70 năm thảm họa hạt nhân Hiroshima: Tường thuật của người trong cuộc

Thứ Năm, 06/08/2015, 18:15
Cách đây 70 năm, ngày 6/8/1945, một quả bom nguyên tử đã san phẳng thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong chốc lát. Sự kiện chấn động đó đã lần đầu tiên được làm sống lại qua con mắt của chính những người lái chiếc máy bay thả quả bom xuống Hiroshima và những người Nhật Bản may mắn còn sống sót. Trong cuốn sách đặc biệt của mình, hai tác giả Jonathan Mayo và Emma Craigie đã tái hiện lại từng giây phút những gì xảy ra ngay trước, trong và sau sự kiện đó.

1 giờ 30 phút ngày 6/8/1945 (giờ Hiroshima). Bà Enola Gay Tibbets đang tận hưởng một chiều Chủ nhật bình yên ở nhà tại Miami (Mỹ). Cách đó 12.800km, trên hòn đảo Tinian ở Thái Bình Dương, một "pháo đài bay" Boeing B-29 được đặt theo tên bà đang chuẩn bị cất cánh. Pháo đài bay này do con trai bà, trung tá Paul Tibbets điều khiển.

Trước đó, chiếc máy bay có cái tên đơn giản là "Số 82", nhưng Tibbets đã viết tên mẹ ra một tờ giấy và đưa cho người sơn viết tên bà lên máy bay tại căn cứ không quân ở Tinian.

Các thành viên phi hành đoàn thất vọng khi họ nhìn thấy chữ Enola Gay trên thân máy bay vì họ tưởng Tibbets nghĩ ra được cái tên nào "kêu" hơn. Tibbets đặt tên máy bay theo tên mẹ để cảm ơn bà vì đã ủng hộ con trai gia nhập quân đội năm 1937. Lúc đó, bố anh chỉ nói lạnh lùng: "Nếu con muốn tự tử thì cứ đi. Bố không quan tâm".

Chiếc máy bay Enola Gay lấp loáng ánh đèn pha rọi vào để người ta quay phim quá trình cất cánh. Tibbets ngả người ra ngoài buồng lái và vẫy tay trước các máy quay phim. Lúc 1 giờ 45 phút, Enola Gay cất cánh và lẫn vào màn đêm. Chuyến bay tới Nhật Bản mất 6 giờ. Lúc đó, tại Bệnh viện Viễn thông Hiroshima, tiến sĩ Michihiko Hachiya đang quan sát bầu trời trong ca trực đêm, ông là người gác đề phòng không kích.

1 giờ 55 phút, Tibbets nói chuyện với phi hành đoàn 10 người trên máy bay. Anh hỏi: "Các anh có biết chúng ta sẽ làm gì hôm nay không? Chúng ta làm nhiệm vụ thả bom nhưng nhiệm vụ hơi đặc biệt". Xạ thủ ở đuôi máy bay Bob Caron hỏi: "Trung tá à, chẳng phải hôm nay chúng ta sẽ "chơi" với bom nguyên tử sao?". Tibbets đáp: "Anh đoán chính xác rồi đấy".

Trong buồng lái, Cơ phó 27 tuổi Robert A. Lewis đang viết nguệch ngoạc vài dòng chữ. Anh được một nhà báo New York Times nhờ thuật lại chuyến ném bom. Lewis viết dưới dạng thư gửi bố mẹ: "Bố mẹ yêu quý, mọi thứ đều suôn sẻ từ khi cất cánh, chưa có gì bất thường xảy ra". Lúc 2 giờ 20 phút, Lewis ngừng viết và bắt đầu quy trình 11 bước chuẩn bị quả bom mà họ gọi là Little Boy (Cậu bé). Quả bom dài hơn 3 mét, nặng 5 tấn và có sức nổ tương đương 20.000 tấn thuốc nổ TNT.

4 giờ 15 phút, sau khi bay nửa tiếng trong mây, chiếc Enola Gay xuất hiện trong ánh sáng bình minh. Khi thả bom, họ cần bầu trời quang đãng để thực hiện thành công nhiệm vụ. Lúc 6 giờ 40 phút, chiếc Enola Gay bắt đầu lên cao dần để đạt tới độ cao 31.000ft (gần 9.500 mét). Tại Hiroshima, mặt trời đang hé dần. Hôm nay là thứ Hai và là một ngày tháng 8 điển hình: nóng và ẩm.

