Anh hùng LLVTND Hồ Xuân Mãn: Người con ưu tú của đất Phò Ninh

Thứ Năm, 31/01/2013, 21:55

Đêm 9/9/1966, có một chàng trai chưa tròn 16 tuổi, từ biệt cha mẹ, ông nội  và làng Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để cùng những người bạn đồng liêu là các anh Hoàng Xê, Hồ A… tìm đường lên chiến khu tham gia kháng chiến, gia nhập vào Đại đội An ninh vũ trang đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên. Trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc trên mặt trận Thừa Thiên, anh đã cùng với những đồng đội của mình tổ chức nhiều trận đánh "xuất quỷ nhập thần" làm cho quân lực Hoa Kỳ và binh sĩ quân đội Sài Gòn nhiều phen kinh hồn, bạt vía…

Kẻ thù từng xem anh là "tên an ninh Việt Cộng đặc biệt nguy hiểm" và đã nhiều lần đưa ảnh chân dung của anh lên mục cáo thị để treo giá trọng thưởng bằng tiền cho bất cứ ai bắt sống hoặc tiêu diệt được anh (Theo hồ sơ của Cảnh sát đặc biệt chế độ Sài Gòn để lại - NV). Chàng trai lớn lên từ đất làng Phò Ninh ấy tên là Hồ Xuân Mãn - một người đã đi qua chiến tranh với 33 lần được phong dũng sĩ, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Giải phóng các hạng và 1 Huân chương Quyết thắng, 3 huy hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen và cả giấy chứng nhận danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường".

Sau này, trong công cuộc dựng xây quê hương, đất nước, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế và vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Một ngày cuối năm se lạnh ở làng Phò Ninh, trên bậc thềm của ngôi nhà hương hỏa của gia đình, tôi có dịp ngồi đối diện cùng ông để được nghe ông kể thật nhiều những câu chuyện của tuổi thơ nghèo khó, những năm tháng tham gia kháng chiến vào sinh ra tử rồi thời kỳ hậu chiến vất vả, kiến thiết xây dựng quê hương và cả những được mất, buồn vui của một đời người…

Ông kể rằng, khi mình lớn lên, biết suy nghĩ mới thấy những người thân của mình, bà con làng xóm của mình đã bao năm phải chịu đựng dưới nhiều tầng áp bức của chế độ đương thời. Được giác ngộ bởi chính những người thân trong gia đình đã tham gia cách mạng trước đó, cùng với bầu máu nóng của lớp người trẻ tuổi, vậy là ông cùng với những người bạn đồng liêu trong làng quyết định ra đi. Ông kể, ngày đó quyết tâm lên rừng theo cách mạng nhưng chưa thấu tỏ cách mạng là gì hết.

Đêm hôm ấy ra đi cùng với Hoàng Xê, Hồ A và một người bạn nữa tên là Hoàng Nãi, nhà ở cạnh nhà ông. Nhưng khi đến giờ hẹn để lên đường thì anh Nãi bảo rằng đi bộ đội chủ lực xa nhà quá, thôi thì để anh ở lại đi du kích địa phương, vậy là chỉ còn lại ba anh em lặng lẽ tìm đường đến điểm hẹn có người đưa lên chiến khu trong đêm tối. Hành trang lên hậu cứ cách mạng của Hồ Xuân Mãn ngày ấy chỉ có một chiếc võng, một chiếc dù của ông nội tặng, mẹ ông mua cho đôi dép mới, hai bánh đường đen với hai lon đậu huyết (đậu đỏ - NV) của gia đình trồng được.

Đúng giờ hẹn, giao liên có mặt để đưa ba anh em lên đường. Từ Phong An đi lên hướng xã Phong Sơn, vượt dốc Ba Trục ở chỗ khu du lịch nước khoáng Thanh Tân bây giờ, rồi luồn rừng đi mất một đêm hôm đó với gần một ngày hôm sau mới đến chiến khu. Đến nơi, ba anh em nhìn nhau rơm rớm nước mắt vì trước lúc đi ai cũng nghĩ rằng ở vùng Cách mạng cũng có nhà, có xe, có mọi thứ chứ cả ba người không ai hình dung được cách mạng lúc ấy chỉ là vài cái lán nhỏ bằng tranh tre nứa lá được dựng chênh vênh bên cạnh bờ suối ở trong rừng già, xung quanh chỉ toàn là những thứ âm thanh lạ kỳ của chim kêu, vượn hú…

Chiều hôm ấy, cả ba người được các chú, các bác trong hậu cứ nấu cơm cho ăn, ăn cơm xong thì cả ba người ngồi ôm nhau khóc vì nhớ nhà. Thỉnh thoảng nghe từ phía bờ suối vọng lên tiếng kêu quép… quép… của mấy con ếch ương, hỏi mấy ông cán bộ con gì kêu, mấy ông cán bộ bảo đó là tiếng kêu của cọp. Nghe đến đó là cả ba người hoang mang đến tột độ. Ngày hôm sau, cấp dưỡng nấu cơm nhưng cả ba đều ủ ê nằm khóc, không một ai dậy ăn cơm mà nằm bàn với nhau "thôi thì trốn về quê đi du kích, chứ ở giữa rừng già này thì biết làm sao…".

