Bão biển và ứng xử của các Vua triều Nguyễn

Thứ Hai, 07/07/2014, 21:30

Trong tháng 5 và tháng 6 này, không chỉ biển Đông mà lòng người khắp nơi dậy sóng trước hình ảnh tàu quân sự Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng trên quần đảo Hoàng Sa thuộc Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Giữa biển cả mênh mông lắm hiểm nguy, nhiều bất trắc, đạo của người đi biển là hết lòng cưu mang, giúp đỡ người bị nạn.

Mọi hành vi bỏ mặc, thờ ơ với sự sống chết của người gặp nạn đều được xem là hành vi độc ác, phi nhân tính. Với việc đâm chìm và bỏ mặc sự sống chết của ngư dân Việt Nam, hành vi ấy của tàu Trung Quốc đã được báo giới trong và ngoài nước nhận định đây là hành vi bạo ngược, nhẫn tâm, phi đạo đức.

Việc tàu chiến Trung Quốc hành xử hung hăng đến tàn bạo đã quá rõ ràng. Ngược về quá khứ, hãy xem các hoàng đế triều Nguyễn đối đãi thế nào với người dân nước Thanh (Trung Quốc ngày nay) khi họ chẳng may gặp gió bão trôi dạt vào hải phận Việt Nam. Tin rằng với những gì chúng tôi đề cập được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép gần 200 năm trước, có nhiều điều về tính bác ái, lòng nhân từ đáng để người Trung Quốc… suy ngẫm!

1. Sử triều Nguyễn ghi rằng vào năm 1803, khi đã ở ngôi vị tối thượng được 2 năm thì Vua Gia Long đã cho ban hành chính sách cứu giúp thuyền buôn người trong nước khi lưu thông giữa biển dã chẳng may bị bão dữ khiến vỡ thuyền mất hết của cải. Lệnh vua quy định gặp những trường hợp như thế, quan sở tại phải căn cứ vào số nhân khẩu trên thuyền là bao nhiêu để từ đó trích của công mà cấp phát cho mỗi người một tháng lương thực, chờ đến khi thuận gió thì tiếp tục ra khơi.

Sau này kế thừa ngai vàng của vua cha, Hoàng đế Minh Mạng cũng ban hành nhiều chính sách, chế độ ưu đãi giúp đỡ người trong nước gặp hoạn nạn vì sóng gió trùng dương.

Để việc giúp người được chủ động, kịp thời, Vua Minh Mạng xuống chiếu cho các thành, doanh, trấn, các sở ở cửa biển trong địa hạt của mình mỗi sở phải dự trữ 100 quan tiền, 100 phương gạo. Không chỉ có thế, Vua Minh Mạng còn lưu ý các sở hạt cho thủ ngư (có thể hiểu như lực lượng kiểm ngư hiện nay) thường ngày tuần tiễu hải phận, hễ thấy thuyền công hay thuyền tư bị sóng gió làm cho chìm, vỡ mà người trong thuyền may mắn được sống thì nhanh chóng cứu giúp, đưa lên bờ, hỏi rõ lý do để giúp đỡ bằng việc cấp gạo-tiền cho người bị nạn.

Không chỉ quan tâm cứu giúp người may mắn sống sót sau gió bão nơi biển xa, Hoàng đế Minh Mạng còn có chính sách với người vong mạng. Điều này được thể hiện rõ qua chiếu chỉ của ông vào năm 1820, năm trị vì đầu tiên của vị hoàng đế thứ 2 của triều Nguyễn: "Nếu có người nào không may chết đuối, thây dạt vào bờ thời cấp tiền của công giao cho đồng bạn chôn cất. Nếu không có đồng bạn thời tiền đó do quan thủ ngư hay dân xã nơi tử thi dạt vào nhận lĩnh, lo liệu chôn cất. Xong việc rồi thì lập tức đem việc nạn bão, số người còn sống, người chết, đi về việc công hay tư cùng số tiền gạo đã chi, nếu là ở kinh thì khai nộp lên công đường quán để chuyển nộp lên hai bộ Hộ, Công thu nhận. Nếu là ở ngoài thì khai nộp lên thành, doanh, trấn sở tại thu nhận…".

Được biết thời bấy giờ, dân chúng trên các tàu buôn hay tàu cá bị nạn gió bão nếu còn sống mỗi người được "5 tiền, 15 bát gạo, chết đuối mỗi người 1 quan tiền". Đối với quân nhân gặp nạn khi đi công sai sẽ được ngân sách triều đình hỗ trợ tùy theo cấp bậc: "Cai đội, đội phó trở lên còn sống mỗi người 4 quan tiền, 1 phương gạo; không may bị chết đuối mỗi người cho 8 quan chôn cất. Quân lính còn sống mỗi người 1 quan tiền, 1 phương gạo; chết đuối mỗi người 3 quan".

Trở ngược quá khứ trăm năm, chúng tôi ghi nhận vào thời trị vì của Hoàng đế Minh Mạng xảy ra nhiều trường hợp ngư dân và thuyền buôn gặp nạn gió bão được người của triều đình giúp đỡ hết lòng, nổi bật là trận bão biển xảy ra vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825).

