3 khẩu súng thần công “Bảo quốc an dân Đại tướng quân”
Bắt sò phát hiện cổ vật
Năm 2003, ngư dân xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) trong khi đánh bắt cá và lặn bắt sò ở vùng biển Hà Tĩnh, cách cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) hơn 50km về phía đông bắc, cách cửa Hội (Thạch Hà) 35km về phía đông, đã phát hiện một số cổ vật bằng đồng, trong đó có 3 khẩu súng thần công. Các cổ vật này đều nằm trong một con tàu cổ bị đắm ở độ sâu 28m. Ngư dân Cẩm Lĩnh cùng với ngư dân xã Thạch Kim (huyện Thạch Hà) trục vớt chúng lên.
Ngày 2/9, cả 3 khẩu súng được đưa lên ba thuyền chở về địa phương. Ba khẩu súng vừa vớt lên, các ngư dân liên hệ bán cho các nhà buôn bán đồ cổ tỉnh Thanh.
Nhận được tin báo của nhân dân, các cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh tìm cách tiếp cận với các cổ vật và giám định sơ bộ, xác định đây là loại súng thần công có giá trị lịch sử. Mặt khác, lãnh đạo Bảo tàng báo cáo với các cơ quan chức năng của tỉnh,... để tìm cách thu mua các cổ vật này. Ngày 7/9/2003, 1 trong 3 khẩu thần công đã bị dân buôn cổ vật chở ra đến huyện Nghi Xuân, 2 khẩu còn lại được chôn vùi ở bãi biển xã Cẩm Lĩnh.
Những khẩu thần công - Bảo vật quốc gia
Nói về súng thần công, thì Pháp là nước đầu tiên trên thế giới chế tạo loại này. Đến thế kỷ XVI, Trung Quốc mới có súng đại bác. Còn ở Việt Nam, khoảng thế kỷ XIV-XV, Hồ Nguyên Trừng đã cải tiến máy bắn đá thời thượng cổ thành những khẩu pháo. Tuy nhiên, kỹ thuật đúc đại bác của Việt Nam khi ấy còn rất thô sơ. 3 khẩu súng thần công tại Bảo tàng Hà Tĩnh được đúc dưới thời Vua Minh Mạng, triều đình nhà Nguyễn.
Theo các tài liệu của Bảo tàng Mỹ thuật Cố đô Huế, triều đình nhà Nguyễn đã đúc 2.468 khẩu súng thần công, riêng Vua Minh Mạng đúc 1.028 khẩu, bao gồm 269 khẩu bằng đồng, trong đó có 3 khẩu "Bảo quốc an dân Đại tướng quân". Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử - TP HCM đang lưu giữ 11 khẩu và ở Huế 24 khẩu thần công bằng đồng. Trong đó lớn nhất là 9 khẩu đúc vào năm Gia Long thứ hai (1803), xong vào năm 1804. Chúng được lấy tứ thời (xuân, hạ, thu, đông) và ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) đặt tên và được vua phong "Thần oai vô địch Thượng tướng quân". Trên thân các súng này có khắc bài minh văn nêu lý do và thời gian đúc. Súng có trọng lượng, kích thước lớn, nhưng không có hoa văn trang trí.
Ba khẩu súng thần công "Bảo quốc an dân Đại tướng quân" tại Bảo tàng Hà Tĩnh, được đúc bằng đồng, có thân hình trụ nhỏ dần từ đuôi đến miệng. Đường kính lớn nhất ở đuôi súng là 0,4m, ở miệng súng là 0,3m. Súng dài 2,42m, có trọng lượng gần 1.300kg. Trên thân súng có 8 gờ nổi, bên cạnh bố trí 9 điểm hoa văn trang trí, phân chia súng thành nhiều phần.
