53 năm và câu chuyện xúc động về tình quân dân

Thứ Sáu, 25/12/2020, 09:17
Năm 1967, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 261 của chúng tôi triển khai đội hình trên địa bàn xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Tôi và 2 đồng chí trong kíp trực được bố trí về ở trong gia đình bà Khước. Một câu chuyện cảm động đã diễn ra và trải dài cho tới 53 năm sau…

Chiếc xe đạp mới

Chồng bà Khước là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông bà có 4 người con, 3 gái và 1 trai. Ba người con gái đã có chồng, Người con gái thứ ba tên là Mai là Trưởng Trạm y tế xã Hoàng An. Người con trai tên là Tâm đang học lái xe bên Trung Quốc. Nhà có 4 gian, bà Khước dành cho chúng tôi 3 gian nhà ngoài, gian giữa đặt bàn thờ, hai gian bên có 2 chiếc giường tre khá chắc chắn. Bà rất quí anh em chúng tôi, đặc biệt là tôi. Mới sau khoảng 1 tuần được gần gũi bà vào những giờ chúng tôi được nghỉ trực, bà đã tâm sự với tôi điều mà tôi chưa dám nghĩ tới. Bà nói:

"Nhìn anh, tôi lại càng nhớ đến thằng Tâm nhà tôi. Nó đang học ở Trung Quốc. Bên đó không có chiến tranh, song tôi vẫn mong nó sớm được trở về Việt Nam để tìm cho nó một người vợ. Ở xóm này có mấy cô gái chịu khó công việc đồng áng và nết na lắm. Tôi muốn anh tìm hiểu, ưng cô nào, tôi sẽ lo cưới cho và tôi cho một nửa  vườn trước nhà để anh chị làm nhà. Anh sẽ là anh trai thằng Tâm nhà tôi".

Tác giả (đứng thứ 4 từ trái qua) vui mừng được gặp lại những người con của mẹ Khước (ngồi hàng trước) và các đồng chí lãnh đạo địa phương.

Nghe bà tâm sự, tôi cám ơn bà và nói với bà: "Đang có chiến tranh, chúng con chưa dám nghĩ tới chuyện đó!". Nhưng những lần sau, bà vẫn thủ thỉ với tôi chủ đề này. Bà còn nói là ngôi nhà ở vườn trước cửa phía bên phải là của vợ chồng người con gái cả, anh ấy quê ở Nghệ An (sau năm 1975, gia đình người con gái cả chuyển về Thái Nguyên). Bà muốn phần đất còn lại sẽ cho tôi nếu tôi lấy vợ là một trong số người bà giới thiệu. Tôi thực sự xúc động bởi tình cảm của bà đã và đang dành cho tôi. Đến lúc này, tôi phải nói thực với bà rằng, tôi có người mẹ đã gần 60 tuổi đang ở một mình dưới quê Nam Định. Mẹ tôi lại bị bệnh thiên đầu thống, nên tôi không thể lấy vợ ở xa quê. Sau khi biết mẹ tôi đang sống một mình trong hoàn cảnh khiếm thị, bà lại càng quí mến và thương yêu tôi. Nhiều đêm, chúng tôi thay ca trực muộn, về nhà đi ngủ ngay. Thấy chúng tôi không mắc màn, bà đã mắc màn cho chúng tôi.

Sau gần 1 tháng ở Hoàng An, đơn vị chúng tôi được lệnh chuyển quân vào Khu 4. Trước ngày chuyển quân, những đồng chí có gia đình ở các tỉnh cách Hà Nội trong vòng 100 cây số được đơn vị cho nghỉ 2 ngày rưỡi về thăm gia đình. Chiều hôm đó, thấy tôi chưa về, bà hỏi tại sao không về thăm mẹ? Tôi thưa với bà là sớm mai con mới ra đường quốc lộ đón xe đi nhờ về Hà Nội. Rồi từ Hà Nội, con mượn xe đạp của người quen để về Nam Định. Nghe tôi nói xong, bà bảo tôi: "Con chuẩn bị về đi, sẽ có xe đạp cho con về thăm mẹ".

Di ảnh cụ Khước trên bàn thờ nhà ông Tâm.

