Ấn Độ: Vàng đen cũng nhuốm máu

Thứ Sáu, 24/05/2013, 20:35

Bảy phát súng nổ vang tại một tiệc cưới, ông trùm ngành khai thác than Ấn Độ - Suresh Singh, ngã quỵ rồi tử vong chỉ 30 phút sau khi được đưa tới bệnh viện. Kẻ giết người được xác định là Sashi, cũng mang họ Singh nhưng lại là đối thủ không đội trời chung của nhà Suresh trên cả thương trường cũng như chính trường.

Các cuộc thanh toán như thế này không phải là chuyện hiếm thấy ở tỉnh Dhanbad, bang Jharkhand - nơi được coi là thủ đô của công nghiệp khai thác than ở Ấn Độ. Đó là bởi vì từ hàng thập niên nay, mafia đã dần dần thâu tóm và hầu như kiểm soát mọi hoạt động khai thác ở đây, biến một đất nước từ vị trí có trữ lượng than lớn thứ 5 thế giới trở thành quốc gia phải nhập khẩu than nhiều nhất trên trái đất…

Thanh trừng đẫm máu

Suresh Singh khét tiếng là một thương nhân giàu có, một chính trị gia và một "bố già" sừng sỏ trong ngành công nghiệp khai thác than. Tại thời điểm ông bị bắn, Suresh đã có 14 bản án chống lại mình, trong đó có cả cáo buộc tội danh giết người. Sự nghiệp và những trận sát phạt liên quan tới Suresh Singh đã trở thành "biểu tượng" của một trong những vấn đề nhức nhối nhất của kinh tế Ấn Độ: đó là nạn tham nhũng đang gặm nhấm ngành công nghiệp khai thác trọng yếu của đất nước này.

Vụ thanh toán nhau diễn ra cuối năm 2011 là trận sát phạt gần đây nhất của các băng đảng trong ngành than, giữa hai phe có thế lực nhất cùng mang họ Singh. Họ đã tuyên chiến với nhau từ nhiều năm nay để tranh giành các phi vụ béo bở ở khu vực khai thác than trung tâm của cả nước. Công việc chính bao gồm kiểm soát các công đoàn, phương tiện vận chuyển, tạo lập các cuộc đấu giá than, xuyên tạc, hối lộ và tổ chức lấy trộm than vào ban đêm.

Không hổ danh "mafia ngành than", chân rết của những tổ chức này thậm chí đã len lỏi vào cả Công ty Than Ấn Độ do nhà nước quản lý, đây cũng là công ty khai thác than lớn nhất thế giới. Theo Reuters, nạn trộm than diễn ra trên diện rộng trong các mỏ than là nguyên nhân khiến nền kinh tế thứ ba châu Á này thiếu tới 50% năng lượng cần thiết.

Khu vực u ám này còn là nơi các mối quan hệ giữa "mafia than", cảnh sát, dân nghèo, chính trị gia, các công đoàn và quan chức ngành than bện chặt với nhau. Công nhân mỏ phải trả cho các "ông trùm" một khoản lót tay để được gia nhập các công đoàn lao động, mong mỏi nhận được những cơ hội việc làm. Trong khi các công đoàn thường đòi một khoản tiền thuế cố định cho mỗi tấn than khai thác được trước khi cho phép tải than lên xe. Người mua sẽ phải hối lộ các công ty khai thác để có thể mua được than chất lượng tốt. Trong khi đó bọn mafia đã mua chuộc các lãnh đạo công ty nhà nước, cảnh sát, chính khách và nhiều cán bộ công chức để khai thác và vận chuyển than trái phép.

Chủ tịch Công ty Than Ấn Độ S. Narsing Rao từng thú nhận rằng ông biết việc một số quan chức trong công ty đang móc nối với mafia nhằm trục lợi nhưng công ty ông không thể kiểm soát được chuyện gì xảy ra trên các xe tải một khi chúng rời khỏi cổng hầm mỏ.