Bước qua ngày thứ ba ở rừng thì anh Vân (người quê gốc ở Hải Phòng do Bộ tư lệnh Công an vũ trang chi viện vào làm Đại đội trưởng, anh Minh Chính trị viên; anh Lợi người ở huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên là Đại đội phó) gọi ba người dậy để động viên, anh Vân nói: "Nếu mấy chú muốn về thì các anh cho về, nhưng bây giờ không có giao liên nên các chú phải tự đi, cái khó là bây giờ mấy chú đi ra là cọp nó chụp liền, chết mà không toàn thây vì bị cọp ăn thì cũng khổ…". Nghe xong, cả ba nhìn nhau rồi bằng lòng ở lại. Ở hậu cứ được chừng một tuần lễ thì cả ba anh em bắt đầu bị sốt, nằm liệt gần một tháng trời, đứa nào cũng xanh xương, vàng da, trên đầu rụng không còn lấy một sợi tóc.

Ông Mãn nhớ lại, nằm trong lán vật vã phải hơn một tháng sau mới khỏe, khi thấy đã quen với đời sống núi rừng thì các đồng chí lãnh đạo mới cho đi huấn luyện. Lúc đó, mỗi đứa được phát một cây súng K44 (loại súng bỏ từng viên đạn rất to rồi lắc để bắn), ôm cây súng trên tay mà nước mắt chảy dài vì cây súng ấy dựng lên đã cao hơn mình một đoạn. Những ngày ấy ở chiến khu, anh em trẻ như ông chủ yếu là được đơn vị cho đi bảo vệ mục tiêu lúc đó là cơ quan tỉnh ủy, rồi đi tuần xung quanh khu vực đóng quân.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Hồ Xuân Mãn.

Nhấp một ngụm trà đang tỏa hương ngào ngạt, ông Mãn kể tiếp: Cho đến bây giờ ông vẫn không thể nào quên được cái buổi chiều đầu tiên trong cuộc đời mình nhìn thấy máu chảy. Đó là một buổi chiều đầu năm 1966, sau khi Tiểu đội bảo vệ của ông được giao nhiệm vụ đi bảo vệ Đại hội thi đua của tỉnh trở về, trên đường về thì gặp trời mưa, với lại anh em tranh thủ dọc đường hái măng giang để mang về cải thiện đời sống nên áo quần người nào cũng bẩn. Vừa về đến lán trại của đơn vị, để súng đạn và số măng giang hái được ngổn ngang trên sàn là anh em lao ngay xuống suối tắm.

Tắm xong thì anh Thành quê ở xã Quảng Điền (nay còn sống ở Quảng Điền - NV) lên trước ngồi lau súng, tiếp đó anh em theo lên nhưng còn lại một người là anh Huề quê ở xã Phong Sơn là Tiểu đội trưởng mà không ai hay biết. Vừa ngồi lau súng, anh Thành vừa hỏi "còn đứa nào dưới suối không? Cũng chẳng thấy ai trả lời nên anh Thành thử siết cò thì bỗng dưng súng nổ. Từ dưới suối, anh Huề la toáng lên: "Chết rồi tụi bây ơi…tao gãy chân rồi…".

Hoảng hốt, tất cả anh em đều chạy ào xuống suối và thấy anh Huề đang quằn quại với cái chân đầy máu. Hôm đó, sau khi anh em lo băng bó, chữa thương cho anh Huề xong thì phải lo giải quyết những bức xúc của mấy anh em là người dân tộc thiểu số trong cùng tiểu đội. Cù Mi, Cù Đức và Cù Toản vì quá thương tiểu đội trưởng Huề mà cho rằng anh Thành là người theo địch và vì theo địch nên mới vác súng bắn Tiểu đội trưởng Huề.

Để trả thù cho Tiểu đội trưởng Huề, Cù Mi đã đi tìm anh Thành để trả thù. Đêm đó, mọi người phải đem anh Thành đi giấu ở một nơi bí mật và rạng sáng hôm sau thì đến gõ cửa cơ quan tỉnh ủy để báo cáo sự việc và xin chuyển công tác cho anh Thành về đó làm giao liên.

Suốt cả năm 1966, ông cùng đơn vị hoạt động ở vùng rừng núi ở Khe Trái, phải đến đầu năm 1967 thì mới được cấp trên cho phép về hoạt động ở vùng đồng bằng. Nhiệm vụ lúc ấy của an ninh vũ trang là xuống các xã của huyện Phong Điền, Hương Trà để phối hợp với các lực lượng "diệt ác, phá kìm", mở rộng vùng giải phóng, nới rộng dần phạm vi hoạt động. Cũng năm này, lần đầu tiên mới chính thức đụng độ với lính bộ binh của Mỹ. Ông Mãn kể, hôm ấy trung đội của ông nhận nhiệm vụ chống càn với một đại đội lính biệt kích Mỹ tập kích vào hậu cứ.

