rồi!". Trong lúc mặc trang phục, A. Korzakov tranh thủ thu thập thêm tin tức và chạy tới chỗ gia đình B. Yeltsin đánh thức họ dậy.

Người Mỹ đã mật báo cho M. Gorbachev về âm mưu đảo chính

Đúng 6 giờ 5 phút ngày 19-8 tại Moskva, Phó Tổng thống Liên Xô Gennady Yanayev đã công bố sắc lệnh bất thường về việc Tổng thống Liên Xô Gorbachev do tình trạng sức khỏe suy yếu nên không thể đảm đương được chức trách của mình và bắt đầu từ ngày 19-8, ông Yanayev sẽ đảm nhận cương vị Quyền Tổng thống Liên Xô trên cơ sở điều 127 mục 7 Hiến pháp Liên Xô. Lúc này, tại biệt thự nghỉ dưỡng của mình ở Crimea, M.Gorbachev và gia đình bị quản thúc. Khi bị ép phải tuyên bố từ chức, ông ta thẳng thừng từ chối.

Boris Yeltsin chơi đàn domra tại Trung tâm Văn hóa Dân tộc trong chuyến thăm chính thức Kazakhstan tháng 8-1991. Ảnh- RIA Novostiv.

6 giờ 15 phút, Ban lãnh đạo mới của Liên Xô ban bố lệnh áp dụng tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực trong thời hạn 6 tháng. Một Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (viết theo những chữ cái đầu phiên theo tiếng Nga là GKCHP) đã được thành lập, đứng đầu là Phó Tổng thống Liên Xô Gennady Yanayev; các thành viên còn lại của Ủy ban gồm Chủ tịch KGB Vladimir Kriuchkov, Bộ trưởng Nội vụ Boris Pugo, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitri Yazov, Thủ tướng Valentin Pavlov... 9 phút sau, GKCHP đã ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào và nhận trách nhiệm nắm giữ vận mệnh Liên Xô.

Phó Tổng thống G. Yanayev cùng các thành viên GKCHP ngay lập tức lên đài truyền hình và phát thanh đưa ra một tuyên bố đanh thép buộc tội chính quyền của M. Gorbachev, nhưng giọng điệu yếu ớt và bàn tay run rẩy của G. Yanayev không giấu nổi trước ống kính máy quay khi đang phát biểu ngay lập tức khiến mọi người có cảm giác ông này không phải là người có thể vãn hồi được trật tự xã hội, điều nhiều người đang canh cánh mong chờ và hy vọng.

Những quyết định đầu tiên của Ủy ban tình trạng khẩn cấp đưa ra là cấm các đảng phái khác hoạt động, cấm tổ chức các cuộc mít tinh và đình bản một số ấn phẩm báo chí. Các chương trình truyền hình cũng bị cấm phát. Quân đội được đưa vào một số thành phố lớn của Liên Xô.

Khi ấy, có hiện tượng khiến A. Korzakov không thể giải thích nổi là nếu B. Yeltsin cùng bộ sậu đến Kazakhstan để chuẩn bị cho lễ ký kết một hiệp ước quan trọng như thế thì không hề có một ai chuẩn bị cho lễ ký cả. Theo lý giải của bản thân A. Korzakov, thông thường trong những trường hợp như thế thì trên báo chí phải có cả một chiến dịch tuyên truyền ầm ĩ, đằng này mọi sự vẫn diễn ra trong im lặng.

Nếu như ngày hôm sau  sẽ là ngày ký nhưng bộ phận bảo vệ của A. Korzakov không hề nhận được lịch trình hay địa điểm sẽ diễn ra sự kiện này; ai cũng phân vân không biết nó sẽ diễn ra ở Novo-Ogarevo hay Điện Kremli?

Cho đến nay, A. Korzakov dần dần nghiệm ra rằng, có vẻ như cả M. Gorbachev lẫn B. Yeltsin đã biết trước về việc lễ ký Hiệp ước liên bang mới sẽ không diễn ra. Còn trước thông tin về cuộc chính biến, B. Yeltsin lại tỏ ra bình thản; là do ông ta đã biết trước hay chưa thể hình dung ra hết chuyện gì đang xảy ra ở thủ đô Moskva?