Hoa văn chủ yếu là hình hoa cúc dây cách điệu, móc tròn lồng nhau, hình lá đề hay các chấm tròn. Các hoa văn này được làm thủ công, nhưng rất tinh vi, cầu kỳ và nuột nà. Nhìn những bông hoa cúc được uốn, được đục, tỉa trên đồng mà giống như những bông hoa thật. Tất cả hoa văn trang trí đều được bọc một lớp bạc dày 0,6mm và được chạm rất công phu, tỉ mỉ, thể hiện tài nghệ của cha ông xưa.
Tại các chân gờ nổi, ở sát diềm hoa văn là những vòng bạc, kích thước 4mm x 4mm chạy vòng quanh súng, hòa quyện với các hoa văn, tạo nên nét đẹp rất riêng và độc đáo. Cả 3 khẩu thần công này cùng được đúc năm 1821 giống hệt nhau về hình dáng, kích thước, trọng lượng và các đặc điểm hoa văn trang trí; chỉ có nội dung bài minh văn bằng chữ Hán khảm bạc trên súng là khác nhau. Giữa thân súng là 2 quai hình rồng cách điệu được khảm bạc. Quai nhô lên khỏi thân súng 0,13m, dài 0,13m, gắn song song dọc thân súng.
Cạnh hai quai là hai tai súng hình trụ, nhô ra khỏi thân súng, đường kính 0,12m để gắn súng vào giá đỡ. Trên bề mặt hình trụ của tai súng có các dòng chữ Hán, được khảm bạc chìm, ghi kích thước, trọng lượng và cách sử dụng súng. Gần phía đuôi súng có ô đúc nổi hình chữ nhật, kích thước 32cmx19cm. Vòng quanh hình chữ nhật là dải hoa văn trang trí, rộng 6,5cm, bao gồm vân mây, móc lồng.
Đặc biệt, dọc theo chiều dài hình chữ nhật là hai cặp rồng chầu mặt nguyệt (trên và dưới), chiều rộng là hai con rồng đối xứng qua ô chữ mang phong cách thời Nguyễn, rất tinh xảo, đường nét nhỏ, sắc sảo và sống động. Trong ô đúc nổi hình chữ nhật có bài minh văn bằng chữ Hán. Nội dung ba bài minh văn trên ba súng bị mất nhiều chữ và chi tiết có khác nhau, nhưng đều ghi thời gian thu gom nguyên liệu đồng, lệnh đúc và lý do, ý nghĩa của việc đúc súng, đồng thời truyền lại các đời sau. Ngay sát ô hình chữ nhật, về phía miệng súng là biểu tượng, đúc nổi hình lá đề (hình con cờ trong con bài) được trang trí cúc dây, móc xoắn và chấm tròn. Trên các hoa văn trang trí đều được khảm bạc rất đẹp.
Ở phần cuối đuôi súng có dòng chữ Hán khảm bạc chìm, ghi rõ năm đúc và tên gọi: “Minh Mạng nhị niên tuế thứ Tân Tị, cát nguyệt nhật chú, mệnh danh Bảo quốc an dân Đại tướng quân; tam vị chi nhất, chi nhị, chi tam”, có nghĩa là: “Súng đúc vào ngày tháng tốt năm Tân Tỵ, Minh Mạng năm thứ hai, đặt tên Bảo quốc an dân Đại tướng quân, khẩu thứ nhất, thứ hai, thứ ba”.
Đây là 3 khẩu thần công bằng đồng có giá trị nhất được đúc trong triều đại nhà Nguyễn nói riêng và các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung. Vì hiện nay, bảo tàng trong cả nước chưa tìm thấy khẩu thần công nào lớn và có trang trí hoa văn cầu kỳ và khảm bạc đẹp đến như thế. Các nhà khảo cổ học, các nhà nghiên cứu lịch sử đang đưa ra giả thiết, phải chăng 3 khẩu súng thần công này, ngoài giá trị sử dụng như một vũ khí thần diệu, nó còn mang ý nghĩa biểu thị uy quyền oai phong của triều Nguyễn, là báu vật được tôn sùng như những vị thần linh thiêng và truyền nối các đời sau thờ cúng như các bài minh văn đã ghi trên súng?
