Bí ẩn, Hỏa Lò…: Từ Maison Centrale đến “Khách sạn Vỡ tim”

Thứ Sáu, 16/05/2014, 14:15

Giờ đây, khách vào tham quan di tích nhà tù Hỏa Lò, ở hành lang phía trong kề với gốc bàng cổ thụ, sẽ được sờ tận tay những đoạn ống cống mà xưa, thời còn Maison Centrale, nó là đường cống ngầm, nơi những người tù cộng sản đã chọn làm con đường để đào thoát khỏi nhà tù đế quốc. Trong lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại Maison Centrale từ năm 1899 đến năm 1954 đã ghi nhận nhiều cuộc vượt ngục của những người cộng sản.
>> Bí ẩn, Hỏa Lò…: Từ làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương đến Maison Centrale

Nhưng chỉ có duy nhất một cuộc vượt ngục riêng lẻ. Đó là vào đêm 30 tết năm 1950: một người tù đã bí mật cạy 6 lần cửa sau đó dùng lưới bóng chuyền vắt qua tường giam nhảy xuống đường phố chạy thoát. Còn lại, tất cả các cuộc vượt ngục khác đều được tổ chức một cách chặt chẽ như một trận đánh, trận đánh đặc biệt của những người cộng sản để bảo toàn lực lượng.

Thăng thiên và độn thổ

Cuộc vượt ngục đầu tiên của những người tù cộng sản tại Maison Centrale được tổ chức vào tháng 12/1932 do "Anh cả Sao Đỏ"  Nguyễn Lương Bằng lãnh đạo. Kế hoạch vượt ngục được thống nhất, đó là các đồng chí phải bằng mọi cách để bọn giám ngục đưa ra nằm ở nhà thương Phủ Doãn rồi từ đây mới tìm cách vượt ra ngoài. "Anh cả Sao Đỏ" Nguyễn Lương Bằng đã có sáng kiến chỉ đạo các đồng chí được chọn phải tự tạo cho mình một căn bệnh nguy hiểm.

Thực hiện chỉ đạo này, 5 đồng chí đã thành công. Người thì "ho lao", người thì "suy tim cấp", người thì "loạn thần kinh"… khiến y tá nhà tù phải cấp giấy cho ra Nhà thương Phủ Doãn chữa bệnh.

Còn 2 đồng chí nữa, trong đó có "Anh cả Sao Đỏ" Nguyễn Lương Bằng thì vẫn phải ở lại Maison Centrale vì giám ngục nhất định không cho ra Nhà thương Phủ Doãn trị bệnh, dù cả hai người đều giả vờ ốm, nhịn ăn 5 ngày liền. Cuối cùng, hai đồng chí phải cắt cổ, giả tự tử, máu chảy thấm đỏ cả áo, giám ngục sợ quá vội sai y tá đưa cả hai lên xe bò, kéo ra cấp cứu ở Nhà thương Phủ Doãn.

Vậy là cuối cùng 7 đồng chí trong kế hoạch vượt ngục đã có mặt ở Nhà thương Phủ Doãn đúng vào thời gian như đã dự kiến. Đúng vào đêm Nô-en 24/12/1932, lợi dụng đường phố đông đúc, 7 đồng chí đã vượt qua mọi sự canh giữ cẩn mật của bọn lính gác ở nhà thương để thoát ra ngoài, hòa vào dòng người lúc đó đang tấp nập đi lễ nhà thờ.

Tiền bạc và giấy tờ tùy thân cho từng người đã được chuẩn bị đầy đủ. Theo đúng kế hoạch đã định trước, khi ra khỏi nhà thương, 7 đồng chí sẽ chia làm 2 tốp. Một tốp gồm 5 đồng chí thuê xe đi về phía Bạch Mai rồi tìm đường về Hà Nam. Hai đồng chí trong đó có "Anh cả Sao Đỏ" đi ra bến đò Tứ tổng tìm đường về Vĩnh Yên. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau đó cải trang thành người tá điền, về sống ở ấp Dọn (Hải Dương) cùng nhân dân làm ruộng rồi xây dựng cơ sở cách mạng, sau đó bắt liên lạc với Đảng.