Theo phân công, cứ hai đồng chí của ta chịu trách nhiệm tiêu diệt một lính Mỹ, kế hoạch là bí mật phải đợi đến khi mục tiêu cách điểm phục kích 50 mét mới được siết cò súng. Lần đầu tiên đánh Mỹ, không riêng gì ông Mãn mà hầu hết anh em trong trung đội với vũ khí khá lạc hậu chủ yếu là súng bán tự động, súng K50, K43 Tuyn cải tiến từ chiến tranh chống Pháp còn lại, đều thấy hoang mang khi nhìn thấy đại đội lính Mỹ to lớn, kềnh càng súng đạn dàn hàng ngang tiến vào đội hình.

Y lệnh trên, khi thấy mục tiêu đã vào địa điểm cho phép là anh em đồng loạt bóp cò, sau đó rút nhanh để đề phòng phi pháo và bảo toàn lực lượng. Tổng kết trận đó, trung đội ông đã tiêu diệt 14 lính Mỹ. Anh em rất phấn khởi vì tin tưởng một cách chắc chắn rằng là mình đánh được Mỹ (trước thời điểm ông Mãn đánh Mỹ thì ở chiến trường Quảng Nam và các đơn vị du kích cũng như chủ lực của ta ở chiến trường Thừa Thiên cũng đã đánh Mỹ - NV). Từ đó, cứ theo năm tháng đánh địch, Đại đội An ninh vũ trang đa số anh em đều rất có kinh nghiệm và dạn dày trận mạc.

Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, đơn vị chỉ để lại một đại đội làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu ở hậu cứ, số còn lại được tăng cường để nâng cấp thành Tiểu đoàn Trinh sát vũ trang do ông Hải làm Tiểu đoàn trưởng (tiểu đoàn này sau được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, hiện có các ông Lê Việt Hà, Bạch Hiền, Phê "điếc", Điệp "đui", Bạn… hiện đang sống tại Huế). Tiểu đoàn trinh sát này được trang bị hỏa lực rất mạnh (cứ 3 người có một khẩu B40, 2 khẩu AK báng gấp) để đánh luồn sâu vào nội thành và chuẩn bị cho cuộc tiến công.

Lúc bấy giờ, Đại đội An ninh vũ trang được bố trí một trung đội ở lại bảo vệ hậu cứ, một trung đội phối hợp với lực lượng An ninh Hương Trà bảo vệ trại giam, tiếp nhận tù binh và tài liệu, một trung đội phối hợp với các lực lượng chiến đấu vào thành phố Huế. Trung đội này chia thành 2 nhóm, một nhóm đi cùng với bộ đội chủ lực và trinh sát vũ trang để tiếp quản, vận chuyển tài liệu và dẫn giải tù binh, đặc biệt là loại tình báo, gián điệp. (Các đồng chí làm công tác dẫn giải tù binh đa số là anh em người đồng bào dân tộc như: đồng chí Cu Mi, Cu Đích, Cu Pả…).

Nhóm của ông Mãn đi theo Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 do đồng chí Khảm làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Khả Phiêu (sau này là Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng) làm Chính ủy. Vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, trinh sát, dẫn đường, vận động nhân dân tiếp tế lương thực. Ông Mãn bảo rằng, chiến dịch Mậu Thân năm 1968 với đồng chí Lê Khả Phiêu có thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tỷ dụ như chuyện anh em tìm được đồng chí Quốc Bảo bị thương nặng nằm sót lại ở Cửa Đông Ba (nay anh Bảo còn sống và làm kinh doanh).

Nhớ nhất là chuyện, sau khi cả tổ dẫn  Trung đoàn 9, kể cả thương binh ra vùng giải phóng, vừa đi vừa đánh nhau với Sư đoàn Kị binh Không vận số 1 của địch. Lên đến vùng A Lưới, súng mỗi khẩu chỉ còn một ít đạn, 1 đồng chí lại vác từ 2 đến 3 khẩu (vì còn phải cáng thương binh), bộ đội không đi nổi vì thiếu lương thực, xin đồng bào dân tộc cũng không có nhiều.

Đồng bào và du kích địa phương nói rằng: Bộ đội cần sắn để ăn, mình cần súng để đánh Mỹ, hay là bộ đội đổi cho mình? Lúc bấy giờ, đồng chí Lê Khả Phiêu đồng ý, cứ mỗi khẩu CKC là 3 gùi sắn, nhờ thế bộ đội có cái ăn để hành quân đến vùng giáp với biên giới Việt - Lào. Sau này, mỗi lần gặp lại đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí ấy bảo rằng "vụ lấy súng đổi sắn hồi Mậu Thân suýt nữa thì bị Quân khu kỷ luật, nhưng sau khi nghe mình phân tích có lý, có tình nên Quân khu lại hoan nghênh…". 

(Còn nữa)

Phan Bùi Bảo Thy
.
.