Đòn phủ đầu vào các mục tiêu của Mỹ và Việt Nam cộng hòa

31-1-1968 – Sài Gòn đêm rung chuyển

Thứ Sáu, 26/01/2018, 06:08
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã qua tròn 50 năm. Và khi nói tới sự kiện này, không ai có thể không nhắc tới biệt động Sài Gòn – một lực lượng mang tính đặc chủng, số lượng ít, trang bị vũ khí nhẹ nhưng đã gây nên bao nỗi kinh hoàng cho quân địch.

Những chiến công xuất sắc của lực lượng biệt động mang một giá trị lớn khi đánh thẳng vào các mục tiêu đầu não ngay tại Sài Gòn, làm rung chuyển quân địch trên chiến trường và tác động không nhỏ đến nước Mỹ.

Từ “Kế hoạch X”

Tháng 4-1965, tại căn cứ Suối Dây, tỉnh Tây Ninh, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định họp triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu “Kế hoạch X” đã được đặt ra từ trước mùa khô năm 1964-1965 với phương án chuẩn bị tích cực kiềm chế và thắng địch trong cuộc “Chiến tranh đặc biệt” ở mức cao nhất tại miền Nam.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp trên giao cho Quân khu Sài Gòn – Gia Định về mặt vũ trang là tiến hành xây dựng một lực lượng biệt động cùng các điều kiện bảo đảm cho lực lượng này có thể cùng một lúc bất ngờ tập kích chiếm lĩnh các cơ quan đầu não cấp trung ương của chính quyền Việt Nam cộng hòa tại Sài Gòn –Chợ Lớn và vùng ngoại ô khi có thời cơ chiến lược.

Lệnh tổng tiến công làm rực sáng Sài Gòn.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Quân khu ủy và Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn – Gia Định thành lập Đoàn biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định với mật danh F100 và bí mật tiến hành chuẩn bị các điều kiện như nơi cất giấu vũ khí, nơi tập kết quân, phương tiện vận chuyển, chiến đấu... Các mục tiêu tiến công đã được xếp vào danh sách loại A, là 25 cơ quan đầu não của địch về quân sự, chính trị, kinh tế, các khu vực xung yếu về quân sự, các đầu mối giao thông thủy bộ…

... cho tới “Giờ G”

Với những chiến lược đã định từ trước, Trung ương Cục và Quân ủy Miền xác định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Sài Gòn-Gia Định là chiến trường  trọng điểm, nơi có các mục tiêu quan trọng. Đánh vào những mục tiêu này, là đánh thẳng  vào ý chí xâm lược của kẻ thù. Trong nhiệm vụ trọng yếu mà Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền giao cho Sài Gòn-Gia Định thì trọng trách đánh vào cơ quan đầu não của Mỹ sẽ do lực lượng biệt động đảm nhiệm. Đây là nhiệm vụ nặng nề, phức tạp nhưng cũng hết sức vinh quang đối với lực lượng biệt động đã được cấp trên tin tưởng giao phó.

Để đảm bảo tác chiến thành công, lực lượng biệt động Sài Gòn được lập thành 9 đội biệt động với trên 100 cán bộ và chiến đấu viên, chia thành 3 cụm để tấn công các mục tiêu: Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam cộng hòa, cổng Phi Long (sân bay Tân Sơn Nhất), biệt khu Thủ đô, khám Chí Hòa. Và đến giờ chót, chỉ cách giờ nổ súng 1 tuần, mục tiêu tòa Đại sứ Mỹ được đưa thêm vào danh sách. Trước tình thế này, lực lượng biệt động Sài Gòn cấp tốc thành lập thêm Đội biệt động số 11 và đưa thêm vũ khí từ Củ Chi về Sài Gòn cất giấu để kịp thời tác chiến cùng lúc với các mục tiêu khác.

Ở thời điểm này, lực lượng phòng thủ bảo vệ Sài Gòn của Mỹ và Việt Nam cộng hòa có 8 sư đoàn và 8 tiểu đoàn thủy quân lục chiến cùng 20 vạn lính địa phương và các đơn vị cơ giới binh chủng. Nếu so sánh về lực lượng, địch chiếm ưu thế hoàn toàn về binh, hỏa lực và phương tiện.

Quân địch hốt hoảng trước sức tiến công của lực lượng biệt động.

Nhưng lợi dụng sơ hở xuất phát từ sự chủ quan trong những ngày Tết của địch, lực lượng biệt động Sài Gòn lên phương án lọt vào trong lòng địch, đánh từ trong ra để gây rối loạn, biến động. Các chiến sĩ biệt động đã đột nhập an toàn vào nội thành từ nhiều hướng, liên lạc với nhau tại các điểm hẹn, nhận nhiệm vụ, chuẩn bị phương án và vũ khí.

