Anh: Những bí mật chấn động mới được tiết lộ về "Bà đầm thép"

Thứ Hai, 16/01/2012, 19:00

Mới đây, bộ phim "Bà đầm thép" - chân dung cựu Thủ tướng Margaret Thatcher do nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ Meryl Streep thủ vai, đã gây ra chia rẽ dư luận Anh trước cả khi phim ra mắt khán giả. Một số nhân vật lãnh đạo cũ của đảng Bảo thủ ở thời bà cầm quyền cho rằng, phim phản ánh hình ảnh hoàn toàn khác với con người thực của Thatcher, có phần ảnh hưởng xấu tới lãnh tụ lỗi lạc một thời của phe cánh hữu Anh và châu Âu.

Tờ The Guardian còn dẫn lời Michael White, người từng viết diễn văn cho bà Thatcher rằng, người xem sẽ có cảm giác gặp lại nữ Thủ tướng Anh ở vào tuổi già với "chân dung tàn khốc, cô độc và đang lụi tàn". Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ bùng lên khi liên tiếp những ngày qua, nhiều thông tin cá nhân về Thatcher đã được tiết lộ. "Bà đầm thép" tiếp tục trở thành tâm điểm báo giới vì những khoản chi tiêu cá nhân cùng bí mật về cuộc chiến "trong bóng tối" mà chính quyền của bà phát động hơn 30 năm về trước.

"Bà đầm thép" lừng lẫy chính trường

Margaret Thatcher là nữ thủ tướng đầu tiên và cũng là duy nhất của Anh cho tới nay. Kể từ sau cuộc bầu cử năm 1979, bà Thatcher đã nhanh chóng gây dựng ảnh hưởng to lớn trên thế giới, trở thành một biểu tượng chính trị nổi tiếng nhất của nước Anh. Người ta gọi Thatcher là "bà đầm thép" bởi phong cách lãnh đạo mạnh mẽ và kiên quyết của một người phụ nữ bản lĩnh trên chính trường. Bà là một chính khách đầy uy quyền trong lịch sử đương đại, luôn quan tâm tới quyền lợi cá nhân, nghiêm túc trong mọi chuẩn mực đạo đức và rất quyết đoán theo đuổi mục tiêu chính trị.

Thatcher được nhiều người ngưỡng mộ cũng như bị nhiều người chống đối. Những hồ sơ chính thức của Chính phủ Anh về năm 1979 vừa mới được giải mật và công bố, đã cho thấy Margaret Thatcher là người cứng rắn trong điều hành chính phủ hơn cả những gì các nhà viết sử tưởng tượng.

Trong 6 tháng đầu cầm quyền, Thatcher đã quát mắng công khai các bộ trưởng, làm phật lòng họ bởi những lời chỉ trích cá nhân một cách thô thiển và khiêu khích. Khiếp sợ trước lối nói mạnh mẽ của người đứng đầu chính phủ, những vị bộ trưởng chấp nhận "ngậm bồ hòn làm ngọt". Geoffrey Howe, Bộ trưởng Tài chính dưới thời Thatcher, thường xuyên chịu cảnh mắng nhiếc của "bà đầm thép". Hầu hết các báo cáo của G.Howe đều bị bà Thatcher chỉnh sửa và can thiệp thô bạo. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Thatcher và Hoàng gia Anh cũng không mấy suôn sẻ.

Nữ hoàng Elizabeth vẫn luôn cho rằng, bà là vị thủ tướng xuất sắc nhất nhưng giữa họ lại có những xích mích. Nữ hoàng Anh không tìm thấy ở Thatcher sự thấu hiểu về nội tâm trong khi bà luôn tỏ ra mềm mỏng và kiên quyết mỗi lần diện kiến Nữ hoàng. Giữa bà và Thái tử Charles luôn bất đồng trong quan điểm về vai trò và vị trí của nước Anh trong cộng đồng châu Âu.