Lúc 7 giờ 9 phút, máy bay trinh sát thời tiết Straight Flush của Mỹ bị phát hiện trên bầu trời Hiroshima và tiếng báo động rền vang khắp thành phố. Như một phương pháp "luyện tập nghi binh" thật man rợ, từ tháng 6, các máy bay B-29 thường bay thử trên bầu trời Hiroshima để thả các quả "bí ngô" - một loại bom màu da cam vô hại có kích thước bằng một quả bom nguyên tử. Người dân Hiroshima đã quen với việc nhìn thấy máy bay ném bom trên trời và không còn chạy vào hầm trú ẩn nữa! Họ không hay biết rằng thành phố họ đang sống đã được chọn là mục tiêu thả bom nguyên tử vì Hiroshima phần lớn chưa bị không kích, do đó ảnh hưởng của quả bom nguyên tử có thể được đo rõ ràng.

Lúc 7 giờ 31 phút, tiến sĩ Hachiya đã kết thúc ca trực đêm ở viện và chuẩn bị về nhà. 8.000 trẻ em 12, 13 tuổi đang trên đường tới trung tâm thành phố. Các em sắp có một ngày để hỗ trợ làm một vành đai phòng lửa để hạn chế thiệt hại của các cuộc không kích.

Paul Tibbets (giữa) và các thành viên phi hành đoàn cạnh máy bay Enola Gay.

Còn trên chiếc Enola Gay, lúc 7 giờ 50 phút, phi hành đoàn đã mặc áo chống đạn. Họ đã có thể nhìn thấy thành phố Hiroshima từ xa. Tibbets nói: "Chúng ta chuẩn bị thả bom. Hãy đeo kính bảo hộ vào và để lên trán. Khi các anh nghe thấy tín hiệu, kéo kính xuống che mắt và để nguyên cho đến khi hết ánh sáng". Chiếc Enola Gay đã đạt độ cao 31.000ft lúc 8 giờ 10.

Lúc đó, ở Hiroshima bên dưới, cô Eiko Taoka đang bế cậu con trai 1 tuổi đi xe điện. Tiến sĩ Hachiya mệt nhoài sau ca đêm đã về tới nhà và nằm úp mặt xuống sàn phòng khách, trên người chỉ mặc quần lót.

Lúc 8 giờ 12 phút, người cắt bom là thiếu tá Thomas Ferebee với kinh nghiệm hơn 60 sứ mệnh thả bom ở Đức nhìn vào máy ngắm. Mục tiêu của anh là cầu Aioi ở trung tâm thành phố. Paul Tibbets bắt đầu đếm ngược với đồng đội: "Còn 1 phút nữa".

Không biết chuyện gì sắp xảy ra với Hiroshima, cậu bé Akihiro Takahashi 14 tuổi vẫn cùng 59 nam sinh đang chơi ở sân trường, chờ giờ xếp hàng. Có ai đó để ý thấy một máy bay ném bom trên bầu trời.

Tibbets hô to: "Một giây" lúc 8 giờ 15 phút  15 giây. Cánh cửa nơi chứa bom trên chiếc Enola Gray mở ra, chiếc máy bay tròng trành lúc "Cậu bé" rơi xuống. Phi hành đoàn bắt đầu đếm 43 giây đến thời điểm bom nổ. Quả bom bổ nhào xuống đất sau khi được ấn nút.

Cậu bé Akihiro ngước mắt nhìn máy bay ném bom trong khi giáo viên hét to "lùi vào".

8 giờ 16 phút 2 giây, quả bom phát nổ khi cách mặt đất gần 600 mét, ngay bên trên Bệnh viện Phẫu thuật Shima. 100.000 người ở Hiroshima chết ngay lập tức.

Ở trên chiếc Enola Gay, Bob Caron hét to: "Nó nổ rồi", ngay trước khi sóng xung kích chạm vào máy bay. Không có đám mây hình nấm mà là một đám mây dựng đứng. Tibbets mô tả: "Nó đen như địa ngục và nó có ánh sáng, màu trắng, màu xám. Bên trên đỉnh giống như một cây thông Giáng sinh bị gập lại".