Ông Rao ước tính những vụ lấy cắp như thế khiến công ty của ông, mặc dù được coi là độc quyền nhưng cũng tổn thất đến 5% trong tổng số 450 triệu tấn than khai thác được hàng năm. Một số cảnh sát lâu năm ở đây cho biết, con số thực có thể dao động trong khoảng 20-50% sản lượng khai thác được tại một số mỏ than.

Nạn tham nhũng, tội phạm và lãng phí là những kẻ thù không đội trời chung của sự phát triển kinh tế. Nhiều nhà máy năng lượng phải ngừng hoạt động phần lớn vì không có nhiên liệu. Tháng 7/2012, Ấn Độ đã phải chịu đựng một trận mất điện đi vào lịch sử khi tới một nửa đất nước với 1,2 tỉ dân rơi vào cảnh đêm tối.

Dần dần, các công ty năng lượng phải quay sang nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất điện vì nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Thế nhưng Ấn Độ lại là đất nước có trữ lượng than lớn thứ 5 thế giới, với trữ lượng này, theo đánh giá của các chuyên gia, có thể cung cấp cho nhu cầu của Ấn Độ trong nhiều thập niên. Lượng than nhập khẩu đã tăng gấp ba trong vòng một thập kỷ, ở mức 1,5 tỉ USD mỗi năm.

Cơ quan năng lượng quốc tế dự đoán lượng than nhập khẩu ở Ấn Độ sẽ tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào của Mỹ vào năm 2017. Vậy là có một nghịch lý ở đây khi mà một đất nước nhiều than nhất lại phải đi nhập khẩu than và thiếu điện để dùng!

Chính phủ Ấn Độ hứa hẹn sẽ có những biện pháp tích cực - thế nhưng ngay sau đó lại phủi tay. Bộ trưởng Bộ Than, ông Srriprakash Jaiswal cho biết Văn phòng Điều tra trung ương sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc trấn áp các băng đảng mafia nhưng nhấn mạnh rằng, điều này chỉ có thể hoàn thành tốt khi chính phủ thực sự muốn giải quyết. Rõ ràng là bọn chúng đang hoạt động rất tích cực và người Ấn vẫn mặc nhiên chấp nhận việc chúng ăn cắp than. Không thể nói rằng chính phủ không có sự hợp tác nhưng hệ thống quản lý hầm mỏ vẫn còn quá yếu và kém hiệu quả.

Dân nghèo vùng lân cận khai thác và vận chuyển than một cách rất thủ công.

Ngang nhiên làm mưa làm gió

Suresh Singh lúc đó đang dự tiệc cưới của con trai một người bạn. Sau khi hứng trọn loạt đạn, Singh bị trọng thương và được vệ sĩ của ông đưa đến bệnh viện khẩn cấp. Tuy nhiên, vì vết thương quá nặng nên Singh đã tắt thở chỉ 30 phút sau đó. Suresh Singh từng nghĩ rằng những "mafia già" đang trở nên lỗi thời so với một Ấn Độ đang phát triển như ngày nay. Bản thân làm mafia nhưng "bố già" này lại hướng thiện cho con bằng cách gửi con sang Anh, theo học ngành tài chính ngân hàng.

Cha của Suresh Singh đã khai báo với cảnh sát rằng, trong lúc trăn trối, con trai ông đã kể tên của 3 kẻ phải chịu trách nhiệm trong cuộc thanh toán đó là Sashi, Sanjeev và Ramadhir, cùng là con cháu của nhà Singh Mansion đối thủ. Các nhân chứng khác cũng cho biết Sashi chính là kẻ đã xả súng.

Ravi Thakur, một cảnh sát chịu trách nhiệm điều tra vụ việc này cho hay: "Vào thời điểm Suresh Singh đứng dậy chuẩn bị rời khỏi bữa tiệc, Sashi cũng đứng dậy, bước về phía Suresh Singh và rút súng bắn ông ta 7 phát liền".