Ngày 30 Tết, các đơn vị đã hoàn tất công tác chuẩn bị… và giữ được bí mật cho tới giờ G nổ súng. Các chiến sĩ biệt động ai nấy đều có chung một tâm trạng phấn khởi, tin tưởng trước khi vào trận đánh. Hàng trăm chiến đấu viên đã bước vào cuộc tiến công và nổi dậy với một quyết tâm cao độ.

Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, mệnh lệnh tiến công được bắt đầu. Quân Giải phóng và lực lượng vũ trang đồng loạt tiến công vào các thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ và hàng loạt căn cứ, kho tàng, sở chỉ huy, sân bay, bến cảng... của địch, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Và lực lượng biệt động Sài Gòn, từ khắp các điểm náu quân cũng đồng loạt tiến công các mục tiêu đã định.

Những trận đánh rung chuyển Sài Gòn

16 chiến sĩ biệt động của Đội biệt động số 11 có nhiệm vụ tiến công vào tòa Đại sứ Mỹ đã cải trang, tạo thế hợp pháp đi qua các trạm gác của địch, tiếp cận mục tiêu. Tòa đại sứ Mỹ nằm ở phố Hàm Nghi, vào năm 1965 đã bị lực lượng biệt động Sài Gòn phá sập nên phải xây lại đến năm 1967 mới xong. Lo sợ lại bị tấn công lần nữa nên tòa đại sứ mới được cấu trúc vững chắc hơn, bảo vệ cẩn mật hơn. Với mục tiêu kiên cố và được bảo vệ như thế, các chiến đấu viên của Đội biệt động 11 đã quyết tâm rất cao để thực hiện nhiệm vụ.

Đúng giờ G, 1 chiến sĩ biệt động dùng bộc phá phá vỡ mảng tường phía trước tòa đại sứ làm cửa đột nhập. Bất ngờ trước tiếng nổ lớn, lại đang trong những ngày Tết nên quân địch hốt hoảng, chưa kịp đối phó. Toàn đội biệt động nhanh chóng lao vào phía trong, chia làm ba mũi công kích. Mũi thứ nhất tiêu diệt toán lính gác, mũi thứ hai chiếm giữ cổng sau, mũi thứ ba đánh vào tòa nhà làm việc của nhân viên.

Chỉ sau 5 phút chiến đấu, lực lượng biệt động đã chiếm được tầng 2 của tòa nhà. Sau giây phút bàng hoàng vì quá bất ngờ, địch bắt đầu phản kích nhưng cả ba đợt phản kích đều bị lực lượng biệt động đánh lui.

Cho tới 9h, Mỹ dùng máy bay lên thẳng đổ quân cảnh xuống nóc tòa nhà rồi dùng chất độc hóa học từ trên đánh xuống, kết hợp cùng lực lượng từ bên tòa đại sứ Pháp kế cận đánh sang. Các chiến sĩ biệt động chiến đấu giữ từng cầu thang, từng căn buồng, nhưng lực lượng mỏng, các chiến đấu viên đã ngoan cường chiến đấu đến người cuối cùng. Phía Mỹ đưa tin, sau trận tập kích của lực lượng biệt động vào tòa đại sứ Mỹ, đã có “5 binh sĩ Mỹ tử trận, 24 người chết trong bệnh viện, 124 người bị thương”.

Tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố.

Trận tập kích vào tòa đại sứ đã gây xôn xao dư luận nước Mỹ và thế giới. Ngay ngày hôm sau, tờ Thời báo New York bình luận: “Cuộc tiến công của đối phương vào tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cho thấy thêm những bằng chứng đau xót về sức mạnh có hạn của Mỹ ở Châu Á”.

Tờ Tin tức Washington đã viết: “Các cuộc tiến công ồ ạt, táo bạo của Cộng sản ngày 31-1 là một điều đáng kinh ngạc. Mỹ đã phải dùng máy bay lên thẳng đổ bộ xuống nóc nhà sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đang mù mịt trong khói đạn để giành lại ngôi nhà được coi là “chống du kích”, đã bị Cộng sản chiếm trong 6 giờ liền. Chỉ riêng cảnh tượng đó cũng đủ để xóa tan những nhận định lạc quan trước đó của Chính phủ Tổng thống Johnson”.

Hay như Don Oberdoifer, một nhà báo Mỹ có mặt tại Miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân  đã viết trong một cuốn sách dày ngót 400 trang với tựa đề “Tết” được xuất bản tại New York:  “Tuy là một trận đánh nhỏ về số người tham gia, nhưng đã kích động mạnh mẽ công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý. Sứ quán Mỹ, nơi ngọn cờ sao và vạch chính thức cắm trên lãnh thổ Việt Nam, là điểm tượng trưng cho cố gắng và quyền lực Mỹ! Trận đánh đã khiến cho người ta thấy lực lượng Cộng sản mạnh hơn nhiều so với chính phủ Mỹ tuyên truyền...”.