Cuộc vượt ngục của 7 người tù cộng sản đêm Nô-en năm 1932 sau này được đánh giá là cuộc vượt ngục thành công đầu tiên ở Nhà tù Hỏa Lò.

Cuộc vượt ngục thành công tiếp theo là vào ngày 9/3/1945, vào đúng thời điểm phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp. Triệt để tranh thủ lúc tình hình còn rối ren, lính Nhật vào thay gác cho lính Pháp buổi đầu còn chưa có kinh nghiệm canh giữ, nhiều anh em tù chính trị đã thoát sang trại tù thường rồi kiếm quần áo, trà trộn vào những người đi thăm nuôi tiếp tế, đàng hoàng đi qua cổng chính Maison Centrale. Đồng chí Trần Đăng Ninh là một trong những người tù cộng sản vượt ngục thành công lần này. Sau khi rời khỏi Hỏa Lò, ông đã tìm về cơ sở để rồi ngày hôm sau về làng Vạn Phúc, bắt liên lạc với Đảng và nhận nhiệm vụ ngay.

Trong khi bọn cai ngục người Nhật còn lúng túng chưa kịp tìm ra biện pháp đối phó thì hai ngày sau đó, ngày 11/3/1945, các chiến sĩ cách mạng ở Maison Centrale lại tiếp tục tổ chức một cuộc vượt ngục nữa. Cuộc vượt ngục lần này có quy mô lớn hơn và đường thoát không phải là thăng thiên (lên giời) mà là độn thổ (xuống đất).

Cuộc vượt ngục lần này đã được kể lại trong cuốn sách "Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò (1899-1954)" như sau: "Trưa ngày 11/3/1945, bọn Nhật đưa hai người tù ở Sơn La về giam tạm trong trại J (trại giam trẻ em) đợi ngày cho ra. Trong lúc nhốn nháo, ba đồng chí Vân, Hòa, Cử đã lẻn vào theo để tìm chỗ trốn. Vào đây, các đồng chí nhìn thấy một nắp cống, liền bàn với nhau: có thể trốn lối này được. Ba đồng chí tìm cách bẩy nắp cống lên và đồng chí Hòa, Cử chui xuống thăm dò, đồng chí Vân đậy nắp lại và canh phòng. Độ 30 phút sau, hai đồng chí trở lên cho biết là đi được. Các đồng chí khẩn trương báo tin này cho đồng chí Trần Tử Bình để bàn tính kế hoạch cụ thể. Đồng chí Trần Tử Bình cũng xác định rằng, đường chui cống là tốt, có thể ra được nhưng đi đông quá dễ bị lộ, nên số người đi đợt đầu chỉ chọn khoảng 30 người, trong đó có các đồng chí bị án nặng…".

Theo đúng kế hoạch đã được vạch sẵn, đợi cho trời tối hẳn, bóng đêm trùm xuống toàn khu trại, khoảng 19 giờ 30 phút tối 11/3/1945, đồng chí Trần Tử Bình hạ lệnh mở nắp cống. Cuộc vượt ngục tập thể với quy mô lớn của các chiến sĩ yêu nước ở nhà tù Hỏa Lò bắt đầu. Và chỉ 2 ngày sau, tất cả đều đã bắt liên lạc được với Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng, tỏa về các địa phương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Cũng bằng đường cống ngầm, 6 năm sau cuộc vượt ngục với quy mô táo bạo nói trên, vào đêm Thiên Chúa Giáng sinh 24/12/1951, chi bộ nhà tù đã tổ chức một cuộc vượt ngục gây chấn động dư luận, không chỉ ở trong nước mà cả ở nước Pháp. 17 người tù mang án tử hình (trong đó chỉ có duy nhất 1 tù hình sự người nước ngoài phạm tội giết người) đang chờ ngày ra pháp trường đã đào thoát khỏi Maison Centrale bằng đường cống ngầm từ trong trại.