Bà chạy đi khỏi nhà. Một lát sau, bà và chị Mai đem xe đạp về cho tôi. Tôi nhìn thấy bà, chị Mai dắt chiếc xe đạp "Thống nhất" còn mới. Đây là chiếc xe mà chị Mai được mua theo tiêu chuẩn của Trưởng trạm y tế xã. Thấy tôi chần chừ không dám nhận, bà nói ngay: "Con ạ! Mẹ con ở Nam Định còn vất vả hơn mẹ ở trên này nhiều! Em Tâm đi học tận mãi Trung Quốc, song ở quê nhà, mẹ đã có 3 chị chăm lo. Con tranh thủ về Nam Định với mẹ đi. Đơn vị chuyển tít vào Khu 4, bao giờ con mới được về thăm mẹ? Con người là vốn quí, người còn là xe còn, thậm chí nếu trên đường đi, chẳng may xe bị hỏng cũng không sao. Em Mai đã đem về giao cho con, con về ngay tối nay đi...". Tôi quá xúc động nhận chiếc xe đạp từ tay chị Mai và xin phép bà nhanh chóng rời Hoàng An về Hà Nội. Đêm hôm đó tôi kịp đi chuyến tàu hỏa Hà Nội - Vinh có đỗ ở ga Cát Đằng, cách gia đình tôi hơn 3 cây số.

Anh em trong xóm tôi cũng là người trong cùng dòng tộc đến thăm tôi. Nhìn thấy chiếc xe đạp mới, nhiều người trong số đến chơi còn nói vui: "Có khi bà chủ nhà muốn gả con gái cho cháu chúng ta đấy!". Nghe tôi nói rõ tình cảm của bà chủ nhà đã dành cho tôi và biết 3 người con gái của bà đã yên bề gia thất, hiểu rõ câu chuyện con gái bà chủ cho tôi mượn xe đạp để tôi sớm được về thăm người mẹ già hàng ngày đang mong tôi sớm có vợ, mọi người trong dòng tộc tôi, ai cũng cảm động về nghĩa cử của bà chủ nhà ở Hà Bắc và các con bà.

Tôi được ở nhà với mẹ được gần 30 tiếng đồng hồ. Nhờ có chiếc xe đạp, tôi đạp xe gần 200 cây số, về tới Hoàng An mới có 22 giờ. Người khỏe và xe cũng không bị hư hỏng gì.

Cuộc hội ngộ xúc động

Cuộc chiến đã đưa tôi vào chiến trường Nam Quân khu 4. Người mẹ thân thương của tôi ở Nam Định không chờ tôi về thăm lần nữa. Nghĩ tới chuyến về thăm mẹ ở quê lần cuối có sự hỗ trợ phương tiện xe đạp của gia đình bà Khước, nhất là trong hoàn cảnh khi đó tôi và chị Mai chưa gặp nhau lần nào, song chị Mai đã nghe lời mẹ, đem xe đạp mới "bóc tem" cùng với mẹ về nhà ngoại để trao xe đạp cho tôi về Nam Định trong bối cảnh máy bay Mỹ ném bom xuống miền Bắc bất kỳ lúc nào, tôi càng thấy giá trị sự quan tâm đó quá lớn, rất nhân văn, rất tình người. Tôi lập gia đình với người cùng quê. Mấy lần tôi ghi thư về Trạm y tế xã Hoàng An cho chị Mai, song không nhận được thư của chị Mai.

Tác giả và bà Mai vui mừng được gặp lại nhau sau 53 năm.

Mặc dù mới vào tuổi 80, song tôi vẫn có nguyện vọng được về Hoàng An để trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn gia đình bà cụ Khước và bà con chòm xóm đã quan tâm, giúp đỡ chúng tôi trong những ngày đóng quân ở đó, đặc biệt là chị Mai khi đó, bà Mai bây giờ.

Nhân ngày 20 -10, ngày hội của chị em phụ nữ Việt Nam, tôi ghi thư về cho Đảng ủy, UBND xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang kể lại câu chuyện trên và nhờ các đồng chí lãnh đạo địa phương tìm giúp ân nhân của tôi và cho tôi biết thông tin về họ. Chiều 21-10, tôi nhận được cuộc gọi điện thoại từ máy lạ. Người đang nói chuyện với tôi là cháu nội của bà cụ Khước, anh tên là Trung, con trai thứ hai ông Tâm. Anh Trung đang là Chủ tịch UBND xã Hoàng An.

Tôi vô cùng phấn khởi và cảm động. Và tối 22-10, anh Trung đã bấm máy để ông Tâm và chúng tôi nói chuyện với nhau bằng hình ảnh qua mạng Zalo. Khi nói chuyện với vợ tôi, ông Tâm đã mời chúng tôi về thăm Hoàng An vào ngày chủ nhật 24-10, ông Tâm nói cháu Trung sẽ đưa xe về Hà Nội đón hai bác. Chúng tôi quá vui và xúc động về tình cảm của gia đình ông Tâm. Song chúng tôi không thể nhận lời mời chân tình đó, vì ngày 24-10 chúng tôi có việc trọng đại trong gia đình.