Hay đơn giản chỉ là ông ta đã bị Tổng thống Kazakhstan Nursultan Abishevich chuốc rượu quá nhiều, rồi lúc lên máy bay còn uống thêm nữa nên rơi vào tình trạng "quắc cần câu"? Vì khi về tới Moskva thì B. Yeltsin đã say bí tỉ đến mức khi được Korzakov đánh thức vào lúc 7 giờ 30 thì ông ta lè nhè gắt: "Đánh thức cái gì? Chính biến cái gì? Các cậu bịa ra chuyện gì vậy?".

Về đến trụ sở Quốc hội của chính quyền CHLB Nga, thường được gọi là "Nhà Trắng Moskva", B.Yeltsin ngay lập tức được đại diện của đại sứ quán Mỹ, tọa lạc gần Nhà Trắng đưa ra đề nghị để B.Yeltsin tới ẩn náu trong tòa đại sứ trong trường hợp ông ta bị Ủy ban GKCHP ra lệnh bắt giữ. Chính A. Korzakov đã tiến hành thương thảo với đại diện đại sứ quán Mỹ về chuyện này.

Giữa họ đã đạt được thỏa thuận: trong trường hợp nếu Nhà Trắng bị tấn công, các cửa sau của Đại sứ quán Mỹ phải luôn luôn để ngỏ và tình trạng này có thể phải kéo dài trong ba ngày. Một khi đã chạy vào đây, "nạn nhân" có thể tá túc tới cả năm và từ đó sẽ thông báo đi khắp thế giới về những việc diễn ra ở nước Nga.

Ngoài phương án này, tổ cận vệ của B. Yeltsin còn đưa ra giải pháp sẽ cùng Tổng thống Nga chạy xuống tầng hầm Nhà Trắng, dưới đó có một công trình tránh bom khổng lồ và hiện đại, có khả năng bảo vệ trước bất cứ một loại bom công phá nào. Họ có thể ẩn náu dưới đó vài ba tuần và sau đó tìm đường thoát ra ngoài. Nghe trình bày về hai tình huống cùng các phương án tương ứng, B. Yeltsin đáp: "Tùy các anh (tổ cận vệ) quyết định!".

Sự hiện diện của người Mỹ trong tình thế này hoàn toàn không mang tính ngẫu nhiên. Từ đầu năm 1991, sau sự kiện quân đội Liên Xô tiến vào tòa nhà Quốc hội Cộng hòa Litva với ý định tái kiểm soát nước cộng hòa ly khai này, chắc chắn đó là lệnh từ Moskva, nhưng M. Gorbachov dính líu vào sự kiện này đến mức độ nào?

Mãi sau này, M.Gorbachev mới thừa nhận cuộc tấn công ấy "xảy ra sau lưng mình" do những người cứng rắn chống đối ông ta trong chính phủ tiến hành mà ông ta không hề biết. Chính quyền Mỹ biết rõ vấn đề chủ nghĩa dân tộc ở 15 nước cộng hòa Xôviết gây rất nhiều tranh cãi và cũng khó để cho M.Gorbachov cho phép 3 nước vùng Baltic theo gương các nước Đông Âu.

Tuy vậy, việc Moskva cố gắng áp đặt sự kiểm soát đối với Litva cũng làm người Mỹ lo lắng. Tổng thống Mỹ George W.H Bush cử Đại sứ Mỹ Jack Matlock đến Điện Kremlin để cảnh báo M.Gorbachov rằng, nếu còn để xảy ra bạo lực trong việc dàn xếp các xung đột dân tộc và quyền lợi của các nước cộng hòa thì quan hệ Xô-Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Tháng 6-1991, người Mỹ nhận được tin mật báo rằng, một số quan chức quốc phòng và an ninh của Liên Xô "có thể sẽ tiến hành đảo chính".

Tổng thống Bush đã mật báo thông tin này cho M. Gorbachov qua một cuộc điện đàm. Đại sứ Matlock cũng đích thân đến gặp M. Gorbachov để truyền đạt những thông tin đáng quan ngại, nhưng ông đã tỏ ý xem thường lời cảnh báo.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.