Nạn nhân và những kẻ nổ súng là những đối thủ không đội trời chung với nhau trên cả thương trường lẫn chính trường địa phương. Suresh Singh đã 2 lần thất cử trong các cuộc bỏ phiếu bầu thành viên vào đảng cầm quyền trong Quốc hội. Còn Sashi có mẹ lại là thị trưởng của tỉnh Dhanbad. Hiện tại, Sashi vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, hắn đã trốn qua biên giới và không hề có một cáo buộc nào được đặt ra cho những kẻ có liên quan khác.

Trong lúc đó, cảnh sát lại có rất nhiều giả thiết về việc tại sao Sashi bắn Suresh. Thakur cho hay đây là một vụ giết người có chủ đích, hoặc là để trả thù cho các vụ thanh toán nhau trước đây, hoặc là vì công việc làm ăn. Em họ của Sashi, Sanjeev - cũng là người thừa kế sản nghiệp của nhà Singh, khai rằng chính Sashi là người đã nổ súng. Sanjeev nói: "Dù Suresh Singh không còn ở quanh đây nữa nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đã hết các đối thủ”...

Sanjeev được cho là sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử tới đây vào Quốc hội với tư cách là một ứng cử viên trước đảng đối lập BJP ở Jharia. Sanjeev đã bác bỏ mọi lời buộc tội đối với gia đình mình sau cái chết của Suresh Singh mà chỉ đề cập đến mối thù giữa hai gia đình.

Được biết, cha của Sanjeev gây dựng nên sự nghiệp nhà Singh (được biết đến với tên gọi Singh Mansion) từ đầu những năm 70 thế kỷ trước, xuất thân là một công nhân mỏ than, dần dần trở thành Chủ tịch công đoàn và đứng đầu chính quyền địa phương. Quyền lực và sự nghiệp của Sanjeev bắt nguồn từ công đoàn lao động, nơi ông kiểm soát, nơi vẫn còn được coi là thành trì của đế chế Singh Mansion. Công đoàn này được trao cho quyền đàm phán tập thể vì lợi ích công nhân với Công ty Bharat Coking Coal Limited (BCCL), một công ty con của Công ty Than Ấn Độ. Cảnh sát cho biết, nhà Singh đã lợi dụng công đoàn để kiểm soát và ăn hối lộ từ những người vận chuyển than.

Mối hận thù sau đó bắt đầu từ những năm 1990, khi các buổi đấu giá là mối quan tâm trọng yếu đối với các tổ chức liên kết với nhau trong một dự án. Điều này đảm bảo rằng các tổ chức này là những nhà thầu duy nhất và giữ cho cuộc đấu giá ở mức thấp nhất.

Công đoàn do Singh Mansion kiểm soát, đã từ lâu gây ảnh hưởng đối với lãnh đạo Công ty BCCL, những người cho phép nhà Singh vận hành công việc làm ăn của mình bao gồm cả việc ăn cắp than bán ra chợ đen hay quản lý các xe tải chở than khi rời khỏi hầm mỏ.

Chủ tịch Công ty BCCL, T.K. Lahiry cho biết, sự thực đúng là từ khi ông tiếp quản công ty 4 năm về trước, Singh Mansion đã có tầm ảnh hưởng rất lớn đến công ty rồi. Mansion có toàn quyền chỉ huy và điều khiển đối với khu vực chính trong hoạt động của Công ty BCCl. Tất cả các hoạt động đi ngược lại lợi ích xã hội đều được thông qua, miễn là giúp Mansion kiếm lợi.

Kết cục hoang tàn và các cuộc chiến đường ray

Sau hàng thập niên khai thác, buôn bán than trái phép, dấu vết của sự đào bới hiện lên ở khắp mọi nơi xung quanh Dhanbad và khói bụi than lúc nào cũng phủ kín bầu trời. Hàng nghìn người nghèo vẫn phải đào than dưới cái nắng như nung và vận chuyển than bằng cách đội lên đầu hoặc chở bằng xe đạp tới bán cho mafia. Thợ mỏ bất hợp pháp vẫn khai thác hàng năm nay bằng việc tự đào các đường hầm trái phép, thiếu tiêu chuẩn an toàn vậy nên chuyện sập hầm mỏ xảy ra cũng không phải là chuyện lạ.