Lúc đó, Eiko Taoka thấy trời đột ngột tối sầm và nghe thấy tiếng động lạ. Cô nhìn xuống con trai. Cậu bé bị vài mảnh kính găm vào đầu, vẫn nhìn mẹ và cười - nụ cười ám ảnh Eiko suốt những năm tháng còn lại sau khi con trai cô qua đời ba tuần sau đó. Còn Akihiro bị quăng mạnh trên sân. Tiến sĩ Hachiya ngạc nhiên khi nhìn qua cửa sổ và thấy khu vườn nhà mình rực lên một thứ ánh sáng lạ, rồi bóng tối, bụi dày đặc. Các cột gỗ trong nhà gãy sập. Ông hét lên gọi vợ.

Trên chiếc Enola Gay, Bob Caron chụp ảnh cảnh tượng bên dưới mà anh ví như dung nham núi lửa. Còn phi công Tibbets tập trung điều khiển máy bay để tránh vụ nổ. Lúc 8 giờ 17 phút, chiếc máy bay bay là là. Tibbets nói: "Các anh vừa thả quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử". Ngồi trên máy bay, Lewis viết: "Chúng ta vừa giết bao nhiêu người vậy? Lạy Chúa, chúng ta đã làm gì vậy?".

Nạn nhân bom nguyên tử tại khu lều ven sông Ota.

Cậu bé Akihiro tỉnh dậy và nhận ra quần áo cùng da mình đang bị bong tróc từng mảng lớn. Hơi nóng khủng khiếp tỏa ra. Qua làn bụi, cậu thấy cả thành phố đã biến mất, không còn tòa nhà nào cả. Cậu rời trường về nhà. Cậu nhớ những gì đã được tập huấn và hướng thẳng đến sông Ota để làm dịu vết bỏng. Khi tới nơi, cậu nhìn thấy một bức tường lửa khổng lồ bao trùm toàn thành phố. Cậu nhảy xuống sông và vết bỏng dịu hẳn trong làn nước lạnh. Cậu lên bờ hai lần nhưng lại phải nhảy xuống vì vết bỏng đau nhức.

Cậu gặp Tokujiro Hatta, bạn cùng trường cũng bị bỏng lòng bàn chân. Làn da bị lột khiến cậu có thể nhìn thấy các bó cơ bên dưới. Cả hai quyết định về nhà. Họ đi rất chậm vì cậu bạn có lúc phải bò, phải dựa vào Akihiro. Cả hai gục xuống ven đường vì kiệt sức. Đột nhiên, Akihiro nhìn thấy bà bác và chú đang đi bộ về phía họ. Đối với cậu bé, cậu như nhìn thấy bụt ở dưới địa ngục.

Tiến sĩ Hachiya cố lần ra ngoài vườn. Ông bị thương nặng ở mặt, cổ và đùi. Vợ ông cũng bị thương. Cả hai tới bệnh viện nơi ông làm việc. Ông trần truồng và không hiểu tại sao lại mất chiếc quần lót. Lúc 8 giờ 30 phút, ông gục xuống vệ đường. Bệnh viện chỉ còn cách nhà họ vài trăm mét nhưng ông không thể lết tiếp. Vợ ông tìm xem có ai giúp họ không. Ông nhìn bóng vợ biến mất trong làn mây bụi và một cảm giác cô đơn đáng sợ bao trùm lấy ông. Ông Hachiya cố gắng gượng đi bộ về phía bệnh viện. Ông quay mặt đi khi nhìn thấy một phụ nữ trần truồng bế con và thoáng nghĩ chắc họ tắm khi quả bom phát nổ. Ông lại nhìn thấy một người đàn ông khác cũng trần truồng và bắt đầu hiểu rằng có điều gì lạ đã xảy ra với quần áo của họ…

