Bê bối hối lộ của Chủ tịch danh dự FIFA: Nhà dột từ nóc
Ông Joao Havelange Chủ tịch danh dự FIFA đã chính thức từ chức vì cáo buộc hối lộ. Báo cáo của Ủy ban đạo đức thuộc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vừa được công bố hôm thứ ba tuần trước là lời khẳng định cuối cùng về việc Havelange có tội trong vụ bê bối hối lộ 150 triệu USD từ lâu đã phủ bóng đen lên cơ quan điều hành bóng đá thế giới.
Sau những kết luận ban đầu của vụ việc khởi phát từ cuối năm 2010, báo cáo buộc tội mới nhất gồm 8 trang được rút gọn từ hơn 4.200 tài liệu thu thập trong quá trình điều tra, xác nhận Joao Havelange, nhân vật 97 tuổi từng lãnh đạo FIFA trong hơn 2 thập niên, và người con rể cũ, cựu Chủ tịch liên đoàn bóng đá Brazil, Ricardo Teixeira, đã nhận nhiều khoản hối lộ lớn trong thời gian 8 năm từ đối tác của FIFA là công ty chuyên kinh doanh và tiếp thị thể thao International Sport and Leisure (ISL), vốn đã bị phá sản từ năm 2001.
Tham nhũng phá hỏng danh dự
Joao Havelange xuất thân là vận động viên khi từng đại diện cho Brazil tham dự Olympic 1936 ở môn bơi lội và Olympic 1952 ở môn bóng nước. Ông là thành viên IOC từ năm 1963 và liên tục nắm giữ cương vị Chủ tịch hiệp hội thể thao Brazil trong giai đoạn 1958-1975.
Với 24 năm giữ ghế Chủ tịch FIFA (1974-1998) cho đến khi đề cử "đệ tử" Sepp Blatter thay thế, người đàn ông Brazil này được ví như một ông vua lạm dụng cơ chế thiếu minh bạch, đặc biệt là vấn đề tài chính. Thậm chí, Joao Havenlange còn bị so sánh với cựu Tổng thống bị lật đổ của Ai Cập, Hosni Mubarak, ở cách điều hành độc tài và khắc nghiệt.
Để giành được ghế Chủ tịch FIFA vào năm 1974, Joao Havelange đã phải đi khắp 86 quốc gia khác nhau trong kế hoạch vận động. Ông hứa rất nhiều, và hầu như lời hứa nào cũng cần có rất nhiều tiền để thực hiện. Vấn đề quan trọng nhất của Havelange sau khi đắc cử là FIFA phải làm sao có thật nhiều tiền.
Mà số tiền Argentina bỏ ra để tổ chức World Cup 1978 - kỳ World Cup đầu tiên mà Havelange thực sự làm chủ - lại lớn đến mức kỷ lục so với trước đó, thậm chí sau đó (nhiều hơn hẳn so với World Cup 1982, dù số đội dự vòng chung kết World Cup 1982 đã tăng lên gấp rưỡi). Thế nên, chẳng có gì khó hiểu khi con người này gắn liền với hàng loạt bê bối liên quan đến tham nhũng và hối lộ.
Joao Havelange (phải) và con rể Ricardo Teixeira, từng là hai nhân vật quyền lực nhất thế giới bóng đá, đã phải từ chức vì bê bối tham nhũng. |
Theo báo cáo điều tra, Joao Havelange đã dùng quyền lực cấu kết cùng Ricardo Teixeira nhận tiền "bôi trơn" để ký vào văn bản cho phép ISL khai thác nhiều bản hợp đồng béo bở tại các giải đấu do FIFA tổ chức từ tháng 8-1992 cho đến tháng 5/2000. Tháng 12/1997, Havelange trao bản quyền tiếp thị của FIFA cho ISL. Tháng 5/1998, Havelange bán cho ISL bản quyền truyền hình và truyền thanh World Cup 2002 và World Cup 2006.
Năm 2001, ISL sụp đổ do nợ tới 300 triệu USD. Điều tra cho thấy ISL đã chi cho Havelange và Teixeira tổng cộng 41 triệu USD từ năm 1992 đến 2000, trong đó Joao Havelange đã nhận ít nhất khoảng một nửa số tiền trên. Tuy nhiên, con số thực tế mà cặp đôi này nhận được có thể gấp vài lần. Một cuộc điều tra khác do Đài BBC thực hiện năm 2010 phát hiện Havelange từng nhận ít nhất 1 triệu USD nhờ phê duyệt các hợp đồng liên quan tới World Cup cho ISL hồi năm 1997, một năm trước khi ông nhường vị trí Chủ tịch FIFA cho Sepp Blatter. Hãng thông tấn Pháp AFP còn "bồi" thêm một thông tin chấn động khác là cả Havelange và Teixeira từng đồng ý trả lại hàng triệu USD tiền "hoa hồng" đã nhận trong quá khứ để bịt miệng ISL nhằm giữ danh tính.
