Anh hùng LLVTND Cao Đăng Chiếm - Vị tướng An ninh huyền thoại (tiếp theo và hết)

Thứ Năm, 19/08/2010, 10:35
Ngày 30/4/1975, ông Cao Đăng Chiếm chỉ huy một cánh quân gồm các cơ quan, ban, ngành nội chính của Trung ương Cục từ chiến khu Tây Ninh khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) về Sài Gòn với nhiệm vụ chiếm lĩnh, tiếp quản các cơ quan an ninh, cảnh sát, tình báo địch.

Cánh quân này khẩn trương tiến về Sài Gòn cùng với cánh quân chủ lực của Quân đoàn 3. Ông Cao Đăng Chiếm liên lạc ngay với các ông Trần Văn Trà, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ để tổ chức tiếp quản các vị trí được phân công.

Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định được thành lập. Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Đồng chí Cao Đăng Chiếm được chỉ định làm Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định phụ trách nội chính.

Ngày 2/5/1975, lãnh đạo  Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định có cuộc gặp với nội các Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Tướng Dương Văn Minh ra bắt tay đồng chí Cao Đăng Chiếm. Đồng chí Cao Đăng Chiếm tự giới thiệu:

- Tôi là Cao Đăng Chiếm, dân Cai Lậy đây.

Dương Văn Minh cũng là người Mỹ Tho, đồng hương với đồng chí Cao Đăng Chiếm. Tướng Dương Văn Minh tỏ ra phấn khởi, nói:

- Tôi nghe danh ông đã lâu, nay mới gặp mặt.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm công bố chính sách của cách mạng và yêu cầu họ bình tĩnh, nói rõ những đề nghị của mình để chính quyền cách mạng giải quyết.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hoàn toàn thắng lợi, Tổ quốc Việt Nam thống nhất, giang sơn về một mối. Ngày 16/2/1976, đồng chí Cao Đăng Chiếm được cử giữ chức Phó Ban đại diện Bộ Nội vụ tại miền Nam, chịu trách nhiệm về an ninh chính trị. Tháng 10-1976, ông Cao Đăng Chiếm được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an và được bầu làm Ủy viên Đảng đoàn Bộ Công an.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), ông được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) ông tiếp tục được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau khi đất nước thống nhất, tình hình an ninh chính trị và xã hội ở miền Nam có những diễn biến phức tạp. Các phần tử thuộc chế độ cũ có âm mưu ngóc đầu dậy. Hàng trăm tổ chức phản cách mạng ra đời hòng mưu đồ phá hoại cách mạng và trở lại cầm quyền. Các thế lực thù địch bên ngoài cũng tiến hành các hoạt động tình báo, gián điệp, móc nối, hà hơi, tiếp sức cho số phản động trong nước chống phá ta.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao danh hiệu Anh hùng LLVTND truy tặng Thượng tướng Cao Đăng Chiếm và Thượng tướng Lâm Văn Thê.

Cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh bước vào  giai đoạn mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Lực lượng Công an nhân dân đã cùng đồng bào và chiến sĩ đập tan những âm mưu và hoạt động của địch, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một lần nữa, đồng chí Cao Đăng Chiếm lại được giao trọng trách ở "mặt trận tiền phương". Với những hiểu biết về địch tình và kinh nghiệm phong phú trong công tác an ninh, đồng chí Cao Đăng Chiếm đã góp phần tích cực lãnh đạo, tổ chức lực lượng công an nhân dân lập nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có Kế hoạch CM-12, đập tan âm mưu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Trong Kế hoạch CM-12, được đồng chí Phạm Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao trọng trách "chỉ huy trưởng" của kế hoạch phản gián lớn này trong lịch sử bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng chí Cao Đăng Chiếm đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sự chỉ đạo mưu lược của mình, góp phần vào thắng lợi to lớn của Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch CM-12, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm thực sự đóng vai trò là một "nhạc trưởng" tài ba.