Những ống cống này, hiện giờ đang được trưng bày trong khu di tích nhà tù Hỏa Lò, như một chứng tích cho một cuộc vượt khỏi ngục tù đế quốc gây chấn động dư luận của những người tù cộng sản. Do các điều kiện khách quan, cuối cùng chỉ có 5 trong số 17 người trốn thoát nhưng cuộc vượt ngục này là minh chứng sống động về lòng yêu nước, trí thông minh, sáng tạo, tinh thần tổ chức cao của các chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh vô cùng hiểm nghèo, dưới mũi súng kẻ thù.

Khách sạn Vỡ tim

"Khách sạn Vỡ tim"  là tên gọi mà những tù binh phi công Mỹ đặt cho Nhà tù Hỏa Lò. Một cách gọi hài hước và chua chát theo ý tưởng của bài hát "Heartbreak Hotel" của Vua nhạc rock and roll nổi tiếng người Mỹ.

Số là từ tháng 10/1954, sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Maison Centrale lúc này được gọi tên là "Nhà tù Hỏa Lò" được Nhà nước ta sử dụng để giam giữ những người vi phạm pháp luật.

Nhưng bắt đầu từ ngày 5/8/1964, nơi đây còn được dùng để giam giữ tù binh Mỹ là những phi công Mỹ lái máy bay ném bom giội lửa xuống miền Bắc và bị quân dân ta bắn rơi. Những phi công này là những chiến binh vì những lý do khác nhau đã tham gia vào cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Chính phủ Mỹ đối với miền Bắc Việt Nam từ đầu tháng 8/1964 đến giữa tháng 1/1973.

Đây chỉ là một trong những lời khai, nói đúng hơn là lời thú tội của Trung tá hoa tiêu B52 Bernasconi Luis Henry, tù binh Mỹ khi bị bắt: "Người ta dạy chúng tôi rằng B52 là để chuyên ném bom những mục tiêu cực lớn, những khu liên hợp quân sự rộng hàng chục dặm vuông. Mục tiêu loại này ở Việt Nam không hề có. Tôi hiểu rằng, dùng B52 ném bom những vùng đông dân chính là để sát thương thật nhiều nhân dân làm mục đích gây sức ép.

Và họ, những người hùng thất thế của nước Mỹ tân kỳ, với tất cả sự thất vọng, với tất cả sự cay đắng đã gọi Hỏa Lò là "Khách sạn Vỡ tim" hay cố neo giữ một chút hài hước khi mượn tên hệ thống khách sạn nổi tiếng thế giới Hilton để gọi Hỏa Lò là "Ha Noi Hilton".

Bây giờ, tại khu di tích nhà tù Hỏa Lò, có hai phòng trưng bày riêng trên tầng 2. Ở đây là một số hình ảnh, hiện vật thể hiện được phần nào cuộc sống của những tù binh phi công Mỹ trong thời gian họ sống tại "Khách sạn Vỡ tim" này. Từ quần áo, chăn màn, bát đũa đến những những bức tranh họ vẽ trong tù. Những bức hình chụp cảnh sinh hoạt đời thường của họ - từ ăn uống, chơi thể thao, đọc sách đến những khoảnh khắc đầy xúc động khi đọc thư nhà - của mẹ, của vợ, của người yêu. Trong số những vị khách bất đắc dĩ của "Khách sạn Vỡ tim", chỉ có hai người là đã có vợ con, còn lại tuổi trung bình mới chỉ 32.

Trao trả tù binh phi công Mỹ tháng 3/1973 tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. (Ảnh tư liệu).