Sau khi Anh thất bại trong chiến dịch đăng cai World Cup 2018, Đài BBC đã chiếu bộ phim tài liệu với tựa đề "Những bí mật bẩn thỉu của FIFA" để vạch mặt hàng loạt quan chức cấp cao tham nhũng. Theo BBC, ISL đã đút lót cho Joao Havelange để được quyền marketing tại các kỳ World Cup kể từ những năm 1990 với tổng số tiền lên tới… 1,5 tỉ USD!?
Bê bối khiến Joao Havelange từ chức và rút khỏi IOC tháng 12/2011 với lý do sức khỏe, ngay trước khi bị tổ chức này điều tra mối quan hệ bất chính với ISL. Trong khi đó, Teixeira đã phải từ chức khỏi vị trí đứng đầu Liên đoàn bóng đá Brazil và Trưởng ban tổ chức World Cup 2014, đồng thời phải rời ghế thành viên Ủy ban điều hành FIFA cũng vì vấn đề sức khỏe và cá nhân.
Trong lúc dư luận đang lên án mạnh mẽ vụ nhận tiền lót tay, Chủ tịch đương nhiệm Sepp Blatter tuyên bố FIFA nên tước chức vụ chủ tịch danh dự của Joao Havelange. Bình luận của Blatter đánh dấu sự thay đổi đáng kể về quan điểm của người đứng đầu cơ quan lãnh đạo bóng đá thế giới. "Havelange phải ra đi. Ông ấy không thể giữ vị trí chủ tịch danh dự sau các cáo buộc hối lộ", tờ The Guardian dẫn lời Sepp Blatter.
Mạnh miệng là vậy, nhưng ít người biết rằng Sepp Blatter lại chính là "cánh tay phải" của Joao Havelange, là tấm khiên chắn bảo vệ an toàn cho số phận Joao Havelange.
Chủ tịch Sepp Blatter quyết làm tất cả nhằm bảo vệ danh dự của Joao Havelange và liên đoàn FIFA. |
Sự thật là trên trang điện tử của FIFA, Sepp Blatter tuyên bố các khoản hối lộ khi đó chỉ mang tính chất "hoa hồng" và không phạm pháp. Do mối giao tình mật thiết trong 17 năm làm tổng thư ký dưới thời Havelange, S.Blatter tìm cách bào chữa cho sếp cũ bằng tuyên bố: "Chúng ta không nên lấy tiêu chuẩn của hiện tại để đánh giá những việc xảy ra trong quá khứ. Vì vào thời điểm Havelange nhận khoản tiền ấy, chính quyền Thụy Sĩ không xem đó là hành vi phạm luật, mà xếp chúng vào diện tiền hoa hồng. Thậm chí, chính quyền đã đánh thuế lên khoản tiền ấy do xem nó như một khoản chi phí trong kinh doanh".
Với quan điểm như thế, S.Blatter cho rằng, ông không có lý do nào để trừng phạt Havelange, cũng như không có thẩm quyền trừng phạt Joao Havelange trên danh nghĩa một Chủ tịch danh dự FIFA. "Chỉ có đại hội đồng FIFA mới có quyền quyết định tương lai của ông ấy".
Nhà dột từ nóc
Giới chức trách từng mở cuộc điều tra trong thập niên 2000 liên quan tới nghi án tham nhũng giữa Joao Havelange và ISL, nhưng đã bị đình chỉ hồi tháng 5/2010 theo yêu cầu của Sepp Blatter. Cuộc điều tra này xác định ông Havelange đã phạm tội hình sự, và đưa ra yêu cầu truy tố. Tuy nhiên tòa án đã nhượng bộ trước các nỗ lực vận động dữ dội của FIFA, trong đó xuất hiện nhiều khoản tiền bồi thường không hề nhỏ. Ngoài ra, các khoản hối lộ được đưa từ trước năm 1995 cũng bất ngờ bị loại ra khỏi diện bị truy tố hình sự.
Chính Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã nỗ lực đạt một thỏa thuận bồi thường với tòa án, yêu cầu Joao Havelange trả lại hơn 2,5 triệu USD tiền bẩn để tránh bị truy tố. S.Blatter nói vào tháng 10/2012 rằng ông muốn công bố những tài liệu liên quan đến ISL, trong khi thực tế là ông đang tìm cách trì hoãn việc tiếp cận với các thông tin liên quan đến vụ việc trên để bảo vệ Havelange. Ông ủng hộ hành động của ISL và sẽ không truy tố công ty này, nhất là khi lấy lý do ngụy biện rằng ISL tự nguyện cung cấp thông tin về các thương vụ làm ăn kể từ năm 2001 nhằm giúp cơ quan điều tra xác định danh tính quan chức tham nhũng.
Điều kỳ lạ ở chỗ cuộc điều tra này cho biết sự tồn tại của một quan chức FIFA mang mật danh P1 đã cùng Joao Havelange ký hợp đồng bán bản quyền tiếp thị cho ISL tại Zurich (Thụy Sĩ) vào tháng 12/1997.