Trung sĩ Stella Rimington cho hay: Bên trong chính quyền Thatcher, sự thù ghét phe cánh tả dường như đã châm ngòi cho một cuộc chiến.

Trong cơn suy thoái kinh tế, nội các chính phủ Thatcher đã quyết định đưa ra một chính sách gây nhiều tranh cãi. Theo đó, Thatcher cho tiến hành cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách quốc gia cùng với thắt chặt kiểm soát nguồn cung cấp tài chính trong nỗ lực "cứu sống" nền kinh tế Anh. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp tiếp tục khoét sâu vào lực lượng lao động của Anh khiến dư luận quan ngại về sức mạnh "đang trên đà suy yếu" của "bà đầm thép". Ít nhiều báo giới cũng cho rằng Thủ tướng Thatcher đang mất dần ưu thế với truyền thông, và bản thân nội các của bà cũng không còn đủ sức chèo lái con tàu nước Anh.

Ngay sau đó, 364 chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đã đồng loạt ký một bức thư chỉ trích chính quyền Thatcher vì đã không cứu vãn được nền kinh tế của nước Anh, cùng với sự quan liêu và yếu kém của Thống đốc Ngân hàng quốc gia Mervyn King. Truyền thông cũng đang tấn công mạnh mẽ vào các gói cứu trợ của chính phủ khi chúng chưa thể phát huy được hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, "bà đầm thép" vẫn có lực lượng ủng hộ phía sau. Brian Griffiths, cố vấn kinh tế hàng đầu của Thatcher tỏ ra vô cùng tin tưởng vào chính sách của bà.

Magaret Thatcher đã từng giành nhiều năm đấu tranh với những thế lực chống lại chính sách quốc gia của chính phủ. Có thời điểm nhiều chính trị gia vốn không ưa gì Thatcher cho rằng chính bà đang "đổ thêm dầu vào lửa", làm kinh tế tiếp tục trượt dốc suy thoái. Những thành viên bất mãn trong nội các đã tiết lộ nội dung nhiều cuộc họp bí mật nhằm "hạ bệ" bà. Khó ai có quyền buộc tội Thatcher sau những gì bà đã cống hiến cho nước Anh, tuy nhiên, những cuộc họp nội các đã được tổ chức nhằm xoa dịu dư luận trước nhiều nguồn tin trái chiều.

Những khoản chi tiêu cá nhân bị "tố"

Đời tư của nữ chính trị  gia này bị báo giới săm soi khi những khoản chi tiêu cá nhân liên tiếp được công khai. Theo các số liệu mới được công bố, cựu Thủ tướng Anh đã chi ra khoảng 1.836 bảng (tương đương với 7.250 bảng hiện nay) để mua sắm các vật dụng cần thiết khi ở trong ngôi nhà số 10, phố Downing sau khi chính thức lên cầm quyền vào năm 1979.

Tại thời điểm nước Anh đang ở trong tình trạng suy thoái thì việc chi tiêu của Thatcher cũng trở thành "một cái gai" khiến dư luận phải "nhăn mặt vì đau". Lẽ dĩ nhiên, Thatcher cho rằng đó đơn giản chỉ là một khoản chi khiêm tốn, nhưng báo chí vẫn tiếp tục làm bà phiền lòng. Tờ Daily Mail tiết lộ, Thatcher đã dùng 85 bảng trích từ quỹ từ thiện chỉ để mua một tấm bảng treo bằng sắt cho tư gia vì… "ngại mở hầu bao riêng".