Người dân nghèo ở đây cho biết, hầu hết khu vực xung quanh bên dưới đều là những lỗ hổng lớn, đất có thể sụt lún bất kỳ lúc nào. Trong khi việc khai thác trái phép vẫn diễn ra hàng ngày. Singh Mansion là một trong số những doanh nghiệp nhận hợp đồng dùng cát lấp đầy các hầm mỏ sau khi khai thác xong. Thế nhưng trên giấy tờ thì đã được hoàn thành trong khi thực tế thì không phải vậy.

Hệ thống đường ray chở than tại Dhanbad một lần nữa lại nằm trong tầm kiểm soát của nhà Singh Mansion. Chính những hệ thống đường ray này là nguồn gốc của các cuộc chiến trong thế giới ngầm của các mafia ở bang Jharkhand. Tại đây, các công đoàn ăn chặn tiền mua than của người mua và trộn đá lẫn với than tải lên các xe chở đi.

Quản lý một công ty năng lượng nhà nước ở bang này cho biết, nhà máy của ông đã chịu tổn thất nặng nề vì nguyên liệu đầu vào bị trà trộn như vậy. Than bị trộn đá hiện nay đang trở thành vấn đề nhức nhối của công ty sản xuất năng lượng hàng đầu Ấn Độ này. Trong khi muốn mua được than chất lượng thì người mua phải hối lộ thêm 20% chi phí nguyên liệu mới có thể có được thứ như mong muốn.

Thêm vào đó, những người mua tư nhân lại không thể tiếp cận các cuộc đấu giá điện tử và hoàn toàn bị cô lập khỏi thị trường. Giám đốc Công ty Năng lượng Ấn Độ cho biết: "Bọn mafia không để cho ai khác tham gia vào quá trình bốc dỡ các toa than. Kể cả bạn có thắng trong cuộc đấu giá, bọn chúng cũng không bao giờ để bạn chuyển đi đâu một hòn than nào".

Khi Suman Gupta đảm nhận chức Cảnh sát trưởng vào năm 2009, bà lập tức khiến Singh Mansion phải lui về thế phòng thủ. Các cảnh sát dưới sự chỉ đạo của bà đã phải đi tìm kiếm các ôtô cùng các vũ khí, sử dụng một mạng lưới các thông tin thu thập được để tiến hàng các cuộc đột kích các xe chở than trái phép vào ban đêm.

Bà đưa Singh Mansion vào hồ sơ theo dõi tội phạm, tuy nhiên bà vẫn chưa thể lập ra một hệ thống lôi cuốn các chính khách và các quan chức ngành than. Thế nhưng, Gupta lại bị chuyển công tác 2 năm sau đó. Khi biết tin bà bị chuyển đi, một cuộc biểu tình phản đối quyết định này đã bùng lên trên toàn thành phố nhưng cũng không thể thay đổi được gì.

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Singh Mansion nói: "Tôi biết mafia là ai ở đây, nhưng tôi không thể làm gì hơn để chống lại chúng bởi vì chúng có một mạng lưới liên kết chính trị quá chặt chẽ. Hơn thế, chúng lại còn có sức mạnh của đồng tiền. Nhiều bậc lãnh đạo trong BCCL có trách nhiệm phải chấm dứt tình trạng khai thác trái phép nhưng họ đã không làm gì". Vậy nên, dân nghèo và công nhân mỏ thì vẫn phải an phận trong khi các cánh tay đen tối cứ tiếp tục móc nối với nhau đục khoét dần tài nguyên của Ấn Độ"

Hoàng Cúc (theo Reuters)
.
.