Nhiệm vụ tấn công vào Dinh Độc Lập thuộc nhiệm vụ của đội biệt động số 5. Khoảng 1h30' ngày 31-1, 15 chiến đấu viên đi trên ba xe ô tô  tải nhỏ, xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Khi vào đến gần mục tiêu thì bị phát hiện, ta lập tức nổ súng. Chiếc xe tải đi đầu mang khối thuốc nổ gần 200kg lao nhanh tới phá cổng.

Địch huy động lính ào ra bịt cửa. Các chiến đấu viên buộc phải triển khai chiến đấu trên đường Nguyễn Du. Khi đoàn xe vào đường Nguyễn Du, những ụ gác của quân đội Mỹ ở đây nhốn nháo đề phòng. Chiếc xe đi đầu đã tiêu diệt ụ gác đầu tiên rồi nhanh chóng phóng đến cổng sau Dinh Độc Lập để một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng. Nhưng khối thuốc không nổ, 5 chiến sĩ trèo qua tường rào, tấn công vào trong dinh.

Lực lượng phòng vệ của quân đội Mỹ, sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, 5 chiến đấu viên đã hy sinh. Những người còn lại trong đội xác định không đánh được vào trong dinh thì sẽ chiến đấu ở bên ngoài dinh. Tuy lực lượng mỏng, tình thế bất lợi nhưng đội biệt động vẫn kiên cường đánh trả hai tiểu đoàn địch, dùng B40 bắn cháy 2 xe chỉ huy, quét diệt từng cụm quân địch. Cuộc chiến đấu không cân sức kéo dài đến 5h sáng, đội biệt động đã hy sinh 8 người, 4 người bị thương nặng, 3 người còn lại vẫn bám từng căn nhà, gốc cây, kiên cường chiến đấu…

Trong trận đánh tại Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam cộng hòa, 3 cụm biệt động với 27 chiến đấu viên đến giờ nổ súng đã tiêu diệt 1 trạm gác, lọt vào cổng, phát triển tiến công vào bên trong. Địch với số quân đông gấp nhiều lần đã phản kích ác liệt. Trận đánh kéo dài cho đến ngày mùng 3 Tết, tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên địch, 2 xe thiết giáp và đại liên của chúng bị phá hủy. Hai chiến đấu viên của đội biệt động hy sinh, số còn lại hầu hết đã bị thương, buộc phải rút ra ngoài vì hết đạn.

Mục tiêu tiến công của Đội biệt động số 3 là Đài Phát thanh Sài Gòn. Toàn đội gồm 12 người được ém sẵn trong gia đình đồng chí Trần Phú Cương, tại ngôi nhà 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần đài phát thanh. Chỉ sau vài phút tiến công, các chiến đấu viên đã chiếm giữ được đài phát sóng. Địch dùng cả xe tăng, bộ binh, máy bay đánh giải tỏa liên tục. Đội  biệt động đã chiến đấu quả cảm, đến 6h ngày 31-1, 10 người trong đội đã hy sinh, hai chiến sĩ biệt động cuối cùng buộc phải  dùng bộc phá đánh hỏng các thiết bị phát thanh của địch.

Tại Bộ Tư lệnh Hải quân, 14 chiến sĩ biệt động tiến công chiếm giữ mục tiêu trong 3 giờ, lực lượng địch đông và phản kích quyết liệt, 12 người đã hy sinh.

Vậy là, trong ngày mở màn chiến dịch Xuân Mậu Thân, 31-1-1968, lực lượng biệt động Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm 5 mục tiêu là những cơ quan trọng yếu của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Các trận đánh đã gây được tiếng vang lớn, làm rung chuyển cả Sài Gòn, đặc biệt là trận tiến công vào Đại sứ quán Mỹ đã gây chấn thương tinh thần cho giới lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Ngay sau những trận đánh của lực lượng biệt động vào các cơ quan đầu não của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, tờ Tin hàng ngày Washington đã đăng 1 bài xã luận với tựa đề: “Chúng ta trước đây ở đâu? Chúng ta hiện nay đang ở đâu”? Kèm theo bài báo là bức biếm họa vẽ tướng Westmoreland bị một chiến sĩ giải phóng gí súng vào bụng ở trong góc một ngôi nhà có đề chữ Sứ quán Mỹ - Sài Gòn. Súng của Westmoreland  rơi xuống đất, những ngôi sao bật khỏi cầu vai áo... Bức biếm họa với dòng phụ đề: “Chúng ta đi qua chỗ ngoặt… tướng Westmoreland ạ”.

Là một lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, biệt động Sài Gòn đã khẳng định được vị trí vai trò xung kích của mình bằng những chiến công xuất sắc đánh thẳng vào trung tâm đầu não chiến tranh của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Những chiến công này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và cả miền Nam, tạo một bước ngoặt mới làm thay đổi cục diện chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến tiến lên giành hoàn toàn thắng lợi vào mùa Xuân năm 1975.

Minh Khôi (Tổng hợp theo tài liệu “Về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968” –NXBQĐND)
.
.