Tai nạn thương tâm xảy ra tại địa hạt của phủ Thừa Thiên: "27 người dân xã Thái Dương đi 9 chiếc thuyền nan nhỏ ra biển đánh cá bị gió đánh đắm, 15 người còn sống,12 người chết đuối. 4 người binh, dân vừa đàn ông, vừa đàn bà còn sống, 1 người đàn ông chết đuối. Cộng số người chết đuối là 13 người vừa nam vừa nữ, đều cấp cho mỗi người 3 quan. 18 người còn sống đều cấp cho mỗi người 3 tiền, 10 bát gạo".

Điều đặc biệt ở Hoàng đế Minh Mạng là không chỉ cứu giúp người gặp nạn nơi trùng khơi, ngay cả người bị nạn bão làm đắm thuyền ở sông hồ cũng được "chiếu theo nạn bão đắm thuyền đường biển mà thi hành". Chính sách này của Hoàng đế Minh Mạng đã được các hoàng đế triều Nguyễn về sau như Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân… duy trì để an dân và nhằm tỏ lòng thương xót! 

2. Suy cho cùng, việc chăm lo cho muôn dân, đặc biệt với dân gặp hoạn nạn là trách nhiệm của một hoàng đế nên chuyện các vị vua triều Nguyễn, trong đó, nổi bật là Minh Mạng ban hành các chính sách cứu giúp người bị nạn gió bão là lẽ thường tình. Vấn đề ở chỗ qua nghiên cứu các thư tịch cổ của triều Nguyễn, mới thấy rằng không chỉ người trong nước mà cha ông ta thời bấy giờ cũng đã rất nhân từ, độ lượng và rộng rãi với người nước Thanh (Trung Quốc) gặp hoạn nạn trên lãnh hải của Đại Việt.

Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (Nội các triều Nguyễn) ghi vào năm 1814, trước sự việc thuyền buôn nước Thanh bị bạt gió đến xứ Vĩnh Lâm thuộc Phú Yên, nhận được tin cấp báo, vị vua đầu triều Nguyễn đã lệnh cho quan hành nhiệm phải giúp đỡ hết lòng: "Chi tiền công ra mua 1 con lợn, 10 con vịt, 20 con gà, 1 vò rượu, phái người mang đến nơi thuyền đổ để làm đồ khoản đãi của quan trấn, rồi chọn nơi ổn tiện cho bọn quan quân nghỉ ngơi. Còn thủy thủ và khách đáp thuyền lưu lại ở thuyền, trừ 1 người chết, cấp cho 10 quan tiền để mai táng. Còn bá tổng là Hứa Ninh An mỗi tháng cấp cho 8 quan tiền, 1 phương gạo trắng, bách tổng lý Chấn Tôn mỗi tháng cấp cho 6 quan tiền, 1 phương gạo. Binh dịch, thủy thủ mỗi người mỗi tháng cấp cho 1 quan 5 tiền, 1 phương gạo lương. Khách đáp thuyền mỗi tháng đều 1 quan, 1 phương gạo. Chờ khi họ trở về nước Thanh thời thôi".

Những hình ảnh thương tâm gây bức xúc về chiếc tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nạn gió bão trùng dương đã đẩy 34 người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) dạt vào cửa Đà Nẵng và số người này đã được Vua Minh Mạng thương xót ban áo quần, cho mỗi người 5 quan tiền, cấp giấy thông hành, lại cho người đưa đường bộ qua cửa Nam Quan về nước.

Cũng trong năm này, Vua Minh Mạng ban dụ giúp đỡ rất hậu cho đại gia đình một sinh viên người nước Thanh gặp bão: "Sinh viên Vương Khôi Nguyên người Phúc Kiến đi Đài Loan dự thi lại mang theo vợ con, gặp bão vào đậu ở hải phận Quảng Nghĩa nay sắp về nước. Nghĩ người học trò bị nạn này trải gặp nguy hiểm, tuy đã được ban ơn, nhưng đã ở lâu nơi đất khách, nay lại thuê thuyền về nước thời lương ăn đường, tiền lộ phí không khỏi không thiếu thốn. Vậy lại ban ơn cho 100 lạng bạc để tỏ cái ý tha thiết của trẫm thương xót kẻ hoạn nạn, quý trọng nhà nho". 