Cho dù Thatcher tự mình tuyên bố rằng bà hoàn toàn có thể tự trang trải mọi chi phí cho cuộc sống cá nhân, nhưng hành động trên có vẻ rất khó hiểu đối với dư luận. "Tôi sử dụng những tấm vải lanh cũng như đồ sành sứ của riêng tôi. Tôi trả tiền để mua bàn ủi cũng như những thứ khác. Tôi đã sử dụng đủ vải lanh cho căn phòng của mình. Số vải còn lại tôi sẽ cất vào trong kho". Tuy nhiên, trích dẫn một vài dòng lưu bút của một trợ lý của Thatcher lại chỉ ra một sự thật hoàn toàn khác. Khoản tiền tân gia không hề nhỏ, bao gồm gần 550 bảng tiền lau chùi thảm, 25 bảng tiền giặt là và trên 120 bảng chi cho đánh bóng lại đồ đạc. Trợ lý này cho hay khoản tiền "không là gì" đối với bà nhưng lại là cả vấn đề đáng suy nghĩ cho những người nghèo và thất nghiệp tại Anh trong cơn lốc suy thoái.

Những bản viết tay của Thatcher cho thấy bà là người rất cẩn trọng trong chi tiêu và luôn kín tiếng trước báo giới. Tuy nhiên, khi mọi thông tin được công khai, "bà đầm thép" đã phải "giật mình": trên 3.000 bảng bị lãng phí trong tu sửa rèm cửa và thay mới bát đĩa ở văn phòng chính phủ. Có lẽ từ đây, dư luận sẽ bắt đầu nhìn nữ chính trị gia bằng con mắt khác với suy nghĩ về sự hoang phí trong tiêu xài cá nhân - căn bệnh cố hữu của nhiều chính trị gia.

Nhiều người đã lên tiếng bảo vệ Thatcher khi cho rằng những con số từ hơn 30 năm trước là không hề đáng tin. Trong khi đó, Văn phòng Chính phủ đã liên tiếp gửi thư yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao làm rõ sự việc. Sự tức giận của Thatcher trước nguồn tin không rõ căn cứ được thư ký của Bộ trưởng đáp lại bằng tuyên bố đầy tính khiêu khích. "Tôi e rằng chúng tôi đã quên không xin phép bà Thatcher trước khi để thông tin bị rò rỉ. Đó là một lỗi không đáng có".

Thực tế, trong khi các báo cáo từ năm 1979 xâu chuỗi rất rõ ràng với số liệu của năm 1981 nhưng phải tới hơn 30 năm sau, quyết định công khai tài chính đối với cựu Thủ tướng Anh mới được đưa ra từ hôm 30/12/2011, chính thức "bà đầm thép" mới bị báo chí "tố" về những khoản chi tiêu của mình.

Những cuộc chiến trong bóng tối

Một cuốn hồi ký mới đây tiết lộ, Margaret Thatcher đã từng phát động cuộc chiến tranh bí mật chống lại các nhóm hoạt động nhân quyền và bạo động sau cuộc bầu cử năm 1979. Theo đó, "bà đầm thép" đã sử dụng các đơn vị tình báo quân đội chuyên biệt thâm nhập vào nhiều tổ chức chính phủ quan trọng. Người ta cho rằng sự có mặt của gián điệp bên trong chiến dịch giải giáp hạt nhân và liên đoàn vì hòa bình thế giới tạo điều kiện cho Bộ Quốc phòng Anh thao túng hoạt động chính sự ngay khi Thatcher lên nắm quyền.

Thành viên của 20 công ty an ninh đã lên tiếng xác nhận "sự mua chuộc" của chính quyền Thatcher. Họ cho rằng chính "bà đầm thép" đã cử một quan chức chính phủ tới đàm phán và yêu cầu các gián điệp xâm nhập vào các tổ chức chống đối quân đội quốc gia. Nguồn tin được một vị tướng giấu tên thuộc lực lượng quân đội quốc gia tiết lộ sau khi hàng loạt chiến dịch được thực hiện theo chỉ đạo của văn phòng nội các ở Bắc Ireland, Trung Đông và dải vùng Rhine. Mọi thông tin về phiến quân đi ngược lại lợi ích của quốc gia sẽ được cung cấp chi tiết cho Bộ Quốc phòng "làm công tác xử lý".