Không chỉ vậy, hồ sơ lưu trữ ở tòa án còn cho thấy khả năng Sepp Blatter đã biết rõ hành vi nhận hối lộ của các quan chức hàng đầu FIFA, nhưng mắt nhắm mắt mở cho qua. Điển hình như trong vụ Joao Havelange nhận 1 triệu USD, công tố viên Thomas Hildbrand đã tìm được những nhân chứng làm việc cho FIFA xác nhận khoản tiền ấy bị chuyển nhầm vào một tài khoản của FIFA.
Không chỉ vậy, Hildbrand còn đi tới một nhận định kinh người: "Không chỉ giám đốc tài chính của FIFA nắm được việc này, mà trong số những người biết chuyện, có lẽ cả P1 cũng biết". Gần như ngay lập tức, giới truyền thông quốc tế đã khẳng định nhân vật có bí danh P1 này chính là Sepp Blatter.
Chính Sepp Blatter sau đó đã khiến dư luận kinh ngạc khi thừa nhận là nhân vật P1 tham gia vụ bê bối tham nhũng của Joao Havelange. Nhưng ngay cả sau quyết định từ chức của Havelange, Chủ tịch FIFA vẫn tuyên bố báo cáo điều tra cuối cùng đã giải tỏa nghi ngờ về sự dính líu của ông. Blatter nói, ông không hề nghĩ rằng khoản tiền lót tay 1 triệu bảng mà Havelange nhận từ ISL thông qua FIFA là hành vi hối lộ.
Chủ tịch Ủy ban đạo đức của FIFA, Hans-Joachim Eckert, nói hành vi của Sepp Blatter là tương đối vụng về, chứ không phải là tội ác và không phạm luật vì bao che cho quan chức tham nhũng. Đương kim Chủ tịch FIFA ngay lập tức bám lấy nhận xét này để biện hộ sự vô tội.
Việc cố tình lờ đi những khoản tiền bẩn khiến Sepp Blatter đang đối diện với những lời kêu gọi từ chức. Cố vấn thể thao Sylvia Schenk thuộc Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) cho rằng, rất khó để tin tưởng một vị chủ tịch FIFA đã cố tình che giấu hành vi tham nhũng của các "đồng đội". Bà khẳng định Sepp Blatter cần từ chức vì công lý và đạo đức. Lời bào chữa "tiêu chuẩn của hôm nay" cho thấy Blatter cần phải rút khỏi FIFA để tổ chức này trở nên trong sạch hơn. "Các tiêu chuẩn ngày nay đã tồn tại khi các hành vi phạm pháp đó xảy ra. Chỉ có điều FIFA của Sepp Blatter đã cố tình lờ đi mọi việc".
Hơn nữa, trong thời gian qua hàng loạt vụ tham nhũng cũng nổ ra ở FIFA, điển hình là các vụ mua bán phiếu chọn quyền đăng cai World Cup. Tất cả đều diễn ra dưới thời Sepp Blatter, khiến nhiều thành viên ủy ban điều hành FIFA ngậm ngùi mất chức.
Suy cho cùng, Joao Havelange bị tước danh hiệu Chủ tịch danh dự của FIFA có thể xem như một sự thừa nhận rằng tổ chức điều hành bóng đá thế giới này đã thối rữa từ lâu khi lờ đi mọi bê bối. Một nguyên tắc bất di bất dịch khiến FIFA bỏ ngoài tai hầu hết những chuyện lùm xùm trong bóng đá ấy là: FIFA và thế giới bóng đá hoàn toàn độc lập với chính quyền các nước. Đối với FIFA, phán quyết của các phiên tòa hoặc các chính quyền đều vô nghĩa. Thậm chí, không có bất kỳ liên đoàn bóng đá nào được phép để cho tòa án hoặc chính quyền thò tay vào chuyện bóng đá.
Chuyện của FIFA chỉ do FIFA điều tra, xét xử và kết luận. Cách đây không lâu, khi cả thế giới xôn xao về những nghi án mua bán phiếu bầu trong giới điều hành chóp bu của FIFA, thì chuyện xét xử diễn ra vô cùng kỳ lạ. FIFA lập ra một ủy ban điều tra (mà theo nhiều quan chức thì đấy là những nhân vật do chủ tịch Sepp Blatter chỉ định). Ủy ban ấy triệu tập các nhân vật liên quan để hỏi, sau đó chính họ đưa ra kết luận, và công khai chấm dứt mọi sự tranh cãi hay nghi ngờ!
Dễ hiểu là FIFA không muốn rơi vào thế phải vạch áo cho người xem lưng và quan trọng hơn, phòng ngừa cảnh "rút dây động rừng". Không khó nhận ra Joao Havelange và Teixeira có lẽ chỉ là những kẻ nhận hối lộ nhiều nhất, nhưng không phải là duy nhất. Nếu nhà chức trách còn tiếp tục dấn sâu, không loại trừ khả năng họ sẽ phát hiện ra nhiều sự thật choáng váng hơn thế khi toàn bộ ban chấp hành FIFA rất có thể đều là những chuyên gia ăn hối lộ dày dặn kinh nghiệm che dấu…