Bảo tàng Hà Tĩnh đang làm hồ sơ đề nghị công nhận 3 súng thần công "Bảo quốc an dân Đại tướng quân" là những bảo vật quốc gia.
Bảo vệ và tôn tạo để gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc
3 khẩu thần công "Bảo quốc an dân Đại tướng quân" do bị ngâm dưới đáy đại dương lâu ngày làm chúng bị hư hỏng nhiều. Cùng với đó, khi vớt lên, các ngư dân đã bóc phần bạc còn dính lại trên súng để bán. Hiện tại, súng thần công số 2 đang còn bạc bọc của gần bốn diềm hoa văn và một số vòng bạc chạy quanh súng. Khẩu thần công số một và số ba mất toàn bộ bạc khảm. Cốt đồng bên trong của hoa văn bị phá hủy rất nhiều, gây khó khăn cho quá trình tu sửa, phục hồi.
Sau khi sưu tầm được 3 khẩu thần công, Bảo tàng Hà Tĩnh đề nghị Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSVN) phối hợp nghiên cứu xử lý loại bỏ muối biển. Đây là công việc rất cần thiết vì những hiện vật bằng kim loại được vớt lên từ môi trường nước biển có nhiều muối. Bằng kinh nghiệm và trách nhiệm của mình, các cán bộ kỹ thuật bảo quản của BTLSVN đã ngâm rửa bùn, hàu hến bám trên bề mặt và trong nòng súng. Sau đó, tiếp tục dùng nước cất ngâm rửa nhiều lần. Sau khi loại bỏ được muối, dùng chất ức chế để ngăn chặn sự ăn mòn tiếp theo.
Để trả lại vẻ đẹp vốn có của 3 khẩu thần công, phải tu sửa, phục hồi bạc bọc ở các hoa văn, các chữ và các vòng bạc ở các chân gờ nổi. Đây là công việc không ít khó khăn cả về kinh phí và kỹ thuật. Kỹ thuật tái tạo cốt đồng ở các hoa văn bị mất bằng vật liệu gì, gắn kết như thế nào, việc bọc bạc và tách, tỉa trên các hoa văn đảm bảo thẩm mỹ là những vấn đề nan giải và để phục hồi bạc bọc phải tiêu tốn tiền tỉ.
Từ năm 2006, được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Tĩnh cho phép, một số cán bộ bảo quản của BTLSVN và một số nghệ nhân kim hoàn từ Huế, TP HCM được mời tham gia khảo sát, nghiên cứu đã cùng nhau thống nhất được quy trình và các giải pháp tu sửa. Năm 2007 tiến hành phục chế được một số diềm hoa văn trang trí ở súng thần công số hai đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật và mỹ thuật.
Thành công ban đầu được sở VH-TT&DL Hà Tĩnh ghi nhận và cho phép triển khai tiếp. Nhưng Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, kinh phí hàng năm cấp cho bảo tàng hoạt động rất hạn chế. Năm 2008 và 2009, các chuyên gia và nghệ nhân cùng với Bảo tàng Hà Tĩnh tiếp tục phục hồi phần bạc ở súng số hai. Sau 3 năm tu sửa (ba đợt), phục hồi được 9 diềm hoa văn trang trí, hình con cơ và các vòng bạc chạy quanh súng thần công số hai. Những đường nét của hoa văn được chạm, tách, tỉa sắc nét, nuột nà gần như ban đầu.
Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, hàng năm chỉ trích một phần kinh phí quá nhỏ nhoi so với khối lượng công việc, vì vậy, khẩu thần công số hai đang còn hoa văn ở ô hình chữ nhật, tay nắm hình rồng, các chữ Hán. Còn khẩu thần công số một và số ba bị hư hỏng toàn bộ bạc, đang đợi tu sửa, phục chế. Mặc dù ban lãnh đạo Bảo tàng Hà Tĩnh rất tâm huyết, chạy vạåy và gõ cửa nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm ra một Mạnh Thường Quân nào