Báo giới khôn khéo đặt Thatcher vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, với một đơn vị tác chiến làm bằng chứng không thể chối cãi. Có một sự thật là toàn bộ thành viên tham gia kế hoạch này đều là thường dân, không có quyền lực chính trị. Người ta nghi ngờ không ít số thành viên này đã phản đối Thatcher, nhưng bị ép buộc làm công tác tình báo để phục vụ lợi ích chính quyền.

Những biệt kích nhận lệnh xâm nhập các tổ chức phản động nhưng chịu sự kiểm soát và theo dõi từ hàng chục tướng tá cao cấp trong nội các. Trung sĩ Stella Rimington tiết lộ, chính quyền Thatcher những năm đầu đã lựa chọn một căn hộ ở phía Bắc London làm căn cứ thông tin chính cho mọi chiến dịch bí mật. Thatcher thực tế nhắm tới các nhà hoạt động hòa bình, chống buôn bán vũ khí hạt nhân cùng nhiều tổ chức cộng sản khác khi đã không tuân thủ các chính sách của nội các.

Rimington cũng cho hay bên trong chính quyền Thatcher, sự thù ghét phe cánh tả dường như đã châm ngòi cho một cuộc chiến và cho tới nay chưa có dấu hiệu chấm dứt. Có lẽ vì thế mà Thatcher đã lựa chọn giải pháp "tìm trong bóng tối" nhằm xác định những kẻ thù có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của nội các trong suốt hơn 30 năm qua.

Còn nhớ trước đây, Thatcher từng chủ trương rằng, phải áp dụng mọi thủ đoạn để bôi nhọ Liên Xô, nhằm biến đất nước này trở thành một cường quốc hiếu chiến trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Chính vì mục đích này, các tàu ngầm của Hải quân Anh với sự phê chuẩn của Thatcher và sự hỗ trợ của CIA đã tiến hành nhiều chiến dịch bí mật trong hải phận của Thụy Điển, trước khi công khai vu cáo đó là hoạt động do thám của Liên Xô.

Năm 2008, cuốn sách có tên "The Secret War against Sweden: US and British Submarine Deception in the 1980s" (Cuộc chiến bí mật chống Thụy Điển: Trò gian lận của tàu ngầm Anh và Mỹ trong những năm 80) khẳng định, theo lệnh của Thatcher, các tàu ngầm của Hải quân Anh đã giả dạng tàu ngầm Xôviết để nhiều lần vi phạm hải phận của Thụy Điển. Kết quả là từ năm 1982 đến đầu năm 1990, người ta đã ghi nhận hơn 4.000 thông báo về sự xuất hiện của tàu ngầm nước ngoài trong hải phận Thụy Điển. Báo chí phương Tây đều có chung một giọng điệu cho rằng, tất cả những vụ vi phạm trên đều do các tàu ngầm Liên Xô thực hiện với mục đích thăm dò hệ thống phòng thủ của Thụy Điển.

Rất nhiều chuyến "viếng thăm trái phép" trên là do các tàu ngầm của Anh và Mỹ tiến hành dưới sự điều phối chung của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Vào thời điểm đó, dư luận Thụy Điển hầu hết đều cho rằng, đây là những hành động vi phạm của Liên Xô. Tuy nhiên, mặc dù hải quân nước này đã triển khai một loạt các nỗ lực săn tìm những kẻ đột nhập nhưng họ đã không thể đưa ra được những bằng chứng xác thực về những "kẻ đột nhập".

Dư luận bấy giờ đánh giá chiến dịch tàu ngầm của Margaret Thatcher là một "âm mưu rất thành công" trong lịch sử của Chiến tranh lạnh. Hậu quả của nó đã khiến quan hệ giữa Liên Xô và Thụy Điển (một quốc gia có đường lối trung lập và tiến bộ) lâm vào tình trạng căng thẳng trong một thời gian dài, một điều mà các quốc gia trong NATO hết sức mong muốn vào thời điểm đó

Doãn Anh - Trần Quân
.
.