Bác Hồ và Tết kháng chiến Mậu Tý 1948
- Hội thảo khoa học kỷ niệm 77 năm Ngày Bác Hồ về nước
- Người đầu tiên vẽ ký họa chân dung Bác Hồ qua đời
Ngày 19-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Hội đồng Chính phủ để bàn một số vấn đề cần làm, trong đó có việc phong hàm cấp tướng cho một số lãnh đạo quân đội, khen thưởng những chiến sĩ có thành tích và tổ chức động viên tinh thần toàn thể quân dân sau chiến thắng Việt Bắc.
Ngày 6-2-1948, các liên lạc viên của Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển đến các cơ quan trong ATK thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến dự một hội nghị đặc biệt. Ngày 7-2-1948 (tức 28 tết âm lịch Mậu Tý), tại Khuôn Tát, xã Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguyên, các đại biểu của Ủy ban Thường trực Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy, đã đến dự cuộc họp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Sau đó là một “bữa ăn đoàn kết”, đồng thời cũng là bữa liên hoan tất niên và mừng năm mới kháng chiến Mậu Tý.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe kể lại như sau: “Chính phủ họp, nghe Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp diễn lại trên bản đồ các trận tập kích dọc đường số 4, đường Cao - Bắc - Thái và trận thắng lớn sông Lô. Mọi người dán mắt lên bản vẽ, dõi theo chiều lượn chiếc gậy chỉ huy của vị Tổng Tư lệnh. Đống “lửa trại” ở giữa nhà sàn bập bùng, sưởi rực thêm lòng người.
Bộ trưởng Văn (bí danh đồng chí Võ Nguyên Giáp) vừa dứt lời thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám thay mặt hội nghị chúc thọ Hồ Chủ tịch. Các đồng chí phục vụ bưng ra mấy đĩa cam sành vàng mọng. Bác chỉ vào đĩa đỏ nhất:
- Đây là cam Bố Hạ của Đặc ủy đoàn chú Hòe đi kinh lý Việt Bắc trở về (khi quân Pháp tấn công lên Việt Bắc tháng 10-1947, Bác Hồ đã chia Hội đồng Chính phủ thành 5 phái đoàn đi các nơi vừa để động viên quân, dân các vùng chiến sự, vừa tránh sự truy lùng của địch), qua chợ Yên Thế, mua thết đãi chúng ta. Đoàn hoàn thành nhiệm vụ cũng là đóng góp vào chiến thắng!
Rồi Bác tuyên bố:
- Cuộc họp dừng ở đây. Còn sớm. Lát nữa chúng ta sẽ dự bữa mừng xuân chiến thắng. Trong khi đợi “hỏa đầu quân” chuẩn bị, tôi đề nghị mỗi vị nghĩ ra một trò vui “tự biên tự diễn”. Thi đua trò nào hay sẽ được thưởng, nhận phần ăn gấp đôi!
Kìa! Bác thì thầm gì với cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn:
- Tôi không có tài ứng khẩu - lời cụ Bùi - nhân tôi vừa họa bài thơ Hồ Chủ tịch gửi tặng, xin ngâm hầu các vị. Được không ạ?
Mọi người vỗ tay thúc giục.
Cụ Bùi ngâm, sang sảng hào hùng:
“Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc,
Giang sơn vạn lý thủ thành trì”.
Hồ Chủ tịch ngắt lời:
Cụ tha lỗi, cho tôi dịch để các bạn trẻ cùng thưởng thức: “Sắt đá một lòng phò giống nòi. Giang sơn muôn dặm thành trì giữ vững”.
Cụ Bùi ngâm tiếp, giọng trầm xuống cảm động: “Tri công quốc sự vô dư hạ”.
Dịch:
“Biết công việc nước chẳng được ngơi”.
Bỗng mắt long lanh, cụ Bùi nhìn cụ Hồ, giọng vút lên: “Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi”.
- “Đây thập bút lại: đã viết xong bài thơ đuổi giặc rồi”.
Bác Hồ dịch xong câu thơ cuối thì kích nhẹ vào vai cụ Phan Kế Toại, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ Toại nói:
- Tôi chưa kịp có bài họa. Chỉ xin phép Cụ Chủ tịch đọc bài xướng của Cụ được cụ Bùi cho xem hôm nọ.