Cũng vì công việc của đoàn thể của cả Trung và của tôi, nên mãi đến ngày 14 tháng 11, sau hơn 3 tuần lễ kể từ ngày kết nối liên lạc được với gia đình ông Tâm, tôi cùng 3 người con mới trở về Hoàng An để tri ân những người cách đây hơn nửa thế kỷ đã dành cho tôi một sự giúp đỡ đầy lòng nhân ái, đồng thời cũng để cám ơn nhân dân xã Hoàng An đã giúp đỡ đơn vị chúng tôi trong những ngày triển khai trận địa ở đó. Anh Trung đã ra trạm y tế xã Hoàng An chờ và đón chúng tôi.

Ông Tâm và tác giả cùng nhìn vào nền nhà cũ cách đây 53 năm là nơi ở của cụ Khước.

Cuộc hội ngộ đầy xúc động đã diễn ra tại gia đình ông Tâm tọa lạc trên thổ cư mà cách đây hơn nửa thế kỷ tôi đã được sống trong tình thương yêu của người mẹ mà năm 1973, mẹ đã ra đi về cõi vĩnh hằng theo chồng là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đón cha con chúng tôi không chỉ có những người con, người cháu, người chắt nội ngoại của cụ Khước, mà còn có đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, Phó chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Xã đội trưởng, Trưởng Công an xã và Trưởng thôn. Khi chúng tôi dâng hương kính cáo hai cụ, tôi thực sự xúc động nhìn thấy mâm cỗ thịnh soạn mà ông Tâm đã đặt lên ban thờ trước khi chúng tôi đến. Ông Tâm nói với tôi: "Sinh thời, mẹ đã kể chuyện cho em nghe về anh, về hoàn cảnh sinh hoạt của mẹ anh. Mẹ thương và quí anh lắm. Được biết anh về, em làm mâm  cơm kính cáo cha mẹ".

 Tôi nghẹn ngào kể lại câu chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ cho mọi người nghe, bày tỏ lòng biết ơn chân thành vô hạn trước vong linh cụ, cảm ơn chị Mai khi đó, bà Mai ngày nay đã kính trọng người mẹ sinh ra mình, thương cảm hoàn cảnh neo đơn của mẹ tôi và tuyệt đối tin tưởng vào tôi - người lính của Cụ Hồ, nên đã cho tôi mượn chiếc xe đạp được coi là tài sản cao nhất của gia đình lúc bấy giờ. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các đồng chí lãnh đạo địa phương đã dành cho cha con tôi sự đón tiếp rất xúc động.

Trong bữa cơm liên hoan gặp mặt sau hơn nửa thế kỷ, tôi đã có dịp đến từng bàn (8 bàn), cảm ơn các thế hệ con cháu của cụ Khước đã coi chúng tôi như những người trong gia đình đi xa đã mấy chục năm, nay mới tìm về cội nguồn. Tôi cũng cám ơn và vui mừng được chúc các đồng chí lãnh đạo địa phương về danh hiệu "Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" mà Xã Hoàng An được Nhà nước phong tặng cách đây 10 năm. Con gái chúng tôi đã ôm bà Mai và trao lá thư của mẹ cho bà. Vì bị bệnh tiền đình, không đi được xe ô tô, vợ tôi đã ghi thư cho bà Mai.

Các đồng chí lãnh đạo địa phương đánh giá cao tình cảm giữa chúng tôi với đại gia đình cụ Khước, coi đó là đỉnh cao của tình cảm Quân- Dân trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ. Đồng chí Bí thư Đảng ủy đã mời cha con tôi ở lại, hôm sau dự buổi họp mặt toàn dân trong thôn nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam  - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020).

Ngay tối hôm trở về nhà, khi các con chúng tôi đang kể lại cho mẹ nghe về buổi họp mặt ở Hoàng An, thì bà Mai đã gọi điện vào số máy của tôi để nói chuyện với vợ tôi. Cuộc nói chuyện của hai bà kéo dài hơn 20 phút. Nhìn vào nét mặt vợ tôi, tôi thấy bà xúc động thực sự. Cuộc hội ngộ đầy xúc động nói trên đã đem lại cho tôi một niềm vui bất tận. Tôi cảm ơn số phận đã cho tôi cơ hội trở về Hoàng An mà mấy chục năm nay tôi vẫn khát khao, mong ước. Tình quân - dân không bao giờ bị phai nhạt.

Ninh Công Khoát
.
.