Hàng dòng người đổ ra ngoài thành phố, hướng tới đồi. Cô bé 13 tuổi Satsuko Nakamuro là một trong số ít những người cùng độ tuổi còn sống kể lại: Ai cũng trần truồng hoặc quần áo tả tơi, bị bỏng, bị cháy đen hoặc sưng phồng. Mắt sưng húp. Có người còn bị nhãn cầu treo lủng lẳng dưới hốc mắt. Những mảnh thịt trên cơ thể bị xé róc ra như những sợi ruy băng buộc vào xương… Nhiều người trong những người trông như thây ma này đã ra đi vĩnh viễn. Người sống sót cố gắng tránh không giẫm lên người chết và người đang hấp hối. Nhiều người cầu xin nước uống. Có một con suối gần đó nhưng không có cái gì để đựng nước. Satsuko và các bạn phải xé quần áo của mình, nhúng vào nước và chạy đi chạy lại để đưa những mảnh vải sũng nước cho người cần nước.

13 giờ, tin tức về vụ ném bom đã tới căn cứ ở Tinian và người Mỹ bắt đầu ăn mừng. Mọi người uống bia trong lúc chờ máy bay của Tibbets trở về. Lúc 13 giờ 58 phút, chiếc Enola Gay chuẩn bị hạ cánh sau hơn 12 tiếng thực hiện vụ ném bom. Tibbets ra khỏi máy bay đầu tiên. Chờ anh là một đám đông 100 người, trong đó có tướng Carl Spaatz, Chỉ huy Lực lượng Không quân chiến lược Mỹ ở Thái Bình Dương, người đã gắn lên ngực áo anh một chiếc bội tinh.

Lúc 16 giờ 20 phút, thành viên phi hành đoàn trên Enola Gay được đưa tới bệnh viện tại căn cứ không quân để kiểm tra phóng xạ và xem mắt họ có bị tổn thương do vụ nổ không. Tất cả đều bình thường. Đến 22 giờ, bữa tiệc trên đảo Tinian vẫn tiếp tục. William S. Parsons, kỹ sư mồi bom nguyên tử trên Enola Gay ký văn bản chính thức xác nhận đã thả bom "Cậu bé".

Khi Tổng thống Harry Truman đang về Mỹ trên tàu USS Augusta sau hội nghị Potsdam, ông nhận được tin Hiroshima đã bị ném bom và kết quả vụ ném bom thành công mọi khía cạnh (!). Ông nói to: "Đây là điều vĩ đại nhất trong lịch sử" trong tiếng vỗ tay, hò reo, đập bàn của mọi người. Chưa đầy một tháng sau, ngày 2/9, tướng Douglas MacArthur chấp nhận quân Nhật đầu hàng.

Hầu như toàn bộ trong số 8.000 trẻ tham gia làm vành đai phòng lửa ở Hiroshima biến mất không để lại dấu vết. Satsuko và vài cô bạn gái ở độ tuổi đó còn sống sót sau sự kiện. Sau này, Satsuko đã dành cả đời để tham gia các chiến dịch chống vũ khí hạt nhân.

Akihiro sau đó phải nằm viện 18 tháng để trị vết bỏng và sống đến 80 tuổi. Bạn ông là Tokujiro chết vì nhiễm phóng xạ. Ông bị thương tật vĩnh viễn. Ông trở thành một nhà chống vũ khí hạt nhân nổi tiếng. Năm 1980, ông tới Washington và gặp Paul Tibbets. Sau này mỗi người kể lại cuộc gặp một cách khác nhau. Ông Akihiro bảo rằng có một giọt nước mắt lăn trên má Tibbets, nhưng Tibbets bảo: "Tin tôi đi, chẳng có giọt nước mắt nào cả. Tôi cảm thấy tiếc vì họ bị bỏng nhưng điều đó phải được thực hiện".

Nhiều lời chỉ trích nhằm vào phi hành đoàn chiếc Enola Gay. Năm 1948, Tibbets gặp Tổng thống Truman ở Nhà Trắng và nghe ông Truman nói: "Tôi là người đã cử anh đi. Nếu ai đó gây khó cho anh về điều đó, hãy bảo họ gặp tôi". Trước khi chết, Tibbets đề nghị sẽ được hỏa táng để mộ mình không trở thành mục tiêu của những người chống hạt nhân.

Vụ ném bom đã thay đổi cả thế giới và gây ra những nỗi đau, sự tàn phá ở mức độ không thể tưởng tượng nổi với người dân Nhật Bản.

Dương Thùy (tổng hợp)
.
.