Cùng một lúc phải chỉ đạo nhiều chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, nhưng ông đã hướng sự tập trung của mình vào những vấn đề, vụ việc trọng tâm, đồng thời cũng không bỏ qua các tình tiết có liên quan. Với vai trò là Trưởng ban Chuyên án, rồi là người chỉ huy trưởng của Kế hoạch CM-12, đồng chí Cao Đăng Chiếm đã tập hợp được một đội ngũ CBCS an ninh giỏi tham gia Kế hoạch phản gián này. Trong số đó có nhiều đồng chí đã trưởng thành, sau này là những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an.

Trong những năm tháng đầy khó khăn sau ngày giải phóng, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, tình hình an ninh ở các tỉnh phía Nam có những thời điểm khá phức tạp. Vì vậy, trong cương vị lãnh đạo Bộ Nội vụ thường trực ở phía Nam, đồng chí Cao Đăng Chiếm dành hầu hết phần lớn thời gian công tác cho việc lãnh đạo, tổ chức đấu tranh chống gián điệp và chống phản động. Nhưng ông cũng không quên công tác xây dựng Lực lượng Công an nhân dân.

Khi phát biểu với các đơn vị trong ngành, ông thường nhắc nhở là phải thường xuyên coi trọng công tác xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, làm tốt công tác cơ bản, thường xuyên nhưng cũng luôn luôn sẵn sàng hoàn thành tốt những nhiệm vụ đột xuất. Ông nhắc nhở nhiệm vụ của công an là luôn phải đối mặt với kẻ địch, là các thế lực tình báo, gián điệp nước ngoài và bọn phản động. Vì vậy, yêu cầu cao nhất của công an là phải đảm bảo vững chắc nền an ninh chính trị của đất nước, bảo vệ trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ sự bình yên của nhân dân.--PageBreak--

Từ năm 1986, đồng chí Cao Đăng Chiếm đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và là Ủy viên thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Đồng chí là một trong những cán bộ lãnh đạo tích cực xây dựng Lực lượng Công an nhân dân theo hướng cách mạng, tinh nhuệ, từng bước chính quy và hiện đại. Đến năm 1989, đồng chí Cao Đăng Chiếm đã được Nhà nước phong hàm Thượng tướng.

Có thể nói rằng, đồng chí Cao Đăng Chiếm là một nhà hoạt động thực tiễn, là một cán bộ công an chuyên nghiệp. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp giành độc lập dân tộc, chống xâm lược Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí Cao Đăng Chiếm luôn ở vị trí "đầu sóng ngọn gió" trên mặt trận an ninh.

Qua nhận xét của các đồng chí cán bộ công an lão thành từng công tác và chiến đấu bên cạnh đồng chí Cao Đăng Chiếm, ông là một người chịu khó học tập, chủ yếu là tự học, học qua sách báo và học qua thực tiễn chiến đấu. Có một điều khá ngạc nhiên là, mặc dù cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông từ khi chưa có chính quyền cho đến những năm tháng làm công tác công an ở Sài Gòn - Chợ Lớn, những ngày sau Cách mạng tháng Tám và trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Cao Đăng Chiếm hầu như chưa học qua một trường lớp chính quy về lực lượng Công an. Nhưng ông được các đồng chí cách mạng đàn anh như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh chỉ dẫn những phương pháp cách mạng, những điều căn bản về lý luận cách mạng. Và đặc biệt là đồng chí Phạm Hùng mà ông đã kể lại chính là người dạy ông về "nghề" công an. Theo ông Ngô Quang Nghĩa kể lại, chính đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đưa những sách báo tuyên truyền về chủ nghĩa Cộng sản để đồng chí Cao Đăng Chiếm đọc và tự nghiên cứu...