Đâu chỉ thường dân, ngay cả tàu binh (tàu quân sự ngày nay) của nước Thanh dạt trên lãnh hải Đại Việt cũng được các hoàng đế triều Nguyễn rộng lòng giúp đỡ. Sự kiện Vua Thiệu Trị vào năm 1843 (năm Thiệu Trị thứ 3) chi nhiều tiền gạo, ban vải vóc thượng hạng giúp quan quân tàu binh nước Thanh, nuôi ăn ở dài lâu là minh chứng điển hình cho lòng nhân và sự rộng rãi của vị hoàng đế đại diện cho tấm lòng của người Việt: "Dụ rằng vừa rồi tỉnh Thanh Hóa tâu trình một chiếc tàu binh nước Thanh dạt đến hải phận cửa Biện Sơn hạt ấy, hiện chiều gió chiều nước chưa thuận tiện chưa về ngay được. Nay tiết đã sang đông giá rét mà bọn họ ở lâu dưới thuyền, tiền lương không nhiều, cho phép phát đoạn hoa, hàng lanh, đoạn len, trừu len, trừu nam, vải tây, cộng 60 tấm và 3 chiếc áo bông ở phủ Nội Vụ rồi phái đi theo đường trạm đưa đến giao cho Tổng đốc Thanh Hóa Tôn Thất Lang chiếu nhận, chuẩn bị nghi thức, đặt hương án, rồi truyền họp bọn viên biền cho chế binh, dõng, thủy thủ trong thuyền ấy, truyền Dụ mà thưởng cấp cho họ để họ may áo mặc rét… Cho phép tỉnh ấy (Thanh Hóa - PV) chi ra 100 quan tiền, 50 phương gạo rồi cho tập hợp bọn họ lại, truyền bảo mà cấp thưởng".

Sử triều Nguyễn chép rằng sau hơn một năm cấp dưỡng hậu hĩnh, đến thời điểm chiều gió chiều nước thuận tiện để dong buồn về lại bản quốc, quan binh của tàu binh nước Thanh hơn 100 người do Lý Mậu Giai chỉ huy được Vua Thiệu Trị ban thưởng cấp cho 120 đồng bạc phi long hạng lớn, 150 quan tiền, 50 phương gạo để dùng làm quân lương…

3. Nói về lòng nhân từ và sự rộng rãi của các vua triều Nguyễn, đó là câu chuyện dài nhiều tập được tô đậm và tiếp nối với nhiều đời vua. Như Vua cha Thiệu Trị, Vua Tự Đức vào năm 1850 cũng rộng lòng cho người chỉnh đốn quán dịch cho người trên tàu binh của viên sĩ quan bị nạn bão là Ngô Hội Lân bên nước Thanh dạt đến hải phận cửa biển Thuận An cư trú.

Sau đó cũng chính Vua Tự Đức lệnh cho triều thần sửa biện cỗ bàn đưa đến quán dịch đãi quan binh nước Thanh gặp nạn ăn uống no nê, rồi cho xuất kho khố tiền cho chi dùng (cấp trước 10 lạng bạc, 30 quan tiền, sau mỗi tháng cấp tiếp 15 quan tiền, 10 phương gạo đến khi nào về nước mới thôi-PV), ban vải tơ hoa, đoạn len, hàng lanh, trừu nam hoa, vải tây… rồi cho thợ đo may và phát cho mặc.

Được biết trong cuộc đời làm hoàng đế hơn 30 năm của mình, Vua Tự Đức đã có 2 lần giúp đỡ tận tình tàu binh nước Thanh trôi dạt trên lãnh hải Đại Việt như thế! Và sau này, qua tham khảo một số thư tịch triều Nguyễn khác, chúng tôi tiếp cận được bản ghi khác nhắc đến việc Hoàng đế Minh Mạng giúp đỡ trí thức nước Thanh gặp nạn vào năm 1835 (năm Minh Mạng thứ 16): "Chuẩn y lời tâu rằng thư viện chưởng giáo huyện Đài Loan nước Thanh là lâm sinh Thái Đình Hương cùng 3 tên thân sinh đáp thuyền buôn nước ấy gặp bão dạt đến cửa Thái Cần. Nghĩ viên này là người văn học xuất thân, không may bị nạn gió bão, từ đã cấp phát cho 2 quan tiền, 2 phương gạo không kể, nay cấp thêm cho 50 quan tiền, 20 phương gạo. Còn bọn thủy thủ thì theo lệ cấp phát".

Nhắc chuyện bão biển và lòng vua, chúng tôi muốn truyền gửi thông điệp rằng trong quá khứ, với lịch sử nhiều nốt lặng, lắm bận căng như dây đàn trong việc bang giao nhưng khi gặp tàu thuyền của dân - quân Trung Quốc bị nạn, cha ông ta luôn sẵn lòng giúp đỡ. Điều đó cho thấy việc cứu giúp người bị nạn, bất kể họ là ai, bất kể họ ở bên kia chiến tuyến là đạo lý nhân từ của dân tộc Việt.

Chợt nghĩ nếu được sống lại và biết chuyện tàu quân sự của quốc gia mình không chỉ ngang nhiên xâm phạm lãnh hải mà còn nhẫn tâm đâm chìm tàu cá mỏng manh của ngư dân Việt Nam, chẳng biết những người nước Thanh gặp hoạn nạn hơn 100 năm trước từng được các vị vua Việt nhân từ ban ơn, sẽ nghĩ suy gì?! Họ phẫn nộ, đau lòng… hay như nhiều bạn bè yêu hòa bình và lẽ phải trên thế giới, chỉ biết thở dài, lắc đầu rồi cầu mong cho ngọn nến hòa bình và lương tri được thắp sáng!

Bích Kiều
.
.