“Khản thư, sơn điều thệ song hãn
Phê trát, xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai, lao dịch mã
Từ công, tức cảnh tặng tân thi”.
Tạm dịch nghĩa:
“Xem công văn, chim núi đậu ngoài song.
Duyệt ký lệnh, hoa xuân soi bóng vào nghiên mực.
Tin thắng dồn dập, ngựa trạm chồn chân.
Nhớ ông, tức cảnh, gửi bài thơ tặng”.
Đồng chí Đặng Phúc Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Thủy lợi, gật gù mỉm cười, bình: “Tuyệt vời, hai cụ! Một đằng nhận tin thắng dồn dập, vội làm thơ tặng bạn chia vui. Một đằng thông cảm bạn vốn mê “nàng thơ”, nhưng bận việc nước, đành quên “nàng”, nay bạn tặng thơ, phải hiểu là thơ đuổi giặc, thì biết là bạn vui xiết bao, nhưng chắc bạn lại cất bút đi rồi... Ôi hai trái tim cao cả cùng một nhịp đập”.
Bác Hồ, nét mặt rạng rỡ, nhìn sang phía anh em trẻ, hô to:
- Này! Các chú! Đám già chúng tôi ra trò xong rồi. Bây giờ đến lượt các chú đấy!
- Dạ! Có ngay!
Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhảy “phốc” lên “sân khấu” vung cây nứa ngân:
- Ải ải! Như ta đây!
Anh diễn tuồng Liên khu V khá thuần thục, điệu múa, giọng ca không thua nghệ nhân chuyên nghiệp. Anh từng là đầu trò của những đêm liên hoan trong nhà tù Kon Tum, ngay trước con mắt cú vọ của cai ngục. Nay thì anh được vùng vẫy thoải mái. Tích gì vậy, “Tống tửu Đơn Hùng Tín” hay “Bách bộ bách bái Phàn Lê Hoa”? Bọn trẻ mất gốc chúng tôi “ù cạc” chịu. Nhưng lớp tuồng hẳn phải là một khúc khải hoàn tưng bừng hùng khí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi công việc với đồng chí Tôn Đức Thắng và Hoàng Quốc Việt tại An toàn khu năm 1947. |
Tiết mục tiếp theo là trích đoạn vở kịch Vua Hùng gả con gái Mỵ Nương cho Sơn Tinh. Diễn viên là những luật gia “mặt sắt đen sì” thuộc ngành tư pháp hoặc cơ quan lập pháp tối cao. Linh mục Phạm Bá Trực - Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội nhập vai Vua Hùng oai phong lẫm liệt; Bộ trưởng Vũ Đình Hòe vào vai Sơn Tinh; Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Kinh tế hóa hợp vai Mỵ Châu vì người thấp, da trắng, xúng xính áo dài nhưng lại quên cạo râu khiến quan khách cười lăn cười bò...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến cũng ghi trong hồi ký về bữa liên hoan tất niên này: “Cuộc họp mặt hôm nay cũng đến 20 người, văn có, võ có, kể cũng vui. Trước khi ngồi vào tiệc, Hồ Chủ tịch đưa ra một ít vấn đề để anh em có mặt tham gia ý kiến và giải quyết công việc. Bữa cơm thân mật đoàn kết trong rừng của Hồ Chủ tịch thanh đạm, mặn mà.
Câu chuyện, tiếng cười kéo dài đến 8-9 giờ tối mới xong. Một số vị có việc xin phép Bác lên đường về ngay. Chúng mình và một số anh nữa tiếp tục chuyện trò với Hồ Chủ tịch đến khuya mới đi nghỉ. Trong không khí vui vẻ, đầm ấm, Người kể những mẩu chuyện hồi hoạt động ở Trung Quốc, châu Âu, những lần bị đế quốc giam giữ và những kỷ niệm vào dịp tết nơi đất khách.
Bàn về chuyện kháng chiến, Người nói: Trường kỳ kháng chiến thì phải trường kỳ động viên. Động viên tinh thần, động viên vật chất, động viên sức người, sức của để thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, làm cho thế và lực của ta mau chuyển biến”.
Sáng sớm hôm sau, mọi người chào tạm biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh để lên đường trở về cơ quan đón tết cùng anh chị em chiến sĩ. Đây cũng là cái tết kháng chiến đầu tiên Người không tổ chức liên hoan đón giao thừa...