Cựu tù binh phi công Mỹ của "Khách sạn Vỡ tim", sau này sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh được ký kết tháng 3 năm 1973, đã được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Mỹ. Và, nhiều người trong số họ, trở thành người nổi tiếng ở Mỹ.

Thiếu tá hải quân John Mc Cain, người điều khiển máy bay A4E bắn phá Nhà máy điện Yên Phụ bị quân dân Hà Nội bắn rơi và bắt tại hồ Trúc Bạch ngày 26/7/1967, sau này khi được trao trả về nước đã tham gia chính trường, trở thành Thượng nghị sĩ bang Arizona, ứng cử viên đảng Cộng hòa, tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ  tháng 11/2008. Bộ đồ bay của viên thiếu tá này sử dụng khi điều khiển chiếc máy bay bị bắn rơi tại hồ Trúc Bạch hiện vẫn còn đang được trưng bày tại Khu di tích nhà tù Hỏa Lò.

Ông này về sau cũng đã trở lại “Khách sạn Vỡ tim”, vào đúng căn phòng, nơi mình đã từng ngồi "bóc lịch" năm xưa và theo hồi ức của Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc, cán bộ Công an TP Hà Nội, cựu giám thị Trại giam Hỏa Lò, thì trong chuyến thăm lại Hỏa Lò đó, "ông ta có vẻ hài lòng lắm nên lúc chia tay cứ luôn miệng "thank you very much" chúng tôi mãi".

Đại úy không quân Douglas B.Peterson, người điều khiển máy bay F4C bị quân dân miền Bắc bắn rơi và bị bắt tại Nam Sách, Hải Dương ngày 10/4/1966, sau này trở về nước cũng đã tham gia chính trường  để rồi 29 năm sau, năm 1995 cựu tù binh của "Khách sạn Vỡ tim" đã quay trở lại Hà Nội với vai trò là Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam.

Cũng trở lại thăm "Khách sạn Vỡ tim" sau khi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam nhưng cựu trung úy không quân Everett Alvarez, viên phi công từng điều khiển máy bay A4D bị quân dân miền Bắc bắn rơi tại  Bãi Cháy (Quảng Ninh) ngày 5/8/1964, không với vai trò là nhân vật nổi tiếng trên chính trường Mỹ như B. Peterson hay John Mc.Cain mà với vai trò là một… diễn viên. Viên trung úy không quân Mỹ này là phi công Mỹ đầu tiên bị giam ở đây. Everett Alvarez cũng là viên phi công Mỹ đầu tiên bị bắt tại miền Bắc Việt Nam và bức hình ông ta vào thời điểm ấy do phóng viên vùng mỏ Công Vượng chụp đã được truyền đi khắp thế giới. Khi ấy Everett Alvarez mới 26 tuổi và vừa mới làm lễ kết hôn được 6 tháng.

Năm 1993, cựu trung úy không quân Mỹ Everett Alvarez, trở lại Trại giam Hỏa Lò, lúc này đã trở thành nơi giam giữ những người phạm pháp hình sự trên địa bàn Hà Nội, với đoàn làm phim Mỹ. Cùng với Everett Alvarez còn có 5 cựu tù binh Mỹ từng bị bóc lịch tại Nhà tù Hỏa Lò. Tất cả họ đều xuất hiện trong bộ phim tài liệu Mỹ với tựa đề "Tết, Việt Nam hòa giải".

Trọn một ngày tại Trại giam Hỏa Lò, đoàn làm phim Mỹ đã thực hiện những cảnh quay về những cựu tù binh phi công Mỹ tại những căn phòng nơi họ đã bị giam ngày xưa. Nghe nói, sau năm 1993, khi biết một phần lớn Hỏa Lò đã bị phá bỏ để xây Trung tâm thương mại Ha Noi Tower, một cựu tù binh Mỹ đã tiếc rẻ thốt lên rằng, nếu biết trước, ông sẽ đầu tư để Hỏa Lò được giữ nguyên và biến thành một khu du lịch…

Đ.H.
.
.