Ngay đồng chí Cao Đăng Chiếm có lần đã nói rằng, thực tiễn chiến đấu và hoạt động tình báo, gián điệp của kẻ thù đã "dạy" cho ông những bài học để đời về nghiệp vụ. Không phải tất cả những năm tháng chiến đấu và công tác của ông đều suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió. Từ thực tiễn cách mạng miền Nam và thực tiễn đấu tranh với các thế lực thù địch ở ngay chiến trường, đồng chí Cao Đăng Chiếm đã có những quyết sách mạnh bạo mà lý luận nghiệp vụ công an chưa đề cập đến. Nhưng thực tiễn là chân lý, cách mạng là sáng tạo và ông đã chứng minh được sự chỉ đạo của mình là phù hợp với tình hình cụ thể và có lợi cho cách mạng.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm là người làm việc có nguyên tắc và tính Đảng rất cao. Ông chấp hành nghiêm túc chỉ thị của Đảng và luôn luôn trung thành với lý tưởng cách mạng qua những hoạt động cách mạng phong phú của mình. Ông lại là một người có tấm lòng nhân hậu, chân tình với đồng đội, sống nội tâm, thường xuyên quan tâm đến đồng chí, đồng đội, nhưng ít khi thể hiện sự quan tâm đó bên ngoài.

Đồng chí Cao Đăng Chiếm (người đứng bên trái) báo cáo với Bộ trưởng Phạm Hùng về chuyên án CM-12.

Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa cho biết, đồng chí Cao Đăng Chiếm cũng từng bị một số cán bộ cấp trên hiểu lầm nhưng sau đó đã xin lỗi ông với tình cảm chân thành giữa những người cộng sản với nhau. Chẳng hạn như trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi ông còn làm Phó giám đốc Công an Nam Bộ kiêm Trưởng ty Công an Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí đã kiên quyết cho bắt và xử lý những CBCS trong lực lượng quân sự của Trung tướng Nguyễn Bình có những hành vi vi phạm kỷ luật quân đội và ảnh hưởng đến thanh danh của cách mạng.

Trung tướng Nguyễn Bình được báo cáo những thông tin có cách nhìn nhận sai về tình hình này, có lúc ông đã có ý định có phản ứng mạnh với đồng chí Cao Đăng Chiếm. Sau khi báo cáo với đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ thì đồng chí Nguyễn Văn Linh đã minh oan cho đồng chí Cao Đăng Chiếm. Sau đó, đồng chí Nguyễn Bình đã trực tiếp xin lỗi đồng chí Cao Đăng Chiếm với tinh thần đồng chí, đồng đội rất chân thành...

Sau ngày nghỉ hưu, đồng chí Cao Đăng Chiếm trở lại cuộc sống đời thường nhưng ông vẫn quan tâm đến tình hình của đất nước và luôn theo dõi từng bước tiến của Lực lượng Công an nhân dân. Ông rất vui mừng trước sự phát triển của đất nước nhưng cũng trăn trở trước những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào cách mạng.

Do căn bệnh hiểm nghèo, ông không thể nói bằng lời được. Ông dùng giấy viết những suy nghĩ của mình vì đất nước, vì nhân dân. Ông ra hiệu cho y tá đưa giấy bút và ông viết: "Nói phải làm để nhân dân không mất lòng tin". Trong những lần gặp mặt các thế hệ cán bộ công an, đồng chí Cao Đăng Chiếm nói rằng, họ là những người có công lớn với cách mạng. Nhiều người trong số họ hy sinh thầm lặng, góp sức góp của cho cách mạng trong những thời điểm khó khăn, đã từng anh dũng chiến đấu và có nhiều thành tích. Và ông cũng tỏ ra băn khoăn, tiếc rằng mình chưa làm được gì nhiều để Đảng, Nhà nước ghi công, đãi ngộ xứng đáng cho họ.

Nhưng tấm lòng của ông đối với họ vẫn thể hiện sự trân trọng, thủy chung. Trong một tờ giấy ông viết khi nằm viện đã nói lên điều đó: "Tôi luôn luôn nhớ đến các anh. Tôi tự hào về đội ngũ đó. Từ Cách mạng tháng Tám đến Genéve và chuyển qua đánh Mỹ, anh em xứng đáng là người cách mạng. Tôi thật sự tự hào về anh em. Tôi không quên ai cả. Tôi dẫu có đi, tôi an tâm, tôi không hổ thẹn với lương tâm của mình. 6 Hoàng".

Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đánh giá cao công lao của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Cao Đăng Chiếm, một trong những vị tướng an ninh kiệt xuất

Nguyễn Khắc Đức
.
.